Khẳng định vị trí đàn Tam thập lục trong hệ thống nhạc cụ dân tộc Việt Nam
Mới đây, Hội nghệ sĩ Tam thập lục ba miền Bắc – Trung – Nam đã tổ chức chương trình nhạc hội Tam thập lục, nhằm kỷ niệm 5 năm ngày thành lập Hội và tri ân của các thế hệ học sinh, sinh viên với những cống hiến của thầy cô, nghệ sĩ lão thành.
NSND Phạm Ngọc Khôi, Phó Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam và TS. NSƯT Nguyễn Thị Hoa Đăng, Trưởng bộ môn Tam thập lục, Phó trưởng khoa Âm nhạc truyền thống Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam phát biểu tại chương trình. |
Phát biểu tại Nhạc hội Tam thập lục 2023, NSND Phạm Ngọc Khôi, Phó Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam cho biết: Đàn Tam thập lục là nhạc cụ quan trọng trong dàn nhạc dân tộc Việt Nam. Thông qua nhạc hội, chúng ta hiểu thêm về lịch sử và công lao của nhiều thầy cô, nghệ sĩ đối với nghệ thuật diễn tấu Tam thập lục. Sau thời gian Covid-19, có thể nói đây là hoạt động âm nhạc có ý nghĩa góp phần tích cực vào đời sống âm nhạc của cộng đồng, thúc đầy các nhạc cụ dân tộc khác với những nhạc hội tiếp theo.
Phát biểu khai mạc chương trình, TS. NSƯT Nguyễn Thị Hoa Đăng, Trưởng bộ môn Tam thập lục, Phó trưởng khoa Âm nhạc truyền thống Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam cho biết: Có mặt hơn 70 năm qua ở Việt Nam, đàn Tam thập lục đã khẳng định vị trí trong kho tàng nhạc cụ âm nhạc dân tộc Việt Nam với vai trò độc tấu, hòa tấu và đệm cho các nhạc cụ khác. Hiện nay, tên nhạc cụ dây gõ có mặt ở rất nhiều nước trên thế giới vì thế đàn được coi là nhạc cụ dân tộc thế giới. Với âm vực rộng, thang âm automatic và kỹ thuật tiết tấu phong phú, đàn Tam thập lục thích ứng với xu hướng giao lưu và phát triển văn hóa trong thời đại giao lưu hiện nay.
Chương trình nhạc hội Tam thập lục. |
Hội nghệ sĩ Tam thập lục có cuộc hội ngộ đầu tiên vào năm 2018, gồm nhiều nghệ sĩ ở khắp vùng miền của đất nước đã kết nối được rất nhiều anh chị em ở ba miền Bắc – Trung – Nam cùng nhau tổ chức chương trình nhạc cụ Tam thập lục lần thứ nhất ngày hôm nay nhằm kỷ niệm 5 năm ngày thành lập hội, và tri ân của các thế hệ học sinh, sinh viên với những cống hiến của thầy cô, nghệ sĩ lão thành.
“Chúng tôi mong muốn lan tỏa tình yêu với cây đàn Tam thập lục, bảo lưu truyền thống, tiếp thu tinh hoa phát triển nghệ thuật diễn tấu, đàn Tam thập lục, nhạc cụ truyền thống Việt Nam nói riêng và nhạc cụ truyền thống nói chung, qua đó các nghệ sĩ Tam thập lục muốn khẳng định vị trí trong hệ thống các nhạc cụ dân tộc Việt Nam”, TS. NSƯT Nguyễn Thị Hoa Đăng nhấn mạnh.
Tại chương trình, TS Đào Minh Quang, Chủ tịch Quỹ học bổng Đào Minh Quang cảm động trước sự lao động của các nghệ sĩ. Ông cho biết, ông rất quan tâm đến âm nhạc dân tộc và sẽ sớm hợp tác với Ban lãnh đạo Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, Hội Nhạc sĩ Việt Nam và Ban chủ nhiệm Khoa Âm nhạc Truyền thống để tổ chức cuộc thi sáng tác tác phẩm cho nhạc cụ dân tộc thời gian tới.
Âm nhạc dân tộc Việt Nam, với những nhạc cụ truyền thống độc đáo, những tác phẩm độc tấu và hòa tấu đặc sắc, những nhạc sĩ sáng tác tài hoa, những nghệ sĩ với đam mê cháy bỏng, những thế hệ thầy cô và trò đầy nhiệt huyết… Tất cả những điều đó, những con người đó đã góp phần gìn giữ, phát huy, làm sâu sắc và ý nghĩa thêm những tinh họa văn hóa dân tộc Việt thông qua những nốt nhạc, bản đàn.
Vinh dự được biểu diễn một tiết mục biểu diễn solo tại chương trình, nhạc sĩ, nghệ sĩ Thúy My (Nhà hát Đài Tiếng nói Việt Nam) chia sẻ: “Tôi rất xúc động khi được quay trở lại trường biểu diễn trong ngày hôm nay. Tác phẩm ‘Tình biển’ do tôi biểu diễn tại chương trình là tác phẩm tôi viết cho cây đàn Tam thập lục độc tấu cùng với dàn nhạc, đây cũng là tác phẩm đã đạt giải thưởng của Hội Nhạc sĩ Việt Nam vào năm 2022. Tôi rất vui khi mang tác phẩm của mình tới để giới thiệu tới mọi người, rất xúc động và khơi gợi lại cho tôi nhiều ký ức”.
Chương trình nhạc hội Tam thập lục diễn ra với 15 tiết mục âm nhạc đặc sắc bao gồm Tiết mục đàn hát: “Mùa xuân non cao”; Tứ tấu Âu Cơ: “Giai điệu mùa hạ”; Độc tấu nghệ sĩ Cao Hương Giang: Biến tấu dân ca Nga Karabeinhiski; Độc tấu Nghệ sĩ nhí Bảo Hân; Song tấu: “Xuân quê hương”; Song tấu: “Phoyphalin Khausivavat”; Song tấu Nghệ sĩ ưu tú Thanh Hằng và nghệ sĩ Thu Hồng: “Chào sông Mã anh hùng”; Tốp tấu bài ca: “cây đậu đỏ”; Hát Chèo: “làn điệu Đào liễu”; Độc tấu: “Tình biển”; Độc tấu Đỗ Thị Điệp: “Phi châu tươi đẹp”; Nghệ sĩ Trịnh Thanh Hiền biểu diễn cá nhân; Song tấu Trần Hồng Phúc & Bảo Uyên: “Buôn rẫy hội mừng công”; Tốp tấu Tam thập lục tác phẩm: “Thảo Nguyên”; Bài ca Nhạc hội đàn Tam thập lục.
Âm nhạc nói chung và âm nhạc truyền thống Việt Nam nói riêng từ bao đời nay đã luôn gắn liền với đời sống tinh thần, là hồn cốt dân tộc, là văn hóa và là một phần không thể thiếu được đối với người dân Việt Nam, đặc biệt là những người yêu âm nhạc, những người nghệ sĩ mà cả cuộc đời mình gắn bó với âm nhạc.
Nguồn: Báo lao động thủ đô