Hà Tĩnh: Phát hiện 15.544 trường hợp được cấp đất, cho thuê đất trái thẩm quyền

(Xây dựng) – Trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 17 HĐND tỉnh Hà Tĩnh khoá XVIII, ông Lê Ngọc Huấn – Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Tĩnh cho biết: Qua công tác thanh, kiểm tra, phát hiện 15.544 trường hợp được cấp đất, cho thuê đất trái thẩm quyền. Đến nay, các địa phương đã xử lý xong 14.066 trường hợp (đạt 90,5%).

Hà Tĩnh: Phát hiện 15.544 trường hợp được cấp đất, cho thuê đất trái thẩm quyền
Ông Lê Ngọc Huấn – Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Tĩnh trả lời chất vấn nhiều nội dung liên quan đến lĩnh vực đất đai, môi trường…

Trong phiên chất vấn người đứng đầu ngành Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hà Tĩnh, một số đại biểu đề nghị làm rõ một số giải pháp giải quyết dứt điểm tồn đọng với việc cấp đất trái thẩm quyền, đảm bảo quyền lợi người dân.

Theo đó, liên quan tới vấn đề tồn đọng do cấp đất trái thẩm quyền, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thông tin: Qua công tác thanh, kiểm tra, phát hiện 15.544 trường hợp được cấp đất, cho thuê đất trái thẩm quyền. Đến nay, các địa phương đã xử lý xong 14.066 trường hợp các trường hợp tồn đọng còn lại chủ yếu do không phù hợp quy hoạch, vướng mắc liên quan đến việc xác định nghĩa vụ tài chính, cơ chế hoàn trả tiền sử dụng đất, giá trị tài sản còn lại trên đất sau thu hồi hoặc do hộ gia đình không phối hợp với chính quyền địa phương.

Đến nay đã thu hồi được 2.275 trường hợp và đang giao cho UBND cấp xã quản lý, còn 580 trường hợp chưa thu hồi được. Việc thực hiện các giải pháp giải quyết tồn đọng sau thu hồi chưa triệt để, đã ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân liên quan.

Về hướng giải quyết, đơn vị tiếp tục chủ trì, phối hợp cơ quan liên quan, tham mưu hướng dẫn các địa phương thủ tục thu hồi đất đã được giao, cho thuê trái thẩm quyền. Trong đó, giao trách nhiệm cho các cơ quan có liên quan trong việc tham mưu xử lý tài sản trên đất cũng như thủ tục đưa đất vào sử dụng theo đúng quy định của pháp luật. Đối với trường hợp thu hồi đất của người sử dụng đất đã nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất nhưng thuộc diện giao đất hoặc thuê đất trái thẩm quyền, UBND tỉnh giao Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với sở, ngành liên quan tham mưu xin ý kiến Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường theo hướng số tiền người dân đã nộp vào ngân sách Nhà nước phải được hoàn trả; mức hoàn trả phải tương ứng với thiệt hại thực tế của người dân.

Có cơ chế tài chính bố trí nguồn ngân sách Nhà nước từ nguồn thu từ đất hằng năm để thực hiện hoàn trả theo nguyên tắc: Cấp ngân sách nào sử dụng tiền thu của người dân thì bố trí ngân sách để hoàn trả, trường hợp ngân sách xã không đủ khả năng thì ngân sách cấp huyện phải bố trí để hoàn trả hoặc đề nghị ngân sách tỉnh hỗ trợ một phần trong từng trường hợp cụ thể nếu ngân sách huyện không có khả năng.

Về vấn đề rác thải, đại biểu Phan Tấn Linh (huyện Nghi Xuân): Trong khi chờ các nhà máy xử lý rác xây dựng và đi vào hoạt động vào giai đoạn 2026 – 2030, đề nghị Sở cho biết phương án tham mưu cho UBND tỉnh trước tình trạng rác thải của 2 huyện Nghi Xuân và Thạch Hà, nếu không cho các bãi rác hiện tại ở các địa phương này mở rộng và nâng công suất đốt?

Hà Tĩnh: Phát hiện 15.544 trường hợp được cấp đất, cho thuê đất trái thẩm quyền
Ông Phan Tấn Linh đề nghị Giám đốc sở Tài nguyên và Môi trường cho biết hướng giải quyết một nội dung liên quan đến nhà máy xử lý rác thải.

Giải trình câu hỏi này, ông Huấn cho biết: Dù tỉnh đã kêu gọi doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà máy điện rác nhưng Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cũng thừa nhận, quá trình này gặp khó khăn do nguồn kinh phí đầu tư dự án lớn. Dự báo tình hình này, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu UBND tỉnh trình HĐND thông qua Nghị quyết số 97/2022 ngày 16/12/2022 về “Một số chính sách hỗ trợ hoạt động bảo vệ môi trường giai đoạn 2023 – 2025”; trong đó có chính sách hỗ trợ phân loại rác tại nguồn. Với 80% nguồn rác thải từ nông thôn và tới 70% là rác thải hữu cơ, nếu việc phân loại rác tại nguồn được xử lý tốt, rác thải hữu cơ được phân loại, xử lý thành phân bón, sẽ tiết kiệm nguồn kinh phí lớn cho hộ gia đình, địa phương.

Đại biểu Nguyễn Thị Thúy Nga (Trưởng Ban kinh tế – ngân sách) đề nghị Giám đốc Sở cho biết, giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho các cơ sở sản xuất sản phẩm nông nghiệp OCOP khi hầu hết các cơ sở này đều chủ yếu sản xuất đất ở nông thôn?

Ông Huấn cho hay: Tỉnh hiện có 219 cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP, trong đó, 177 cơ sở không có nhà xưởng đã được hưởng chính sách hỗ trợ kinh phí sản phẩm OCOP. 42 cơ sở có xây dựng và đề nghị được hưởng hỗ trợ nhà kho, nhà xưởng bảo quản, chế biến sản phẩm và có 15 cơ sở OCOP đã được hỗ trợ kinh phí. 27 cơ sở có công trình sản xuất sản phẩm OCOP xây dựng trên đất ở, đất vườn liên kề đất ở có hồ sơ đề nghị được hưởng chính sách hỗ trợ xây dựng nhà xưởng sản xuất sản phẩm OCOP.

Tuy vậy, do quy định pháp luật về đất đai chưa rõ ràng, quá trình nghiệm thu chính sách hỗ trợ các Sở, ngành còn lúng túng làm kéo dài thời gian thực hiện. Để tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho các cơ sở OCOP mở rộng quy mô sản xuất, UBND tỉnh giao các Sở, ngành phối hợp với địa phương rà soát tham mưu sửa đổi, bổ sung về điều kiện hồ sơ, thủ tục nghiệm thu, thẩm định, phê duyệt chính sách hỗ trợ cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP theo Nghị quyết số 51/2021/NQ-HĐND ngày 16/12/2021 của HĐND tỉnh bảo đảm chặt chẽ và dễ triển khai thực hiện trong thực tiễn. Các đơn vị, địa phương chủ động rà soát bố trí quỹ đất phù hợp và phối hợp, hướng dẫn các cơ sở sản xuất OCOP thực hiện thủ tục thuê đất theo đúng quy định; kêu gọi các nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư xây dựng hạ tầng các khu chế biến, khu sản xuất tập trung; rà soát, tham mưu điều chỉnh, bổ sung quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện hàng năm để đáp ứng quỹ đất phục vụ các cơ sở sản xuất OCOP thuê đất theo quy định.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích