Ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo – động lực chính nâng cao năng suất
Phát biểu tại Phiên toàn thể Diễn đàn Năng suất Quốc gia năm 2023 với chủ đề “Đẩy nhanh công cuộc phát triển của Việt Nam với động lực năng suất”, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Lê Xuân Định khẳng định, mô hình tăng trưởng mới phải theo hướng kết hợp giữa chiều rộng và chiều sâu. Trong đó, tăng trưởng kinh tế cần dựa nhiều hơn vào tăng năng suất lao động, năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP), năng suất xanh, ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới tổ chức, đổi mới quản lý sản xuất kinh doanh, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội đáp ứng các mục tiêu phát triển bền vững.
Phát triển, ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là động lực chính để nâng cao năng suất. Đột phá về năng suất cần dựa trên tăng cường nghiên cứu, ứng dụng công nghệ tiên tiến, hoàn thiện hạ tầng chất lượng quốc gia, đồng bộ hóa các chính sách khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo với các chính sách nâng cao năng suất, cùng với sự tham gia của tất cả các cấp, các ngành, doanh nghiệp và cộng đồng.
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Lê Xuân Định phát biểu tại phiên toàn thể.
Cũng theo Thứ trưởng Lê Xuân Định, thông qua 04 hội thảo chuyên đề và phiên toàn thể, các sự kiện bên lề và chuỗi sự kiện truyền thông, Diễn đàn Năng suất Quốc gia năm 2023 đã công bố thông điệp về định hướng “Đẩy nhanh công cuộc phát triển của Việt Nam với động lực năng suất dựa trên khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo”, bao gồm 4 nội hàm sau: Thứ nhất, nâng cao chất lượng các chính sách là yếu tố rất quan trọng để giúp Chính phủ thúc đẩy năng suất của từng ngành kinh tế qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của quốc gia. Thực hành Quy định tốt (Good Regulatory Practice – GRP) và Hiểu biết sâu sắc về Hành vi (Behaviour Insights – BI) là những công cụ quan trọng trong việc nâng cao chất lượng chính sách, nhằm đảm bảo tính hiệu quả, hiệu lực của quy định, chính sách qua đó góp phần nâng cao năng suất và tăng trưởng kinh tế; chính phủ sẽ đưa ra những giải pháp đột phá cả về thiết chế tổ chức và chính sách thực hiện nhằm thúc đẩy nỗ lực tăng năng suất quốc gia;
Thứ hai, thúc đẩy nâng cao năng suất dựa trên các giải pháp khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo là bước tiếp theo, sau giai đoạn nâng cao năng suất dựa trên các hệ thống quản lý, quản lý tri thức và chuyển đổi số. Tiếp tục khuyến khích các doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp nhỏ và vừa áp dụng công nghệ mới, thực hành tốt các công cụ năng suất. Tiếp cận năng suất với xu thế quốc tế về kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh, phát triển bền vững, đáp ứng các yêu cầu của thị trường quốc tế.
Thứ ba, phát triển nguồn nhân lực, tập trung vào nâng cao năng lực chuyên gia năng suất theo chuẩn mực quốc tế nhằm triển khai có hiệu quả các sáng kiến nâng cao năng suất tại các ngành, địa phương và doanh nghiệp. Bên cạnh đó nâng cao nhận thức, đổi mới tư duy năng suất, chuẩn bị kiến thức về năng suất cho sinh viên, học sinh như một chiến lược dài hạn thúc đẩy năng suất. Trong kế hoạch sẽ tiến tới xây dựng chương trình đào tạo tiêu chuẩn cho khối các trường đại học, cao đẳng, nhân rộng các mô hình thực hành tốt về năng suất cho học sinh. Từng bước hình thành kỹ năng, tư duy năng suất tiên tiến, hiện đại.
Thứ tư, thúc đẩy nâng cao năng suất lao động quốc gia cần sự tham gia của tất cả các cấp, các ngành, doanh nghiệp và cộng đồng. Các ngành, địa phương và doanh nghiệp xây dựng, triển khai kế hoạch năng suất phù hợp định hướng thúc đẩy nâng cao năng suất quốc gia.
“Diễn đàn Năng suất sẽ trở thành sự kiện thường niên của các nhà quản lý và hoạch định chính sách, chuyên gia năng suất, lãnh đạo các tổ chức và doanh nghiệp, là cơ sở nền tảng cung cấp thông tin, kiến thức, trao đổi thảo luận về những đề xuất/chính sách phù hợp đồng thời kết nối, tìm kiếm cơ hội hợp tác và thúc đẩy chuyển giao tri thức quốc tế trong lĩnh vực năng suất vào Việt Nam. Diễn đàn cũng hướng đến mục tiêu trở thành sự kiện phát động phong trào năng suất của Chính phủ với sự tham gia của các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp và truyền tải thông điệp, chiến lược để nâng cao năng suất lao động vì sự thịnh vượng của quốc gia và doanh nghiệp”, Thứ trưởng nhấn mạnh.
Hà My