Tiềm năng đất hiếm Việt Nam: Cơ hội đàm phán, “tìm bạn” hợp tác
Tiềm năng đất hiếm Việt Nam: Cơ hội đàm phán, “tìm bạn” hợp tác
Không nên quá hào hứng, cũng không nên quá bi quan trong việc biến tiềm năng đất hiếm dồi dào trở thành giá trị thực, sức mạnh thực, vị thế thực cho nền kinh tế Việt Nam.
Việt Nam đã phê duyệt quy hoạch khai thác khoáng sản đến 2030, theo đó, sẽ khai thác khoảng 2 triệu tấn quặng đất hiếm nguyên khai/năm trong bối cảnh thị trường đất hiếm trên thế giới ngày càng sôi động.
Các số liệu công bố cho biết, Việt Nam đang có trữ lượng đất hiếm đứng thứ 2 thế giới (22 triệu tấn), chỉ sau Trung Quốc (44 triệu tấn)… Bên cạnh nhu cầu sử dụng nguồn tài nguyên chiến lược này là cuộc cạnh tranh kinh tế giữa Trung Quốc và các nước phương Tây. Trong số báo này sẽ phác họa một bức tranh tổng thể về đất hiếm với sự góp mặt của các chuyên gia trên lĩnh vực khai khoáng, nhằm đánh giá thực chất tiềm năng đất hiếm của Việt Nam cũng như những lựa chọn để sử dụng tài nguyên này hiệu quả nhất.
Quan điểm khách quan và thận trọng của PGS-TS. Nguyễn Phương (Phó chủ tịch thường trực Hội Địa chất Kinh tế Việt Nam, người đã có trên 50 năm nghiên cứu về lĩnh vực khoáng sản, trong đó có đất hiếm) gợi mở phương cách tiếp cận nguồn tài nguyên được coi là “vitamin của nền công nghiệp hiện đại”.
Biết mình biết người, trăm trận trăm thắng
Việt Nam đang trong giai đoạn bước ngoặt để làm chủ nguồn tài nguyên đất hiếm có trữ lượng đứng thứ hai thế giới. Cuộc đụng độ thương mại giữa hai cường quốc kinh tế hàng đầu, những xung đột địa chính trị, địa kinh tế… biến đất hiếm trở thành mặt hàng chiến lược đối với các nước tiêu thụ nhiều đất hiếm, không chỉ là việc đa dạng hóa nguồn cung mà còn phải chọn được đối tác tin cậy. Tận dụng cơ hội này nhận được sự đồng thuận của đa số, từ các nhà kinh tế, nhà khoa học cho đến dư luận xã hội. Dù vậy, để làm điều đó một cách đúng đắn, trước hết cần phải biết vị thế của mình trong bản đồ nguyên liệu khoáng và công nghệ trên thế giới.
Theo PGS-TS. Nguyễn Phương, về mặt trữ lượng/tài nguyên, con số 22 triệu tấn được các tổ chức quốc tế, đặc biệt là Cục Khảo sát Địa chất Mỹ công bố, là trữ lượng/tài nguyên được tính toán dựa trên 3 trục hay 3 yếu tố: đánh giá độ tin cậy về địa chất, mức độ nghiên cứu khả thi (khai thác, chế biến) và hiệu quả kinh tế. Song, hiện nay cách đánh giá của Việt Nam có hơi khác một chút về yếu tố hiệu quả kinh tế so với các nước có nền công nghiệp khai khoáng phát triển.
Theo đó yếu tố này chủ yếu được xem xét dựa trên chỉ tiêu công nghiệp do chủ đầu tư (đơn vị được cấp phép thăm dò) đề xuất trên cơ sở tài liệu thăm dò, kết quả nghiên cứu mẫu công nghệ hoặc so sánh với mỏ tương tự và được hội đồng đánh giá trữ lượng khoáng sản công nhận, đó là cơ sở để xác định thân quặng công nghiệp và tính trữ lượng/tài nguyên khoáng sản trong lòng đất.
Như vậy, từ 22 triệu tấn trữ lượng/tài nguyên trong lòng đất sang trữ lượng khai thác có hiệu quả về mặt kinh tế (dựa trên điều kiện của Việt Nam) là một bài toán khác. Nhưng một số mỏ hoặc một phần của mỏ được đưa vào quy hoạch khai thác thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến 2050 (Quyết định 866/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ) như mỏ Đông Pao (dự án cũ), Bắc Nậm Xe, Nam Nậm Xe, Nam Đông Pao, Yên Phú (đã cấp)… đã xác định đủ điều kiện để khai thác quy mô công nghiệp.
Về mặt công nghệ, Việt Nam chưa làm chủ được công nghệ tinh chế quặng đất hiếm; đặc biệt tách chiết ra từng nguyên tố đất hiếm. Trường hợp mỏ Bắc Nậm Xe đang xin cấp phép khai thác, để đạt được tinh quặng 95% trở lên, nhà đầu tư có lẽ phải hợp tác với nước ngoài. Trong phòng thí nghiệm, các nhà khoa học Việt Nam có thể nâng tỷ lệ tinh chế của quặng oxit đất hiếm lên tới 45-60-70%… thậm chí cao hơn, nhưng từ phòng thí nghiệm sang quy mô pilot (quy mô lớn hơn nhiều so với quy mô phòng thí nghiệm nhưng nhỏ hơn quy mô sản xuất) đến khai thác công nghiệp sẽ cần thêm nhiều thời gian.
Trong điều kiện hiện nay, Việt Nam nên nắm bắt cơ hội để hợp tác và nhận chuyển giao công nghệ từ các nước có nền công nghiệp khai thác, chế biến đất hiếm phát triển, điều này sẽ giúp rút ngắn thời gian rất nhiều. Đối với Việt Nam, yêu cầu đặt ra là phải tiến tới tách chiết được từng nguyên tố đất hiếm từ quặng oxit đã được làm giàu trên 95% (hoặc 99%). Vậy thì cần tận dụng thời cơ để đặt ra đề bài trong các cuộc thương thảo về hợp tác khai thác, chế biến quặng đất hiếm và được thể hiện “giấy trắng mực đen” tại các hợp đồng giữa doanh nghiệp Việt và đối tác nước ngoài.
Về nhân lực, trên thực tế, việc nghiên cứu đất hiếm tại Việt Nam đã bắt đầu từ cuối những năm 1970. Đồng thời với đó là việc đào tạo nhân lực phục vụ ngành công nghiệp này. Việt Nam cũng đã có các trường đại học đào tạo sâu về lĩnh vực tuyển khoáng, chế biến khoáng sản. Bộ môn tuyển khoáng tại Trường Đại học Mỏ – Địa chất đã có hơn 50 năm lịch sử. Việt Nam cũng đã gửi cán bộ đi đào tạo, tu nghiệp ở nước ngoài về các lĩnh vực này. Tuy nhiên, nhân lực về ngành đất hiếm của Việt Nam hiện mới chỉ thiên về mặt nghiên cứu lý thuyết và trong phòng thí nghiệm chứ chưa có nhiều kinh nghiệm thực hành. Điểm thiếu hụt này có thể được bù đắp trong quá trình làm việc ở các dự án hợp tác với doanh nghiệp ngoại, nghĩa là trong ràng buộc hợp đồng cần có yêu cầu về đào tạo nguồn nhân lực.
Vấn đề thứ hai, Việt Nam cần đoán định các đối tác tiềm năng nhìn thấy cơ hội gì trong việc hợp tác khai thác, tinh chế và tách chiết các nguyên tố đất hiếm từ nguồn tài nguyên của Việt Nam. PGS-TS. Nguyễn Phương cho rằng những lời mời gọi hợp tác từ các doanh nghiệp Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc… có thể mang nhiều mục đích, chúng ta cần tìm hiểu kỹ. Vậy nên, ưu tiên số 1 là phải lựa chọn được đối tác quan tâm trên hết tới việc phát triển ngành công nghiệp đất hiếm tại Việt Nam, để Việt Nam trở thành một mắt xích tin cậy trong chuỗi cung ứng nguyên liệu khoáng trên toàn thế giới.
Tiếp đến, phải đánh giá về công nghệ và mức độ hoàn thiện chu trình từ khai thác tới tách chiết các nguyên tố đất hiếm có thể được mang tới Việt Nam và đảm bảo công nghệ ấy không gây ra các vấn đề về môi trường. Cuối cùng, đối tác phải sẵn sàng hợp tác đào tạo nhân lực, chuyển giao công nghệ theo lộ trình mang lại lợi ích chấp nhận được cho cả hai bên.
“Thế giới đang cần đất hiếm, còn Việt Nam có tiềm năng về đất hiếm. Nếu tham gia được vào thị trường này, đầu tiên, Việt Nam sẽ có vị thế trên bản đồ thế giới về nguyên liệu khoáng. Thứ hai, khi thế giới đang cần, Việt Nam có lợi thế để đàm phán. Chúng ta từng không tận dụng được cơ hội hợp tác trong ngành đất hiếm với công ty của Nhật Bản, tới giờ ta cần chủ động đưa ra các đề nghị, cam kết giúp Việt Nam hoàn thiện quy trình từ công nghệ khai thác đến tinh chế đất hiếm và chuẩn bị nhân lực để tự chủ trong lĩnh vực này. Khi Việt Nam không còn là một điểm đến hấp dẫn về nguồn cung đất hiếm, việc thu hút đầu tư nước ngoài và câu chuyện làm chủ công nghệ đất hiếm sẽ khó khăn hơn”, PGS-TS. Nguyễn Phương nhấn mạnh.
Nhìn gần và… nhìn xa hơn
Sự lệch pha giữa trữ lượng/tài nguyên và công nghệ nội địa trong lĩnh vực khai thác và chế biến đất hiếm tại Việt Nam làm nảy sinh một quan điểm thận trọng có màu sắc bi quan: nên chờ đến khi có thể tự chủ hoàn toàn về công nghệ rồi hãy “đánh thức” tiềm năng đất hiếm. Dù thấu hiểu quan điểm này, nhưng PGS-TS. Nguyễn Phương có góc nhìn thực tiễn hơn.
Thứ nhất, trong chiến lược khai thác, chế biến bất cứ khoáng sản nào, ngoài phần trữ lượng/tài nguyên được quy hoạch vào thăm dò, khai thác, Nhà nước luôn có chính sách dự trữ quốc gia về loại khoáng sản nào đó, kể cả đất hiếm. Vậy nên khai thác “mỏ vàng” đất hiếm ở thời điểm này không đồng nghĩa tiêu hết “của để dành” cho tương lai.
Chưa kể theo Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Việt Nam dự định khai thác và chế biến hơn 2 triệu tấn quặng đất hiếm nguyên khai vào năm 2030 và sản xuất tương đương 60.000 tấn oxit đất hiếm (REO) mỗi năm, thấp hơn nhiều so với tiềm năng đã xác định.
Thứ hai, nếu không tận dụng được cơ hội hợp tác để hoàn thiện công nghệ khai thác, chế biến và tách chiết đất hiếm, thời gian để Việt Nam làm chủ công nghệ có thể là hàng chục năm. Trong khi đó công nghệ đang phát triển rất nhanh. Chu kỳ thay đổi công nghệ trước kia thường là 15-20 năm nhưng sắp tới có thể rút xuống còn 5-10 năm. Ngay đối với đất hiếm, cách đây một thời gian, nguyên tố đất hiếm nặng có giá trị là Yttrium, bây giờ giá trị nhất là Neodymium và Promethium dùng trong nam châm vĩnh cửu, vật liệu siêu dẫn, pin… nhưng việc này cũng có thể thay đổi khi công nghệ thay đổi.
Thứ ba, việc khai thác, tinh chế quặng đất hiếm và tách chiết kim loại đất hiếm không chỉ dành cho xuất khẩu. Trong giai đoạn khởi đầu, Trung Quốc đã áp dụng chiến lược xuất khẩu đất hiếm để đổi lại các mặt hàng chiến lược khác và giờ đây, sản lượng khai thác của nước này một phần lớn quay trở lại phục vụ các ngành công nghiệp trong nước. Việt Nam chưa có nhiều ngành công nghiệp ứng dụng đất hiếm, nhưng nước ta đã thu hút được các doanh nghiệp công nghệ FDI sản xuất pin và chất bán dẫn.
Để căn cơ hơn, Việt Nam cần xây dựng chuỗi liên kết từ khai thác, tinh chế quặng, tách chiết kim loại đất hiếm cho đến các lĩnh vực sản xuất ứng dụng đất hiếm; một mặt tạo lợi thế thu hút thêm đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực công nghệ cao, mặt khác xây dựng nền tảng để người Việt có thể học hỏi cả các công nghệ ứng dụng loại khoáng sản quan trọng này.
“Làm chủ quy trình công nghệ đất hiếm từ khai thác tới tách chiết có thể sẽ đòi hỏi thời gian 10-15 năm, tùy thuộc vào các cam kết cụ thể trong hợp đồng giữa doanh nghiệp Việt Nam và đối tác nước ngoài. Khi đã làm được như vậy, trong trường hợp thế giới cần các nguyên tố khác, chẳng hạn như Tantal, Niobi hay một nguyên tố quý hiếm, phân tán khác, chúng ta đã sẵn sàng về công nghệ nên con đường hội nhập ngang bằng với thế giới về nguyên liệu khoáng sẽ ngắn hơn. Đó là sự chuẩn bị cho tương lai”, PGS-TS. Nguyễn Phương khẳng định.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị