Sớm chốt phương án cho rác thải

Sớm chốt phương án cho rác thải

Ngoài tiền đóng cho lực lượng thu gom chất thải rắn sinh hoạt, hiện người dân còn đóng thêm tiền vận chuyển. Mức giá chênh lệch giữa các địa phương khiến người dân bức xúc, so bì

Đến bây giờ, TP HCM chưa ban hành giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn (TG-VC-XLCTR) theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020. Các địa phương tự quyết giá dịch vụ theo quy định hiện hành của thành phố.

3 phương án

Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) TP HCM đã báo cáo UBND TP HCM những khó khăn trong triển khai xây dựng giá dịch vụ. Theo đó, việc xây dựng giá cụ thể đối với việc tính đúng, tính đủ giá dịch vụ vận chuyển, xử lý rác cho các đối tượng chủ nguồn thải rất phức tạp.

Thực tế, TP Thủ Đức và 21 quận, huyện sử dụng phương tiện vận chuyển, cự ly, lộ trình vận chuyển khác nhau; công nghệ xử lý giữa các nhà máy khác nhau dẫn đến giá dịch vụ khi thu đúng và thu đủ từ các chủ nguồn thải cũng khác nhau.

Trong thời gian chờ ban hành quy định mới về giá dịch vụ theo Luật Bảo vệ môi trường, Sở TN-MT kiến nghị tiếp tục thực hiện quy định hiện hành của UBND TP HCM (Quyết định 38/2018 về giá tối đa đối với dịch vụ TG-VC rác thải sinh hoạt sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước và giá tối đa dịch vụ XLCTR sinh hoạt sử dụng nguồn ngân sách nhà nước); Quyết định 20/2021 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định 38 để ban hành và thu giá dịch vụ cụ thể tại địa phương.

Phó Chủ tịch UBND TP HCM Bùi Xuân Cường đã chỉ đạo Sở TN-MT rà soát, tham mưu UBND TP HCM kiến nghị Kiểm toán Nhà nước về những khó khăn, vướng mắc khi triển khai hướng dẫn tách khối lượng vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt từ các chủ nguồn thải là doanh nghiệp, cơ sở sản xuất – kinh doanh dịch vụ không thuộc nhiệm vụ chi từ ngân sách. Phối hợp với Sở Tài chính rà soát, đánh giá tình hình triển khai và các vướng mắc trong thực hiện Quyết định 38/2018 và Quyết định 20/2021.

Một nhiệm vụ quan trọng của Sở TN-MT là nghiên cứu, hoàn thiện các phương án triển khai giá dịch vụ TG-VC-XLCTR sinh hoạt trên địa bàn thành phố theo 3 phương án. Thứ nhất, UBND TP HCM ban hành mức giá cụ thể dịch vụ theo mức giá bình quân chung trên địa bàn thành phố để các địa phương áp dụng hoặc xây dựng, trình UBND TP HCM ban hành giá cụ thể tại địa phương. Thứ hai, địa phương tự xây dựng và trình UBND TP HCM ban hành mức giá cụ thể dịch vụ áp dụng. Thứ ba, UBND TP HCM ban hành mức giá cụ thể dịch vụ với phương thức mức giá bình quân theo hướng phân vùng để áp dụng cho từng khu vực có tính chất tương đồng.

Giá thu gom rác hiện nay được cho là thấpẢnh: Thu Hồng
Giá thu gom rác hiện nay được cho là thấp. Ảnh: Thu Hồng

Giá mới nên sát thực tế

Là đơn vị trực tiếp thu gom rác dân lập, bà Nguyễn Kim Hoa, Giám đốc HTX Môi trường Liên minh TP Thủ Đức, cho rằng mức giá thu gom rác do TP Thủ Đức ban hành từ năm 2018, không bao gồm chi phí vận chuyển rác. “Giá thu gom rác hiện nay là thấp so với công sức và chi phí người lao động bỏ ra. Riêng giá rác của TP Thủ Đức thấp hơn một số quận nội thành” – bà Hoa nói.

Bà Hoa đề xuất khi ban hành giá thu gom mới, thành phố nên xây dựng đơn giá cho 3 năm tùy theo tình hình trượt giá. Không ban hành đơn giá thấp hơn cho vùng ven, ngoại thành vì thực tế như TP Thủ Đức, người thu gom đa số sử dụng xe tải, cự ly vận chuyển rác từ hộ dân đến bô rác xa.

Tương tự, ông Nguyễn Văn Sáng, Giám đốc HTX Vệ sinh Môi trường Thống Nhất (quận Bình Thạnh), đề nghị thành phố nên phân vùng để ban hành giá thu gom rác đồng bộ, tránh tâm lý so bì giữa người dân, người thu gom ở các địa phương. Khi ban hành giá thu gom cần xem xét thực tế, không quá thấp để người thu gom đủ sống.

Chia sẻ về tính giá dịch vụ TG-VC chất thải rắn sinh hoạt theo gợi ý 3 phương án của UBND TP HCM, ông Phạm Bảo Toàn, Trưởng Phòng TN-MT quận Phú Nhuận, cho biết quận nghiêng về phương án 3. Thực tế việc thu gom rác ở khu vực ngoại thành khác với nội thành. Ngoài ra, cần xem xét loại phương tiện thu gom tại khu vực đó để ban hành mức giá phù hợp. Nếu là thu hộ thì phải có chi phí vì người thu hộ phải mất thời gian, công sức đi thu tiền. Nên ban hành mức giá tối thiểu theo đầu người; đồng thời thống nhất cách thức thu hộ phí vận chuyển thông qua một app thu hộ.

Ông Trần Duy Long, Phó Trưởng Phòng TN-MT TP Thủ Đức, cũng nhấn mạnh lựa chọn phương án 3. Theo ông Long, nên thống nhất giao đơn vị vận chuyển thu tiền rác; đồng thời tính giá vận chuyển theo khu vực bởi ngoài cự ly thì điều kiện kinh tế người dân ở khu trung tâm khác với các quận, huyện vùng ven.

Trong khi đó, đại diện Phòng TN-MT quận 5 cho hay hiện địa phương đang tính đúng, tính đủ cho từng loại hình thu gom rác. Việc thu gom chủ yếu được thực hiện vào ban đêm nên đã tham mưu UBND quận lựa chọn phương án 1.

Nên tính theo đầu người

TS Phạm Viết Thuận, Viện trưởng Viện Kinh tế TN-MT TP HCM, cho rằng xây dựng đơn giá thu gom rác phải có tính cộng đồng. Việc phân vùng để xây dựng đơn giá là hợp lý.

Để bảo đảm tính công bằng, thành phố nên xem xét xây dựng đơn giá thu gom rác theo đầu người. Vì thực tế hộ 2 người và 5 người lượng rác thải ra khác nhau. Về lâu dài, cần chuẩn hóa để từng hộ dân ký hợp đồng với đơn vị thu gom để cả 2 có trách nhiệm giám sát, thực hiện đúng cam kết trong hợp đồng.

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích