Hiệu quả từ đề án bệnh viện vệ tinh tại Đắk Nông
Hiệu quả từ đề án bệnh viện vệ tinh tại Đắk Nông
Đề án “Bệnh viện vệ tinh” do Bộ Y tế triển khai trong những năm qua đã mang lại lợi ích thiết thực trong việc nâng cao năng lực ngành Y tế cả nước nói chung và Đắk Nông nói riêng, giúp người dân tiếp cận dịch vụ kỹ thuật y tế chất lượng cao ngay tại địa phương.
Đội ngũ y, bác sĩ nâng cao tay nghề
Bác sĩ Nguyễn Đăng Phượng, Phó Giám đốc phụ trách Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Nông cho biết: “Thực hiện chương trình hợp tác phát triển y tế, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã nhận được sự hỗ trợ, giúp đỡ nhiệt tình về chuyên môn, kỹ thuật từ đội ngũ y, bác sĩ của nhiều bệnh viện tuyến trên như Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Nhân dân 115, Bệnh viện Nhi đồng 2, Bệnh viện Thống Nhất, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện Lão khoa Trung ương… Đề án “Bệnh viện vệ tinh” triển khai theo mô hình gắn thương hiệu của bệnh viện tuyến trên với bệnh viện tuyến dưới, thông qua hoạt động đào tạo nguồn nhân lực, chuyển giao kỹ thuật, nâng cấp cơ sở vật chất và trang thiết bị, kết nối tư vấn khám, chữa bệnh từ xa, góp phần giảm tải cho tuyến trên.
Nhờ đó, đội ngũ y, bác sĩ của đơn vị tiếp cận, làm chủ được nhiều kỹ thuật chuyên môn cao, nhất là ứng dụng khoa học – kỹ thuật trong khám, điều trị bệnh, khám sàng lọc bệnh, hội chẩn trước khi phẫu thuật, kỹ năng phẫu thuật, cách chăm sóc bệnh nhân hậu phẫu thuật, giúp bệnh nhân phục hồi sức khỏe nhanh…”.
Người bệnh hài lòng, tin tưởng điều trị
Bác sĩ Nguyễn Văn Tam, Trưởng khoa Chấn thương – Bỏng (Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Nông) chia sẻ: “Tôi là một trong những người đầu tiên được cử đi đào tạo chuyên môn sâu để đáp ứng yêu cầu chuyển giao kỹ thuật của Đề án “Bệnh viện vệ tinh”. Qua thời gian thực hiện, tôi nhận thấy đề án đã giúp đội ngũ y, bác sĩ có nhiều cơ hội được đào tạo, nâng cao trình độ, tiếp cận và nhận chuyển giao kỹ thuật chuyên môn sâu nhằm phục vụ tốt hơn yêu cầu khám, chữa bệnh của người dân”.
Chị Vũ Thị Luyện ở xã Quảng Tân (Tuy Đức) đang điều trị ở Khoa Chấn thương – Bỏng (Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Nông) do tai nạn lao động chia sẻ: “Khi đến bệnh viện, tôi được các bác sĩ chẩn đoán đứt dây chằng, dập sụn, giãn xương bánh chè và chỉ định phẫu thuật nội soi. Tâm lý lo lắng, nên tôi và gia đình dự định đi Bệnh viện Chợ Rẫy khám lại cho yên tâm. Nhưng sau khi được bác sĩ giải thích, tư vấn cặn kẽ và bảo đảm thực hiện được nên tôi đã quyết định ở lại bệnh viện tỉnh để điều trị và ca phẫu thuật thành công. Tôi nghĩ mình đã đúng khi quyết định ở lại điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh”.
Tương tự, cụ Trần Hữu Thời, 93 tuổi ở phường Nghĩa Trung (Gia Nghĩa) được các bác sĩ phẫu thuật thay khớp háng phải thành công do bị ngã té dẫn đến gãy xương liên mấu chuyển xương đùi phải, hiện đang điều trị sau phẫu thuật ngày thứ 5 tại Khoa Chấn thương – Bỏng.
Con gái cụ Thời cho biết: “Ba tôi tuổi cao, không may bị té ngã gãy xương nên gia đình tôi rất lo lắng, chuyển viện đi thì khó vì ông cụ đã yếu, cuối cùng quyết định để ông điều trị tại Đắk Nông. Sau khi thấy các y, bác sĩ mà trực tiếp là bác sĩ Nguyễn Văn Tam thực hiện ca phẫu thuật và quan tâm chăm sóc, điều trị tận tình, sức khỏe của ông cụ tiến triển từng ngày, gia đình tôi rất vui mừng. Gia đình rất cảm ơn các y, bác sĩ”.
Tiếp tục duy trì và vận dụng linh hoạt
Các chương trình hợp tác phát triển y tế ngày càng thể hiện được tính ưu việt. Cùng với nhận được sự hỗ trợ, giúp đỡ nhiệt tình về chuyên môn, kỹ thuật từ tuyến trên, góp phần giảm chuyển tuyến, tạo sự tin tưởng của người dân, Đề án “Bệnh viện vệ tinh” còn giúp đào tạo nhanh chóng nguồn nhân lực cho đội ngũ y tế của tỉnh vừa học vừa làm, tiết kiệm thời gian và nguồn kinh phí.
Đơn cử, sau khi hoàn tất việc chuyển giao 4 gói kỹ thuật cao là thay khớp, phẫu thuật nội soi khớp, kết hợp xương hiện đại và vi phẫu thuật, hiện nay Khoa Chấn thương – Bỏng (Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Nông) đã thực hiện hơn 500 ca phẫu thuật áp dụng các gói kỹ thuật nói trên.
Bác sĩ Trần Quang Hào, Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế cho rằng: Đề án “Bệnh viện vệ tinh” tại địa bàn tỉnh Đắk Nông đã phát huy được hiệu quả. Nhiều ca phẫu thuật, chữa bệnh khó, phức tạp được đội ngũ y, bác sĩ tỉnh thực hiện thành công, tạo được niềm tin, giúp giảm chi phí và thời gian cho người bệnh khi không phải chuyển viện lên các bệnh viện tuyến trên, giảm được áp lực quá tải.
Bên cạnh đó, việc luân phiên, cử cán bộ chuyên môn từ bệnh viện tuyến trên về hỗ trợ bệnh viện tuyến dưới cũng thường xuyên được thực hiện, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chất lượng khám chữa bệnh, tạo điều kiện để người dân tiếp cận dịch vụ y tế tại cơ sở tốt hơn.
Ngành Y tế tỉnh sẽ tiếp tục duy trì và vận dụng linh hoạt, sáng tạo các kế hoạch thực hiện đề án theo điều kiện của từng địa phương, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh tốt hơn cho người dân trên địa bàn.