69 triệu trẻ em ở những nước giàu nhất thế giới sống trong nghèo đói

Theo bộ phận nghiên cứu của UNICEF (Innocenti), mặc dù số trẻ em sống trong nghèo đói ở 40 quốc gia nói trên – gồm các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu và Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế OECD – đã giảm 6 triệu trong các giai đoạn từ năm 2012 đến 2014 và từ 2019 đến 2021, song đến cuối năm 2021, ở những quốc gia này vẫn còn hơn 69 triệu trẻ em sống trong nghèo đói trong tổng số 291 triệu trẻ.

Giám đốc Innocenti Bo Viktor Nylund nêu rõ: “Đối với hầu hết trẻ em, điều này có nghĩa là các em lớn lên mà không có đủ thực phẩm dinh dưỡng, quần áo, đồ dùng học tập hoặc một nơi ấm áp để gọi là nhà.”

Số liệu của UNICEF dựa trên đánh giá mức nghèo đói tương đối, chiếm khoảng 60% thu nhập trung bình quốc gia, thường được sử dụng ở các nước phát triển để xác định các mức nghèo của chính những nước này.

Thống kê cho thấy, từ năm 2012 đến nay, những bước thụt lùi lớn nhất lại được ghi nhận ở một số quốc gia giàu nhất. Nước Anh chứng kiến tỉ lệ trẻ em nghèo đói tăng vọt tới 19,6%, nghĩa là xứ sở sương mù có thêm khoảng 500.000 trẻ vị thành niên sống dưới mức trung bình, còn tỉ lệ tăng ở nước Pháp là 10,4%.

Tại Mỹ, số trẻ em nghèo đã giảm 6,7%, nhưng vẫn ở mức cao: cứ 4 trẻ em thì có hơn 1 trẻ vẫn sống trong tình trạng nghèo. Cụ thể, có 30% trẻ em người Mỹ gốc Phi và 29% trẻ em người Mỹ bản địa sống dưới mức nghèo khổ, nhưng chỉ có 10% trẻ em nghèo ở Mỹ là người da trắng không phải gốc Tây Ban Nha.

Riêng Đan Mạch, một trong các nước có thu nhập bình quân đầu người cao nhất thế giới, ghi nhận tỉ lệ trẻ em nghèo khoảng 10%, tương đương với Slovenia và Phần Lan. Trên toàn EU, trẻ em có cha mẹ không có quốc tịch EU có nguy cơ sống trong cảnh nghèo đói cao gấp 2,4 lần so với con em của những người có quốc tịch.

Trong báo cáo, UNICEF kêu gọi cộng đồng quốc tế hành động để đảm bảo phúc lợi cho trẻ em, nhấn mạnh rằng sự giàu có của một quốc gia không tự động đưa trẻ em thoát nghèo.

UNICEF cũng lưu ý mối liên hệ giữa mức sống nghèo đói ở trẻ em và tình trạng bất bình đẳng kinh tế, cũng như nguy cơ nghèo đói cao hơn đối với trẻ em từ các gia đình có bố mẹ ly hôn và dân tộc thiểu số.

Theo Người đưa tin

Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu

Bạn cũng có thể thích