Ứng dụng công nghệ để bảo tồn loài linh dương Bongo tại Kenya

Ứng dụng công nghệ để bảo tồn loài linh dương Bongo tại Kenya

Cơ quan Vũ trụ Kenya (KSA) và Khu bảo tồn Thiên nhiên Núi Kenya (MKWC) vừa ký thỏa thuận hợp tác sử dụng công nghệ không gian địa lý để cứu loài linh dương Bongo khỏi nguy cơ tuyệt chủng.

Thoả thuận hợp tác kéo dài 5 năm này nhằm mục đích khai thác các công nghệ vũ trụ để giám sát thời gian thực, thu hút sự tham gia của cộng đồng và giúp quản lý đất đai bền vững.

KSA và MKWC sẽ đánh giá những thay đổi trong việc sử dụng đất, nạn phá rừng và suy thoái đất, cung cấp dữ liệu quan trọng cho việc phát triển các chiến lược quản lý đất đai bền vững ở Kenya.

Sự hợp tác này cũng sẽ góp phần phát triển kỹ năng, chuyên môn, kinh nghiệm và kỹ thuật giám sát sinh thái để cải thiện việc bảo vệ hệ sinh thái.

Linh dương Bongo, tên khoa học Tragelaphus eurycerus isaaci, là một loài có nguồn gốc từ Kenya và được Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) xếp vào loại cực kỳ nguy cấp, đang bị đe dọa nghiêm trọng. Loài này hiện chỉ còn chưa đến 100 cá thể trong tự nhiên.

tm-img-alt
Một con linh dương Bongo thuộc diện cực kỳ nguy cấp được nhìn thấy ở Khu bảo tồn Động vật hoang dã Núi Kenya gần Nanyuki, Kenya, ngày 9/3/2022. (Ảnh: Reuters).

Quyền Tổng giám đốc KSA, Hillary Kipkosgey nhấn mạnh thỏa thuận này thể hiện sự sẵn sàng của KSA và MKWC trong việc hợp tác sử dụng công nghệ vũ trụ để quản lý và bảo tồn động vật hoang dã.

Ông Kipkosgey cho biết KSA sẽ chứng minh tính khả thi của việc sử dụng công nghệ vũ trụ trong việc bảo tồn động vật và bảo vệ môi trường sống của chúng.

Theo ông, cộng đồng sinh sống xung quanh ngọn núi cũng sẽ tham gia vào việc bảo tồn hệ sinh thái nói chung, bên cạnh việc khôi phục quần thể linh dương Bongo đang bị đe dọa nghiêm trọng.

Hải Đăng (T/h)

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích