Ninh Bình: Độc đáo đám cưới truyền thống Mường ở Nho Quan
(Xây dựng) – Đầu tháng 12/2023 một đám cưới truyền thống đậm đà bản sắc của đồng bào dân tộc Mường, ở huyện Nho Quan (Ninh Bình) được phục dựng đã đón nhận sự quan tâm của đông đảo nhân dân.
Lễ vật nhà trai chuẩn bị mang sang nhà gái đều là những thứ sẵn có, gần gũi, thân thuộc với người dân đồng bào ở địa phương. |
Đám cưới truyền thống đồng bào dân tộc Mường được phục dựng, diễn ra tại Nhà sàn văn hóa cộng đồng thôn Đồng Trung, xã Quảng Lạc và nhà sàn truyền thống của hộ gia đình trong khu vực hồ Đập Trời, với gần 100 người dân và đồng bào tham gia.
Đám cưới của người Mường từ xa xưa gồm các bước sau: Bước 1 “dạm ngõ”, thăm hỏi (mở miệng), bắn tiếng (lỏng xiếng). Bước 2 là “dạm hỏi”/đặt vấn đề (kháo tiếng), hai bên bàn bạc ngày ăn hỏi. Bước 3 “vấn danh”/ăn hỏi (ti nòm), đại diện hai bên gia đình bàn bạc với nhau, đại diện nhà gái thách cưới lợn 50kg, gạo tẻ 30kg, gạo nếp 30kg, 10 cái bánh chưng, 10 cái bánh dày, 6 tấm trầu (mỗi tấm 6 lá trầu) cuộn trong lá chuối tươi, 1 buồng cau; đại diện nhà trai thống nhất các đồ lễ thách cưới với nhà gái. Bước 4 “nạp tài”, nhà trai chuẩn bị lễ vật mang sang nhà gái (lợn trong giọ, gà trong lồng, rượu trong vò, gạo trong thúng, bánh trên mâm, trầu cau trong thúng). Bước 5 “lễ cưới” (ti cháu) lễ vật nhà trai mang sang nhà gái gồm 1 chai rượu, 1 cơi trầu (em gái chú rể mang lễ xin dâu). Bước 6 “lại mặt”.
Để chuẩn bị cho đám cưới, nhà trai nhà gái bố trí đầy đủ bàn thờ, bếp, gác bếp truyền thống, chiếu hoa trải sàn, phòng cưới, cổng chào đám cưới bằng vật dụng sẵn có như: Lá dừa, tre nứa.. Nghệ thuật trình diễn trong đám cưới của người Mường khá độc đáo bởi xuyên suốt lễ cưới là tiếng hát giao duyên đi đón dâu, đưa dâu, hát chúc mừng đám cưới và hát giao duyên giữa đằng trai – đằng gái khi tổ chức lễ cưới.
Việc phục dựng đám cưới truyền thống của người Mường ở Nho Quan là một trong các hoạt động thiết thực góp phần bảo tồn văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc ở đây. |
Khi đón dâu, người cầm chiêng sẽ đi đầu, vừa đi vừa hát giao duyên vang động núi rừng, cô dâu phải gài dao sừng nai vào cạp váy, khi về đến nơi sẽ diễn ra lễ trải chiếu hoa; đoàn đón dâu về đến nhà thì mẹ chồng chạy ra giữa nhà, chạy vòng quanh cây cột 3 vòng sau đó vào phòng hoặc đi ra ngoài trốn con dâu; cô dâu và đoàn đưa dâu múc nước rửa chân sau đó lên nhà sàn; cô dâu chú rể làm lễ cúng tổ tiên; lễ nhận anh em họ hàng của cô dâu…
Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Lạc, ông Bùi Như Gạc cho biết: Xã có 7.300 nhân khẩu tại 8 thôn, trong đó 73% là đồng bào dân tộc Mường. Thực hiện Dự án 6 – Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2023 trên địa bàn huyện Nho Quan, Phòng Văn hóa và Thông tin huyện phối hợp với xã Quảng Lạc, tổ chức phục dựng đám cưới truyền thống của đồng bào dân tộc Mường, đây là một trong các hoạt động thiết thực góp phần bảo tồn văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc ở đây.
Thực hiện nếp sống văn hóa mới, nghi lễ cưới theo phong tục cổ truyền của đồng bào dân tộc Mường hiện nay, đã được rút gọn và văn minh, không thách cưới quá nhiều lễ vật cũng như vật chất. Việc phục dựng đám cưới của người Mường là một trong những hoạt động rất thiết thực nhằm phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống, của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Nho Quan.
Nguồn: Báo xây dựng