Bồi dưỡng kiến thức NSCL cho cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp trung và người lao động doanh nghiệp
Thực hiện 13 khóa đào tạo tại 3 miền Bắc-Trung-Nam
Đề tài “Nghiên cứu phát triển chương trình đào tạo và tổ chức đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về nâng cao NSCL cho cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp trung và người lao động của DN” được triển khai từ đầu năm 2022 đến nay. Trải qua thời gian 14 tháng từ khi hình thành ý tưởng, khảo sát nhu cầu đào tạo, tới giai đoạn soạn thảo chương trình và hoàn thành tài liệu đào tạo, đến tháng 06 năm 2023, các lớp đào tạo mới được triển khai và kết thúc vào tháng 11 năm 2023.
Kết quả triển khai các khóa đào tạo được ghi nhận đã hoàn thành mục tiêu đặt ra của đề tài, trong đó những nội dung sau được xem là điểm nhấn:
Hoàn thành và đưa vào áp dụng thực tế 3 chương trình và 3 bộ tài liệu đào tạo. Đây là tài liệu đào tạo cho từng nhóm đối tượng là lãnh đạo, quản lý cấp trung và người lao động của DN.
Đây là những chủ đề mới so với giai đoạn trước đây của các chương trình năng suất quốc gia. Tài liệu sử dụng để đào tạo cho từng nhóm đối tượng riêng lẻ nhưng có sự thống nhất, kết nối nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng để nhân sự các cấp có thể phối hợp và triển khai hiệu quả hơn hoạt động cải tiến;
Khóa đào tạo cho lãnh đạo doanh nghiệp diễn ra tại Cần Thơ.
Kết thúc đề tài có tổng cộng 13 lớp đào tạo được thực hiện tại 3 miền Bắc-Trung-Nam, với hơn 500 lượt học viên thuộc ba nhóm đối tượng nói trên của DN được đào tạo bồi dưỡng về nâng cao NSCL. Ba bộ tài liệu đào tạo về kiến thức, kỹ năng cải tiến NSCL cho ba nhóm đối tượng học viên nói trên đã đúng theo yêu cầu được đặt ra của đề tài. Với kết quả này không chỉ góp phần nâng cao kiến thức, kỹ năng cho người học tại DN mà còn góp phần quảng bá thông tin về chương trình năng suất quốc gia trong cộng đồng DN nói chung.
Điều quan trọng hơn cả là các bộ tài liệu sẽ được sử dụng để nhân rộng các lớp đào tạo tương tự trong thời gian tới, đồng thời các tổ chức chuyên về đào tạo có thể sử dụng để phát triển khoá đào tạo mới đáp ứng nhu cầu của DN trong giai đoạn mà xu hướng tích hợp hệ thống quản lý, công cụ NSCL và kỹ năng về quản lý DN nói chung đang ngày càng phổ biến.
Cuối cùng, các chuyên gia tham gia thực hiện đề tài nghiên cứu trên có cơ hội cải thiện về kiến thức, tư duy đồng thời tích góp thêm kinh nghiệm giảng dạy sau khi tham gia thực hiện triển khai đề tài đến các học viên, đặc biệt là kinh nghiệm trong việc đào tạo kết hợp giữa công cụ NSCL và kiến thức về quản lý nói chung.
Giúp học viên thay đổi tư duy
Ông Quách Khoa Duy là giảng viên đến từ Trung tâm Kỹ thuật 3 chia sẻ: Học lý thuyết về các công cụ cải tiến NSCL là những chủ đề khó và khô. Tuy nhiên, về mặt thực hành, nếu giảng viên đơn giản hóa, chọn lọc các nội dung cơ bản và trình bày gắn liền với thực tế hoạt động tại DN sẽ giúp họ hình dung cách thực hiện đơn giản. Những vấn đề được xem là “chướng ngại” mà học viên cần được làm rõ từ ban đầu như:
“Chướng ngại” mà rất nhiều học viên, kể cả người lao động tại DN đều xem cải tiến không phải là việc làm của mình mà nó là nhiệm vụ của một cá nhân/nhóm cá nhân nào đó như: ban cải tiến, ban ISO, thậm chí là của lãnh đạo. Phần đông cho rằng, hoàn thành “kết quả đầu ra” theo mô tả công việc là “xong nghĩa vụ” như đã thỏa thuận với DN. Họ có thể từ chối tham gia hoạt động cải tiến của DN. Họ không nhận thức được kết quả đạt được của mình có sự đóng góp của phương pháp, quy trình, thiết bị.
Khóa đào tạo cho người lao động diễn ra tại Hà Nội.
Đó là vấn đề khúc mắc của DN gặp phải và giảng viên các khóa đào tạo về nâng cao NSCL có nhiệm vụ giúp học viên thay đổi nhận thức bằng cách chỉ ra kết quả thực hiện công việc của một người lao động gồm 2 phần: Đạt được “kết quả đầu ra” theo như bản mô tả công việc; Và có những đóng góp làm cho hệ thống quản lý được tốt hơn, ví dụ: nhân viên kinh doanh ngoài việc đạt doanh số còn có nghĩa vụ tham gia thiết lập và thay đổi quy trình kinh doanh hoặc giảm chi phí bán hàng để tăng hiệu quả hoạt động…
Giảng viên cần phải nhấn mạnh đến các điểm cốt lõi của cải tiến là giải quyết vấn đề. Mỗi nhân viên làm việc tại DN đều có nhiệm vụ chỉ ra cho người quản lý trực tiếp của họ thấy được vấn đề đang gặp phải và tốt hơn nữa là đề xuất giải pháp giải quyết vấn đề này. Chỉ có người lao động mới xác định được chính xác vấn đề đang gặp phải trong quá trình họ xử lý công việc của mình tại DN.
Một khó khăn mà DN gặp phải khác đó là nhìn ra vấn đề. Điều này xuất phát từ “sai lầm” phổ biến của người học khi nghĩ rằng cải tiến là việc làm lớn lao, những việc làm thay đổi nhỏ/đơn giản là việc làm đương nhiên, không được xem là cải tiến.
Và nhiệm vụ của các giảng viên là giải thích rõ “vấn đề sự chênh lệch giữa thực tế và tình trạng lý tưởng”. Bất kỳ những điều gì xảy ra tại nơi làm việc và không như mong đợi đều được xem là vấn đề và bất kỳ những thay đổi nào làm cho công việc tốt hơn đều có thể xem là cải tiến. Qua đó, giảng viên giúp học viên áp dụng triệt để câu nói “CÓ… HƠN ĐƯỢC KHÔNG” (theo tài liệu giải quyết vấn đề của Toyota) khi quan sát bất kỳ sự việc nào diễn ra tại hiện trường công việc; Kế tiếp, nên chọn phương pháp giải quyết vấn đề đơn giản và dễ hiểu.
Các mô hình giải quyết vấn đề như: DMAIC, 8D hoặc 8 bước đã giúp Toyota giải quyết vấn đề rất tốt đã được giảng viên đưa ra làm ví dụ. Phương pháp 8 bước của Toyota (Hình 1a) đã giúp các học viên dễ hiểu hơn.
Những nội dung cần rút kinh nghiệm cho khóa đào tạo sau
Mục tiêu chung của đề án là nâng cao kiến thức, kỹ năng về NSCL, các giải pháp nâng cao NSCL cho lãnh đạo, quản lý cấp trung và người lao động của DN; giúp DN nghiệp chủ động trong triển khai thực hiện hoạt động cải tiến nâng cao NSCL. Phục vụ chương trình đào tạo, phát triển nguồn nhân lực cho hoạt động nâng cao NSCL… Tuy nhiên, các khoá học được triển khai ở thời điểm nền kinh tế vô cùng khó khăn, các DN càng khó khăn hơn khi phải cân nhắc chi phí và cử nhân sự tham gia khoá đào tạo, dẫn đến số lượng người được đào tạo bị giới hạn.
Thời lượng khóa học kéo dài và diễn ra liên tục ở một thời điểm đã ảnh hưởng không nhỏ tới học viên, họ vừa phải tuân thủ các yêu cầu của chương trình đào tạo và phải hoàn thành nhiệm vụ công việc tại DN dẫn đến áp lực và sự tham gia không tập trung.
Việc tìm kiếm DN để thực hành là việc khó khăn vì số lượng học viên tham gia nhiều hơn khả năng tiếp nhận của DN. Hơn nữa đa phần DN có chính sách bảo mật thông tin về kinh doanh và công nghệ.
Đó là một số điểm cần được xem xét sắp xếp, bố trí khóa học cho các đối tượng được phù hợp để các khóa đào tạo thực sự hiệu quả.
PV