Nghệ An: Phối hợp triển khai 2 dự án xây dựng đường dây 500kV qua địa bàn
(Xây dựng) – Ngày 12/12, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức buổi làm việc với Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia và các đơn vị thành viên về tình hình chuẩn bị đầu tư và đề xuất giải pháp đẩy nhanh tiến độ, thực hiện công tác chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, bồi thường, giải phóng mặt bằng của các dự án đường dây 500kV qua địa bàn tỉnh.
Quang cảnh buổi làm việc giữa UBND tỉnh Nghệ An với Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia. |
Dự án đường dây 500kV Quảng Trạch – Quỳnh Lưu và Dự án đường dây 500kV Quỳnh Lưu – Thanh Hóa là các dự án nằm trong danh mục các công trình trọng điểm, có tính chất đặc biệt quan trọng, nhằm đảm bảo cung ứng điện cho các tỉnh miền Bắc, đồng thời góp phần giúp giảm tải cho các đường dây 500kV Bắc – Nam mạch 1, 2 hiện hữu. Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 440/TB-VPCP ngày 26/10/2023 và Quyết định số 1507/QĐ-TTg, số 1508/QĐ-TTg ngày 01/12/2023 thì dự án sẽ phải khởi công, đóng điện đưa vào vận hành trong tháng 6/2024.
Dự án xây dựng mới đường dây 500kV Quảng Trạch – Quỳnh Lưu dài khoảng 225,5km, qua địa bàn 3 tỉnh Quảng Bình, Hà Tĩnh và Nghệ An, gồm 2 mạch (462 vị trí móng) xuất phát từ sân phân phối 500kV Nhà máy nhiệt điện Quảng Trạch thuộc xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình và điểm cuối là điểm D1 nằm cách TBA 500kV Quỳnh Lưu dự kiến khoảng 300m thuộc xã Quỳnh Châu, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Trong đó, tuyến đường dây đi trên địa bàn tỉnh Nghệ An dài khoảng 82,33km, gồm có 167 vị trí móng cột, qua địa bàn các huyện: Nam Đàn (25,20km, 51 vị trí), Nghi Lộc (14,30km, 29 vị trí), Diễn Châu (22,60km, 46 vị trí), Yên Thành (10,80km, 22 vị trí) và Quỳnh Lưu (9,40km, 19 vị trí). Dự án có trong Quy hoạch sử dụng đất cấp huyện được UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt với tổng diện tích 47,04ha.
Về dự án đường dây 500kV Quỳnh Lưu – Thanh Hóa gồm 2 mạch dài khoảng 92km, qua địa bàn 2 tỉnh Nghệ An và Thanh Hóa, gồm 202 vị trí móng, xuất phát từ sân phân phối TBA 500kV Quỳnh Lưu và điểm cuối là TBA 500kV Thanh Hóa. Trong đó, tuyến đi trên địa bàn tỉnh Nghệ An dài khoảng 17,5km, gồm có 34 vị trí móng cột, qua địa bàn huyện Quỳnh Lưu (9,80km, 19 vị trí) và thị xã Hoàng Mai (7,7km, 15 vị trí). Dự án có trong Quy hoạch sử dụng đất cấp huyện được UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt với tổng diện tích 25,02ha.
Trước đó, ngày 01/12/2023, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký Quyết định số 1507/QĐ-TTg và 1508/QĐ-TTg về việc chấp thuận chủ trương đầu tư; đồng thời chấp thuận nhà đầu tư dự án đường dây 500kV Quảng Trạch – Quỳnh Lưu và dự án đường dây 500kV Quỳnh Lưu – Thanh Hóa.
Tại buổi làm việc, do tính cấp bách của dự án, đại diện Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia đề nghị UBND tỉnh Nghệ An sớm trình HĐND tỉnh quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng trồng; xem xét hỗ trợ, hướng dẫn, giải quyết các vướng mắc trong giai đoạn thực hiện thủ tục chuyển mục đích sử dụng rừng nhằm đảm bảo phù hợp với thực tế và tạo điều kiện thuận lợi về tiến độ trong công tác bàn giao mặt bằng thi công dự án.
Về kế hoạch sử dụng đất, đề nghị UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch sử dụng đất làm cơ sở cho việc triển khai công tác thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng; chỉ đạo các đơn vị liên quan cung cấp mã số thửa đất để đưa vào hồ sơ đo đạc giải thửa và UBND các xã có tuyến đường dây đi qua quan tâm, phối hợp với đơn vị tư vấn hoàn thiện hồ sơ đo đạc giải thửa phần móng trụ và hành lang tuyến.
Trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, đề nghị UBND tỉnh Nghệ An thành lập tổ công tác đặc biệt để thường xuyên kiểm tra, đôn đốc nhằm đáp ứng tiến độ hoàn thành dự án theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công thương…
Đối với UBND các huyện, thị xã có dự án đi qua, đề nghị chủ trì, hỗ trợ tối đa chủ đầu tư và các đơn vị liên quan trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng và các công việc khác nhằm đảm bảo tiến độ thi công hoàn thành mục tiêu đóng điện theo chỉ đạo của Chính phủ. Đồng thời, quản lý tốt đất đai tại khu vực đất đã được UBND tỉnh thỏa thuận tuyến tránh việc xây dựng mới nhà cửa, trong khu vực dự án làm ảnh hưởng đến việc thực hiện dự án…
Tại buổi làm việc, lãnh đạo các địa phương đề nghị Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia điều chỉnh, nắm tuyến ở một số vị trí cụ thể; xây dựng các khung chính sách bồi thường, tái định cư cụ thể để triển khai dự án…
Chuẩn bị triển khai 2 dự án xây dựng đường dây 500kV qua địa bàn Nghệ An (ảnh minh họa). |
Phát biểu kết luận buổi làm việc, ông Nguyễn Đức Trung – Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An nhấn mạnh, Dự án đường dây 500kV Quảng Trạch – Quỳnh Lưu và đường dây 500kV Quỳnh Lưu – Thanh Hóa là 2 dự án rất quan trọng. Trong thời gian qua, UBND tỉnh đã phối hợp với chủ đầu tư để hoàn thiện các thủ tục đầu tư dự án. Việc triển khai dự án là nhiệm vụ quan trọng và cấp bách, vì vậy, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo các cấp, các ngành phối hợp với chủ đầu tư dự án tập trung thực hiện, đảm bảo đúng tiến độ đề ra.
Tỉnh Nghệ An đã thành lập Ban Chỉ đạo về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư các dự án đường dây 500kV do Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Hồng Vinh làm Trưởng ban để tháo gỡ các khó khăn của dự án.
Giao Sở Tài nguyên và Môi trường là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo kịp thời tham mưu, báo cáo UBND tỉnh xem xét những vấn đề vượt thẩm quyền. Trên cơ sở đề xuất của UBND cấp huyện, kịp thời tham mưu để trình UBND tỉnh, phê duyệt bổ sung các nội dung liên quan đến sử dụng đất của các dự án vào Kế hoạch sử dụng đất năm 2023 của cấp huyện theo quy định, hoàn thành trước ngày 25/12/2023. Chủ đầu tư phối hợp với chính quyền địa phương trong việc cấp trích lục, trích đo để đảm bảo điều kiện đưa vào kế hoạch sử dụng đất đúng quy định.
Sở Tài nguyên và Môi trường ưu tiên việc tiếp nhận, kiểm tra, phê duyệt kết quả đo đạc phục vụ thu hồi đất, bồi thường mặt bằng để phục vụ dự án. Hướng dẫn các địa phương trong việc bố trí đất tái định cư từ nguồn đất đấu giá.
Đối với UBND các huyện, tập trung triển khai kịp thời công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng các dự án đảm bảo tiến độ. Tổng hợp nhu cầu sử dụng đất trình Sở Tài nguyên và Môi trường thẩm định, bổ sung Kế hoạch sử dụng đất năm 2023 của cấp huyện, hoàn thành trước ngày 20/12/2023. Chủ động phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong công tác chuyển đổi mục đích sử dụng rừng…
Chủ tịch UBND tỉnh cũng đề nghị chủ đầu tư dự án chỉ đạo các đơn vị liên quan phối hợp chặt chẽ với các Sở, ngành, địa phương trong quá trình triển khai thực hiện dự án, nhất là cung cấp các số liệu về trích đo; phối hợp trong việc báo cáo thực hiện khung chính sách bồi thường trên toàn tuyến; chỉ đạo đơn vị tư vấn nắn tuyến ở một vị trí để hạn chế tối đa ảnh hưởng đến người dân. Chủ đầu tư phối hợp với các địa phương trong quá trình vận động người dân bị ảnh hưởng nhận bồi thường và bàn giao mặt bằng theo tiến độ đề ra.
Nguồn: Báo xây dựng