Xây dựng Bạc Liêu trở thành tỉnh mạnh về kinh tế biển
(Xây dựng) – Xây dựng Bạc Liêu trở thành tỉnh mạnh về kinh tế biển, thích ứng với biến đổi khí hậu; có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, từng bước hiện đại; môi trường thiên nhiên được bảo vệ và phát triển. Xã hội phát triển hài hoà, đời sống nhân dân được nâng cao. Quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội được bảo đảm.
Xây dựng Bạc Liêu trở thành tỉnh mạnh về kinh tế biển. |
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định 1598/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tỉnh Bạc Liêu thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Phạm vi, ranh giới quy hoạch tỉnh Bạc Liêu thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 bao gồm toàn bộ phần lãnh thổ đất liền tỉnh Bạc Liêu và phần không gian biển được xác định theo Luật Biển Việt Nam năm 2012, Nghị định số 40/2016/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo.
Về mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể, trong đó về kinh tế, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) bình quân 9,5 – 10,5%/năm; quy mô GRDP năm 2030 gấp 3,5 – 4 lần so với năm 2020.
Cơ cấu kinh tế: Khu vực nông – lâm – ngư nghiệp khoảng 29,0%; khu vực công nghiệp – xây dựng khoảng 36,4%; khu vực dịch vụ khoảng 32,0%, còn lại là thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm.
Hướng vào phát triển 3 trụ cột chính
Quy hoạch nêu rõ các nhiệm vụ trọng tâm, đột phá phát triển. Cụ thể, tỉnh Bạc Liêu khai thác hiệu quả lợi thế, tiềm năng nổi trội hướng vào phát triển 3 trụ cột chính là công nghiệp năng lượng tái tạo; nuôi trồng, chế biến thủy sản; du lịch. Phát triển nhanh, đồng bộ tiểu vùng kinh tế trọng điểm Nam quốc lộ 1, các hành lang kinh tế, các trục liên kết kinh tế và các đô thị đóng vai trò là cực tăng trưởng quan trọng.
Đề xuất các cơ chế, chính sách phù hợp để huy động tốt các nguồn lực cho đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, nhất là hạ tầng giao thông, thủy lợi, điện lực, cảng biển, khu, cụm công nghiệp, viễn thông – công nghệ thông tin; xây dựng trung tâm công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi và thủy sản của vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Cải cách hành chính, xây dựng chính quyền số hoạt động hiệu quả. Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, phát triển cộng đồng doanh nghiệp lớn mạnh.
Phương hướng phát triển các ngành kinh tế quan trọng
Phát triển bền vững nuôi trồng thủy sản an toàn quy mô lớn, công nghệ cao, xây dựng Bạc Liêu trở thành trung tâm công nghiệp tôm quốc gia; đẩy mạnh nuôi biển, nuôi biển kết hợp với phát triển năng lượng tái tạo và du lịch; sắp xếp lại và nâng cao hiệu quả nghề đánh bắt hải sản gắn với bảo vệ nguồn lợi thủy sản; nâng cấp hạ tầng cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão và dịch vụ hậu cần nghề cá; xây dựng và phát triển thương hiệu thủy sản có sức cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước.
Với ngành công nghiệp chế biến nông, thủy sản, khuyến khích, hỗ trợ đổi mới công nghệ, đa dạng hóa sản phẩm, tăng tỷ trọng sản phẩm qua các giai đoạn chế biến, có đăng ký tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm quốc gia. Kiểm soát chặt chẽ tình trạng xả thải của các cơ sở chế biến thủy sản.
Xây dựng trung tâm công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi và thủy sản của vùng đồng bằng sông Cửu Long; tổ chức hiệu quả liên kết chuỗi giữa cơ sở chế biến với vùng sản xuất, cung ứng nguyên liệu.
Còn với ngành công nghiệp năng lượng tái tạo, năng lượng mới, đầu tư, xây dựng Nhà máy điện khí LNG Bạc Liêu công suất 3.200 MW gắn với xây dựng đồng bộ hạ tầng phục vụ.
Phát triển điện gió trên bờ và ngoài khơi; thu hút đầu tư, phát triển nguồn năng lượng mới (Hydro xanh, Amoniac xanh). Đưa Bạc Liêu trở thành một trong những trung tâm sản xuất và xuất khẩu năng lượng tái tạo của cả nước.
Phát triển du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, nghỉ dưỡng, tham quan thắng cảnh; đa dạng hóa các loại hình, sản phẩm du lịch, tạo ra các sản phẩm có thương hiệu, có sức cạnh tranh cao. Xây dựng các khu du lịch trọng điểm ven biển có quy mô ngang tầm khu vực đồng bằng sông Cửu Long và cả nước, đặc biệt là đầu tư phát triển khu vực tiềm năng về du lịch trên địa bàn thành phố Bạc Liêu và vùng lân cận để đảm bảo đủ điều kiện công nhận khu du lịch quốc gia; xây dựng các tuyến du lịch nội tỉnh, liên tỉnh và quốc tế gắn với các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh.
Đến năm 2030, xây dựng 17 đô thị
Về định hướng sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, tiếp tục thực hiện các quy định tại Nghị quyết số 37-NQ/TW ngày 24 tháng 12 năm 2018 về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã, Kết luận số 48-KL/TW ngày 30 tháng 01 năm 2023 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 595/NQ-UBTVQH15 ngày 12 tháng 9 năm 2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiếp tục thực hiện chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã. Phạm vi, ranh giới, tên địa lý và triển khai phương án sắp xếp cụ thể các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã sẽ được thực hiện theo quyết định của cấp có thẩm quyền.
Về phương án quy hoạch hệ thống đô thị, khi bảo đảm điều kiện, tiêu chí theo quy định, đến năm 2030, xây dựng 17 đô thị, bao gồm: 01 đô thị loại I (thành phố Bạc Liêu); 01 đô thị loại III (thị xã Giá Rai); 05 đô thị loại IV (gồm các thị trấn Gành Hào, Hòa Bình, Phước Long, Châu Hưng và Ngan Dừa); 10 đô thị loại V (gồm các xã Vĩnh Hưng, Hưng Thành, Vĩnh Mỹ B, Vĩnh Thịnh, Ninh Quới A, Ba Đình, Phong Thạnh Tây B, Phước Long, Điền Hải, Định Thành).
Quy hoạch 05 vùng huyện
Về phương án quy hoạch xây dựng vùng huyện, quy hoạch 05 vùng huyện bảo đảm phù hợp với mục tiêu định hướng phát triển tổng thể của tỉnh gồm:
Vùng huyện Đông Hải: Là khu vực phát triển trọng điểm về tôm, thủy sản nước lợ, năng lượng tái tạo. Tập trung đầu tư phát triển thủy sản nuôi trồng ứng dụng công nghệ cao, xây dựng trung tâm sản xuất tôm giống; sắp xếp lại nghề đánh bắt thủy sản gắn với bảo vệ nguồn lợi thủy sản, giải quyết việc làm; củng cố các cơ sở hậu cần nghề cá, trọng điểm là cảng cá Gành Hào; xây dựng các khu vực điện gió, hạ tầng truyền tải điện; phát triển du lịch sinh thái, tham quan ven biển; nâng cấp đê biển, đê sông, trồng rừng phòng hộ, tăng cường năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai.
Vùng huyện Hòa Bình: Là khu vực phát triển trọng điểm về tôm, thủy sản, năng lượng tái tạo. Tập trung đầu tư phát triển thủy sản nuôi trồng ứng dụng công nghệ cao, xây dựng trung tâm sản xuất tôm giống; sắp xếp lại nghề đánh bắt thủy sản gắn với bảo vệ nguồn lợi thủy sản, củng cố các cơ sở hậu cần nghề cá; xây dựng Nhà máy điện khí LNG Bạc Liêu 3.200 MW, các khu vực điện gió, hạ tầng truyền tải điện, cảng khí phục vụ Nhà máy điện khí LNG; phát triển du lịch sinh thái, tham quan ven biển; nâng cấp đê biển, đê sông, trồng rừng phòng hộ, tăng cường năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai.
Vùng huyện Vĩnh Lợi: Là khu vực phát triển lúa gạo, chăn nuôi gắn với công nghiệp chế biến nông sản. Phát triển các cánh đồng lớn, các gia trại, trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm ứng dụng công nghệ cao. Hình thành các cụm công nghiệp chế biến nông sản, logistics trung chuyển hàng hóa tới cảng Trần Đề.
Vùng huyện Hồng Dân: Là khu vực phát triển lúa gạo, nuôi trồng thủy sản nước lợ, nước ngọt gắn với phát triển công nghiệp chế biến nông sản, thủy sản, dịch vụ logistics trung chuyển hàng hóa tới các điểm kết nối với các tuyến cao tốc đi qua tỉnh. Xây dựng khu công nghiệp Ninh Quới, Trung tâm phát triển công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi và thủy sản cho vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Vùng huyện Phước Long: Là trung tâm của Tiểu vùng kinh tế Bắc quốc lộ 1, tập trung sản xuất lúa gạo kết hợp với nuôi tôm, thủy sản nước lợ, nước ngọt, phát triển các cụm công nghiệp chế biến nông sản, thủy sản, dệt may, du lịch.
Nguồn: Báo xây dựng