Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 6/12/2023
Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 6/12/2023
Tin tức môi trường mới nhất, nóng nhất hôm nay 6/12/2023. Cập nhật tin nhanh môi trường mới nhất hôm nay 6/12/2023 do Môi trường và Đô thị tổng hợp.
Không khí lạnh tăng cường, miền Bắc có nơi dưới 11 độ
Chiều nay (06/12), không khí lạnh đã ảnh hưởng đến Bắc Trung Bộ, một số nơi ở khu vực phía Tây Bắc Bộ; ở vịnh Bắc Bộ đã có gió Đông Bắc mạnh cấp 6, giật cấp 7.
Dự báo chiều tối và đêm 06/12, bộ phận không khí lạnh này sẽ ảnh hưởng đến các nơi khác ở khu vực phía Tây Bắc Bộ và một số nơi ở Trung Trung Bộ. Gió Đông Bắc trong đất liền mạnh cấp 2-3; vùng ven biển cấp 3-4.
Ở Bắc Bộ đêm và sáng trời rét. Trong đợt không khí lạnh này nhiệt độ thấp nhất ở Bắc Bộ và Thanh Hóa, Nghệ An phổ biến từ 15-18 độ, riêng khu vực vùng núi Bắc Bộ phổ biến 13-15 độ, vùng núi cao có nơi dưới 11 độ.
Trên biển, chiều tối và đêm 06/12, ở vịnh Bắc Bộ và khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có gió Đông Bắc mạnh cấp 6, giật cấp 7-8, sóng biển cao 2-4m, biển động.
Từ chiều tối và đêm 06/12, vùng biển từ Quảng Ngãi đến Cà Mau, khu vực giữa Biển Đông và phía Tây của Nam Biển Đông (bao gồm phía Tây quần đảo Trường Sa) có gió Đông Bắc mạnh dần lên cấp 6, giật cấp 7-8, sóng biển cao 2-3m, biển động.
Do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường nên từ chiều tối 06/12 đến sáng sớm ngày 07/12, ở khu vực Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to và dông với lượng mưa 15-30mm, có nơi trên 50mm. Ngày 07/12, khu vực từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi có mưa, mưa rào rải rác và có nơi có dông, cục bộ có mưa vừa, mưa to với lượng mưa 10-20mm, có nơi trên 40mm.
Mưa dông có thể kèm theo các hiện tượng lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh gây ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, làm gãy đổ cây cối, hư hại nhà cửa, các công trình giao thông, cơ sở hạ tầng. Mưa lớn có khả năng gây ra lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc và tình trạng ngập úng tại các vùng trũng, thấp.
Gió mạnh và sóng lớn trên biển có khả năng ảnh hưởng đến hoạt động của tàu thuyền và các hoạt động khác.
Trấn Yên (Yên Bái) tăng cường tuyên truyền phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn
Báo Yên Bái đưa tin, để việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) tại nguồn thực hiện chậm nhất vào ngày 31/12/2024, huyện Trấn Yên đã yêu cầu UBND các xã, thị trấn, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện, các đoàn thể chính trị – xã hội và các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tăng cường tuyên truyền, phổ biến các nội dung về quản lý CTRSH tại nguồn.
Cụ thể, huyện yêu cầu UBND các xã, thị trấn, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện, các đoàn thể chính trị – xã hội và các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tăng cường tuyên truyền, phổ biến các nội dung về quản lý CTRSH tại nguồn cho tổ chức, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ, cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn. Nội dung tập trung phổ biến quy định chung của pháp luật về bảo vệ môi trường (BVMT); nguyên tắc BVMT; chính sách của Nhà nước về BVMT; những hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động BVMT; quyền và nghĩa vụ của cộng đồng dân cư về BVMT; trách nhiệm của hộ gia đình, cá nhân trong BVMT; BVMT nơi công cộng… bằng các hình thức phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện và các đoàn thể chính trị – xã hội huyện Trấn Yên tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ liên quan đến phân loại, xử lý chất thải rắn, CTRSH trên địa bàn; nhất là tuyên truyền, vận động các hội viên tích cực tham gia thực hiện các mô hình phân loại, xử lý chất thải; đẩy mạnh, nhân rộng các mô hình thu gom, phân loại, xử lý chất thải, góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm BVMT.
Cùng với đó, UBND các xã, thị trấn tăng cường công tác kiểm tra, xử lý vi phạm về quản lý chất thải đối với các tổ chức, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ, cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn quản lý theo quy định của pháp luật.
Việc phân loại CTRSH nhằm thúc đẩy tăng cường tái sử dụng, tái chế chất thải, sản phẩm thải bỏ, tận dụng tối đa giá trị, kéo dài vòng đời của sản phẩm, vật liệu; khuyến khích cơ quan, tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân tham gia chương trình tái chế, xử lý chất thải của tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu theo quy định của Luật BVMT và các văn bản hướng dẫn, giảm tối đa lượng chất thải phải xử lý.
Liên tục sạt lở gây ách tắc giao thông lên Cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo
Khoảng 15h hôm nay, 6/12, do mưa kéo dài, đất đá với khối lượng khoảng 80m3 trên vách núi cao sạt lở tràn xuống tuyến Quốc lộ 8A, tại vị trí Km82+300 (khu vực cầu Eo Cô Gái, xã Sơn Kim 1, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh), gây ách tắc giao thông. Các phương tiện đi lên cửa khẩu quốc tế Cầu Treo và ngược lại tạm thời phải dừng để chờ khắc phục.
Nhận tin báo, Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Cầu Treo đã nhanh chóng cử cán bộ, chiến sĩ tới hiện trường, phối hợp với các lực lượng chức năng triển khai trực chốt, phân luồng, điều tiết phương tiện, đặt biển cảnh báo để đảm bảo an toàn giao thông cho người dân và các phương tiện ở 2 đầu vị trí sạt lở.
Các lực lượng chức năng cũng huy động phương tiện đến hiện trường để san gạt đất đá, khắc phục sạt lở. Tuy nhiên, do khu vực hiện trường là vùng núi cao, trời tiếp tục có mưa, sương mù dày đặc nên công tác khắc phục gặp không ít khó khăn.
Trước đó, từ ngày mùng 1 đến 3/12, cũng tại khu vực này đã nhiều lần xảy ra sạt lở đất đá gây ách tắc giao thông.
Quảng Trị: Mặt nước sông Hiếu đổi màu bất thường
Tin trên Đại đoàn kết, ngày 6/12, ông Nguyễn Duy Đức, Chủ tịch UBND phường 2 (TP Đông Hà, tỉnh Quảng Trị) cho biết, Trung tâm Quan trắc Tài nguyên và Môi trường thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Trị đã về địa phương lấy mẫu để phân tích, làm rõ nguyên nhân một đoạn mặt nước sông Hiếu trên địa bàn đổi sang màu đỏ bất thường.
Theo đó, việc mặt nước sông Hiếu đổi màu đỏ bắt đầu từ chiều qua (5/12). Diện tích từ bờ ra phía sông khoảng 3m và kéo dài khoảng 40 – 50m.
Chủ tịch UBND phường 2 cho biết thêm, đến hôm nay (6/12), diện tích mặt nước sông Hiếu có màu đỏ đang giảm dần.
Vẫn theo ông Nguyễn Duy Đức, nhận định ban đầu, hiện tượng trên có thể do một hộ dân trên địa bàn kinh doanh phế liệu trong quá trình chùi rửa đồ đạc tại nhà đã làm nước thấm, chảy ra sông tạo nên.
“Đến tại thời điểm này thì vẫn đang còn đợi kết quả của Trung tâm Quan trắc trực thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường khi đó rồi mới xác định được cái chất màu đỏ đó có độc tố hay không độc tố rồi khi đó mới có phương án xử lý”, ông Đức nói.
Khánh Hoà: Cần kịp thời xử lý tình trạng ô nhiễm từ bãi chứa rác thị trấn Cam Đức
Nhiều hộ dân sống gần khu bãi rác tại thị trấn Cam Đức, huyện Cam Lâm đã phản ánh đến tòa soạn Môi trường và Đô thị Việt Nam về tình trạng môi trường sống tại đây đang bị ô nhiễm trầm trọng do hoạt động của bãi rác thải sinh hoạt này gây nên.
Ngoài ra, theo người dân, vị trí của bãi rác này nằm trên dự án con đường Ngô Gia Tự kéo dài của thị trấn Cam Đức, con đường này đã được giải toả đền bù để phục vụ thi công, thế nhưng hiện tại bãi rác này đang chôn lấp hàng trăm tấn rác nằm sâu giữa lòng đường.
Sau khi tiếp nhận thông tin, phóng viên Môi trường & Đô thị Việt Nam đã có mặt và ghi nhận thực tế. Thời điểm có mặt, PV nhận thấy đây là một bãi chứa rác thải sinh hoạt nằm giữa một khu vườn trồng xoài, cạnh bên đất của một hộ gia đình.
Một hộ dân sinh sống gần bãi rác này cho biết, từ khi bãi rác được quy hoạch, cho phép đặt tại địa phương này, những người dân nơi đây đều không hề hay biết và không được đóng góp ý kiến, đến khi bãi rác đi vào hoạt động, người dân vô cùng bức xúc vì tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, khiến cuộc sống của họ bị đảo lộn.
“Hằng ngày có rất nhiều xe chở rác về đây đổ trực tiếp ra bãi chứa gây nên tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, dù đứng cách xa hàng cây số vẫn nghe thấy mùi hôi thối nồng nặc, người dân chúng tôi không thể nào chịu nổi. Nếu tình trạng này kéo dài sợ sẽ sinh ra nhiều bệnh tật”, một hộ dân lo lắng.
Theo tìm hiểu của PV Môi trường & Đô thị Việt Nam thì chủ đầu tư của bãi chứa rác này là UBND thị trấn Cam Đức, đơn vị vận hành bãi rác là Công ty TNHH dịch vụ – Môi trường Nhật Khánh do ông Nguyễn Văn Hạng là người đại diện pháp luật.
Mặc dù hàng ngày có hàng chục tấn rác được tập kết về đây, thế nhưng theo quan sát của phóng viên thì đơn vị vận hành sử dụng các phương tiện không chuyên dụng để thu gom và vận chuyển rác, mà đổ trực tiếp ra bãi chứa. Không những thế, đơn vị này gần như không áp dụng bất kì một biện pháp chuyên môn nào để bảo vệ môi trường như: Lót bạt hố chứa rác, không có hồ gom, không có hồ xử lý nước rỉ rác, không thấy sử dụng thuốc diệt ruồi, hoá chất diệt khuẩn, hay chế phẩm sinh học để khử mùi và phân huỷ rác thải…
Thay vào đó, tất cả khối lượng rác khổng lồ được đơn vị vận hành đổ thẳng trực tiếp ra bãi chứa, toàn bộ nước rỉ rác chảy trực tiếp ra môi trường, ngấm thẳng vào đất vào mạch nước ngầm, gây nên những hệ luỵ lâu dài ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ cũng như môi trường sống của người dân. Tình trạng này diễn ra trong suốt thời gian dài, mặc dù người dân đã nhiều lần kiến nghị với cơ quan chức năng, thế nhưng cho đến nay vẫn chưa được xử lý, người dân vẫn phải “ngậm ngùi” sống chung với khói bụi, mùi hôi thối nồng nặc do bãi rác gây nên.
Ông H.V.B, một người dân sinh sống gần khu vực bãi rác thị trấn Cam Đức mong muốn: “Chúng tôi đã nhiều lần phản ánh, kiến nghị với cơ quan chức năng, thế nhưng vẫn chưa được các cơ quan chức năng giải quyết kịp thời để đảm bảm môi trường sống, bảo vệ sức khỏe cho người dân chúng tôi.
Chúng tôi mong muốn cơ quan chức năng khẩn trương giải quyết, xử lý để trả lại môi trường sống an toàn cho người dân chúng tôi, để chúng tôi yên tâm sản xuất, con cái chúng tôi yên tâm học hành”.
Sau khi ghi nhận thực tế, phóng viên Môi trường & Đô thị Việt Nam đã liên hệ với đơn vị trúng thầu và vận hành bãi rác thị trấn Cam Đức, ông Nguyễn Văn Hạng – Đại diện pháp luật Công ty TNHH dịch vụ – Môi trường Nhật Khánh cho biết: “Đơn vị chỉ có nhiệm vụ thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải theo hợp đồng trúng thầu. Mỗi ngày, đơn vị thu gom và xử lý từ 3 – 5 tấn rác, kinh phí vận hành do UBND thị trấn Cam Đức chi trả từ nguồn ngân sách nhà nước và chi trả theo quý, mỗi quý khoảng ba trăm triệu đồng. Còn chủ đầu tư bãi rác là UBND thị trấn Cam Đức”.
Liên hệ làm việc với UBND thị trấn Cam Đức, ông Cao Trường Huy – Chủ tịch UBND thị trấn cho biết, do huyện Cam Lâm chưa có khu xử lý rác tập trung nên huyện có công văn số 4808/UBND ngày 17/9/2020 giao cho UBND các xã, thị trấn Cam Đức tự tổ chức thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt tại địa phương. Còn đối với đơn vị vận hành chính quyền địa phương cũng thường xuyên nhắc nhở về việc đảm bảo công tác bảo vệ môi trường trong quá trình thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải sinh hoạt.
Từ thực trạng bãi chứa rác thị trấn Cam Đức hoạt động mà chưa có sự đồng thuận của người dân cũng như đơn vị vận hành không nghiêm túc áp dụng và thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường đã và đang gây nên những hệ luỵ nghiêm trọng đến chất lượng môi trường sống của người dân. Thế nhưng chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng vẫn chưa thực sự quan tâm, kịp thời xử lý, khiến cho người dân bức xúc gây dư luận không tốt.
Đề nghị các cơ quan chức năng huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hoà cần khẩn trương kiểm tra, xử lý việc bãi chứa rác thải sinh hoạt thị trấn Cam Đức gây ô nhiễm môi trường để đảm bảo môi trường sống cho người dân.
Đồng thời, kiểm tra việc bãi rác này nằm tại vị trí dự án đường Ngô Gia Tự liệu có ảnh hưởng đến chất lượng khi công trình này triển khai thi công hay không? Và nếu phải di dời hàng trăm tấn rác trên ra khỏi dự án đường Ngô Gia Tự thì ai, đơn vị nào sẽ chịu trách nhiệm và kinh phí di dời lấy từ đâu?
COP28: 63 quốc gia tham gia cam kết giảm phát thải từ việc làm mát
Lễ công bố có sự tham dự của ông Sultan Al Jaber, Chủ tịch COP 28; bà Inger Andersen, Giám đốc điều hành Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP); ông John Kerry, Đặc phái viên Tổng thống Hoa Kỳ về biến đổi khí hậu cùng đại diện của 63 quốc gia thành viên.
Đây được xem như nỗ lực chung đầu tiên trên thế giới nhằm giảm lượng khí thải khiến khí hậu nóng lên từ chính việc làm mát của con người, bao gồm việc làm lạnh cho thực phẩm, thuốc men và điều hòa không khí.
Mỗi năm, gần 1/3 dân số thế giới phải hứng chịu những đợt nắng nóng chết người kéo dài hơn 20 ngày. Các hoạt động làm mát giúp giảm các vấn đề sức khỏe do nắng nóng, đồng thời, đóng vai trò thiết yếu trong một số lĩnh vực quan trọng khác như bảo quản, phân phối thực phẩm hay phân phối vắc xin. Tuy nhiên, hoạt động làm mát thông thường, chẳng hạn như sử dụng điều hòa không khí, lại gây phát thải hơn 7% khí nhà kính toàn cầu và là một trong nguyên nhân gây ra biến đổi khí hậu. Nếu không được quản lý, nhu cầu năng lượng để làm mát không gian sẽ tăng gấp 3 lần vào năm 2050, kéo theo làm tăng phát thải khí nhà kính. Con người càng làm mát thì Trái đất sẽ càng nóng lên.
Tuyên bố cam kết các quốc gia sẽ giảm ít nhất 68% lượng khí thải liên quan đến làm mát vào năm 2050 so với mức năm 2022, cùng với một loạt mục tiêu khác bao gồm thiết lập các tiêu chuẩn hiệu suất năng lượng tối thiểu vào năm 2030.
Phát biểu tại lễ công bố, bà Inger Andersen, Giám đốc điều hành Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) nhấn mạnh, các quốc gia phải hành động ngay để đảm bảo lĩnh vực làm mát tăng trưởng theo hướng phát thải thấp. Các giải pháp đã sẵn có, tập trung vào việc sử dụng năng lượng hiệu quả. Triển khai làm mát bền vững sẽ đem lại cơ hội ngăn chặn hiện tượng nóng lên toàn cầu, cải thiện cuộc sống của hàng trăm triệu người và tiết kiệm khoản tài chính khổng lồ.
Theo Đặc phái viên khí hậu Mỹ John Kerry chia sẻ tại COP28: “Chúng tôi muốn vạch ra một lộ trình để giảm lượng khí thải liên quan đến làm mát trên tất cả các lĩnh vực, giúp tăng khả năng tiếp cận với hệ thống làm mát bền vững”.
Đây được xem như một thách thức lớn khi khoảng 1,2 tỷ người cần làm mát vẫn chưa tiếp cận được nhu cầu này. Bởi vậy, công suất lắp đặt các thiết bị làm mát dự kiến sẽ tăng gấp ba vào giữa thế kỷ này, do nhiệt độ tăng cao, dân số ngày càng tăng và thu nhập tăng.
Đại biểu Yvonne Aki-Sawyerr của Sierra Leone phát biểu tại cuộc họp báo COP28: “Hãy tưởng tượng một cộng đồng khu ổ chuột, một khu định cư tạm bợ, những ngôi nhà làm bằng tôn… Khát vọng của mọi người khi nhiệt độ tăng và thu nhập tăng sẽ là… sự mát mẻ”.
Và nhu cầu làm mát bằng máy điều hòa nhiệt độ đó sẽ góp phần làm tăng gấp đôi cuộc khủng hoảng khí hậu, với lượng khí thải làm mát dự kiến sẽ đạt tương đương từ 4,4 tỷ đến 6,1 tỷ tấn carbon dioxide (CO2) vào năm 2050, theo báo cáo của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) tại COP28.
Theo ông Jürgen Fischer, chủ tịch giải pháp khí hậu tại công ty đa quốc gia Đan Mạch Danfoss chuyên về sưởi ấm và làm mát, cho biết: “Mọi người sẽ mua một chiếc máy điều hòa không khí rất rẻ được sản xuất ở đâu đó ở châu Á với giá 100 đô la và cắm điện. Điều đó sẽ khiến hệ thống năng lượng có thể sẽ quá tải và sụp đổ”.
Ấn Độ, quốc gia được dự báo sẽ có nhu cầu làm mát tăng lớn nhất trong những thập kỷ tới, vẫn chưa tham gia cam kết tính đến thứ Ba. Các quan chức cấp cao Ấn Độ trước đó nói rằng họ không sẵn sàng thực hiện các mục tiêu cao hơn Nghị định thư Montreal 1992 về việc hạn chế phát thải trong làm mát.
Ít nhất 118 quốc gia cũng đang ủng hộ một cam kết khác của COP28 nhằm tăng gấp ba lần năng lượng tái tạo và tăng gấp đôi tỷ lệ sử dụng năng lượng hiệu quả vào năm 2030. Tiến trình này sẽ được theo dõi thông qua những cuộc kiểm tra tại các hội nghị về khí hậu hàng năm của Liên hợp quốc.
Cam kết làm mát toàn cầu là sáng kiến do Chủ tịch COP28 của UAE đề xuất. Các tổ chức hỗ trợ là Liên minh Tăng cường hiệu quả làm mát – UNEP và các đối tác gồm Sáng kiến năng lượng bền vững cho tất cả (SEforALL) và Cơ quan năng lượng tái tạo quốc tế (IRENA).
UNEP dự báo, việc cải thiện hiệu quả và tăng cường tiếp cận các giải pháp làm mát bền vững có thể giúp hơn 1 tỷ người thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm 3,5 nghìn tỷ USD chi phí chuyển đổi năng lượng vào năm 2030. Làm mát hiệu quả, bền vững có thể giúp các quốc gia xóa đói giảm nghèo, giảm thất thoát lương thực, cải thiện sức khỏe, quản lý nhu cầu năng lượng và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Việt Nam là một trong những quốc gia chịu tác động nặng nề nhất của biến đổi khí hậu. Hiện nay có khoảng 38% dân số sinh sống ở khu vực đô thị. Nhu cầu sử dụng các thiết bị làm mát ở Việt Nam tăng đáng kể trong những năm gần đây.
Việc Việt Nam tham gia Cam kết làm mát toàn cầu là cơ hội để triển khai các chương trình, dự án hợp tác với các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp trong và ngoài nước về làm mát bền vững. Cụ thể như chuyển đổi sang công nghệ hiệu suất năng lượng cao, sử dụng môi chất lạnh có giá trị tiềm năng nóng lên toàn cầu thấp, áp dụng các giải pháp làm mát thụ động, làm mát dựa vào tự nhiên… phù hợp với xu thế chung của thế giới.
Điều này cũng góp phần thực hiện các điều ước quốc tế và quy định pháp luật của Việt Nam về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn. Nội dung Cam kết làm mát toàn cầu phù hợp với định hướng trong Chiến lược phát triển bền vững Việt Nam, Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050 và Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) cập nhật năm 2022.
T.Anh (T/h)
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị