Ninh Bình: Cần kiểm tra, xử lý trang trại nuôi lợn gây ô nhiễm môi trường
Ninh Bình: Cần kiểm tra, xử lý trang trại nuôi lợn gây ô nhiễm môi trường
Người dân trên địa bàn thôn 12, xã Đông Sơn, thành phố Tam Điệp (Ninh Bình) bức xúc phản ánh trại heo, trại bò trong quá trình hoạt động chăn nuôi đã gây nên tình trạng hôi thối, ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, khiến người dân vô cùng bức xúc, lo lắng.
Thời gian qua, tòa soạn Môi trường và Đô thị Việt Nam liên tục nhận được phản ánh của người dân sinh sống tại thôn 12, xã Đông Sơn, thành phố Tam Điệp (Ninh Bình) về việc một số trang trại chăn nuôi heo, bò đóng trên địa bàn này hoạt động không tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường, khiến môi trường sống tại đây bị ô nhiễm nghiêm trọng.
Từ ghi nhận phản ánh, PV đã có mặt ghi nhận thông tin. Tại đây, theo ghi nhận, hầu hết các trang trại chăn nuôi heo có quy mô tương đối, được xây dựng cách không xa khu dân cư. Theo quan sát, phía trong các trang trại chăn nuôi không hề có hệ thống xử lý nước thải theo quy định, các hồ chứa, bể lắng không có phủ bạt chống thấp hay hồ chứa bể lắng xây dựng theo đúng quy định. Tất cả nước thải từ hoạt động chăn nuôi đều được xả trực tiếp ra một hố nước lớn, sau đó chảy tràn lan ra phía ngoài trang trại. Từ đó chảy tràn ra ngoài hệ thống nước ngầm thấm vào lòng đất.
Được biết, trước đó vào tháng 7/2023 chủ các trang trại chăn nuôi heo gây ô nhiễm môi trường nói trên gồm ông Tống Duy Hưng, Vương Trung Kiên và ông Vũ Xuân Nam đã được UBND xã Đông Sơn mời lên làm việc cùng các hộ dân, hứa khắc phục xử lý, thế nhưng tới nay vẫn chưa được xử lý dứt điểm.
Ông Lê Ngọc Thắng- một người dân sinh sống gần trang trại chăn nuôi heo này bức xúc cho biết: “Chúng tôi thật sự ‘sống dở, chết dở’ với các trang trại chăn nuôi heo này. Từ khi trạng trại này hoạt động là chúng tôi suốt ngày phải đeo khẩu trang bởi mùi hôi thối xộc thẳng vào mũi không tài nào chịu được.”
Ông cho biết thêm: “Nhưng cái đáng lo hơn cả là việc các trang trại này xả nước thải tràn lan ra môi trường mà không qua xử lý, số lượng nước bẩn này cứ ngấm vào đất vào nguồn nước thì rồi sẽ sinh ra nhiều bệnh tật rất là nguy hiểm. Đơn thư, phản ánh chúng tôi cũng đã gửi cho cơ quan chức năng nhiều rồi, tổ chức họp, đối thoại, giao trách nhiệm cho chủ trang trại rồi nhưng cuối cùng vẫn vậy, người dân chúng tôi vẫn phải sống trong môi trường bị ô nhiễm nặng nề.”
“Chúng tôi tha thiết, khẩn cầu chính quyền địa phương, cơ quan chức năng vào cuộc để xử lý dứt điểm tình trạng trên để trả lại môi trường sống trong lành, an toàn cho chúng tôi”.
Được biết, trước đó, liên quan đến việc ô nhiễm, người dân bức xúc gửi đơn thư phản ánh lên chính quyền địa phương yêu cầu giải quyết. Sau khi nhận được phản ánh của người dân, UBND xã Đông Sơn cũng đã tổ chức đối thoại với người dân. Tại buổi đối thoại các chủ trang trang trại chăn nuôi heo đã thừa nhận về hành vi gây ô nhiễm môi trường của trang trại, đồng thời hứa sẽ khắc phục, không để xảy ra tình trạng ô nhiễm.
Thế nhưng, sau đó, tình trạng ô nhiễm vẫn tiếp diễn, mùi hôi thối nồng nặc bao trùm khắp cả một vùng, nước thải từ hoạt động chăn nuôi chảy tràn ra phía ngoài trang trại làm cho nguồn nước bị ô nhiễm, khiến cho cuộc sống của hàng chục hộ dân nơi đây bị đảo lộn hoàn toàn.
Có chung nỗi lo lắng, bất an, bà Phạm Thị Nga cho hay, gia đình bà mỗi ngày đều ám ảnh và cảm thấy buồn nôn vì mùi hôi thối bốc ra từ những trang trại chăn nuôi heo. Rồi việc chăn nuôi gây ô nhiễm về lâu dài sẽ nảy sinh nhiều bệnh tật nguy hiểm. Bà cũng như nhiều hộ dân khác mong muốn chính quyền sớm vào cuộc để giải quyết dứt điểm tình trạng ô nhiễm này.
Trao đổi với PV, ông Phạm Đình Cư- Chủ tịch UBND xã Đông Sơn cho biết:“Chúng tôi đã lập đoàn kiểm tra liên ngành rồi, vừa rồi có trang trại anh Kiên chúng tôi đã chỉ đạo anh Kiên khắc phục, xử lý bể thải rồi.” Còn chỗ ông Hưng và ông Nam thì hình như có xử lý rồi, tôi đã giao cho đồng chí Phó Chủ tịch xử lý. Chúng tôi sẽ tiếp thu ý kiến và có công tác xử lý”
Tiếp đó, trao đổi với PV, ông Bùi Xuân Huân – Phó phòng Tài nguyên và Môi trường thành phố Tam Điệp cho biết: “Vâng cảm ơn anh, tôi sẽ trao đổi lại sau”. Nhưng sự phản hồi của PV chỉ được ông Huân tiếp thu báo cáo với lãnh đạo phòng chứ không thấy phản hồi cho PV.
Từ những bức xúc trên của người dân, thiết nghĩ UBND tỉnh Ninh Bình; UBND thành phố Tam Điệp cần có giải pháp mạnh mẽ hơn, vào cuộc xử lý dứt điểm, tránh hệ luỵ môi trường, hệ sinh thái và mạch nước ngầm tại nơi đây.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị