Điệu nhảy Garba được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Phi vật thể
(Xây dựng) – Theo thông tin từ Đại sứ quán Ấn Độ tại Việt Nam, điệu nhảy Garba của Ấn Độ đã được đưa vào danh sách Di sản Văn hóa Phi vật thể danh giá của UNESCO.
Điệu nhảy Garba thể hiện sự đoàn kết, dâng hiến và đời sống tinh thần sôi động của người dân bang Gujarat, Ấn Độ (Nguồn Internet). |
Bắt nguồn từ bang Gujarat, Garba từ lâu đã được tôn vinh không chỉ như một điệu nhảy mà còn là một hiện tượng văn hóa biểu thị sự đoàn kết, dâng hiến và đời sống tinh thần sôi động. Theo truyền thống, điệu nhảy Garba được biểu diễn trong lễ hội Navratri và đã trở thành biểu tượng của nền văn hóa sôi động ở tiểu lục địa Ấn Độ. Hình thức nhảy này đã đóng một vai trò quan trọng trong việc hình thành các mối liên kết xã hội, thể hiện sự hòa nhập và hòa hợp.
Tuyên bố của UNESCO đánh dấu một cột mốc quan trọng đối với Garba, đưa điệu nhảy lên tầm quốc tế và được trân trọng trên toàn thế giới. Sự công nhận này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo tồn và phát huy cách thức biểu đạt văn hóa góp phần tạo nên di sản phong phú của nhân loại.
Việc UNESCO công nhận Garba là Di sản Văn hóa Phi vật thể không chỉ là tôn vinh di sản văn hóa của bang Gujarat mà còn là minh chứng cho phông văn hóa rộng lớn và đa dạng của Ấn Độ. Sự ghi nhận này giúp cộng đồng quốc tế trân trọng chiều sâu và ý nghĩa của điệu nhảy truyền thống này.
Ấn Độ trước đó có 14 di sản văn hóa phi vật thể đã được ghi danh, bao gồm kịch Ramlila, truyền thống tụng kinh Vệ-đà, lễ hội Kumbh Mela và gần đây nhất là lễ hội Durga Puja.
Bà Meenakashi Lekhi – Quốc vụ khanh Văn hóa và Ngoại giao Ấn Độ đã phát biểu về việc điệu nhảy Garba được đưa vào danh sách Di sản Văn hóa phi Vật thể của nhân loại của UNESCO và việc đưa Garba vào danh sách này tượng trưng cho giá trị phổ quát của điệu nhảy như thế nào: “Việc đưa điệu nhảy Garba của bang Gujarat vào danh sách Di sản Văn hóa Phi vật thể của nhân loại gần đây của UNESCO 2023 tượng trưng cho giá trị phổ quát và văn hóa lâu dài, phong phú của Garba cũng như tác động và ý nghĩa sâu sắc của nó đối với bản sắc cộng đồng Gujarati, người dân Ấn Độ nói chung và cộng đồng người Ấn Độ sinh sống ở nước ngoài”.
Nguồn: Báo xây dựng