Thành phố Hồ Chí Minh có 2 quận giải ngân vốn bồi thường 0 đồng
(Xây dựng) – Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh vừa báo cáo kết quả rà soát tình hình giải ngân vốn bồi thường năm 2023.
Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi (Ảnh: VGP/Nhật Bắc). |
Theo đó, đến nay, các quận, huyện, thành phố Thủ Đức đã giải ngân hơn 15,6 nghìn tỷ đồng trong tổng số vốn của năm là hơn 26,4 nghìn tỷ đồng, đạt tỷ lệ gần 60%. Để đảm bảo mục tiêu của năm 2023, thành phố cần tiếp tục giải ngân hơn 10.000 tỷ đồng.
Theo thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường, thành phố có 5 địa phương đã giải ngân vốn bồi thường hơn 90% là quận 8, 10, 12, Tân Bình, Phú Nhuận. Quận 7 là địa phương duy nhất đã giải ngân hơn 80%. Các địa phương đã giải ngân từ 50% đến 80% là quận 4, 11, Bình Thạnh, Bình Tân, Gò Vấp, huyện Bình Chánh, Nhà Bè, Củ Chi, Hóc Môn.
Những địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 50% là quận 6, Tân Phú, Thành phố Thủ Đức, huyện Cần Giờ. Trong đó, quận 6 đã giải ngân hơn 14% và quận Tân Phú là gần 23%.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, quận 6 có khả năng nâng tỷ lệ giải ngân vốn bồi thường lên mức 95% trong năm nay. Do UBND quận này đã ban hành quyết định thu hồi đất, quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, quyết định phê duyệt phương án đào tạo, chuyển đổi nghề, hỗ trợ việc làm đối với các dự án. Hội đồng bồi thường cũng thực hiện vận động chi trả cho các hộ dân.
Đối với quận Tân Phú, địa phương cần giải ngân thêm hơn 212 tỷ đồng, trong đó hơn 209 tỷ chi cho các hộ dân trong dự án đầu tư xây dựng 2 tuyến giao thông.
Sở Tài nguyên và Môi trường đánh giá, tỷ lệ giải ngân của địa phương này chưa có chuyển biến và khả năng lớn không thể chi trả do các hộ dân không đồng ý nhận tiền. Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, riêng quận 3 và quận 5 có tỷ lệ giải ngân đạt 0% tính đến hiện tại. Trong đó, quận 3 cần giải ngân 423 tỷ đồng cho 1 dự án, quận 5 cần giải ngân hơn 587 tỷ đồng cho 3 dự án.
Hiện, quận 3 đã thành lập hội đồng thẩm định giá đất cấp quận. Tuy nhiên, dự án bồi thường, giải phóng mặt bằng phục vụ tuyến metro số 2 vẫn phải chờ UBND Thành phố Hồ Chí Minh kết luận. Sau đó, UBND quận 3 mới có thể tiếp tục giải ngân số vốn được giao.
Đối với quận 5, Sở Tài nguyên và Môi trường đánh giá địa phương này có thể nâng tỷ lệ giải ngân vốn bồi thường lên 90% trong năm nay. UBND quận 5 đã ban hành các quyết định phê duyệt hệ số điều chỉnh giá nhà, đất của 2 dự án và đang tăng cường nguồn lực thực hiện những bước tiếp theo.
Trước đó, Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi đã có thư khen đối với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân quận 1, quận 4, quận 8, quận 10, quận Gò Vấp, quận Phú Nhuận, huyện Bình Chánh và huyện Củ Chi.
Dự án mở rộng đường Dương Quảng Hàm, quận Gò Vấp. |
Theo nội dung thư, thời gian qua, với tinh thần trách nhiệm, khẩn trương, ý chí quyết tâm cao của Đảng bộ, chính quyền và sự đồng thuận của nhân dân, các quận, huyện trên thực hiện rất tốt, hiệu quả phong trào thi đua 60 ngày, đêm đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Đồng thời, đã phối hợp chặt chẽ với các Sở, ngành Thành phố và chủ đầu tư các dự án sử dụng vốn ngân sách đẩy nhanh công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, mua sắm trang thiết bị và thi công xây lắp của các dự án.
Thay mặt lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh, Chủ tịch Phan Văn Mãi đánh giá cao và biểu dương những kết quả tích cực, sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền, sự đồng thuận, chia sẻ khó khăn của người dân các địa phương trên. Qua đó đã sớm hoàn thành các dự án đưa vào khai thác, sử dụng phục vụ cho nhu cầu của địa phương, từng bước làm thay đổi diện mạo của địa phương và của Thành phố.
Chủ tịch UBND Thành phố đề nghị các Sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thành phố Thủ Đức, chủ đầu tư các dự án tiếp tục khắc phục các khó khăn, giải quyết kịp thời các vướng mắc, phát huy những kết quả đạt được, nỗ lực cao hơn nữa để hoàn tất công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, sớm thu hồi đất, bàn giao mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ thi công của các dự án trong 30 ngày còn lại của năm 2023, hoàn thành tiến độ giải ngân theo kế hoạch và cam kết với lãnh đạo Thành phố.
Qua đó, góp phần hoàn thiện hạ tầng xã hội, hạ tầng giao thông, đô thị, tạo không gian và động lực phát triển kinh tế – xã hội của các địa phương, đóng góp vào sự tăng trưởng chung của Thành phố Hồ Chí Minh trong thời gian tới.
Nguồn: Báo xây dựng