Cảnh báo về Anthropocene đang thật sự đe dọa Trái đất

Cảnh báo về Anthropocene đang thật sự đe dọa Trái đất

Vào tháng 2.2000, Paul Crutzen, người đoạt giải Nobel nhờ công trình nghiên cứu về lỗ thủng tầng ozone, đã đề xuất một khái niệm mới: Anthropocene.

Đó là một kỷ nguyên địa chất mới đại diện cho một Trái đất bị biến đổi do tác động bởi công nghiệp hóa mà loài người là thủ phạm.

Anthropocene hiện đã được phổ biến rộng rãi trong hoàn cảnh biến đổi khí hậu ngày càng ảnh hưởng nghiêm trọng, nhưng khi Crutzen lần đầu tiên đề xuất Anthropocene thì đây vẫn là một thuật ngữ mới lạ. Để ủng hộ đứa con tinh thần mới của mình, Crutzen đã trích dẫn nhiều triệu chứng của hành tinh: nạn phá rừng nghiêm trọng, sự mọc lên như nấm của các con đập trên hầu hết sông lớn trên thế giới, nạn đánh bắt quá mức, chu trình ni tơ của hành tinh bị đảo lộn bởi việc lạm dụng phân hóa học, sự gia tăng nhanh chóng của hiệu ứng khí nhà kính…

Đối với bản thân biến đổi khí hậu, chắc chắn là chuông cảnh báo đã rung lên từ những năm 2000. Nhiệt độ bề mặt trung bình toàn cầu khi ấy đã tăng khoảng 0,5°C so với giữa thế kỷ 20. Tuy nhiên vào thời điểm đó, chúng vẫn nằm trong tiêu chuẩn giai đoạn “gian băng” của kỷ băng hà. Trong số nhiều vấn đề nổi lên ở đầu thế kỷ 21, khí hậu dường như là một vấn đề xa xôi trong tương lai.

Hơn hai thập niên trôi qua, tương lai ấy đã đến. Đến năm 2022, nhiệt độ toàn cầu lại tăng thêm 0,5°C, chín năm qua là thời điểm nóng nhất kể từ khi con người bắt đầu ghi chép. Và năm 2023 chứng kiến các kỷ lục về khí hậu không chỉ bị phá mà còn bị phá sâu.

Tính đến tháng 9 năm nay, đã có 38 ngày nhiệt độ trung bình toàn cầu vượt quá thời kỳ tiền công nghiệp 1,5°C, vốn là giới hạn an toàn về sự nóng lên do Công ước Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC) trong Thỏa thuận chung Paris đặt ra. Những năm trước đây, điều này rất hiếm xảy ra và trước năm 2000, cột mốc nhiệt độ này chưa từng bị bước qua.

Hiện tượng nhiệt độ tăng vọt này đã dẫn đến các đợt nắng nóng, cháy rừng và lũ lụt trở nên trầm trọng hơn do các hành động khác của con người tại từng khu vực. Khí hậu trên Trái đất dường như đã chuyển sang giai đoạn giữa Anthropocene.

Tại sao nhiệt độ lại tăng đột biến như vậy? Một phần là do sự gia tăng không thể tránh khỏi của khí nhà kính, khi nhiên liệu hóa thạch tiếp tục chiếm ưu thế trong việc sử dụng năng lượng của con người.

Khi Crutzen phát biểu về Anthropocene, nồng độ carbon dioxide trong khí quyển là khoảng 370 phần triệu (ppm), tức là đã tăng so với mức 280 ppm thời tiền công nghiệp. Còn hiện nay, nồng độ carbon dioxide trong khí quyển ở mức khoảng 420 ppm và tốc độ tăng khoảng 2 ppm mỗi năm.

Một phần nguyên nhân của sự nóng lên là do bầu trời sạch hơn trong vài năm qua, cả trên lục địa và trên mặt biển, nhờ các quy định mới loại bỏ dần các nhà máy điện cũ và nhiên liệu giàu sunfua. Khi đám mây sunfua (do khí thải công nghiệp) tan đi, nhiều năng lượng mặt trời truyền qua bầu khí quyển vào mặt đất hơn, đồng thời toàn bộ sức mạnh của hiện tượng nóng lên toàn cầu bắt đầu tác động.

Một phần nguyên nhân khác là do những “tấm gương phản chiếu nhiệt” trên Trái đất đang co lại khi băng biển tan chảy, ban đầu là ở Bắc Cực và trong hai năm qua đến Nam Cực chịu chung số phận. Trái đất càng nóng, băng càng tan và băng càng tan thì Trái đất càng nóng – đó là vòng lặp nguy hiểm.

Đợt gia tăng mạnh mẽ mới về khí mê tan trong khí quyển (mê tan là một loại khí nhà kính có độc lực hơn nhiều so với carbon dioxide) kể từ năm 2006 dường như bắt nguồn từ việc thảm thực vật ở vùng đất ngập nước nhiệt đới bị mục nát khi hành tinh nóng lên. Trái đất nóng khiến thực vật mục nát rồi thực vật mục nát khiến Trái đất nóng. Thêm một vòng lặp nguy hiểm nữa cho khí hậu.

Bước nóng lên mới nhất do nhiều yếu tố đã đưa khí hậu Trái đất đến mức độ ấm áp chưa từng trải qua. Chỉ ở giai đoạn liên băng hà cuối cùng cách đây khoảng 120.000 năm, Trái đất mới ấm hơn một chút so với giai đoạn hiện tại. Nhưng vẫn còn nhiều dư địa cho sự nóng lên trong các thế kỷ tới khi nhiều hiệu ứng khác nhau bắt đầu tác động.

Một nghiên cứu gần đây về tác động của sự nóng lên này đối với băng ở Nam Cực cho thấy rằng “các nhà hoạch định chính sách nên chuẩn bị cho việc mực nước biển dâng cao vài mét trong những thế kỷ tới” khi hơi ấm lan rộng qua các đại dương sẽ làm tan chảy các tảng băng lớn ở vùng cực.

Điều này vẫn đúng ngay cả trong kịch bản lạc quan nhất khi lượng khí thải carbon dioxide giảm nhanh chóng. Nhưng đáng buồn, lượng khí thải chẳng những không giảm mà tiếp tục tăng mạnh, làm sâu sắc thêm tác động của khí hậu.

Điều gì xảy ra trong thời kỳ của chúng ta?

Để xem điều gì có thể diễn ra trong thang thời gian địa chất, chúng ta cần nhìn qua lăng kính thời kỷ Anthropocene. Nếu coi hành tinh của chúng ta là một cỗ máy thì nó được cân bằng tinh tế gồm các biến đổi đều đặn, kéo dài nhiều thiên niên kỷ trong chuyển động quay và quỹ đạo của Trái đất đã kiểm soát chặt chẽ các quá trình nóng và lạnh trong hàng triệu năm.

Giờ đây, đột nhiên, bộ máy điều khiển này đã bị hàng nghìn tỉ tấn carbon dioxide thải vào khí quyển ồ ạt chỉ trong hơn một thế kỷ.

Tác động của “xung này” vào hệ thống Trái đất sẽ tạo ra kiểu khí hậu mới. Nếu trạng thái mới được thiết lập thì nó sẽ tồn tại trong ít nhất 50.000 năm và có thể còn lâu hơn nữa.

Để giữ lại loại khí hậu tối ưu cho nhân loại và để sự sống nói chung, cần phải loại bỏ carbon khỏi khí quyển cũng như trong đại dương và đưa nó trở lại lòng đất. Có rất nhiều điều đang đe dọa thế hệ tương lai nếu ta không kịp thời hành động từ lúc này.

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích