Sơn Động- Bắc Giang: Xưởng chế biến gỗ vẫn tiếp tục hoạt không phép?

Sơn Động- Bắc Giang: Xưởng chế biến gỗ vẫn tiếp tục hoạt không phép?

Dù chưa được cấp phép hoạt động trở lại, nhưng xưởng chế biến gỗ của hộ ông Hoàng Văn Thanh vẫn hoạt động, mở rộng diện tích. Việc này khiến dư luận đặt câu hỏi, phải chăng doanh nghiệp ‘nhờn luật’ hay công tác quản lý của chính quyền bị buông lỏng!?

Thời gian qua, một số xưởng chế biến gỗ trên địa bàn xã Dương Hưu (huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang) bị UBND huyện Sơn Động ra quyết định buộc phải dừng hoạt động và yêu cầu khắc phục hậu quả, tháo dỡ toàn bộ tài sản trên thửa đất vi phạm. Tuy nhiên theo ghi nhận của PV Môi trường và Đô thị Việt Nam, gần đây, những xưởng gỗ này có dấu hiệu hoạt động rầm rộ trở lại, gây bức xúc dư luận xã hội.

tm-img-alt

Bất chấp bị đình chỉ hoạt động, yêu cầu tháo dỡ công trình vi phạm nhưng xưởng gỗ của hộ ông Hoàng Văn Thanh (trú tại xã An Bá, huyện Sơn Động) ngang nhiên san lấp mặt bằng, đổ sàn bê tông để mở rộng diện tích sản xuất rộng hàng nghìn m2, gây bức xúc dư luận xã hội.

Trả lời PV Môi trường và Đô thị Việt Nam về thực trạng trên, ông Lã Xuân Giang – Chủ tịch UBND xã Dương Hưu khẳng định, hiện chưa có văn bản chấp thuận cho các xưởng này hoạt động trở lại.

Trước thông tin PV cung cấp về cơ sở chế biến gỗ của hộ ông Hoàng Văn Thanh (trú tại xã An Bá, huyện Sơn Động) không chỉ hoạt động rầm rộ trở lại, mà chủ cơ sở này còn ngang nhiên mở rộng diện tích xưởng, không hề có động thái chấp hành quyết định xử phạt cũng như yêu cầu của chính quyền huyện Sơn Động? Ông Lã Xuân Giang cho biết, trước họ có xin băm chặt gỗ khô người dân trả do nợ tiền, nhưng tôi không đồng ý. Chắc họ băm trộm, chúng tôi sẽ có chủ trương cụ thể?!

Để thượng tôn pháp luật, chúng tôi kính đề nghị các cơ quan chức năng tỉnh Bắc Giang, chính quyền huyện Sơn Động cần khẩn trương kiểm tra, có biện pháp ngăn chặn kịp thời những hành vi vi phạm pháp luật đối với chủ cơ sở chế biến gỗ không phép, gây ảnh hưởng đến môi trường, làm mất ổn định an ninh trật tự tại địa phương. Đồng thời làm rõ trách nhiệm người đứng đầu chính quyền xã Dương Hưu cũng như tập thể, cá nhân có dấu hiệu buông lỏng quản lý khi để sai phạm trên tồn tại (nếu có).

tm-img-alt

Sau khi báo chí phản ánh và tiếp nhận hàng loạt các quyết định xử phạt của chính quyền, cơ sở chế biễn gỗ của hộ ông Hoàng Văn Thanh vẫn ngang nhiên hoạt động rầm rộ, mở rộng diện tích mà không bị chính quyền phát hiện xử lý.

Trước đó, ngày 12/9/2023, Môi trường và Đô thị Việt Nam đăng tải bài viết “Bắc Giang: Doanh nghiệp ‘phớt lờ’ chỉ đạo của chính quyền huyện Sơn Động?” (https://www.moitruongvadothi.vn/bac-giang-doanh-nghiep-phot-lo-chi-dao-cua-chinh-quyen-huyen-son-dong-a142013.html). Nội dung bài viết phản ánh, thời gian qua, trên địa bàn 2 xã Dương Hưu, xã Long Sơn, huyện Sơn Động (tỉnh Bắc Giang) tồn tại một số xưởng sản xuất, chế biến gỗ keo, kho bãi với quy mô hàng nghìn m2.

Đáng nói các công trình này đều được xây dựng không phép trên đất rừng sản xuất và đã bị chính quyền đình chỉ hoạt động, đồng thời yêu cầu dỡ bỏ các công trình vi phạm, nhưng chủ các cơ sở đã phớt lờ chỉ đạo này, có biểu hiện thách thức pháp luật khi tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất, hoạt động rầm rộ, gây bức xúc dư luận xã hội.

Liên quan đến việc xử lý các công trình vi phạm này, vào tháng 7/2023, UBND xã Dương Hưu tiến hành lập biên bản và ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính số tiền là 3,5 triệu đồng đối với ông Trần Văn Khiêm (43 tuổi, trú tại thị trấn An Châu, huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang) và ông Hoàng Văn Thanh (60 tuổi, trú tại xã An Bá, huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang) với lý do tự ý xây dựng, đổ bê tông trên diện tích đất rừng sản xuất khi chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép. Ngoài việc xử phạt tiền, chính quyền xã Dương Hưu buộc những trường hợp vi phạm trên phải cải tạo lại đất để đưa vào sử dụng đúng mục đích, thời gian khắc phục là 10 ngày.

Tuy nhiên, nội dung yêu cầu trên của chính quyền xã Dương Hưu có lẽ chỉ mang tính hình thức, làm cho có, bởi hiện tại các các cơ sở sản xuất trên vẫn ngang nhiên hoạt động, thậm chí chủ cơ sơ sản xuất của ông Hoàng Văn Thanh còn ngang nhiên san lấp mặt bằng, đổ sàn bê tông mở rộng thêm khu vực sản xuất rộng hàng nghìn m2.

Với những diễn biến này, nhiều ý kiến của người dân địa phương cho rằng có sự buông lỏng quản lý, giám sát về đất đai, xây dựng và môi trường của các cấp chính quyền huyện Sơn Động.

Tiếp đến, ngày 9/8/2023, UBND huyện Sơn Động đã có Văn bản số 2398/UBND-KT chỉ đạo UBND xã Dương Hưu, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện (TN-MT) giải quyết dứt điểm các vi phạm liên quan các xưởng chế biến gỗ chưa được cấp phép, nằm trên đất rừng sản xuất.

Theo đó, Chủ tịch UBND huyện Sơn Động yêu cầu chính quyền xã Dương Hưu tập trung chỉ đạo, yêu cầu người vi phạm thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả, tháo dỡ toàn bộ tài sản trên thửa đất vi phạm trong tháng 8/2023.

Đồng thời, UBND huyện Sơn Động sẽ phê bình chủ tịch UBND xã Dương Hưu nếu không xử lý dứt điểm vi phạm, tiếp tục để xảy ra phản ánh đối với các vi phạm nêu trên. Giao Phòng TN-MT huyện tham mưu lãnh đạo huyện kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện của UBND xã Dương Hưu, xử lý đối với trường hợp vi phạm trên trong tháng 8/2023.

Thực hiện chỉ đạo của UBND huyện Sơn Động, ngày 11-14/8/2023, UBND xã Dương Hưu đã làm việc trực tiếp đối với 02 cơ sở xưởng chế biến gỗ keo. Đến ngày 16/8/2023,  xã Dương Hưu đã có Báo cáo số 235/UBND-TH về công tác giải quyết vi phạm trong sử dụng đất đai trên địa bàn xã gửi UBND huyện Sơn Động.

Theo báo cáo, qua làm việc, UBND xã đã tiến hành lập biên bản trường hợp vi phạm tự ý xây dựng làm biến dạng thửa đất (xây dựng trên diện tích đất Lâm nghiệp, đất vườn bãi) khi chưa được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép. UBND xã yêu cầu các chủ cơ sở thực hiện việc khắc phục hậu quả, tháo dỡ toàn bộ tài sản trên thửa đất vi phạm xong trước ngày 30/8/2023. Đồng thời, UBND xã đã ban hành Thông báo tạm dừng hoạt động, Quyết định đình chỉ hoạt động và yêu cầu tháo dỡ các thiết bị máy móc, tài sản tại xưởng chế biến gỗ keo trên diện tích đất vi phạm; Thành lập tổ công tác theo dõi, đôn đốc việc chấp hành và thực hiện của các chủ cơ sở, xưởng chế biến gỗ keo.

Một xưởng chế biến gỗ rộng hàng nghìn m2 ngang nhiên hoạt động trái pháp luật, mà chính quyền lại không hề nắm được. Câu hỏi đặt ra, phải chăng chế tài xử lý vi phạm còn quá nhẹ khiến doanh nghiệp “nhờn luật” hay công tác quản lý của chính quyền đang bị buông lỏng, thiếu trách nhiệm trong công tác giám sát, kiểm soát những trường hợp vi phạm trên địa bàn, dẫn đến tình trạng chậm phát hiện và xử lý vi phạm.

Môi trường và Đô thị Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin.

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích