Huyện Ứng Hòa (Hà Nội) nhận Huân chương Lao động hạng Nhì
Huyện Ứng Hòa (Hà Nội) nhận Huân chương Lao động hạng Nhì
Ngày 9/12, Huyện ủy – HĐND – UBND – Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Ứng Hòa tổ chức Lễ công bố, đón nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới và Huân chương Lao động hạng Nhì.
Dự buổi lễ có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang; Phó Bí thư Thường trực Thành ủy – Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình 04 của Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến; đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, thành phố Hà Nội và đông đảo cán bộ, tầng lớp nhân dân huyện Ứng Hòa.
Báo cáo tại buổi lễ, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Ứng Hoà Nguyễn Tiến Thiết cho biết, đến nay toàn bộ các xã trên địa bàn huyện đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; có 06/28 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; huyện có 9/9 tiêu chí đạt theo bộ tiêu chí huyện đạt chuẩn nông thôn mới quy định tại Quyết định số 320/QĐ-TTg ngày 08/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ.
Trong phát triển kinh tế, huyện đã hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp như vùng chuyên canh tập trung, với trên 8.000ha lúa, trong đó có trên 60% lúa chất lượng cao, trên 2 triệu gia cầm, trên 4.000ha nuôi trồng thủy sản, lớn nhất thành phố Hà Nội và hàng trăm héc-ta trồng rau, củ, quả các loại.
Toàn huyện có 70 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP, trong đó có 13 sản phẩm đạt 4 sao, 57 sản phẩm đạt 3 sao. Trên địa bàn huyện hiện có 3 cụm công nghiệp đang hoạt động, thu hút trên 80 doanh nghiệp, hộ sản xuất kinh doanh vào đầu tư với trên 3.000 lao động có việc làm thường xuyên thu nhập từ 8-15 triệu/người/tháng.
Bên cạnh đó, 21/21 làng nghề hoạt động có hiệu quả, trong đó nổi bật như làng nghề sản xuất tăm hương thôn Xà Cầu, Đạo Tú… xã Quảng Phú Cầu; may áo dài thôn Trạch Xá xã Hòa Lâm; giày da thôn Thần xã Minh Đức, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế và quảng bá sản phẩm thế mạnh của địa phương trên thị trường trong và ngoài nước. Vì vậy, thu nhập của người dân từng bước được cải thiện. Hiện, thu nhập bình quân đầu người của huyện đạt 68,2 triệu đồng/người/năm, gấp 5,5 lần so với năm 2010; tỷ lệ hộ nghèo năm 2023 chỉ còn 0,003%.
Phát huy kết quả đạt được, huyện Ứng Hòa phấn đấu đến hết năm 2025 có 15 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (chiếm 53,6%); 8 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu (chiếm 28,6%); thu nhập bình quân/người/năm đạt 80 triệu đồng trở lên…
Tại buổi lễ, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang trao Huân chương Lao động Hạng Nhì và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện Ứng Hòa đạt chuẩn nông thôn mới năm 2022 cho cán bộ, đảng viên và nhân dân huyện Ứng Hòa.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến ghi nhận và chúc mừng những kết quả đạt được trong xây dựng nông thôn mới của huyện Ứng Hòa.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy đề nghị, huyện Ứng Hòa phát huy kết quả đạt được, trong thời gian tới, Đảng bộ, chính quyền và các tầng lớp nhân dân huyện Ứng Hòa tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt và xây dựng kế hoạch, chương trình triển khai thực hiện Nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp, nhiệm kỳ 2020-2025, Nghị quyết số 15-NQ/TW, ngày 05/5/2022 của Bộ Chính trị và các Chỉ thị, Nghị quyết, Chương trình công tác của Thành ủy, HĐND, UBND Thành phố phù hợp với điều kiện của địa phương để thực hiện có hiệu quả các chương trình, mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm và hoàn thành các chỉ tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Huyện lần thứ XXIV đề ra từ nay đến hết nhiệm kỳ.
Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tham gia cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; tăng cường quán triệt trong nhận thức và hành động, xây dựng nông thôn mới là một nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc.
Cùng với đó, khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế, tập trung chuyển đổi các mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, quy mô lớn, bền vững; coi trọng phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp sạch, nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp thông minh hiệu quả và bền vững, ứng dụng khoa học – công nghệ cao gắn với công nghệ chế biến, bảo quản nông sản, hàng hóa, kết nối với thị trường tiêu thụ sản phẩm, tạo vành đai xanh cho thành phố Hà Nội.
Thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về đất đai, nhất là đất nông nghiệp, trật tự xây dựng và bảo vệ môi trường. Rà soát lại các quy hoạch; tích hợp quy hoạch phát triển ngành nông nghiệp với quy hoạch vùng huyện để tiếp tục duy trì và nâng cao hơn nữa chất lượng các tiêu chí xây dựng nông thôn mới theo hướng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.
Đặc biệt, bám sát Nghị quyết số 19-NQ/TW, ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII “về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” và Chương trình số 04 của Thành ủy để tiếp tục xây dựng nông thôn mới nâng cao trong giai đoạn tới. Giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, nhất là an ninh nông thôn trên địa bàn. Tăng cường nắm bắt tình hình nội bộ nhân dân, đẩy mạnh phong trào toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc. Thực hiện tốt công tác quốc phòng, quân sự địa phương…
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị