Hãy dạy học sinh về mỹ học
Từ xa xưa, không phải ngẫu nhiên ông cha ta đúc kết thành ca dao, tục ngữ: “Học ăn, học nói, học gói, học mở”. Hiểu một cách nôm na, một đứa trẻ sinh ra, lớn lên, phải được học, được giáo dục để phát triển mọi mặt cả về kiến thức, đạo đức, ngôn ngữ, giao tiếp và thể chất. Và phải công nhận, chưa bao giờ các em học sinh có điều kiện về vật chất, hưởng thụ văn hóa như hiện tại. Nhưng cạnh đó, cũng phải thừa nhận, chưa bao giờ học sinh, sinh viên nói bậy, văng tục như bây giờ.
Ảnh minh họa. |
Nhớ lại chiều đầu đông, cùng với một bác Việt kiều là tri thức bao năm xa quê ngồi nhìn phố phường Thủ đô bắt đầu lên đèn. Bỗng đâu, mấy cô cậu học sinh đi qua, một nữ sinh mặt còn búng ra sữa, miệng phát ra những thanh âm rất “trong trẻo”: Công nhận hôm nay quán nó pha trà chanh ngon “vãi lều”. Bác Việt kiều tủm tỉm cười. Có lẽ bác cười vì nhìn thấy thế hệ trẻ thời nay đẹp, khỏe khoắn, chứ không hiểu nghĩa từ “vãi”, từ “lều” là gì. Đang mãi mê ngắm những “thiên thần”, bỗng một cậu trong nhóm cao giọng nói: “Đ… con mẹ, như l… ấy mà mày cũng khen ngon”! Bác giật mình tối sầm nét mặt, rồi chậm rãi nói: “Ơ sao nhìn cậu bé khôi ngô thế này mà lại nói tục thế kia? Bác lắc đầu.
Trả lời câu hỏi của bác xong, lòng hỏi lòng, với tất cả rừng kiến thức trong trường học đương đại và cái sự học ngày, học đêm, cùng với sự lên ngôi của internet, mạng xã hội mà các em được thụ hưởng ngay cả khi đang nằm trong chăn, tại sao ngôn ngữ giao tiếp trong giới trẻ nói chung, bậc học sinh, sinh viên nói riêng lại đang xuống cấp đến vậy? Các động từ bậy, dung tục chiếm tỷ lệ khá cao trong giao tiếp.
Khi chúng ta xác định “giáo dục – đào tạo là quốc sách hàng đầu”, nghĩa là xác định giáo dục để tạo ra những con người phát triển toàn diện, nhằm đáp ứng nguồn nhân lực trong tương lai, cũng như để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tuy nhiên, nếu giáo dục chỉ tập trung vào chuyên môn với rừng kiến thức, mà quên đi giáo dục về mỹ học (lời ăn, tiếng nói, nhân cách sống) thì không chỉ ngôn ngữ tiếng Việt sẽ bị biến dạng trong dòng chảy cuộc sống đương đại, mà còn góp phần tạo ra những hành động không đẹp trong ứng xử. Vì ngôn ngữ vốn là công cụ của tư duy.
Nguồn: Báo lao động thủ đô