Các vấn đề môi trường tác động tiêu cực đến xây dựng Kinh tế tuần hoàn
Kinh tế tuần hoàn đặc biệt chú trọng đến quản lý và tái tạo tài nguyên theo một vòng khép kín, nhằm tránh tạo ra phế thải và ô nhiễm môi trường.
Nếu như “kinh tế tuyến tính” chỉ quan tâm đến việc khai thác tài nguyên, sản xuất, tiêu dùng và thải bỏ ra môi trường dẫn đến việc tạo ra một lượng phế thải lớn, cũng như khai thác tối đa nguồn tài nguyên thiên nhiên phục vụ phát triển kinh tế – xã hội, thì Kinh tế tuần hoàn lại chú trọng việc quản lý và tái tạo tài nguyên theo một vòng khép kín để tránh tạo ra chất thải. Việc chuyển đổi sang Kinh tế tuần hoàn cũng là cơ hội lớn để phát triển nhanh, bền vững, không chỉ đạt mục tiêu kinh tế – xã hội, môi trường mà còn ứng phó biến đổi khí hậu một cách hiệu quả; nâng cao nhận thức của người dân về tái sử dụng, tái chế chất thải, hạn chế tiêu dùng các mặt hàng sử dụng một lần không cần thiết. Đồng thời, mở rộng trách nhiệm của nhà sản xuất để hỗ trợ thực hiện 100% tỷ lệ tái chế chất thải thành nguyên liệu và là con đường ngắn nhất hướng đến nền kinh tế các-bon thấp, nhất là trong các ngành công nghiệp nặng.
Để xây dựng được Kinh tế tuần hoàn thì vấn đề môi trường cần được giải quyết một cách triệt để
Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), chỉ riêng ô nhiễm nguồn nước có thể gây thiệt hại cho kinh tế Việt Nam tới 3,5% GDP (năm 2019). Cùng với đó là tình trạng suy giảm tài nguyên, năng lượng, ô nhiễm và suy thái đất, nhất là biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng nghiêm trọng tới sự phát triển kinh tế – xã hội của Việt Nam thời gian qua. Trong khi đó, hoạt động kinh tế của Việt Nam từ trước đến nay vẫn dựa trên chủ yếu từ cách tiếp cận truyền thống, đó là kinh tế tuyến tính, đây cũng là nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng thiếu hụt các nguồn tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là gây ra ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Theo ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), dù thương mại và đầu tư là động lực cho sự tăng trưởng kinh tế đầy ấn tượng của các nền kinh tế đang phát triển ở Châu Á trong đó có Việt Nam, thỉ trong những thập niên gần đây, nó cũng dẫn tới sự gia tăng lớn lượng khí thải các-bon đi-ô-xít trong khu vực là báo động cho những tác động môi trường ảnh hưởng đến việc xây dựng Kinh tế tuần hoàn. Để đảo ngược xu hướng này, sẽ đòi hỏi phải có những biện pháp như thúc đẩy thương mại hàng hóa và dịch vụ môi trường, hỗ trợ và khuyến khích các doanh nghiệp xanh, phát triển các cơ chế định giá các-bon, và tăng cường hợp tác khu vực thông qua các thỏa thuận thương mại và đầu tư.
Chuyên gia Kinh tế trưởng của ADB, ông Albert Park, chia sẻ: “Tăng trưởng kinh tế ấn tượng của châu Á và Thái Bình Dương đã giúp hàng triệu người thoát cảnh nghèo khổ, nhưng điều này phải trả giá bằng môi trường và những hạn chế khi xây dựng nền Kinh tế tuần hoàn. Khu vực này hiện đang ở tuyến đầu của cuộc khủng hoảng khí hậu, có thể làm trật hướng tiến trình phát triển. Thương mại và đầu tư vẫn là một trong những động lực quan trọng nhất cho tăng trưởng và giảm nghèo, nhưng các Chính phủ trong khu vực cần tăng cường hợp tác để làm cho thương mại và đầu tư trở nên ‘xanh’ hơn”.
Từ năm 1995 tới năm 2019, lượng phát thải các-bon đi-ô-xít liên quan tới sản xuất của châu Á đã tăng gần gấp ba lần, chủ yếu phản ánh tốc độ tăng trưởng và công nghiệp hóa chưa từng có của khu vực để đáp ứng nhu cầu – cả bên trong khu vực và các thị trường xuất khẩu. Châu Á và Thái Bình Dương hiện đang ấm lên nhanh hơn bất kỳ nơi nào khác trên thế giới. Gần 40% thiên tai của thế giới diễn ra trong khu vực này, và hơn 70% số người bị ảnh hưởng bởi thiên tai sống tại châu Á và Thái Bình Dương. Theo chuyên gia ADB, để giải quyết tình trạng này các chính phủ trong khu vực có thể làm cho thương mại và đầu tư trở nên bền vững hơn và xanh hơn bằng cách: Thúc đẩy thương mại hàng hóa môi trường, ví dụ như các tấm pin năng lượng mặt trời, và dịch vụ môi trường; Hỗ trợ và khuyến khích các doanh nghiệp xanh thông qua quy định pháp lý, chính sách khuyến khích, các tiêu chuẩn và hệ thống chứng nhận; Tăng cường hợp tác pháp lý quốc tế để khiến các cam kết và hành động khí hậu trở nên minh bạch, vững chắc, được áp dụng chung và có tính hợp tác; Và xây dựng các cơ chế định giá các-bon ở cấp độ quốc gia và xuyên quốc gia, thông qua những mối liên kết và liên minh khu vực.
Nam Dương