“Lương – giá” bao giờ về chung “một nhà”?
Không những giá bất động sản vẫn đang ở mức quá cao bất chấp kinh tế khó khăn thì giá sinh hoạt cũng mỗi ngày leo thang. Ông Dân Hồng, một cán bộ về hưu, lương khoảng 9 triệu đồng/tháng, so với mặt lương hưu chung như thế cũng khá cao, vậy mà có tháng chỉ “đóng” phong bì đi đám cưới, đám hiếu, thăm người ốm… cũng hết gần cả tháng lương.
Ông Hồng nói, vài năm trước, đi cưới mừng phong thư 500 nghìn đồng là đủ, nay nếu vẫn mức ấy chủ nhà lỗ, nên mặt bằng chung là 1 triệu đồng, thân nữa cao hơn. Tương tự, mọi thứ khác cũng phải “đi” cao hơn. “Kinh tế thế giới đang khó khăn làm cho kinh tế nước nhà cũng vậy. Lẽ ra theo quy luật, giá trị của đồng tiền phải cao lên, đồng nghĩa giá cả phải đi xuống, nhưng thực tế thì đang đi ngược lại” – ông Hồng Dân thắc mắc.
Việc tăng lương cơ bản cho công chức, viên chức, người về hưu theo lộ trình; tăng lương tối thiểu vùng cho người lao động để hướng tới mục tiêu lương tối thiểu đáp ứng được nhu cầu sống tối thiểu. Song để người lao động sống được bằng lương, tích lũy cá nhân từ lương, thu nhập điều quan trọng quỹ đạo lương – giá phải là một thể thống nhất (Ảnh: minh họa). |
Trường hợp của anh Tuấn công tác trong lĩnh vực công nghệ lương tương đối cao; ông Dân Hồng cán bộ về hưu mọi thứ đã ổn định mà vẫn còn “lắc đầu” với mặt bằng giá cả, thì những người làm công ăn lương còn khó khăn hơn nhiều. Những người làm cho các công ty tư nhân, khu vực ngoài Nhà nước thu nhập trung bình từ 8-20 triệu đồng/tháng; viên chức, công chức, người lao động mới ra trường hệ số 2,34 phải chịu cảnh đi thuê nhà và “trăm thứ” cần chi tiêu cho cuộc sống hàng ngày và các mối quan hệ xã hội… áp lực cuộc sống thực sự lớn. Nỗi lo cơm áo, gạo, tiền cho cuộc sống mưu sinh đã vất vả huống gì giấc mơ “an cư”.
Xét góc độ tổng thế, điều không thể phủ nhận, gần 4 thập kỷ đổi mới, nền kinh tế đất nước đã có những bước tiến dài, đạt được những thành tựu chưa từng có trong lịch sử; đời sống, thu nhập của người dân được cải thiện rõ rệt. Số người giàu, người thu nhập cao, thu nhập trung bình ngày càng nhiều. Tuy nhiên, nhìn vào “hướng đi” của tọa độ lương – giá đang ngày một cách xa nhau. Một nền kinh tế được cho là phát triển tương đối hoàn thiện, lương – giá phải là một thể thống nhất. Nghĩa là, người làm công ăn lương ở bất kỳ lĩnh vực, phân ngành nào của nền kinh tế đều phải sống được bằng lương và có tích lũy từ lương, thu nhập.
Không nói đâu xa, tại một số nước có thu nhập tương đối cao ở khu vực Đông Nam Á, cử nhân hay kỹ sư ra trường đi làm cho các cơ quan Nhà nước, công ty, thông thường họ chỉ nhận được khoảng 80% số tiền lương trong tháng để dùng cho việc chi tiêu cá nhân; còn lại khoảng 20% tự động “chảy vào” ngân hàng… 20% số tiền từ lương đó chính là tài sản đảm bảo để lao động đó mua nhà hay mua xe trả góp.
Còn ở ta, lương viên chức, công chức dao động ở mức 5 triệu đến gần 20 triệu đồng/tháng (kể cả phụ cấp), nhưng giá một mét vuông nhà chung cư lên tới 30 – 100 triệu đồng/m2. Không nói đâu xa, mệnh giá phong thư đi mừng một đám cưới hiện nay cũng bằng khoảng 10-20% tiền lương của người lao động. Đây là một trong những bất cập và khiếm khuyết lớn nhất xét trên góc độ lý thuyết về kinh tế hiện nay. Và cũng là lý do, tại sao lại diễn ra tình tình trạng dạy thêm, học thêm; khám, chữa bệnh thêm, hay nói ngắn gọn người lao động phải làm thêm mới có đủ tiền tích lũy cho những việc lớn hơn…
Trở lại câu chuyện của ông Dân Hồng, khi bàn về vấn đề lương – giá ông nói, theo đúng quy luật, hai yếu tố này phải như “vợ với chồng” cùng phải ở chung một nhà. Nhưng thực tế, mặt bằng lương hiện đang dưới đất, mặt bằng giá lại đang trên cao. Để người lao động sống, tích lũy được từ đồng lương điều quan trọng chúng ta phải nghĩ cách làm thế nào để đưa quỹ đạo lương – giá là một thể thống nhất!
Nguồn: Báo lao động thủ đô