Lào Cai: Nuôi lợn đen bản địa mở lối thoát nghèo cho bà con
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Lào Cai còn có 10 xã có tỉ lệ hộ nghèo cao nhất tỉnh thuộc các huyện Mường Khương, Bắc Hà, Văn Bàn và Bát Xát. Để hỗ trợ các xã khó khăn, năm 2021, UBND tỉnh Lào Cai đã ban hành kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2021 – 2025 đối với các xã trên và xác định hướng đi chủ lực là phát triển nông, lâm nghiệp.
Để thực hiện những mục tiêu đó, từ tháng 07/2022 đến tháng 04/2023, Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp tỉnh Lào Cai đã phối hợp Phòng Nông nghiệp các huyện: Văn Bàn, Mường Khương, Bát Xát thực hiện mô hình “chăn nuôi lợn thịt bản địa an toàn dịch bệnh, hiệu quả, bền vững dựa vào quản lý cộng đồng tại 03 xã đặc biệt khó khăn là Lùng Khấu Nhi (huyện Mường Khương), Phìn Ngan (huyện Bát Xát), Nậm Chày (huyện Văn Bàn) nhằm giúp bà con nơi đây chuyển từ chăn nuôi truyền thống sang an toàn sinh học, hạn chế bệnh tật, liên kết tiêu thụ, nâng cao thu nhập, đẩy nhanh xoá nghèo bền vững tại chỗ.
Gia đình ông Châu A Cáng ở xã Nậm Chảy, huyện Văn Bàn được hỗ trợ bốn con lợn giống với trọng lượng 7kg/con cùng toàn bộ chi phí thức ăn, thuốc phòng chống dịch bệnh; đồng thời được tập huấn, chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi… ngay từ khi bắt đầu tham gia mô hình, gia đình ông đã sửa lại chuồng trại cho cao ráo, sạch sẽ, vệ sinh thường xuyên và phun thuốc khử trùng một tuần hoặc hai tuần một lần tuỳ thuộc vào thời tiết.
Chia sẻ về kinh nghiệm chăn nuôi, ông Cáng cho biết việc chăm sóc đàn lợn theo hướng mô hình này khác hoàn toàn với cách nuôi lợn thả rông trước đây. Thức ăn của lợn chuỷ yếu là cám gạo, bột ngô nấu chín cùng các loại ra củ. Khi cho ăn, phải chú ý các biểu hiện của lợn như tiêu chảy, bỏ ăn… để kịp thời xử lý, chữa trị.
Được chăn sóc đúng với kỹ thuật chăn nuôi, đàn lợn của gia đình ông Cáng phát triển rất tốt, trọng lượng bình quân khoảng 83kg/con. Trong đó, mỗi con trong đàn đã đẻ được 5 lợn con. Trong suốt quá trình chăn nuôi không xảy ra dịch bệnh, đàn lợn có ngoại hình đẹp, chất lượng tốt nên bán giá cao hơn và dễ tiêu thụ. Ngoài ra, chất thải được thu gom không gây ô nhiễm môi trường, đảm bảo an toàn cho con người và cộng đồng.
Theo ông Cáng, do trong quá trình nuôi, nhiều gia đình không chú trọng việc thu gom, xử lý chất thải, công tác vệ sinh thú y chưa đảm bảo dẫn đến chuồng trại ẩm ướt, lợn bị lạnh kết hợp với phòng bệnh chưa triệt để dẫn đến lợn dễ bị viêm phổi và tiêu chảy.
Lợn đen bản địa ở vùng cao Lào Cai đã được bà con đồng bào dân tộc thiểu số nuôi từ lâu đời. Đây là giống lợn dễ nuôi, có sức đề kháng tốt với dịch bệnh, thích nghi tốt với điều kiện khí hậu và tập quán canh tác của người dân vùng cao, chất lượng thịt thơm ngon, ưu thế hơn hẳn giống lợn các địa phương khác, được người tiêu dùng ưa chuộng.
Cùng với gia đình ông Cáng còn có 15 hộ thuộc 04 thôn: Pừ Xí Ngài, Lán Bò, Khâm Dưới, Hỏm Dưới tại xã Nậm Chày tham gia mô hình “chăn nuôi lợn thịt bản địa an toàn dịch bệnh, hiệu quả, bền vững dựa vào quản lý cộng đồng” với quy mô 50 con. Đàn lợn phát triển tốt, trọng lượng bình quân 83kg/con, sản lượng 4.150 kg, tổng thu 290.500.000 đồng; trừ chi phí lãi 59.975.000 đồng.
Huyện Bát Xát từ lâu đã nổi tiếng với giống lợn đen bản địa cho thịt thơm ngon nhưng sản lượng không đáp ứng đủ nhu cầu ngày càng cao của thị trường. Để phát triển đàn lợn đen bản địa theo định hướng trở thành sản phẩm hàng hóa đặc sản chủ lực, huyện đã có nhiều chính sách hỗ trợ người dân. Theo đó, mỗi hộ được vay tối đa 200 triệu đồng để phát triển chăn nuôi lợn đen bản địa quy mô trang trại; hỗ trợ một phần lãi suất vay ngân hàng cho các hộ tham gia dự án.
Với chính sách ưu đãi trên, từ năm 2021 đến nay đã có gần 100 hộ tham gia dự án, nâng số lượng lợn đen bản địa lên hơn 25.000 con, chiếm khoảng 75% tổng đàn lợn toàn huyện. Còn tại huyện Mường Khương, để phát triển tăng trưởng đàn lợn đen cả về số lượng và chất lượng, từ năm 2015 đến nay, huyện Mường Khương đã hỗ trợ con giống cho hơn 500 hộ dân tại các xã vùng cao đặc biệt khó khăn. Đến nay, đàn lợn đen của Mường Khương đã có khoảng 16.000 con, chiếm trên 60% tổng đàn.
Theo ông Lèng Seo Chẻng, Phó Chủ tịch UBND xã Lùng Khấu Nhin, huyện Mường Khương, mô hình “chăn chăn nuôi lợn an toàn dịch bệnh, hiệu quả, bền vững dựa vào quản lý cộng đồng” là mô hình thực hiện theo phương pháp mới, bước đầu đã đem lại hiệu quả về kinh tế. Đồng chí Phó Chủ tịch xã mong muốn trong thời gian tới, các ban ngành đoàn thể vẫn tiếp tục hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi cho bà con trên địa bàn xã để phát triển chăn nuôi bền vững theo chuỗi liên kết.
Đến nay, hiệu quả từ mô hình “chăn nuôi lợn thịt bản địa an toàn dịch bệnh, hiệu quả, bền vững dựa vào quản lý cộng đồng” đã có hiệu quả khả quan. Mô hình chăn nuôi này đã thay đổi tư duy, nhận thức của người dân vùng cao về phương thức chăn nuôi, tạo công ăn việc làm ngay tại địa phương, góp phần giảm tỉ lệ hộ nghèo ở các xã đặc biệt khó khăn. Đặc biệt nâng cao ý thức của người dân về việc bảo vệ môi trường trong chăn nuôi, góp phần hạn chế ô nhiễm môi trường, lây lan dịch bệnh, bảo vệ sức khoẻ cộng đồng.
Thời gian tới, Lào Cai sẽ tập trung phát triển chăn nuôi theo chuỗi liên kết sản xuất – giết mổ, chế biến – thị trường, hạn chế chăn nuôi nông hộ, nhỏ lẻ tự phát chưa bảo đảm vệ sinh thú y nhằm góp phần ổn định chăn nuôi và an toàn dịch bệnh. Hướng dẫn người chăn nuôi trên địa bàn chủ động sử dụng nguồn thức ăn sẵn có tại địa phương như nguồn phế phụ phẩm nông nghiệp… để chế biến các loại thức ăn chăn nuôi nhằm hạ giá thành sản phẩm.
Ngoài ra, địa phương còn xúc tiến thành lập tổ hợp tác nông dân cùng liên kết chăn nuôi lợn an toàn sinh học dựa vào cộng đồng; hỗ trợ các tổ tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để đầu tư chăn nuôi lợn theo hướng hàng hóa tạo công ăn việc làm ngay tại địa phương, giúp các hộ dân vươn lên thoát nghèo bền vững.
Theo Thương hiệu Công luận
Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu