Long An: Xây dựng nông thôn mới gắn với bảo vệ môi trường

Long An: Xây dựng nông thôn mới gắn với bảo vệ môi trường

Thời gian qua, các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị cũng như các địa phương và người dân trên địa bàn tỉnh Long An luôn quan tâm cải thiện, bảo vệ và nâng cao chất lượng môi trường sống một cách toàn diện và đồng bộ.

Xác định tầm quan trọng của tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới (XDNTM), thời gian qua, các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị cũng như các địa phương và người dân trên địa bàn tỉnh Long An quan tâm cải thiện, bảo vệ và nâng cao chất lượng môi trường sống một cách toàn diện và đồng bộ. Nhờ vậy, diện mạo ở hầu hết các xã NTM ngày càng đổi mới, đời sống người dân không ngừng được nâng lên, công tác bảo vệ môi trường (BVMT) được quan tâm, hướng đến một nền sản xuất nông nghiệp sạch, bền vững và an toàn.

Xây dựng nông thôn mới gắn với bảo vệ môi trường

Xã Bình Hiệp, thị xã Kiến Tường duy trì tổ thu gom rác thải, góp phần nâng chất tiêu chí môi trường

Xã Bình Hiệp, thị xã Kiến Tường xác định và tập trung củng cố, nâng chất tiêu chí môi trường trong XDNTM bằng những việc làm thiết thực, ý nghĩa. Xã duy trì tổ thu gom, vận chuyển rác sinh hoạt theo lịch, thời gian quy định.

Trên các cánh đồng cũng được xã xây dựng hố thu gom rác thải nguy hại để thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng, trồng hoa tạo cảnh quan môi trường,… Nhờ đó, diện mạo nông thôn, cảnh quan môi trường khởi sắc, trong lành, sạch đẹp hơn. Người dân ý thức cao trong việc giữ gìn, BVMT, đồng hành cùng địa phương xây dựng xã NTM nâng cao.

Theo bà Nguyễn Thị Bé (ấp Ông Nhan Tây, xã Bình Hiệp, thị xã Kiến Tường), người dân thụ hưởng nhiều lợi ích từ quá trình xây dựng NTM. Điều dễ dàng nhận thấy nhất là diện mạo, cảnh quan môi trường thay đổi rõ nét. “Tôi tham gia BVMT sống bằng việc làm thiết thực như bỏ rác đúng nơi quy định, giữ vệ sinh chung, tham gia thu dọn rác tại các kênh, mương, thu gom vỏ chai thuốc bảo vệ thực vật,…” – bà Bé nói.

Theo Bí thư Đảng ủy xã Bình Hiệp, thị xã Kiến Tường – Huỳnh Thanh Tâm, xã đang trong quá trình nâng chất các tiêu chí NTM, hướng đến XDNTM nâng cao. Môi trường là một trong những tiêu chí được ưu tiên, tập trung đẩy mạnh thực hiện.

Để nâng chất tiêu chí môi trường, xã tăng cường tuyên truyền nâng cao vai trò, trách nhiệm của người dân; xây dựng một số mô hình thiết thực: Hố thu gom xử lý rác thải tại gia đình, Hố thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật; ra quân thu gom rác thải, trồng cây xanh, hoa hai bên đường,…

Xây dựng nông thôn mới gắn với bảo vệ môi trường

Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp các địa phương, hội, đoàn thể hỗ trợ các địa phương củng cố tiêu chí môi trường (Trong ảnh: Hỗ trợ túi đựng bao bì thuốc bảo vệ thực vật cho nông dân)

Những chuyển biến tích cực trong công tác BVMT được xem là một trong những thành quả đáng ghi nhận từ chương trình XDNTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu. Tuy nhiên, công tác BVMT vẫn là “bài toán” khá nan giải vì đây là tiêu chí “động” nên kết quả khó có thể duy trì bền vững nếu không có lộ trình thực hiện dài hơi, trước hết là sự đồng thuận cũng như ý thức của người dân tại các khu dân cư”.

Trở lại các địa phương của huyện Tân Trụ, nhiều người không khỏi ngỡ ngàng trước sự thay đổi diện mạo của những vùng quê đáng sống. Sự khởi sắc hiện hữu trên những tuyến đường rực rỡ sắc hoa, chất lượng cuộc sống của người dân cũng được nâng lên khi hạ tầng khang trang, giao thông nông thôn mở rộng, sạch đẹp.

Những thành quả “mắt thấy, tai nghe” đó là minh chứng rõ nét cho thấy sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt, người dân đã phát huy vai trò chủ thể trong thực hiện tiêu chí về môi trường – một trong những tiêu chí “động” cần có sự duy trì liên tục bằng những mô hình hay, cách làm hiệu quả, thiết thực và phù hợp với thực tế.

Xây dựng nông thôn mới gắn với bảo vệ môi trường

Chất thải rắn sinh hoạt và chất thải rắn không nguy hại trên địa bàn xã Lạc Tấn, huyện Tân Trụ được thu gom và xử lý theo quy định

Lạc Tấn là 1 trong 2 xã điểm được huyện Tân Trụ chọn XDNTM nâng cao trong năm 2023. Một trong những tiêu chí xã tập trung thực hiện nhằm nâng cao chất lượng trong bộ tiêu chí về xây dựng xã NTM nâng cao là môi trường.

Ngay từ khi bắt đầu triển khai chương trình, xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm thay đổi thói quen, tập quán của người dân, thực hiện nếp sống văn minh, nâng cao ý thức, trách nhiệm trong BVMT sống từ những việc làm nhỏ nhất.

Các ngành, hội, đoàn thể xã phối hợp người dân thường xuyên ra quân vệ sinh môi trường nơi công cộng, trồng cây xanh, hoa ven đường, vừa tạo cảnh quan xanh, sạch, đẹp, vừa góp phần BVMT; hướng dẫn người dân phân loại rác thải; vận động, tuyên truyền các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn xã nâng cao ý thức về BVMT, có báo cáo đánh giá tác động môi trường, kế hoạch BVMT,… thực hiện theo các nội dung được phê duyệt; đặc biệt là triển khai xây dựng các mô hình BVMT mang tính lan tỏa cộng đồng, được người dân đồng tình, hưởng ứng cao.

Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Lạc Tấn, huyện Tân Trụ – Nguyễn Hồng Dũng thông tin: Xác định tầm quan trọng của tiêu chí môi trường trong XDNTM nâng cao, xã quan tâm, coi trọng việc bảo vệ và nâng cao chất lượng môi trường. Nhờ vậy, diện mạo nông thôn ngày càng đổi mới, đời sống người dân được nâng cao.

Trên địa bàn xã có 1 cơ sở sản xuất, kinh doanh nước uống đóng chai cam kết BVMT. Chất thải rắn sinh hoạt và chất thải rắn không nguy hại được thu gom và xử lý đúng theo quy định tại khu vực có xe thu gom. Xã xây dựng và triển khai, thực hiện kế hoạch thu gom, tái sử dụng, tái chế, xử lý chất thải nhựa; tổ chức tuyên truyền, vận động người dân thu gom, tái sử dụng, tái chế, xử lý chất thải nhựa. Các tuyến kênh trên địa bàn được nạo vét thường xuyên, bảo đảm dòng chảy thông thoáng, không bị ứ đọng, không có hiện tượng thải bỏ chất thải nhựa, rác thải vào hệ thống thoát nước, kênh, rạch,…

Những chuyển biến tích cực trong công tác BVMT được xem là một trong những thành quả đáng ghi nhận từ chương trình XDNTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu. Tuy nhiên, công tác BVMT vẫn là “bài toán” khá nan giải vì đây là tiêu chí “động” nên kết quả khó có thể duy trì bền vững nếu không có lộ trình thực hiện dài hơi, trước hết là sự đồng thuận cũng như ý thức của người dân tại các khu dân cư.

Trong đó, phải đầu tư nguồn lực, đề ra chỉ tiêu và hướng dẫn cụ thể để thực hiện; đồng thời, có chế tài xử phạt nghiêm các hành vi gây ô nhiễm môi trường, tạo tiền đề vững chắc để nâng cao sức khỏe và chất lượng cuộc sống của người dân, đem lại diện mạo mới cho địa phương./.

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích