Để Hội An xứng danh Thành phố Sáng tạo trong Nghệ thuật Dân gian
Hội An sẽ xây dựng các cơ chế, chính sách, giải pháp tiếp tục chủ động mở rộng giao lưu, hợp tác quốc tế về nghiên cứu khoa học, bảo tồn và phát huy di sản văn hóa, tài nguyên thiên nhiên…
Phố cổ Hội An nằm yên bình bên dòng sông Hoài Phố. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN) |
Ngày 31/10/2023, tại trụ sở ở thủ đô Paris (Pháp), Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) đã công bố Hội An là Thành phố Sáng tạo trong lĩnh vực Thủ công và Nghệ thuật Dân gian.
Hội An là một thị xã cổ của người Việt, nằm ở vùng hạ lưu ngã ba sông Thu Bồn thuộc vùng đồng bằng ven biển tỉnh Quảng Nam, cách thành phố Đà Nẵng khoảng 30km về phía Nam.
Nơi đây từng được biết đến với nhiều tên gọi khác nhau như Lâm Ấp, Faifo, Hoài Phố và Hội An.
Là một kiểu cảng thị truyền thống Đông Nam Á duy nhất ở Việt Nam, hiếm có trên thế giới, qua bao biến cố thăng trầm của lịch sử, đến nay Hội An vẫn giữ được gần như nguyên trạng với 1.360 di tích bao gồm 1.068 nhà cổ, 11 giếng nước cổ, 38 nhà thờ tộc, 19 ngôi chùa, 43 miếu thờ thần, 23 đình, 44 mộ cổ loại đặc biệt và một cây cầu… Điều này khiến Hội An trở thành một địa danh độc nhất vô nhị trong biên niên sử thời hiện đại.
Thủ công và nghệ thuật dân gian là thế mạnh nổi trội và là lĩnh vực được Hội An bảo tồn và phát huy hiệu quả trong thời gian qua.
Thành phố hiện có 5 làng nghề truyền thống với gần 50 ngành nghề thủ công đang hoạt động sôi nổi có thể kể đến như nghề mộc, nghề gốm, nghề làm đèn lồng, nghề làm tre dừa, may mặc, làm đồ da… Trong đó, có 3 làng nghề và 1 nghề truyền thống được công nhận Di sản Phi Vật thể Quốc gia và 2 làng nghề khác đang làm hồ sơ đề nghị công nhận.
Những chiếc đèn lồng nhiều màu sắc là vật dụng trang trí không thể thiếu trong mỗi ngôi nhà của người dân Hội An. (Ảnh: Đỗ Trưởng/TTXVN) |
Hệ sinh thái các làng nghề, cộng đồng làng nghề cùng các tập quán, sinh hoạt, tín ngưỡng lâu đời của cư dân địa phương đã góp phần truyền cảm hứng, hình thành và nuôi dưỡng sự phong phú và đa dạng của nhiều loại hình nghệ thuật dân gian độc đáo như: hát bả trạo, hò khoan, hô hát bài chòi, thơ ca, hò vè, nghệ thuật hát Bội, múa nghi lễ, tạo hình dân gian… phản ánh chân thực, sinh động những đặc điểm văn hóa-xã hội của vùng đất và trở thành một phần thiết yếu trong đời sống tinh thần của người dân Hội An.
Trong số đó phải kể đến Nghệ thuật Bài Chòi đã được công nhận là Di sản Văn hóa Phi Vật thể đại diện của nhân loại (năm 2017).
Đông đảo cư dân Hội An tham gia vào các hoạt động thủ công và nghệ thuật dân gian một cách chính thức hoặc không chính thức gồm các nhóm: lao động tự do và sản xuất, kinh doanh thủ công; nhóm các nghệ sỹ, nghệ nhân, cá nhân thuộc các hiệp hội nghề nghiệp, điều hành các xưởng thủ công sáng tạo; nhóm còn lại gồm các doanh nghiệp và nhà kinh doanh trong lĩnh vực thủ công và nghệ thuật dân gian.
Thành phố hiện có 658 doanh nghiệp nhỏ và 1.710 hộ kinh doanh hoạt động trong lĩnh vực thủ công và nghệ thuật dân gian.
Ước tính có khoảng 4.000 người lao động trực tiếp có thu nhập trung bình 3.500-4.000 USD mỗi năm từ thủ công và nghệ thuật dân gian.
Hội An còn là mảnh đất có sức hút mạnh mẽ và mang lại nguồn cảm hứng cho các chuyên gia, nhà sáng tạo, nghệ sỹ trong và ngoài nước đến sinh sống và sáng tác với đa dạng các loại hình, lĩnh vực sáng tạo cũng như chiều sâu và hàm lượng sáng tạo; làm cho thành phố thân yêu này thành một trong những không gian sáng tạo hấp dẫn của cả nước.
Nghệ thuật Bài Chòi được UNESCO ghi danh Di sản Văn hóa Phi Vật thể đại diện của nhân loại. (Ảnh: Trọng Đạt/TTXVN) |
Ông Nguyễn Văn Lanh – Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hội An – cho biết ngày 31/10 đã đi vào lịch sử của Hội An – ngày UNESCO xướng tên và vinh danh Hội An gia nhập Mạng lưới Thành phố Sáng tạo Toàn cầu. Đây là dấu son, bước ngoặt trong chặng đường mới.
Trong thời gian tới, thành phố Hội An sẽ xây dựng kế hoạch hành động cụ thể để thực hiện có hiệu quả các nội dung sáng kiến đề xuất trong hồ sơ.
Đồng thời kết nối với các thành viên của mạng lưới để cùng nhau xây dựng, phát triển trên các lĩnh vực văn hóa sáng tạo.
Trong bối cảnh hội nhập toàn cầu, Hội An sẽ xây dựng các cơ chế, chính sách, giải pháp tiếp tục chủ động mở rộng giao lưu, hợp tác quốc tế về nghiên cứu khoa học, bảo tồn và phát huy di sản văn hóa, tài nguyên thiên nhiên, tôn tạo cảnh quan, bảo vệ môi trường.
Tổ chức các sự kiện thường niên và nâng Hội An trở thành một điểm đến của các liên hoan thủ công, nghệ thuật dân gian cả nước và quốc tế.
Trong 4 năm tới thành phố sẽ thúc đẩy phát triển hợp tác công-tư và các tổ chức xã hội nghề nghiệp, huy động sự tham gia sáng tạo của mọi thành viên trong cộng đồng (như người dân, nghệ nhân, nghệ sỹ, doanh nhân…).
Mở rộng hơn chương trình khởi nghiệp, khuyến khích giới trẻ phát triển kỹ năng và sáng tạo, kêu gọi sáng kiến hỗ trợ sản xuất thủ công, kết hợp giữa bảo tồn và phát triển, đổi mới theo hướng xanh, có chất lượng, đa dạng hóa và tạo giá trị tăng thêm cho sản phẩm, bắt kịp xu hướng thiết kế sáng tạo tiên tiến.
Phát huy các nguồn lực hợp tác, thúc đẩy, thiết kế các dự án, mô hình, không gian sáng tạo nhằm bảo tồn và phát triển các nghề thủ công và nghệ thuật dân gian, góp phần thực hiện tốt quy hoạch chung của thành phố về phát triển bền vững./.
Mạng lưới các Thành phố Sáng tạo của UNESCO, viết tắt là UCCN, được khởi xướng vào năm 2004 với mục tiêu thúc đẩy sự hợp tác giữa các thành phố lấy sáng tạo là yếu tố chiến lược để phát triển đô thị bền vững; tập trung vào nhiều lĩnh vực sáng tạo đa dạng. Các thành phố thuộc UCCN cùng cam kết đóng góp vào tầm nhìn chung của mạng lưới thông qua việc chia sẻ kinh nghiệm, phát triển quan hệ đối tác, tôn trọng sự đa dạng và đảm bảo sự tích hợp của văn hóa, sáng tạo vào mọi mặt của đời sống xã hội. Mạng lưới hiện có 350 thành phố từ hơn 100 quốc gia, tập trung vào 7 lĩnh vực sáng tạo gồm Thiết kế, Văn học, Âm nhạc, Thủ công và Nghệ thuật Dân gian, Ẩm thực, Điện ảnh và Nghệ thuật Truyền thông. |
Nguồn: Báo xây dựng