Kết quả điều tra, đánh giá chất lượng đất, tiềm năng đất trên địa bàn vùng trung du & MN Bắc Bộ

Kết quả điều tra, đánh giá chất lượng đất, tiềm năng đất trên địa bàn vùng trung du & MN Bắc Bộ

Kết quả Tổng điều tra, đánh giá tài nguyên đất đai vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ đã đánh giá đầy đủ toàn diện, chính xác, khoa học nguồn tài nguyên đất đai của Vùng

Nhiệm vụ “Điều tra, đánh giá chất lượng đất, tiềm năng đất đai lần đầu” và  “Điều tra, đánh giá thoái hóa đất kỳ bổ sung” trên địa bàn vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ được Trung tâm Điều tra và Quy hoạch đất đai, trực thuộc Tổng cục Quản lý đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức triển khai thực hiện bắt đầu từ năm 2016 và hoàn thành năm 2019, sau 4 năm triển khai thực hiện, dự án đã hoàn thành các mục tiêu chung cũng như các mục tiêu cụ thể của toàn dự án gắn với địa bàn vùng.

Kết quả Tổng điều tra, đánh giá tài nguyên đất đai vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ đã đánh giá đầy đủ toàn diện, chính xác, khoa học nguồn tài nguyên đất đai của Vùng (cụ thể về mặt chất lượng, tiềm năng theo từng mục đích sử dụng đất của các đơn vị hành chính cấp tỉnh thuộc Vùng). Đã đánh giá thực trạng thoái hóa đất (xác định diện tích đất bị thoái hóa theo loại hình thoái hóa và loại đất thoái hóa); xác định cụ thể nguyên nhân, xu thế và các quá trình thoái hóa đất làm cơ sở đề xuất giải pháp, cải tạo, phục hồi và khai thác sử dụng đất bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu. Đã đề xuất quan điểm quản lý sử dụng đất, các giải pháp, biện pháp và hướng sử dụng đất bền vững theo đặc thù của vùng thích ứng với Kịch bản biến đổi khí hậu đến năm 2030 và năm 2050 đảm bảo quản lý chặt chẽ, khai thác sử dụng có hiệu quả về số lượng, chất lượng tài nguyên đất đai phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, cụ thể:

  1. Đánh giá thực trạng chất lượng đất, tiềm năng đất đai của các loại đấttheo mục đích sử dụng (diện tích, phân bố) làm cơ sở cho việc đề xuất giải pháp bảo vệ, định hướng khai thác, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên đất đai:

* Đánh giá đầy đủ đặc điểm tài nguyên đất và thực trạng chất lượng đất của Vùng theo mức độ và mục đích sử dụng đất (đất trồng cây hàng năm, đất trồng cây lâu năm, đất rừng sản xuất, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, đất nuôi trồng thủy sản, đất nông nghiệp khác và đất chưa sử dụng).

– Kết quả đánh giá chất lượng đất đã xác định được toàn Vùng có 09 nhóm đất với 34 loại đất, trong đó nhóm đất đỏ vàng có diện tích lớn nhất với 5.845.993 ha (chiếm 61,39% diện tích tự nhiên), nhóm đất lầy và than bùn có diện tích nhỏ nhất với 281 ha (chiếm 0,003% diện tích tự nhiên).

– Đánh giá chất lượng đất theo mức độ: toàn Vùng có 194 đơn vị chất lượng đất, trong đó: đơn vị đất 194 là núi đá có rừng cây; chất lượng đất cao có 981.174 ha, (chiếm 10,30% diện tích tự nhiên), tập trung nhiều ở các tỉnh Phú Thọ 128.473 ha, Bắc Giang 126.715 ha, Hòa Bình 99.735 ha, Tuyên Quang 92.899 ha, Thái Nguyên 85.649 ha, Sơn La 85.291 ha, Lạng Sơn 81.632 ha,…; chất lượng đất trung bình có 5.927.297 ha, chiếm 62,25% diện tích tự nhiên, diện tích lớn tập trung ở các tỉnh Điện Biên 831.022 ha, Lai Châu 769.416 ha, Hà Giang 636.371 ha, Sơn La 598.261 ha,…; chất lượng đất thấp có 1.527.717 ha, chiếm 16,04% diện tích tự nhiên, phân bố chủ yếu ở các tỉnh Sơn La 635.380 ha, Lạng Sơn 211.721 ha, Cao Bằng 142.392 ha, Bắc Kạn 120.329 ha,…

– Đánh giá chất lượng đất theo mục đích sử dụng đất: đất trồng cây hàng năm: được phân cấp mức chất lượng đất cao có diện tích 501.311 ha, mức trung bình (911.545 ha) và mức thấp (211.410 ha); đất trồng cây lâu năm: được phân cấp là đơn vị chất lượng đất cao (153.419 ha), trung bình (281.511 ha) và thấp (55.447 ha); đất rừng sản xuất: được phân cấp là đơn vị chất lượng đất cao (204.078 ha), trung bình (1.961.618 ha) và thấp (494.955 ha); đất rừng phòng hộ: được phân cấp là đơn vị chất lượng đất cao (54.291 ha), trung bình (1.512.661 ha) và thấp (436.065 ha); đất rừng đặc dụng: được phân cấp là đơn vị chất lượng đất cao (5.805 ha), trung bình (348.752 ha) và thấp (65.031 ha); đất nuôi trồng thủy sản: phân cấp là đơn vị chất lượng đất cao (42.824 ha), trung bình (179 ha); đất nông nghiệp khác: phân cấp là đơn vị chất lượng đất cao (2.621 ha), trung bình (132 ha); đất chưa sử dụng: phân cấp là đơn vị chất lượng đất trung bình (910.899 ha) diện tích còn lại có chất lượng thấp.

* Đánh giá thực trạng tiềm năng đất đai của Vùng theo các mục đích sử dụng (đất trồng cây hàng năm, đất trồng cây lâu năm, đất rừng sản xuất, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, đất nuôi trồng thủy sản, đất nông nghiệp khác; đất ở, đất chuyên dùng, đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp, đất chưa sử dụng):

– Tiềm năng đất đai theo mức độ: mức tiềm năng cao có tổng diện tích 4.639.012 ha, chiếm 49% diện tích tự nhiên toàn vùng và chiếm 50,57% diện tích điều tra đánh giá tiềm năng đất đai của vùng, phân bố chủ yếu ở các tỉnh Sơn La (671.109 ha), Lạng Sơn (556.756 ha), Cao Bằng (537.513 ha), Hà Giang (455.817 ha), Yên Bái (422.050 ha), Bắc Kạn (346.563 ha); mức tiềm năng trung bình có diện tích 3.197.373 ha, chiếm 34,85% diện tích điều tra, đánh giá tiềm năng đất đai của toàn vùng, phân bố nhiều nhất trên địa bàn các tỉnh như: Điện Biên (491.633 ha), Tuyên Quang (352.709 ha), Sơn La (339.532 ha), Hòa Bình (320.142 ha), Lai Châu (287.782 ha); mức tiềm năng thấp có diện tích 1.337.356 ha, chiếm 14,58% diện tích điều tra, đánh giá tiềm năng đất đai của toàn vùng, phân bố nhiều ở các tỉnh như: Lai Châu (364.127 ha), Sơn La (373.230 ha), Điện Biên (220.626 ha), Lào Cai (131.501 ha).

– Tiềm năng đất đai theo mục đích sử dụng: đất trồng cây hàng năm có 187.575 ha được đánh giá có tiềm năng cao, 1.368.338 ha có tiềm năng trung bình, 73.654 ha có tiềm năng thấp; đất trồng cây lâu năm có 308.473 ha được đánh giá có tiềm năng cao, 181.094 ha có tiềm năng trung bình, 1.739 ha tiềm năng thấp; đất rừng sản xuất có 1.471.974 ha được đánh giá có tiềm năng cao, 1.231.564 ha có tiềm năng trung bình, 11.706 ha tiềm năng thấp; đất rừng phòng hộ có 1.950.971 ha được đánh giá có tiềm năng cao, 251.091 ha có tiềm năng trung bình; đất rừng đặc dụng có 469.649 ha được đánh giá có tiềm năng cao, 11.779 ha có tiềm năng trung bình; đất nuôi trồng thủy sản có 19.422 ha được đánh giá có tiềm năng cao, 23.581 ha có tiềm năng trung bình; đất nông nghiệp khác: toàn bộ diện tích 2.753 ha được đánh giá tiềm năng ở mức cao; đất chưa sử dụng: toàn bộ diện tích 1.215.982 ha đất chưa sử dụng được đánh giá tiềm năng mức thấp; đất ở có 99.142 ha được đánh giá tiềm năng mức cao; đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp được đánh giá có tiềm năng ở mức cao có 30.131 ha và 7.434 ha ở mức trung bình; đất chuyên dùng: có 98.922 ha được đánh giá có tiềm năng mức cao, 109.779 ha có tiềm năng mức trung bình và 34.275 ha ở mức thấp.

* Kết quả điều tra, đánh giá thoái hóa đất kỳ bổ sung của Vùng đã xác định có 4.418.716 ha đất bị thoái hóa (với các nguyên nhân chủ yếu do xói mòn; khô hạn; kết von, đá ong hóa; suy giảm độ phì), chiếm 46,40% diện tích tự nhiên và theo từng mức độ như sau:

– Đất bị thoái hóa nặng: có 619.234 ha chiếm 6,50% diện tích tự nhiên, tập trung chủ yếu trên địa bàn các tỉnh: Hà Giang, Điện Biên, Bắc Giang, Sơn La; chủ yếu xảy ra trên đất chưa sử dụng, đất lâm nghiệp và đất sản xuất nông nghiệp.

– Đất bị thoái hóa trung bình: có 1.839.445 ha, chiếm 19,32% diện tích tự nhiên, tập trung chủ yếu trên địa bàn các tỉnh Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Hà Giang. Đất bị thoái hóa trung bình chủ yếu xảy ra trên: đất sản xuất nông nghiệp, đất lâm nghiệp và đất chưa sử dụng.

– Đất bị thoái hóa nhẹ: có 1.960.037 ha chiếm 20,58% diện tích tự nhiên. Đất bị thoái hóa nhẹ chủ yếu xảy ra trên: đất lâm nghiệp, đất sản xuất nông nghiệp.

* Các quá trình thoái hóa đất trên địa bàn vùng gồm 4 quá trình thoái hóa đất chủ yếu sau đây:

– Quá trình xói mòn, rửa trôi đối với đất ở khu vực trung du, đồi núi có độ đốc địa hình từ 150 trở lên: diện tích đất bị xói mòn là 4.759.304 ha, chiếm 49,98% diện tích tự nhiên, trong đó chủ yếu là xói mòn ở mức mạnh (2.064.145 ha) và mức yếu (2.017.930 ha). Diện tích đất bị xói mòn ở mức mạnh chiếm 21,68% diện tích tự nhiên, phân bố chủ yếu trên đất đồi núi chưa sử dụng, đất rừng trồng và đất nương rẫy trồng cây hàng năm.

– Quá trình khô hạn: diện tích đất bị khô hạn có 5.491.185 ha (tương đương 57,67% diện tích tự nhiên) ở các mức độ khác nhau, trong đó chủ yếu là khô hạn ở mức nhẹ (3.977.767 ha) và mức trung bình (779.397 ha). Diện tích đất bị khô hạn ở mức nặng có 734.021 ha, chiếm 7,71% diện tích tự nhiên, phân bố tập trung tại khu vực Tây Bắc và trên đất đồi núi chưa sử dụng và đất lâm nghiệp.

– Quá trình kết von, đá ong hóa: Diện tích đất bị kết von là 107.246 ha (tương đương 1,13% diện tích tự nhiên). Đất bị kết von ở các mức độ khác nhau, trong đó chủ yếu là ở mức nhẹ (67.736 ha) và trung bình (34.681 ha). Diện tích đất bị kết von ở mức nặng chỉ có 4.829 ha, chiếm 0,05% diện tích tự nhiên và phân bố chủ yếu ở loại sử dụng đất trồng cây hàng năm và đất trồng cây lâu năm.

– Quá trình suy giảm độ phì nhiêu đất: Diện tích đất bị suy giảm độ phì là 3.430.330 ha (tương đương 36,02% diện tích tự nhiên). Đất bị suy giảm độ phì ở các mức độ khác nhau, trong đó chủ yếu là ở mức nhẹ (1.171.082 ha) và trung bình (1.809.116 ha). Diện tích đất bị suy giảm độ phì ở mức nặng chỉ có 450.132 ha, chiếm 4,73% diện tích tự nhiên, phân bố nhiều ở loại sử dụng đất trồng cây lâu năm, đất trồng lúa và đất rừng trồng do suy giảm ở mức nặng hàm lượng các chất tổng số: hữu cơ, Nitơ, Phốt pho, Kali và làm suy giảm dung tích hấp thu của đất.

– Đánh giá theo mục đích sử dụng: Có 67,86% diện tích đất sản xuất nông nghiệp (1.439.226 ha bị thoái hóa ở các mức độ khác nhau, trong đó chủ yếu là thoái hóa mức trung bình (755.645 ha) và thoái hóa nhẹ (661.789 ha); Có 33,62% diện tích đất lâm nghiệp (1.814.891 ha) bị thoái hóa ở các mức độ khác nhau, trong đó chủ yếu là thoái hóa mức nhẹ (1.287.825 ha),  thoái hóa mức trung bình (503.765 ha) và thoái hóa nặng (23.301 ha); 100% diện tích đất nuôi trồng thủy sản (43.003 ha) không bị thoái hóa; 100% diện tích đất nông nghiệp khác (2.753 ha) không bị thoái hóa; Có 68,01% diện tích đất bằng chưa sử dụng bị thoái hóa ở các mức độ khác nhau, trong đó chủ yếu là thoái hóa mức nhẹ (1.362 ha), thoái hóa trung bình (290 ha) và thoái hóa nặng (376 ha); Có 95,84% diện tích đất đồi núi chưa sử dụng bị thoái hóa ở các mức độ khác nhau, trong đó tập trung chủ yếu ở mức thoái hóa trung bình (579.745 ha), thoái hóa nặng (573.765 ha) và thoái hóa nhẹ (9.061 ha).

* Nguyên nhân thoái hóa đất bao gồm 2 nhóm nguyên nhân chính:

– Nguyên nhân tự nhiên: ảnh hưởng của khí hậu và biến đổi khí hậu; ảnh hưởng của địa hình; ảnh hưởng của thủy văn.

– Nguyên nhân từ sử dụng đất của con người: công tác quản lý, sử dụng đất; quản lý, khai thác tài nguyên rừng; áp lực sử dụng đất (do tăng trưởng kinh tế và gia tăng dân số).

* Giải pháp hạn chế quá trình thoái hóa đất phục vụ quản lý sử dụng đất bền vững: Dự án đã đề xuất các giải pháp ngăn ngừa, giảm thiểu thoái hóa đất vùng Trung du và Miền núi phía Bắc bao gồm: giải pháp tổ chức thực hiện chính sách về quản lý, sử dụng đất (giải pháp về cơ chế chính sách; giải pháp thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và quản lý, bảo vệ rừng; giải pháp thực hiện công tác quản lý tài nguyên đất; giải pháp về thủy lợi); giải pháp kỹ thuật trong phòng chống suy thoái đất và cải tạo đất thoái hóa (các biện pháp nhằm chống xói mòn, rửa trôi đất, huỷ hoại đất; chuyển đổi cơ cấu cây trồng; các mô hình bảo vệ và cải tạo đất; giải pháp cụ thể cho các vùng đất thoái hóa).

* Việc xây dựng định hướng sử dụng đất thích ứng với biến đổi khí hậu căn cứ vào các đặc điểm về điều kiện tự nhiên, thực trạng chiến lược phát triển kinh tế xã hội thông qua các nghị quyết Đại hội Đảng của các địa phương, hiện trạng sử dụng đất; thực trạng chất lượng đất, tiềm năng đất đai và thoái hóa đất; dự báo ảnh hưởng của biến đổi khí hậu theo Kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng cho Việt Nam của Bộ Tài nguyên và Môi trường đến tài nguyên đất trên địa bàn vùng, cụ thể:

– Bố trí sử dụng đất nông nghiệp căn cứ theo mức độ phù hợp của chất lượng đất và có tiềm năng cao, theo hướng tập trung, chuyên canh, tạo ra sản phẩm hàng hóa. Xác định và giữ ổn định 1.472.277 ha cây hàng năm trong đó bảo tồn và phát triển các vùng chuyên canh như đất trồng lúa trên cánh đồng Mường Thanh của Điện Biên, đất trồng dong riềng của huyện Na Rì, Bạch Thông của Bắc Kạn, đất trồng hoa của Sơn La. Khuyến khích chuyển đổi các loại hình sử dụng đất hàng năm không bền vững như ngô, sắn.

– Quản lý, bảo vệ và phát triển tài nguyên rừng đề xuất giữ ổn định diện tích là 481.428 ha đối với rừng phòng hộ, đặc dụng đảm bảo tăng nhanh mật độ che phủ đất từ thảm thực vật rừng, bảo vệ chăm sóc rừng, đặc biệt là rừng đặc dụng thuộc vườn quốc gia; khu bảo tồn thiên nhiên như: Xuân Sơn (Phú Thọ); Hoàng Liên Sơn (Lai Châu; Lào Cai); Ba Bể (Bắc Kạn); Phia Oắc, Phía Đén (Cao Bằng); Du Già (Hà Giang); đối với rừng sản xuất, có chiến lược trồng, khai thác hợp lý.

– Ưu tiên bảo vệ và phục hồi đất từ các mô hình sử dụng đất đã đề xuất phù hợp với từng loại hình, loại đất bị thoái hóa đảm bảo giảm thiểu thoái hóa đất, phục hồi đất bị thoái hóa và bảo vệ đất.

– Đề xuất chuyển đổi sang các mục đích khác phù hợp hơn đối với khu vực bị khô hạn, xói mòn; chất lượng đất và tiềm năng đất đai thấp, thoái hóa đất từ trung bình đến nặng.

– Về kết quả điều tra đánh giá chất lượng đất, tiềm năng đất đai đã xác định được các khu vực đất có khả năng sản xuất tập trung theo hướng sản xuất hàng hóa, cây đặc sản theo đặc thù của từng khu vực, địa phương là cơ sở để chuyển đổi, mở rộng hoặc giữ ổn định diện tích và khai thác sử dụng hiệu quả các loại đất sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, đưa đất chưa sử dụng vào sử dụng và đề xuất hướng sử dụng đất bền vững đến năm 2030 và năm 2050.

– Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu theo các kịch bản đến tài nguyên đất: dự án lựa chọn kịch bản nồng độ khí nhà kính trung bình thấp (RCP 4.5) đến năm 2030 và năm 2050, trong đó tập trung xác định các đơn vị đất bị ảnh hưởng bởi khô hạn của vùng đến năm 2030.

– Hiện trạng sử dụng đất năm 2017 và tình hình biến động sử dụng đất qua các thời kỳ đã được phân tích đánh giá là một trong các căn cứ đề xuất hướng sử dụng đất bền vững.

– Định hướng sử dụng đất bền vững của Vùng đã được đề xuất cho năm 2030 là đất trồng cây hàng năm 1.503.917 ha, đất trồng cây lâu năm 537.697 ha, đất rừng sản xuất: 3.179.608 ha, đất rừng phòng hộ 2.367.166 ha, đất rừng đặc dụng 510.330 ha, đất nuôi trồng thủy sản 46.413 ha, đất nông nghiệp khác 2.893 ha, đất ở 118.049 ha, đất chuyên dùng 242.834 ha, đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp 43.240 ha; Đề xuất cho năm 2050 là đất trồng cây hàng năm 1.501.817 ha, đất trồng cây lâu năm 542.924 ha, đất rừng sản xuất 3.359.243 ha, đất rừng phòng hộ 2.513.490 ha, đất rừng đặc dụng 522.220 ha, đất nuôi trồng thủy sản 48.133 ha, đất nông nghiệp khác 3.083 ha, đất ở 123.049 ha; đất chuyên dùng 244.888 ha, đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp 47.952 ha.

tm-img-alt
Bảo vệ rừng xanh chính là bảo vệ cuộc sống của chúng ta. IT
  1. Giám sát chặt chẽ tình hình diễn biến chất lượng tài nguyên đất đai và đánh giá tác động, ảnh hưởng của chính sách, pháp luật về đất đai đến tài nguyên đất đai để đề xuất các cơ chế, chính sách, biện pháp nhằm bảo vệ, nâng cao chất lượng tài nguyên đất đai:

* Việc giám sát chặt chẽ tình hình diễn biến chất lượng tài nguyên đất đai thông qua việc đánh giá thoái hóa đất và phân tích quá trình biến đổi chất lượng đất theo thời gian: từ năm 2004 (kế thừa tiêu chuẩn đất nền hoặc từ kết quả chỉnh lý bản đồ đất cấp tỉnh), đối chiếu với kết quả phân tích mẫu đất tầng mặt của các phẫu diện đất theo từng nhóm đất, loại đất đặc trưng của vùng; cụ thể đã đánh giá biến đổi chất lượng đất của các nhóm đất có diện tích lớn trên địa bàn vùng, bao gồm: nhóm đất đỏ vàng, nhóm đất phù sa, nhóm đất mùn vàng đỏ trên núi. Nhìn chung xu hướng biến đổi chất lượng đất của các loại đất trong từng nhóm đất chủ yếu là tăng độ chua của đất (trị số pHKCl giảm); hàm lượng chất hữu cơ, nitơ tổng số, kali tổng số có xu hướng giảm; phốt pho tổng số có xu hướng tăng ở nhóm đất phù sa. Riêng nhóm đất mùn vàng đỏ trên núi có xu hướng biến đổi chất lượng đất là tăng hàm lượng chất hữu cơ, nitơ tổng số và CEC; ổn định hàm lượng phốt pho trong đất.

* Việc giám sát và đánh giá tác động, ảnh hưởng của chính sách, pháp luật về đất đai đến tài nguyên đất đai trong dự án này được thông qua thu thập tài liệu về tình hình quản lý sử dụng đất tại các địa phương, thông qua chỉ tiêu đánh giá mức độ phù hợp của các quy hoạch sử dụng đất các cấp và quy hoạch, chiến lược phát triển các ngành, lĩnh vực đối với hiện trạng sử dụng đất (đánh giá theo các khoanh đất điều tra) với kết quả 28/36 kiểu sử dụng đất có mức độ phù hợp chiến lược cao ở mức 75% trở lên cho thấy về cơ bản chính sách pháp luật đất đai đã có tác động tích cực đến tài nguyên đất. Tuy nhiên với 14,59% diện tích có hiệu quả xã hội và 14,94 % có hiệu quả môi trường ở mức thấp cũng cần được xem xét đề xuất các cơ chế, chính sách, biện pháp và giám sát thực thi cơ chế chính sách nhằm bảo vệ, nâng cao chất lượng tài nguyên đất đai:

– Đề xuất sửa đổi Luật Đất đai 2013 và các văn bản dưới luật theo hướng bảo vệ, cải tạo và phục hồi đất.

– Xây dựng tiêu chí xác định rõ các khu vực đất cần bảo vệ nghiêm ngặt.

– Sử dụng kết quả điều tra, đánh giá đất đai là căn cứ để thẩm định quy hoạch, kế hoạch các cấp đảm bảo tài nguyên đất được sử dụng hiệu quả phù hợp với chất lượng đất, tiềm năng đất đai.

– Rà soát sửa đổi quy định về điều tra, đánh giá đất đai theo hướng điều tra chi tiết trên bản đồ tỷ lệ lớn (1/5.000; 1/10.000) đối với các khu vực đất bị thoái hóa nặng, các khu vực cần được duy trì, bảo tồn nhằm xác định rõ phương án cải tạo, bảo vệ, phục hồi theo từng loại hình sử dụng đất.

– Giải pháp quản lý, sử dụng bảo vệ đất:

+ Đối với nhóm đất nông nghiệp: đẩy mạnh phát triển sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp cộng sinh; giải pháp huy động nguồn lực cộng đồng; hình thành và phát triển vùng trồng cây ăn quả tập trung; đẩy mạnh trồng rừng, khoanh nuôi tái sinh rừng.

+ Đất phi nông nghiệp: quy hoạch tổng thể đất ở, đất công nghiệp, đất thương mại nhằm phát triển bền vững.

– Giải pháp về kỹ thuật:

+ Đề xuất mô hình sử dụng đất: các mô hình có hiệu quả kinh tế cao, bền vững về mặt xã hội và môi trường; trong đó ưu tiên các mô hình sử dụng đất kết hợp như mô hình nông lâm kết hợp, mô hình nông nghiệp cộng sinh (bảo vệ đất trồng theo hướng cộng sinh, trồng cỏ vetiver bên dưới để giữ đất, giữ nước).

+ Nhóm giải pháp kỹ thuật hạn chế ngăn ngừa thoái hóa đất được đề xuất đến từng khu vực đặc thù.

Như vậy: Dự án đã đánh giá thực trạng chất lượng đất, tiềm năng đất đai của các loại đất theo mục đích sử dụng (đất trồng cây hàng năm, đất trồng cây lâu năm, đất rừng sản xuất, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, đất nuôi trồng thủy sản, đất nông nghiệp khác; đất ở, đất chuyên dùng, đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp, đất có mục đích công cộng, đất chưa sử dụng) trên địa bàn vùng; đã đánh giá thực trạng thoái hóa đất; xác định cụ thể nguyên nhân, xu thế và các quá trình thoái hóa đất làm cơ sở đề xuất giải pháp cải tạo, phục hồi và khai thác sử dụng đất bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu.

 Kết quả của dự án là cơ sở cho việc đề xuất giải pháp bảo vệ, định hướng khai thác, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên đất đai; giúp giám sát chặt chẽ tình hình diễn biến chất lượng tài nguyên đất đai và đánh giá tác động, ảnh hưởng của chính sách, pháp luật về đất đai đến tài nguyên đất đai để đề xuất các cơ chế, chính sách, biện pháp nhằm bảo vệ, nâng cao chất lượng tài nguyên đất đai.

  1. Cung cấp dữ liệu về tài nguyên đất để tích hợp vào cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia (phục vụ xây dựng cơ sở dữ liệu về điều tra đánh giá đất đai) góp phần hoàn thiện hệ thống thông tin đất đai hiện đại, tập trung, thống nhất và phục vụ đa mục tiêu, cụ thể:

* Kết quả điều tra thực địa của dự án là nguồn dữ liệu đầu vào, cung cấp dữ liệu về tài nguyên đất, điều tra đánh giá đất đai để xây dựng hệ dữ liệu quan trắc lĩnh vực đất đai là một hệ dữ liệu thành phần của Cơ sở dữ liệu quan trắc tài nguyên môi trường quốc gia gồm: dữ liệu điều tra thực địa tại 14 tỉnh trực thuộc Trung ương trên địa bàn vùng, dữ liệu bản đồ kết quả điều tra cấp tỉnh ở các tỷ lệ khác nhau, gồm:

– Dữ liệu bản đồ (dữ liệu không gian và thuộc tính): gồm bản đồ kết quả điều tra chất lượng đất (vị trí phẫu diện đất, khoanh đất điều tra); tiềm năng đất đai (hiệu quả kinh tế, xã hội, môi trường của từng khoanh đất điều tra) của 14 tỉnh được thành lập trên nền bản đồ hiện trạng sử dụng đất năm 2014 cùng tỷ lệ.

– Dữ liệu dạng điểm: gồm 3.663 điểm điều tra phẫu diện đất (407 phẫu diện chính, 1.628 phẫu diện phụ và 1.628 phẫu diện thăm dò) và 2.604 điểm tra các loại hình thoái hóa đất với đầy đủ thông tin về tọa độ, địa chỉ và đặc điểm khoanh đất như loại đất, loại sử dụng, điều kiện địa hình, tưới tiêu, khô hạn, thoái hóa; thông tin mô tả đặc điểm phẫu diện, kết quả phân tích mẫu đất theo tầng và đặc điểm khoanh đất bị thoái hóa.

– Dữ liệu dạng giấy của 3.663 bản tả phẫu diện đất (trang A4); 3.663 ảnh cảnh quan và 3.663 ảnh chụp mặt cắt phẫu diện; 2.849 phiếu kết quả phân tích mẫu đất (trang A4); 3.663 phiếu điều tra khoanh đất nông nghiệp, 1.371 phiếu điều tra khoanh đất phi nông nghiệp và 2.604 phiếu điều tra các loại hình thoái hóa đất (7.812 trang A4).

* Kết quả của toàn dự án là nguồn dữ liệu cung cấp đầu vào cho cơ sở dữ liệu điều tra đánh giá đất đai, là cơ cở dữ liệu thành phần của cơ sở dữ liệu đất đai Quốc gia (dữ liệu lưu trữ từ dữ liệu điều tra của 14 tỉnh: 3.663 phẫu diện, 5.034 khoanh đất, 2.604 điểm điều tra thoái hóa) với các dữ liệu không gian, thuộc tính đã được xác định như đã trình bày.

– Dữ liệu trung gian khác: các lớp thông tin chuyên đề, dữ liệu sản phẩm các bản đồ chuyên đề và bản đồ kết quả chính của vùng cung cấp kết quả đánh giá thông tin về tài nguyên đất tổng quát, bao gồm: 01 lớp thông tin chuyên đề về đất; 01 lớp thông tin chuyên đề về địa hình; 01 lớp thông tin chuyên đề về khí hậu; 01 lớp thông tin chuyên đề về chế độ nước; 01 lớp thông tin chuyên đề về độ phì nhiêu của đất; 01 lớp thông tin chuyên đề về tình hình sử dụng đất; 01 lớp thông tin chuyên đề về hiệu quả kinh tế; 01 lớp thông tin chuyên đề về hiệu quả xã hội; 01 lớp thông tin chuyên đề về hiệu quả môi trường.

– Dữ liệu từ các sản phẩm chính của dự án, bao gồm:

+ Các bản đồ kết quả (dữ liệu không gian): 01 bản đồ chất lượng đất của vùng; 01 bản đồ tiềm năng đất đai của vùng; 01 bản đồ định hướng sử dụng đất của vùng; 01 bản đồ thoái hóa đất kỳ bổ sung của vùng.

+ Các bản đồ chuyên đề (dữ liệu không gian và thuộc tính): 01 bản đồ loại sử dụng đất nông nghiệp của vùng; 01 bản đồ đất bị suy giảm độ phì; 01 bản đồ đất bị xói mòn do mưa; 01 bản đồ đất bị khô hạn, hoang mạc hóa, sa mạc hóa; 01 bản đồ đất bị kết von, đá ong hóa kỳ bổ sung.

+ Dữ liệu dạng giấy, bao gồm: 01 Báo cáo tổng hợp Điều tra, đánh giá chất lượng đất, tiềm năng đất đai của vùng; 01 Báo cáo tổng hợp Điều tra, đánh giá thoái hóa đất của vùng..

Toàn bộ sản phẩm, dữ liệu của dự án sẽ được cung cấp để tích hợp vào cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia, cơ sở dữ liệu quan trắc tài nguyên môi trường quốc gia góp phần hoàn thiện hệ thống thông tin đất đai hiện đại, tập trung, thống nhất và phục vụ đa mục tiêu.

  1. Cung cấp thông tin, số liệu làm căn cứ cho khoanh vùng theo khu chức năng và phân bổ chỉ tiêu sử dụng đất trong quy hoạch tỉnh, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện:

Với kết quả xác định chất lượng đất, tiềm năng đất đai cho từng mục đích sử dụng theo các mức đánh giá: cao, thấp, trung bình và kết quả đánh giá thoái hóa đất theo từng loại đất, loại hình thoái hóa theo các mức độ: nặng, trung bình, nhẹ,… được chỉ rõ trên các bản đồ cấp vùng, xác định theo từng khu vực đất cũng như hướng sử dụng đất đã được tính toán đáp ứng yêu cầu ứng phó biến đổi khí hậu đến năm 2030 và 2050, kết quả dự án hoàn toàn đáp ứng mục tiêu cung cấp thông tin, số liệu phục vụ lập quy hoạch tỉnh, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện.

  1. Cung cấp số liệu cho hệ thống theo dõi quản lý sử dụng đất và hệ thống chỉ tiêu thống kê Quốc gia và phục vụ nhu cầu thông tin về tài nguyên đất cho các hoạt động kinh tế, xã hội, nghiên cứu khoa học và các nhu cầu khác của Nhà nước:

Kết quả thực hiện dự án đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt (Quyết định số 2577/QĐ-BTNMT ngày 13 tháng 11 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt báo cáo kết quả dự án Tổng điều tra, đánh giá tài nguyên đất đai toàn quốc – Hợp phần I: Điều tra, đánh giá đất đai của cả nước, các vùng kinh tế – xã hội) và công bố theo đúng quy định của pháp luật (Quyết định số 1432/QĐ-BTNMT ngày 21 tháng 7 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố kết quả điều tra, đánh giá đất đai cả nước, các vùng kinh tế – xã hội) trên trang thông tin điện tử của Bộ, của Tổng cục Quản lý đất đai và gửi số liệu vào hệ thống chỉ tiêu thống kê Quốc gia tại Tổng cục Thống kê.

Kết quả dự án cũng đảm bảo cung cấp nguồn số liệu chính xác khách quan nhất cho hệ thống theo dõi quản lý sử dụng đất và hệ thống chỉ tiêu thống kê Quốc gia (theo biểu mẫu quy định tại Thông tư số 20/2018/TT-BTNMT ngày 8 tháng 01 năm 2018 đến từng vùng kinh tế – xã hội) và phục vụ nhu cầu thông tin về tài nguyên đất cho các hoạt động kinh tế, xã hội, nghiên cứu khoa học và các nhu cầu khác của Nhà nước.

Khi các sản phẩm chính, sản phẩm trung gian và kết quả điều tra của dự án được cung cấp cho hệ thống thông tin đất đai thông qua Cơ sở dữ liệu đất đai Quốc gia và Cơ sở dữ liệu quan trắc tài nguyên môi trường Quốc gia, việc tra cứu kết quả đánh giá đất trên diện rộng (phạm vi cấp xã, cấp huyện) hoặc chi tiết thửa đất tại điểm điều tra sẽ được kết nối, chia sẻ để phục vụ các hoạt động kinh tế, xã hội, nghiên cứu khoa học và các nhu cầu khác của Nhà nước.

         

Như vậy: Kết quả dự án trên địa bàn vùng đã đáp ứng đúng mục tiêu tổng quát và mục tiêu cụ thể thông qua việc hoàn thiện toàn bộ khối lượng công việc theo từng nội dung và phương pháp kỹ thuật tương ứng đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Từ kết quả dự án cũng đã cung cấp bức tranh toàn cảnh về tài nguyên đất của vùng, hướng khai thác sử dụng để đạt hiệu quả cao nhất với tính bền vững ổn định và thích ứng điều kiện biến đổi khí hậu mà vẫn đảm bảo phát triển kinh tế xã hội trong tương lai. Kết quả điều tra thoái hóa đất kỳ bổ sung cũng cho thấy chưa có chế tài đủ mạnh trong việc bảo vệ đất, phục hồi đất thoái hóa hoặc ngăn ngừa, giảm thiểu thoái hóa đất. Các giải pháp về quản lý đất rừng, quản lý sử dụng đất, các giải pháp kỹ thuật, mô hình sử dụng đất được đề xuất chưa được UBND cấp tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp nhận và đưa vào áp dụng do chưa có quy định cụ thể về việc cải tạo, phục hồi bảo vệ đất trong các văn bản quy phạm pháp luật. Như vậy từ kết quả đánh giá việc thực hiện các giải pháp, biện pháp giảm thiểu thoái hóa đất kỳ trước là cơ sở đề xuất sửa đổi, hoàn thiện quy định pháp luật về quản lý bảo vệ đất và phục hồi đất thoái hóa, giảm thiểu thoái hóa đất.

Tuy nhiên do kết quả điều tra đánh giá cho cấp vùng nên quy mô khoanh đất khu vực điều tra đánh giá lớn nên kết quả mang tính khái quát, định hướng lớn tầm vĩ mô, chưa mô tả chi tiết cụ thể. Mặc dù vậy cũng đã chỉ ra được các khu vực đất hoặc các loại hình sử dụng đất cần được điều tra đánh giá ở mức chi tiết cho từng điều kiện cụ thể phục vụ cho việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng hoặc đề xuất phương thức sản xuất phù hợp đảm bảo giảm thiểu thoái hóa đất, duy trì phục hồi chất lượng đất, bảo vệ đất nhằm phát triển bền vững. Đồng thời cũng cho thấy bộ chỉ tiêu đánh giá đất ở mức chi tiết (trên bản đồ cấp xã, cấp huyện) phải được bổ sung, phương pháp kỹ thuật cũng cần tăng cường tương ứng.

ThS. Trịnh Quốc Huy, Vụ Đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường 

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích