Khẳng định thương hiệu từ nền tảng triệu view của cơ quan truyền thông
Các khách mời tham dự tọa đàm bao gồm: ông Nguyễn Ngọc Hồi – Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Hồ Chí Minh; ông Dương Vũ Thông – Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo thành phố Hồ Chí Minh; Nhà báo Đức Trung – Ủy viên Ban Biên tập, Phó Tổng thư ký Tòa soạn Báo Thanh Niên; Nhà báo Nguyễn Chiến Dũng – Thư ký Tòa soạn Báo Sài Gòn Giải Phóng điện tử; Nhà báo Đỗ Thiện – Trưởng Ban Truyền hình Đa nền tảng Báo Pháp Luật thành phố Hồ Chí Minh; Lãnh đạo báo Tuổi Trẻ; Lãnh đạo Trung tâm sản xuất và phát triển nội dung số của Đài Truyền hình Việt Nam; TS Vũ Toản, Phó trưởng Phòng Công tác sinh viên, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh; Bà Nguyễn Thu Trang, Phòng Truyền thông và Quan hệ Doanh nghiệp, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh.
Nhà báo, TS. Tô Đình Tuân, Tổng Biên tập Báo Người Lao Động tặng hoa đại diện các đơn vị đồng hành. |
Ngoài ra còn có sự góp mặt của đại diện các cơ quan truyền thông và chuyên gia khác như ông Huỳnh Ngọc Duy – Tổng Giám đốc Công ty CP Mắt Bão; Ông Bùi Phan Trương Chánh Nghĩa – Giám đốc Văn phòng Đại diện thành phố Hồ Chí Minh, Công ty CP Phát triển truyền thông Quảng cáo MAC Việt Nam (MCV); ông Nguyễn Khoa Hồng Thành – Chuyên gia công nghệ tiếp thị số; ông Lê Văn Phong – Quản lý kênh Youtube Phong Bụi và ông Bùi Thanh Bình – Giám đốc Công ty CP BMZ (quản lý mạng xã hội cho một số nhà sáng tạo số).
Với sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội, thói quen tiếp nhận thông tin của bạn đọc cũng thay đổi rõ rệt. Do đó, chuyển mình theo xu hướng của bạn đọc là điều tất yếu mà các cơ quan báo chí phải làm, đặc biệt trong thời kỳ chuyển đổi số mạnh mẽ.
Hiện nay, các tòa soạn báo đã áp dụng mô hình phân phối thông tin đa nền tảng, thay vì chỉ phát triển báo in, báo điện tử như trước đây. Trong đó, các nền tảng mạng xã hội được các tòa soạn sử dụng gồm Facebook, YouTube, Zalo, TikTok, Lotus…
Song song với những cơ hội rộng mở, quá trình này cũng khiến các cơ quan báo chí gặp không ít thách thức như khó khăn về công nghệ, nhân lực, vấn đề bản quyền… và rất nhiều rủi ro khác. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để các cơ quan truyền thông có thể xây dựng hiệu quả các kênh thông tin trên nền tảng mạng xã hội, cạnh tranh được với các kênh mạng xã hội khác bên cạnh việc bảo đảm tiêu chí, định hướng của tờ báo.
Nhà báo Đức Trung, Ủy viên Ban Biên tập, Phó Tổng Thư ký Tòa soạn Báo Thanh Niên. |
Liên quan đến vấn đề này, nhà báo Đức Trung, Ủy viên Ban Biên tập, Phó Tổng Thư ký Tòa soạn Báo Thanh Niên cho biết: “Bên cạnh báo in và báo điện tử, Báo Thanh Niên cũng tập trung vào các nền tảng mạng xã hội như YouTube (5,5 triệu lượt theo dõi), TikTok (3,5 triệu) , Fanpage Facebook, Zalo… Những con số này còn khiêm tốn, sơ khai. Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để cạnh tranh trên nền tảng đa nội dung?
Báo Thanh Niên phát triển trung tâm nội dung số, phát triển mạng xã hội, đòi hỏi đầu tư khá nhiều. Trung tâm có tiền thân là tổ truyền hình, thành lập năm 2016. Với sự phát triển của mạng xã hội thì trung tâm là một nền tảng chính của báo và được đầu tư nhiều.
Vấn đề là bảo đảm nội dung trên nền tảng mạng xã hội đã vất vả thì làm sao để bạn đọc quan tâm, làm sao để làm mới mình? Làm sao tiếp cận được những nội dung thu hút giới trẻ, những người tiếp cận nhanh và đòi hỏi sự thay đổi.
Báo Thanh Niên luôn muốn đầu tư trường quay nhưng để đầu tư cũng là thách thức. Chưa kể, quản trị rủi ro trên nền tảng mạng xã hội cũng là vấn đề. Nền tảng đối với các cơ quan báo chí hiện nay là đi mượn, nhà phát triển nền tảng chỉ cần thay đổi từ khóa thôi là chúng ta “hoang mang”. Với thách thức như vậy, một cơ quan báo chí không làm một mình được, đòi hỏi sự chung sức của cơ quan quản lý nhà nước.
Rủi ro nữa là yếu tố khách quan trên mạng xã hội, đòi hỏi công nghệ mà không phải cơ quan nào cũng có nguồn lực để đầu tư, phụ thuộc vào yếu tố con người. Về con người, chúng tôi cũng tính toán để bảo đảm nguồn nhân lực. Những người trẻ theo được sự thay đổi của công nghệ và có sức sáng tạo vô bờ nên cần tạo điều kiện để họ sáng tạo”.
Ông Nguyễn Ngọc Hồi, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Hồ Chí Minh. |
Còn ông Nguyễn Ngọc Hồi, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Hồ Chí Minh, cho hay trong năm 2024 và những năm tiếp theo, chủ đề xuyên suốt của thành phố Hồ Chí Minh là chuyển đổi số. Các cơ quan báo chí đang chuyển đổi số nhằm tiết kiệm chi phí, tăng tính hiệu quả trong tác nghiệp, sản xuất sản phẩm báo chí và đặc biệt là bảo vệ bản quyền cho tác phẩm báo chí. Ông Nguyễn Ngọc Hồi cho biết Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Hồ Chí Minh đang xây dựng các kế hoạch, quy chế nhằm tạo điều kiện cho các cơ quan báo chí phát triển nhanh.
Bên cạnh đó là siết chặt lẫn hỗ trợ để cơ quan báo chí xây dựng thương hiệu trên nền tảng mạng xã hội. Thương hiệu này chính là những thông tin được kiểm chứng từ các cơ quan báo chí. Ông Hồi nhấn mạnh dù mạng xã hội có theo trend nào đi nữa thì những thông tin chính thống, được kiểm chứng từ các cơ quan báo chí vẫn cần thiết và giữ vai trò quan trọng. Ông Hồi cho rằng nếu các cơ quan báo chí đẩy nhiều thông tin tích cực lên các nền tảng mạng xã hội thì cũng sẽ nhận lại nhiều điều tích cực từ các nền tảng này.
TS Vũ Toản, Phó trưởng Phòng Công tác sinh viên Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – ĐHQG TP HCM. |
TS Vũ Toản, Phó Trưởng Phòng Công tác sinh viên Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – ĐHQG TP HCM, cho biết “bức tranh” công nghệ đặt ra những thách thức, lợi thế để phục vụ phát triển báo chí. Ở góc độ người đào tạo, TS Vũ Toản cho hay trách nhiệm là rất quan trọng. Cần hiểu rằng sự vận hành của báo chí liên quan rất lớn đến con người, con người tạo ra sản phẩm và hưởng thụ thành quả đó. Theo đó, trách nhiệm của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn phải được nâng lên hơn nữa để đáp ứng nhu cầu hiện nay. Thực tiễn cho thấy ngành báo chí và truyền thông đã đóng góp rất lớn cho sự phát triển xã hội.Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn hiểu rằng xu hướng phát triển 4.0 có thể tạo ra những phiên bản khác nhau của người làm báo vì giờ ai cũng có thể tạo ra nội dung, lan tỏa ra khắp thế giới. Sự bùng nổ là xu hướng tất yếu nhưng sử dụng nguồn lực cần đa dạng, khắt khe hơn.
“Chúng tôi nghĩ rằng trong đào tạo nguồn nhân lực với định hướng phát triển đa nền tảng, người được đào tạo phải nắm vững chủ trương, đường lối. Người học phải có phẩm chất, đạo đức, tinh thần chính trực, hướng đến hình mẫu lành mạnh. Về mặt chuyên môn, thay vì học tốt, phải làm sao việc học gắn với hoạt động thực tiễn của nhiều công việc khác nhau. TS Vũ Toản cũng lưu ý người làm báo, người làm truyền thông cần có sự hiểu biết mang tính chuẩn mực, biết lắng nghe nhiều hơn. Có được thông tin tốt thì hãy “lắng”, rồi hãy “nghe” thì mới đáp ứng được công việc”, TS Vũ Toản chia sẻ.
Nhà báo, TS Tô Đình Tuân, Tổng Biên tập Báo Người Lao Động, cho rằng hiện nay có tâm lý muốn xem những thông tin “lá cải”, trong khi những bài viết về người tốt, việc tốt lại không thu hút lượt xem.
TS Tô Đình Tuân, Tổng Biên tập Báo Người Lao Động. |
“Ở Báo Người Lao Động, chúng tôi luôn kiên định tiêu chí nhanh – hay – chính xác – trách nhiệm – nhân văn. “Trách nhiệm” bao gồm trách nhiệm với Tổ quốc, người dân, Đảng; còn yếu tố “nhân văn” là ở chỗ hướng thiện, không khuyến khích người khác làm điều xấu”, Tổng Biên tập Tô Đình Tuân khẳng định.
Hiện nay, có nhiều nội dung chúng ta phải chạy theo mạng xã hội. Tuy nhiên, hơn ai hết, báo chí cần giữ thế thượng phong và chúng ta đang có lợi thế để phát triển mạng xã hội một cách tốt nhất. Cũng theo ông Tô Đình Tuân, nếu người sáng tạo nội dung số xác định xây dựng nội dung để phục vụ xã hội, chúng ta cần ủng hộ và hoan nghênh. Quan trọng nhất, theo ông Tô Đình Tuân, là cái tâm của người làm báo để đưa những câu chuyện tốt lên nền tảng, có giá trị phục vụ xã hội. Hiện nay, các cơ quan báo chí nhận được sự ủng hộ của cộng đồng, các doanh nghiệp và các đơn vị trong xã hội. Cơ quan báo chí cần tích hợp các nền tảng mạng xã hội, hướng đến xây dựng nền tảng “tỉ view” của mình. Cách làm ở Trung Quốc là cho phép mạng xã hội đi trước để lan tỏa thông tin.
Theo Tổng Biên tập Báo Người Lao Động, các cơ quan báo chí cần xây dựng những giải pháp mang tính chủ động trong việc phát triển các nền tảng mạng xã hội. Lãnh đạo cơ quan báo chí và các cơ quan quản lý cần phối hợp để tìm ra giải pháp giúp cơ quan báo chí xây dựng được các kênh mạng xã hội mạnh. Ông Tô Đình Tuân cũng cho rằng với tốc độ phát triển như hiện nay của các nền tảng mạng xã hội, cần có nhiều giải pháp để cơ quan quan báo chí không bị lệ thuộc vào các nền tảng này. Đây không chỉ là quyền lợi của riêng cơ quan báo chí mà còn là quyền lợi của doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước…
Nguồn: Báo lao động thủ đô