Nghịch lý vừa thiếu vừa thừa nhà ở xã hội tại TP.HCM
Đặt câu hỏi tại kỳ họp, đại biểu Lê Thị Kim Thuý (huyện Bình Chánh) cho biết, theo kết quả khảo sát chương trình phát triển nhà ở giai đoạn 2021-2030, toàn địa bàn TP.HCM có khoảng 51.000 người lao động có nhu cầu thuê nhà và 29.000 người có nhu cầu mua nhà. Như vậy, hầu hết người lao động không có nhu cầu sở hữu nhà, chỉ thuê nhà ở xã hội.
Theo đại biểu Lê Thị Kim Thuý, không chỉ tại khu vực ngoài Nhà nước, các cán bộ, công chức, viên chức tại các cơ quan công lập trên địa bàn cũng có nhu cầu thuê nhà ở rất cao. Do vậy, TP.HCM có phương án nào để giải quyết nhu cầu thuê nhà ở xã hội đối với người có thu nhập thấp.
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi phát biểu tại kỳ họp. Ảnh: Thành Nhân |
Trả lời, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết, nhu cầu về nhà ở của TP.HCM rất lớn. Nhưng nhà ở trên địa bàn TP.HCM đang xây dang dở hoặc hoàn thiện nhưng chưa có người ở cũng rất lớn. Đây là một thực tế ở các đô thị lớn hiện nay.
Gần đây, đã có chủ trương, cơ chế, chính sách phát triển nhà ở xã hội, phát triển nhà cho thuê nhưng thực tế có nhiều vấn đề. Bên cạnh đó, cơ chế, chính sách cũng chưa đủ hấp dẫn để thu hút các nhà đầu tư vào nhà ở xã hội.
Theo ông Mãi, TP.HCM đã tính toán tới việc người thu nhập thấp không có nhu cầu sở hữu nhà, chỉ có nhu cầu thuê nhà để cân đối chi tiêu. Với chủ trương, cơ chế, chính sách phát triển nhà ở xã hội, phát triển nhà cho thuê nhưng thực tế có nhiều vấn đề. Bên cạnh đó, cơ chế, chính sách cũng chưa đủ hấp dẫn để thu hút các nhà đầu tư đầu tư vào nhà ở xã hội.
Khu nhà tái định cư Vĩnh Lộc B (huyện Bình Chánh, TP.HCM) được đầu tư với 2.000 căn hộ, số vốn hơn 1.000 tỉ đồng giờ thưa thớt người dân tái định cư chuyển về ở. |
Theo ông Mãi, tính từ năm 2021 đến quý 3/2023, trên địa bàn TP.HCM mới có 2 dự án nhà ở xã hội hoàn thành, với 623 căn. Đây là sự cách biệt lớn so với con số 26.200 căn của Chính phủ giao. Vấn đề là TP.HCM vẫn duy trì kế hoạch phát triển nhà ở. Dự kiến trong năm 2024, với 8 triệu m2 sàn nhà ở, trong đó cố gắng giữ chỉ tiêu khoảng 6.500 căn nhà ở xã hội.
Ông Mãi cho biết thêm, trong quá trình điều hành, UBND TP.HCM đang tháo gỡ các dự án nhà ở xã hội. Với hơn 80 dự án nhà ở xã hội, lãnh đạo TP.HCM đã họp, phân theo từng nhóm để tháo gỡ từng dự án. Hiện tại còn hơn 10 dự án có vướng mắc, khó khăn, nếu tập trung tháo gỡ nhanh thì có thể triển khai được trong năm 2024.
Tại phiên chất vấn, trả lời câu hỏi của đại biểu Hoàng Thị Diễm Tuyết, Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương về việc lấn chiếm vỉa hè tràn lan và không quản lý được, việc thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố triển khai như thế nào, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi khẳng định TP.HCM không cấm buôn bán, sử dụng lòng đường, hè phố nhưng cần phải tổ chức phù hợp để đảm bảo được sinh kế của dân mà vẫn đảm bảo mỹ quan đô thị, trật tự an toàn giao thông.
Ông Mãi cho biết, UBND TP.HCM đang chỉ đạo các quận, huyện rà soát lại quy hoạch vỉa hè. Hiện TP.HCM có khoảng 700km đường nội thị, có vỉa hè rộng từ 3m trở lên. TP.HCM chọn một số đoạn cần thiết để áp dụng thu phí, trên tinh thần vừa làm vừa rút kinh nghiệm, điều chỉnh.
Nguồn: Báo lao động thủ đô