Phát triển đô thị tỉnh Quảng Ninh theo hướng bền vững, xanh, thông minh
Phát triển đô thị tỉnh Quảng Ninh theo hướng bền vững, xanh, thông minh
Phát triển đô thị tỉnh Quảng Ninh: Theo hướng đô thị bền vững, xanh, thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu – tích hợp đồng bộ trong quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Từ năm 2012, tỉnh Quảng Ninh đã chủ trương, xác định công tác lập quy hoạch, chiến lược quan trọng là định hướng phát triển đồng bộ, bền vững; tỉnh đã tập trung chỉ đạo, chủ động đề xuất cơ chế và báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép thuê tư vấn nước ngoài lập các quy hoạch quan trọng, thông qua kinh nghiệm của các đơn vị tư vấn nước ngoài hàng đầu thế giới để nâng cao chất lượng quy hoạch, tạo tiền đề hấp dẫn và đột phá trong thu hút các nguồn lực đầu tư, nhất là của các nhà đầu tư chiến lược; ưu tiên nguồn lực cho công tác xây dựng quy hoạch, chiến lược và là tỉnh đầu tiên hoàn thành đồng thời 7 quy hoạch chiến lược quan trọng. Trong đó, ngành xây dựng được giao chủ trì thực hiện đồ án Quy hoạch Vùng tỉnh Quảng Ninh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, do đơn vị tư vấn Nikken Sekkei – Nhật Bản, là một trong những tư vấn hàng đầu quốc tế và khu vực về lĩnh vực quy hoạch, kiến trúc, xây dựng… thực hiện.
Theo đó, Quy hoạch vùng tỉnh xác định mục tiêu đến năm 2030, tỉnh Quảng Ninh trở thành một tỉnh dịch vụ, công nghiệp hiện đại, trung tâm du lịch quốc tế, là một trong những đầu tầu kinh tế của miền Bắc và cả nước với hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội, hạ tầng kỹ thuật đô thị đồng bộ, hiện đại; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, đảm bảo môi trường bền vững; tầm nhìn đến năm 2050, trở thành vùng đô thị phát triển bền vững, đáp ứng các tiêu chí của đô thị loại I, thành phố (TP) trực thuộc Trung ương với các đặc trưng: Là vùng đô thị phát triển hiện đại, bền vững, văn minh và có bản sắc; vùng đô thị xanh, đô thị sinh thái phong phú và thân thiện với môi trường; an toàn và ứng phó hiệu quả với thiên tai và các tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH); là vùng đô thị cơ sở kinh tế vững chắc, có sức cạnh tranh cao, đảm bảo tốt an sinh và chất lượng cuộc sống; phát triển gắn kết giữa đô thị và nông thôn, đảm bảo sự phát triển hài hòa giữa các khu vực. Trên cơ sở đó, quy hoạch đã định hướng phát triển các ngành, lĩnh vực bảo đảm phát hài hòa giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường như: “(i) Từng bước di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp ô nhiễm môi trường ra ngoài đô thị; (ii) Dừng việc mở rộng nâng công suất các nhà máy xi măng hiện có; di chuyển vị trí các nhà máy dự kiến xây dựng theo quy hoạch (đối với các nhà máy xi măng nằm trong khu vực đô thị, ven vịnh Cửa Lục, vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long có ảnh hưởng đến môi trường đô thị, môi trường vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long); (iii) Đánh giá lại các nhà máy điện và di chuyển các nhà máy nhiệt điện ra ngoài đô thị giai đoạn sau 2030; (iv) Chuyển dần từ khai thác than lộ thiên sang khai thác hầm lò theo đúng lộ trình trong quy hoạch đã được duyệt; áp dụng các hình thức vận chuyển than từ mỏ đến nơi chế biến, tiêu thụ đảm bảo không ảnh hưởng đến cảnh quan, môi trường; phân vùng không gian khai thác và vùng phát triển dân cư, đô thị và du lịch, đồng thời bố trí các vùng đệm cây xanh quy mô lớn tại các khu vực giữa khai trường và đô thị; sớm hoàn nguyên các mỏ than không còn hoạt động khai thác và chuyển đổi mục đích sử dụng thành các khu công viên cây xanh, các khu chức năng phục vụ đô thị… phù hợp với sự phát triển của du lịch và dịch vụ; (v) Định hướng phát triển hệ thống các công trình hạ tầng kỹ thuật khung, cấp nước, thoát nước, nghĩa trang, chất thải rắn…”.
Thực hiện Luật Quy hoạch năm 2017, tỉnh Quảng Ninh đã triển khai lập Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên cơ sở kế thừa tư vấn, kinh nghiệm, kết quả thực hiện Quy hoạch vùng tỉnh giai đoạn trước, đến nay Quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 80QĐ-TTg ngày 11/2/2023, cụ thể: Về việc triển khai lập quy hoạch tỉnh:
Tư vấn lập quy hoạch: Công ty TNHH McKinsey & Company Việt Nam – đơn vị tư vấn hàng đầu thế giới đã chủ trì, phối hợp với đơn vị tư vấn, triển khai các đồ án quy hoạch chiến lược của tỉnh trong thời kỳ trước tiếp tục triển khai các hợp phần trong quy hoạch tỉnh (Nikken Sekkei, Nhật Bản; Viện Chiến lược – Bộ Kế hoạch và Đầu tư…).
Tổ chức lập quy hoạch: Tỉnh Quảng Ninh đã thành lập Ban Chỉ đạo công tác lập Quy hoạch (đứng đầu là Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy giữ vai trò chỉ đạo tổng thể, đưa ra những định hướng lớn, những yêu cầu tạo đột phá trong phát triển của tỉnh), Hội đồng quy hoạch tỉnh (đứng đầu là Đồng chí Chủ tịch UBND cùng với sự tham gia của các chuyên gia hàng đầu trong các lĩnh vực); thành lập 03 tổ nghiên cứu các địa phương giáp ranh; Sở Kế hoạch và Đầu tư cùng thủ trưởng các sở, ban, ngành, lãnh đạo địa phương quan trọng thuộc tỉnh là cơ quan tổ chức lập quy hoạch.
Ðịnh hướng quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021 – 2030
Về quan điểm: Kiên trì thực hiện mô hình tổ chức không gian phát triển “Một tâm, hai tuyến đa chiều, hai mũi đột phá, ba vùng động lực ”, kiến tạo các hành lang giao thông gắn với các hành lang kinh tế, hành lang đô thị, hướng tới xây dựng TP trực thuộc Trung ương và thúc đẩy liên kết nội vùng, liên kết vùng, phân công và hợp tác lãnh thổ, bảo đảm các tiềm năng, thế mạnh, lợi thế so sánh, lợi thế cạnh tranh từng địa phương của tỉnh trong tam giác động lực phía Bắc – Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, Vùng đồng bằng sông Hồng được phát huy tối đa, bổ sung cho nhau, cùng phát triển bền vững.
Về mục tiêu: Xây dựng, phát triển Quảng Ninh là một tỉnh tiêu biểu của cả nước về mọi mặt; tỉnh kiểu mẫu giàu đẹp, văn minh, hiện đại, nâng cao đời sống mọi mặt của nhân dân; cực tăng trưởng của khu vực phía Bắc; một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện; trung tâm du lịch quốc tế, trung tâm kinh tế biển, cửa ngõ của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước; đô thị phát triển bền vững theo mô hình tăng trưởng xanh, thích ứng với BĐKH và nước biển dâng; là khu vực phòng thủ tỉnh vững chắc về quốc phòng – an ninh và phòng tuyến hợp tác, cạnh tranh kinh tế quốc tế.
Về hệ thống đô thị: Đến năm 2030, tỉnh Quảng Ninh có 12 đơn vị hành chính với 13 đô thị; dân số toàn tỉnh khoảng 2,64 triệu người (dân số thường trú khoảng 1,63 triệu người), tỷ lệ đô thị hóa trên 75%; Quảng Ninh trở thành TP trực thuộc trung ương trên cơ sở hình thành khu vực nội thành bao gồm 07 TP (Hạ Long, Cẩm Phả,Uông Bí, Móng Cái – Hải Hà, Đông Triều, Quảng Yên, Vân Đồn) và tái lập thị xã Tiên Yên. Trên cơ sở đó, hình thành 03 vùng liên huyện, bao gồm:
Vùng liên huyện Hạ Long gồm: TP Hạ Long, thị xã Quảng Yên, TP Uông Bí, thị xã Đông Triều, TP Cẩm Phả – Trong đó TP Hạ Long là trung tâm vùng, thị xã Quảng Yên gắn với khu kinh tế ven biển Quảng Yên là động lực tăng trưởng mới, quy mô dân số khoảng 1,9 triệu người; diện tích khoảng 3.028 km2 – Đây là trung tâm động lực tổng hợp đa ngành của tỉnh Quảng Ninh, với ngành kinh tế trọng tâm là du lịch, dịch vụ, công nghiệp chế biến chế tạo, công nghệ cao, công nghiệp khai khoáng, cảng biển, các ngành năng lượng sạch…;
Vùng liên huyện Vân Đồn gồm: Huyện Vân Đồn, huyện Cô Tô, huyện Tiên Yên, huyện Ba Chẽ – Trong đó, khu vực đô thị trung tâm huyện Vân Đồn là trung tâm vùng, quy mô dân số khoảng 323,5 nghìn người; diện tích khoảng 4.145km2 – Đây là vùng kinh tế du lịch, công nghiệp sạch và công nghệ cao, logistics, nông lâm ngư nghiệp, trong đó. Vân Đồn là khu kinh tế ven biển, mũi đột phá, trung tâm phát triển và tăng cường kết nối đến các vùng miền núi phía Bắc và vùng biển đảo phía Nam, là một cửa ngõ mới ra biển của vùng miền núi phía Đông Bắc;
Vùng liên huyện Móng Cái gồm: TP Móng Cái, huyện Hải Hà, huyện Đầm Hà, huyện Bình Liêu – Trong đó, TP Móng Cái gắn với Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái là mũi đột phá, trung tâm vùng, quy mô dân số khoảng 418,9 nghìn người, diện tích khoảng 2.671km2 – Đây là vùng trọng điểm phát triển kinh tế cửa khẩu, du lịch biên giới, cửa ngõ của ASEAN với các nước Đông Bắc Á với hạ tầng đường cao tốc, cảng biển quy mô lớn Hải Hà, Vạn Ninh…
Ðịnh hướng phát triển theo hướng đô thị bền vững, đô thị xanh
Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh lựa chọn “Tăng trưởng bền vững” là phương án phát triển của tỉnh trong thời kỳ tới. Đây là một lựa chọn hài hòa, mang lại mức tăng trưởng vừa nhanh vừa bền vững (GRDP tăng trung bình 10%/năm), với các định hướng thân thiện môi trường, tạo nền tảng xã hội vững chắc, không đánh đổi các giá trị môi trường, xã hội dài hạn để lấy lợi ích kinh tế ngắn hạn. Như vậy, với phương án lựa chọn, tỉnh Quảng Ninh không chỉ duy trì tăng trưởng trong những lĩnh vực nền tảng hiện có mà mở rộng đầu tư mạnh mẽ theo hướng xanh hóa, tăng năng suất, dịch chuyển sang các ngành công nghiệp công nghệ cao, giá trị cao và bền vững. Lần đầu tiên ngành khai khoáng (khai thác than vốn chiếm 19% GRDP của tỉnh năm 2020) sẽ không còn được định hướng là ngành kinh tế chủ đạo của tỉnh. Theo đó, trụ cột phát triển kinh tế của tỉnh Quảng Ninh trong thời kỳ tới sẽ dựa trên các ngành: Chế biến, chế tạo ứng dụng công nghệ cao; sản xuất năng lượng sạch; du lịch bền vững, đẳng cấp; khai khoáng thân thiện hơn với môi trường; dịch vụ vận tải, logistics, dịch vụ cảng biển, thương mại, tài chính, bảo hiểm phát triển hiện đại; phát triển nông lâm nghiệp và thủy hải sản tập trung, quy mô lớn, hiện đại hóa; các ngành kinh tể biển, phát triển đồng bộ, tương hỗ lẫn nhau.
Về phát triển đô thị, tỉnh Quảng Ninh đề xuất mô hình TP trực thuộc Trung ương theo định hướng mô hình riêng, hiện nay chưa được quy định cụ thể trong các văn bản pháp luật hiện hành. Trong đó, sẽ không hình thành các quận mà hình thành các vùng nội thị bao gồm các TP trong TP, được liên kết với nhau bằng hệ thống hạ tầng kỹ thuật tiên tiến như hệ thống giao thông công cộng đô thị, hạ tầng kỹ thuật thông tin truyền thông…, hình thành các đô thị tập trung với chất lượng hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật tương đương quận, đô thị loại I, vành đai là vùng nông thôn, không gian rừng núi, cây xanh, mặt biển… vùng đa dạng sinh thái.
Cùng với phát triển hệ thống đô thị, quy hoạch tỉnh đã xác định các không gian, vùng bảo vệ nghiêm ngặt, vùng hạn chế phát thải, vùng đất ngập nước quan trọng, các khu vực cảnh quan sinh thái, đa dạng sinh học, khu bảo tồn thiên nhiên, làm cơ sở để triển khai các quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án để tôn tạo, phát huy giá trị của từng vùng; không gian rừng núi chiếm khoảng 80% – Đây là khu vực vùng cao, không gian còn lưu giữ văn hóa bản địa, tài nguyên thiên nhiên phong phú, là nơi có thể tạo ra các sản phẩm du lịch đặc sắc, gắn kết giữa du lịch biển với du lịch vùng cao, biên giới rừng núi. Thông qua việc sớm đầu tư các tuyến đường, giao thông kết nối liên vùng, liên tỉnh sẽ được đánh thức, hình thành nên những trung tâm du lịch, trung tâm văn hóa của vùng cao để khai thác lợi thế vùng cao và các tỉnh lân cận.
Hệ thống hạ tầng được quy hoạch triển khai đồng bộ, trong đó tập trung đầu tư hệ thống giao thông kết nối, hệ thống các công trình cấp nước, thoát nước, cây xanh, vệ sinh môi trường để từng bước nâng cao chất lượng đời sống nhân dân và du khách.
Giao thông: Định hướng quy hoạch tỉnh có những điểm mới như:
(i) Về giao thông đối ngoại: Tăng cường hệ thống giao thông để tăng cường liên kết vùng (gồm: Hải Phòng, Hải Dương, Bắc Giang) tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội; quy hoạch, xây dựng mới tuyến đường bộ cao tốc Lạng Sơn – Tiên Yên; phát triển cao tốc Nội Bài – Bắc Ninh – Hạ Long; tuyến đường sắt ven biển Nam Định – Thái Bình – Hải Phòng – Quảng Ninh (đoạn Nam Hải Phòng – Hạ Long); tuyến đường sắt tốc độ cao Hà Nội – Quảng Ninh – Đông Hưng (Trung Quốc) để phục vụ vận chuyển hành khách; tuyến đường sắt đô thị kết nối chuỗi đô thị Đông Triều – Uông Bí – Quảng Yên – Hạ Long – Cẩm Phả – Vân Đồn; cụ thể hóa các cảng biển đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch (gồm: Khu bến Cái Lân, khu bến Cẩm Phả, khu bến Yên Hưng – Quảng Yên, khu bến Hải Hà, bến cảng Mũi Chùa, bến cảng Vân Đồn – Đông Bắc đảo Cái Bầu, bến cảng Vạn Hoa, Bến cảng Vạn Ninh – Vạn Gia, bến cảng huyện đảo Cô Tô) – Quy hoạch tỉnh đã cụ thể hóa cảng Hòn Nét – Con Ong và các bến cảng khu vực Quảng Yên; phát triển mạng lưới đường thủy nội địa, tạo thành mạng lưới giao thông đường thủy nội địa hoàn chỉnh, liên thông trên toàn tỉnh; chú trọng phát triển hệ thống hạ tầng logistics để ưu tiên đầu tư phát huy hiệu quả các loại hình giao thông vận tải.
(ii) Bên cạnh các tuyến giao thông đối ngoại nêu trên, quy hoạch tỉnh đã quy hoạch hệ thống đường tỉnh kết nối rõ nét giữa các địa phương trong tỉnh, kết nối với hệ thống cao tốc, trong đó quy hoạch một số tuyến đường tỉnh mang tính đột phá là:
Kéo dài Đường tỉnh 330B sang KKT Vân Đồn để thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội đối với huyện Ba Chẽ;
Đầu tư xây dựng mới Đường tỉnh 327B kết nối với Đường tỉnh 291 tỉnh Bắc Giang để thúc đẩy phát triển chuỗi du lịch Tây Yên Tử với Hạ Long;
Kéo dài Đường tỉnh 342 đến trung tâm Bình Liêu để tạo thêm 1 trục giao thông kết nối trung tâm Bình Liêu với QL.4B sau đó kết nối với cao tốc Lạng Sơn – Tiên Yên tiếp đến là kết nối với trung tâm TP Hạ Long;
Kéo dài Đường tỉnh 327 kết nối sang Hải Dương;
Kéo dài Đường tỉnh 338 để định hướng kết nối Quảng Yên, Uông Bí với cao tốc Nội Bài – Hạ Long;
Quy hoạch mới Đường tỉnh 340 để tạo thêm kết nối Bình Liêu với cao tốc Vân Đồn – Móng Cái tiếp đến là kết nối với KCN cảng biển Hải Hà;
Quy hoạch mới Đường tỉnh 343 để tạo thêm kết nối Ba Chẽ với Hạ Long;
Quy hoạch mới Đường tỉnh 344 để phát triển vùng khó khăn kẹp giữa QL.18 và vùng vành đai biên giới.
Không gian xanh: Các đô thị lớn như Hạ Long, Cẩm Phả, Móng Cái, Uông Bí… đã triển khai xây dựng các không gian công cộng kết hợp cải tạo giao thông đô thị, vỉa hè, cây xanh tạo nên các không gian cảnh quan sáng – xanh – sạch – đẹp – an toàn, góp phần nâng cao chất lượng sống của nhân dân và khách du lịch trong và ngoài nước (cụ thể như: Công viên hoa Hạ Long; Quảng trường 30/10; Dự án mở rộng đường bao biển Trần Quốc Nghiễn; Cải tạo tuyến đường Nguyễn Văn Cừ – Tuyến đường bao biển nối TP Hạ Long với TP Cẩm Phả; Đường Hoàng Quốc Việt, đường bao biển Bãi Cháy TP Hạ Long; Dự án cải tạo tuyến đường trung tâm TP Cẩm Phả; cải tạo chỉnh trang đô thị các tuyến giao thông TP Móng Cái…). Tiếp tục dành quỹ đất hợp lý để phát triển không gian xanh đô thị, phấn đấu tiêu chuẩn cây xanh toàn đô thị vượt chuẩn theo tiêu chí phân loại đô thị; quy hoạch, xây dựng, phát triển các công viên cây xanh cấp đô thị và khu vực hiện đại, đa mục tiêu; mở rộng không gian phát triển đô thị của TP Hạ Long, lấy vịnh Cửa Lục làm trung tâm; sớm hoàn thiện di dời các cơ sở có nguy cơ ô nhiễm ra khỏi khu vực ven vùng vịnh, khu đô thị; đẩy nhanh lộ trình chấm dứt khai thác than bằng phương pháp lộ thiên, để hoàn nguyên, phủ xanh, hình thành không gian xanh làm vùng đệm cho đô thị và có thể phát triển thành các không gian công cộng đô thị (công viên rừng, công trình thể thao văn hóa…), góp phần thúc đẩy phát triển du lịch, dịch vụ, phát triển hạ tầng giao thông đô thị, hạ tầng thể dục thể thao và chất lượng sống của nhân dân.
Cấp nước: Duy trì, cải tạo mở rộng hệ thống cấp nước hiện có; đầu tư xây dựng đồng bộ các công trình hồ, đập đảm bảo an ninh nguồn nước nội tỉnh kết hợp quy hoạch xây dựng các công trình, mở rộng mạng phủ cấp nước đô thị phấn đấu tỷ lệ cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung đạt 100%; đầu tư xây dựng, nâng cấp, mở rộng các hệ thống công trình cấp nước sạch nông thôn trên địa bàn tỉnh, phấn đấu đến năm tất cả các khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh có hệ thống cấp nước tập trung đảm bảo về lưu lượng, chất lượng để phục vụ nhu cầu dân sinh và các hoạt động sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế – xã hội;
Thoát nước, xử lý nước thải: Hạn chế tối đa việc lấn biển, lấn mặt nước, sông hồ để phát triển đô thị. Nâng cao tiêu chuẩn tính toán hệ thống tiêu thoát nước phù hợp với kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng, đầu tư xây dựng các công trình đê bao, công trình tiêu úng kết hợp nạo vét, duy tu hệ thống thoát nước hiện có; đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước nửa riêng để thu gom, xử lý triệt để nước thải đô thị hiện hữu; các đô thị mới phải xây dựng đồng bộ hệ thống thu gom, xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn môi trường trước khi thoát ra hệ thống thoát nước chung; các điểm dân cư nông thôn định hướng phát triển hệ thống thu gom, xử lý nước thải phân tán, quy mô nhỏ để xử lý cho từng điểm dân cư nông thôn;
Quản lý chất thải rắn: Triển khai nhân rộng mô hình phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn, chất thải rắn sinh hoạt được phân loại thành các nhóm để thu gom, xử lý theo phương pháp phù hợp; chất thải rắn xây dựng được phân loại tái sử dụng tuần hoàn trong các công trình xây dựng, đối với các loại không tái sử dụng được đưa về các khu xử lý chung; định hướng mỗi địa phương phải quy hoạch xây dựng hoặc dự trữ 01 khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt đảm bảo tỷ lệ thu gom và xử lý tại các đô thị và xã đảo có hoạt động du lịch, dịch vụ đạt trên 99%; áp dụng mô hình hệ sinh thái xử lý chất thải khép kín, công nghệ tiên tiến, phù hợp với điều kiện thực tế để giảm tỷ lệ chất thải rắn bằng phương pháp chôn lấp, tăng tỷ lệ xử lý bằng phương pháp đốt có thu hồi nhiệt phục vụ sản xuất, tái chế chất thải, tái sử dụng chất thải làm nguyên liệu đầu vào cho các hoạt động sản xuất (đồng xử lý chất thải sinh hoạt làm nguyên liệu đầu vào sản xuất xi măng, đốt rác phát điện…) với mục tiêu thúc đẩy kinh tế tuần hoàn.
Xây dựng nông thôn mới, có lối sống hòa hợp với môi trường và thiên nhiên theo các tiêu chuẩn sống tốt, bảo vệ và phát triển cảnh quan và môi trường xanh, sạch, đẹp, văn minh phấn đấu đến năm 2030 tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao đạt 65%, nông thôn mới kiểu mẫu đạt 35%.
Kết quả phát triển đô thị xanh, bền vững tỉnh Quảng Ninh được đo lường thông qua qua bộ “Chỉ số quản trị hiệu quả phát triển bền vững 5×5” do McKinsey phát triển riêng cho tỉnh Quảng Ninh. Bộ chỉ số trải đều trên 5 lĩnh vực, mỗi lĩnh vực gồm 5 chỉ số chính, bao hàm các chỉ số để phục vụ việc thực hiện (bao gồm: Tài nguyên bền vững; Môi trường bền vững; Xã hội bền vững; Hạ tầng bền vững; Kinh tế bền vững).
Định hướng phát triển đô thị thông minh
Mục tiêu đến năm 2030, Quảng Ninh thuộc nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số toàn diện – Trong đó, chính quyền số dẫn dắt và tạo không gian phát triển cho kinh tế số, xã hội số; kinh tế số giữ vai trò chủ đạo trong thúc đẩy phát triển và tạo ra các giá trị mới (tỷ trọng kinh tế số khu vực đô thị đạt 30%); xã hội số dựa trên ba trụ cột thiên nhiên – văn hóa – con người, tạo đột phá về hạ tầng số đảm bảo liên thông, đồng bộ, hiện đại; tạo lập niềm tin số, xây dựng môi trường mạng văn minh, lành mạnh.
Tỉnh Quảng Ninh tập trung phát triển nền tảng chuyển đổi số như: Tạo dựng hạ tầng số dùng chung tỉnh Quảng Ninh với trọng tâm phát triển Trung tâm tích hợp dữ liệu của tỉnh trên nền tảng điện toán đám mây, hạ tầng mạng băng rộng và hạ tầng mạng IoT dùng chung toàn tỉnh; nền tảng định danh cá nhân và xác thực điện tử của người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; nền tảng thanh toán trực tuyến; triển khai các nền tảng công nghệ số dùng chung theo ngành, lĩnh vực và nền tảng số hóa đối với các cơ quan, đơn vị, địa phương trong toàn tỉnh. Xây dựng bốn đô thị thông minh: Hạ Long, Uông Bí, Cẩm Phả, Móng Cái; các khu kinh tế Vân Đồn, khu kinh tế ven biển Quảng Yên phát triển theo mô hình đô thị thông minh. Lựa chọn, thí điểm mô hình “huyện và làng/xã thông minh” và hướng đến nhân rộng ra toàn tỉnh.
Đẩy mạnh chuyển đổi số toàn diện, đồng bộ, liên thông, tổng thể, trọng tâm là phát triển mạnh kinh tế số tạo nền tảng thúc đẩy phát triển và tạo ra các giá trị tăng trưởng mới trong các ngành, lĩnh vực kinh tế – xã hội của tỉnh. Xây dựng tổng thể hệ thống dịch vụ nhằm phát triển nhanh kinh tế đô thị và các lĩnh vực dịch vụ công nghiệp, logistics, dịch vụ nông nghiệp, dịch vụ tài chính ngân hàng, bảo hiểm, y tế, giáo dục, giao thông vận tải… trên nền tảng ứng dụng chuyển đổi số thông minh. Phát triển kinh tế biển bền vững, đa ngành, đa lĩnh vực, năng suất, chất lượng và hiệu quả, có sức cạnh tranh cao; xây dựng Quảng Ninh trở thành một trong những trung tâm kinh tế biển, là cửa ngõ trung chuyển của khu vực Đông Nam Á, một động lực phát triển của Vùng và cả nước với hệ thống cảng biển nước sâu đồng bộ, hiện đại gắn với phát triển kinh tế chuỗi khu kinh tế, khu công nghiệp, đô thị biển – ven biển.
Xây dựng nếp sống văn minh đô thị, nông thôn gắn với phát triển kỹ năng số, công dân số, văn hóa số theo hướng phổ cập kỹ thuật số toàn diện để hình thành nên một xã hội số, rút ngắn khoảng cách giữa các vùng miền trong tỉnh.
Phát triển đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu
Tỉnh Quảng Ninh đã có những cải thiện đáng kể nhiều lĩnh vực như khai thác than, nuôi trồng thủy hải sản ven bờ, du lịch. Tuy nhiên, sự phát triển kinh tế mạnh mẽ của tỉnh đối diện với nguy cơ ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, việc cải tạo, thay đổi địa hình, địa mạo, cảnh quan môi trường đã làm tăng nguy cơ thiệt hại trước những diễn biến khó lường của thiên tai. Trước những yêu cầu về hội nhập quốc tế và thực hiện các chủ trương, đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước, tỉnh đã xác định và kiên trì định hướng phát triển đổi mới phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”.
Quy hoạch tỉnh đã tổng hợp phân vùng rủi ro đối với từng loại hình thiên tai (về mức độ, đối tượng, khu vực ảnh hưởng) và đưa ra những giải pháp phòng, chống thiên tai phù hợp với từng khu vực và từng loại hình thiên tai, xây dựng nguyên tắc và cơ chế phối hợp thực hiện biện pháp quản lý rủi ro thiên tai và lồng ghép vào các chương trình phát triển ngành, lĩnh vực vào trong phòng chống thiên tai và ứng phó với BĐKH, xây dựng phương án quản lý rủi ro thiên tai, thích ứng với BĐKH trên địa bàn tỉnh cũng như phương án phòng ngừa, ứng phó và phục hồi tái thiết, xây dựng phương án phòng, chống lũ của các tuyến sông có đê, phát triển hệ thống đê điều và kết cấu hạ tầng phòng, chống thiên tai. Tập trung một số nhiệm vụ giải pháp: Giữ vững tỷ lệ che phủ rừng 55%; đề xuất cao độ khống chế san nền cho các vùng theo kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng; cải tạo hạ tầng kỹ thuật các đô thị hiện hữu; củng cố hệ thống đê sông, đê biển, hồ chứa nước, các công trình phòng, chống thiên tai và thích ứng với BĐKH; nâng cao năng lực chống chịu với BĐKH của hệ thống cơ sở hạ tầng; thiết lập hệ thống giám sát và đánh giá các hoạt động thích ứng với BĐKH; xây dựng, cập nhật cơ sở dữ liệu phòng chống thiên tai trên địa bàn tỉnh; triển khai các phương án giảm nhẹ phát thải khí nhà kính: Kiểm kê khí nhà kính và thúc đẩy phát triển thị trường các-bon; thúc đẩy sử dụng tiết kiệm, hiệu quả năng lượng, phát triển và sử dụng năng lượng mới, năng lượng tái tạo; đẩy mạnh các hành động giảm nhẹ khí nhà kính và tăng cường các bể hấp thu khí nhà kính; có lộ trình thay thế các nhà máy nhiệt điện chạy bằng than và khí bằng năng lượng tái tạo, hướng tới phát thải ròng bằng không đến năm 2050; thực hiện các hành động phục hồi thiên nhiên: Khuyến khích sử dụng vật liệu xanh, xây dựng và phát triển hạ tầng xanh, công trình xanh, tiêu thụ năng lượng xanh tại đô thị…
Song song với việc triển khai lập quy hoạch tỉnh, tỉnh Quảng Ninh đã chỉ đạo triển khai lập đồng thời các Quy hoạch vùng liên huyện, Vùng huyện, Quy hoạch chung các khu kinh tế, Quy hoạch chung các thành phố, thị xã, thị trấn và Chương trình phát triển đô thị tỉnh, Chương trình phát triển đô thị các địa phương, làm cơ sở để quản lý và thu hút đầu tư.
Thay lời kết
Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021 – 2030 là đồ án quy hoạch đặc biệt quan trọng của tỉnh Quảng Ninh; trong đó đã kế thừa những nội dung còn giá trị của các quy hoạch thời kỳ trước và cụ thể hóa các quy hoạch tổng thể quốc gia, là cơ sở để triển khai các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh trong thời kỳ tới; Quy hoạch đã được rà soát tổng thể các mâu thuẫn, hạn chế của từng ngành, từng lĩnh vực, từng địa phương. Trên cơ sở đó tỉnh đã lựa chọn mô hình tăng trưởng, định hướng lại các ngành kinh tế quan trọng, từ đó điều chỉnh lại các vùng động lực phát triển một cách hiệu quả nhất, bao gồm: Quy hoạch định hướng mô hình phát triển đô thị, điểm dân cư nông thôn, vùng phát triển kinh tế – xã hội, khu kinh tế và các vùng cần bảo tồn… phù hợp với điều kiện thực tế và yêu cầu phát triển.
Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh được hoàn thành với sự chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, Hội đồng Quy hoạch tỉnh, các chuyên gia, sự tham gia của các Sở, ngành, địa phương, đặc biệt quá trình lập quy hoạch được sự tham gia của các Bộ, ngành trung ương, các chuyên gia với góc nhìn đa chiều, nghiên cứu vừa chuyên sâu, vừa trải rộng trên nhiều lĩnh vực, nhiều địa bàn trong và ngoài tỉnh. Sở Xây dựng Quảng Ninh đã phối hợp triển khai các hợp phần thuộc lĩnh vực quản lý ngành chiếm tỷ trọng lớn trong đồ án quy hoạch tỉnh như: Quy hoạch hệ thống đô thị, nông thôn; Phương án phát triển không gian và phân vùng chức năng; Quy hoạch hệ thống hạ tầng kỹ thuật chuyên ngành; định hướng phát triển đô thị theo hướng tăng trưởng xanh, thông minh, ứng phó BĐKH… đã góp phần thực hiện quy hoạch đồng bộ, hiệu quả, đảm bảo chất lượng. Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh đã định hướng tầm nhìn, mục tiêu, tạo nguồn lực phát triển mới cho tỉnh Quảng Ninh trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Mạnh Tuấn
Giám đốc Sở Xây dựng Quảng Ninh
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị