Ăn mặn gây tăng huyết áp và các bệnh lý tim mạch
Ăn mặn gây tăng huyết áp và các bệnh lý tim mạch
Với 1 chế độ ăn mặn (thừa muối), chúng ta có nguy cơ bị tăng huyết áp (THA) và gây ra các biến chứng nặng nề như đột quỵ, nhồi máu cơ tim, suy tim, suy thận…
Ăn là nhu cầu đầu tiên và không thể thiếu của mỗi con người , nhưng trên mâm cơm hàng ngày lại tiềm ẩn biết bao nguy cơ gây bệnh nếu không biết cách chế biến đúng hoặc không ăn uống một cách khoa học. Thừa cân – béo phì, THA và các bệnh lý tim mạch có thể đến với bất cứ ai với chế độ ăn không hợp lý trong những bữa cơm hàng ngày.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), mỗi người trưởng thành mỗi ngày nên sử dụng ít hơn 6 gam muối (một thìa cà phê), nếu ăn nhiều hơn thì được gọi là ăn mặn. Người Việt Nam một số vùng miền có thói quen ăn mặn, ăn cơm phải có nước mắm, dưa cà…, hay những người dân vùng biển cũng có thói quen ăn mặn, uống nước mắm, có gia định lại ăn mặn để tiết kiệm thức ăn.
Theo một khảo sát gần đây cho biết, người Việt Nam chúng ta đang có khuynh hướng ăn khá nhiều muối. Lượng muối trung bình mỗi người tiêu thụ từ 18 – 22g mỗi ngày, trong khi lượng muối khuyến cáo không quá 5g. Như vậy, lượng muối ăn đã nhiều gấp 3 – 4 lần so với khuyến cáo. Đây cũng là một trong các yếu tố gây tăng tỷ lệ người bị THA và các bệnh lý tim mạch ở nước ta.
Thói quen ăn mặn ảnh hưởng không tốt tới sức khoẻ và là một trong những yếu tố nguy cơ gây THA và các bệnh lý tim mạch. Với chế độ ăn nhiều muối, nước sẽ được giữ lại trong lòng mạch làm tăng thể tích máu lưu thông, làm tăng áp lực máu trong lòng mạch dẫn tới THA.
Việc sử dụng quá nhiều muối dẫn đến một số bất lợi khác đối với sức khỏe như giữ nước trong các bệnh suy tim, thận nhiễm mỡ; gây phù chu kỳ, phù trước kỳ kinh, phù vô căn; tăng co thắt, kích thích cơn suyễn; liên quan đến ung thư dạ dày; tăng thải Ca++ qua thận, tăng nguy cơ loãng xương…
Theo các nghiên cứu cho thấy, chế độ ăn nhiều muối (natri chlorua) thì tần suất mắc bệnh THA tăng cao rõ rệt. Người dân ở vùng biển có tỷ lệ mắc bệnh THA cao hơn nhiều so với những người ở đồng bằng và miền núi. Nhiều bệnh nhân THA ở mức độ nhẹ chỉ cần ăn chế độ giảm muối là có thể điều trị được bệnh. Chế độ ăn giảm muối là một biện pháp quan trọng để điều trị cũng như phòng bệnh THA. Để giảm hơn 50% lượng muối ăn hàng ngày là một thói quen rất khó đối với người dân vùng biển hoặc những người đang quen ăn mặn.
Các chuyên gia của Viện Dinh dưỡng Quốc gia cũng đưa ra khuyến cáo:
Một chế độ ăn tăng cường thêm nhiều loại gia vị khác nhau để tạo cảm giác bớt nhạt nhẽo như cho thêm vị chua, cay, ngọt.
Riêng mùa hè, cơ thể bài tiết nhiều mồ hôi hơn mùa đông, vì vậy mỗi người cũng cần ăn tăng thêm một chút muối để bổ sung lượng muối bị mất qua mồ hôi.
Giảm lượng muối tiêu thụ < 6g/ ngày, bằng cách: hạn chế sử dụng những thức ăn chế biến sẵn như mì ăn liền, giò chả, lạp xưởng, đồ hộp… Chú ý với những loại thức ăn nhanh, những món ăn công nghiệp luôn có lượng muối khá cao.
Muối thường được đề cập trong chế độ ăn hàng ngày là muối ăn sodium chloride (NaCl). Tuy nhiên, có nhiều loại muối khác có cùng gốc sodium (natri) tồn tại trong các loại thức ăn, thức uống công nghiệp như: monosodium glutamate (mì chính), sodium citrate, sodium bicarbonate… cũng có tác hại tương tự NaCl khi dùng nhiều.
Giảm những thức ăn mặn như mắm, tương, dưa, cà…trong bữa cơm hàng ngày ở gia đình; giảm một số thói quen của người Á Đông như chấm muối, chấm nước mắm… khi không thật sự cần, bớt dùng bột ngọt.
Giảm các yếu tố bất lợi trong thực phẩm: rượu, bia, cafein, chất béo bão hòa…
Tăng cường các yếu tố bảo vệ như thực phẩm giàu K, Mg, Ca, các chất chống oxy hóa, chất xơ…và những thực phẩm có tính chất an thần, lợi tiểu nhẹ như rau cải, cà chua, bầu bí, khóm, mía , cam, khoai lang, khoai tây, khoai môn, đậu xanh, đậu đen… (500g – 600g rau trái, 30 – 40g đậu đỗ/ngày).
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị