Hải Phòng: Quy hoạch giao thông phát triển đô thị, kinh tế – xã hội
(Xây dựng) – Thời gian qua, thành phố Hải Phòng huy động các nguồn lực, tập trung đầu tư chỉnh trang, cải tạo đô thị, tạo diện mạo mới cho thành phố. Trong đó, việc phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, đặc biệt là các công trình giao thông đường bộ trong đô thị góp phần kết nối trung tâm thành phố với các quận, huyện và các tỉnh lân cận.
Nút giao Nam Cầu Bính. |
Điển hình, một số dự án giao thông trọng điểm đã và đang triển khai trên địa bàn thành phố Hải Phòng như: Tuyến đường trục giao thông đô thị thành phố (vốn vay Ngân hàng Thế giới) qua 4 quận huyện gồm: An Dương, Lê Chân, Kiến An, Hải An; cải tạo tuyến đường Quốc lộ 37 trên địa bàn huyện Vĩnh Bảo, cải tạo đường tỉnh 359 trên địa bàn huyện Thủy Nguyên, nút giao thông Nam cầu Bính và tuyến đường nối nút giao thông với đường Tôn Đức Thắng, Nguyễn Văn Linh, tuyến đường Hồ Sen – cầu Rào 2 đến đường Tô Hiệu, cầu Đăng, cầu Hàn nối Tiên Lãng với Vĩnh Bảo, cải tạo cầu Rào 1 và tuyến đường Lạch Tray; tuyến đường thị trấn Minh Đức huyện Thủy Nguyên, dự án cải tạo đường tỉnh 363 nối huyện Kiến Thụy…
Bên cạnh đó, thành phố Hải Phòng rất quan tâm, triển khai đầu tư các dự án kết nối giao thông với các tỉnh lân cận như: Đầu tư xây dựng cầu phao sông Hóa nối thành phố Hải Phòng với tỉnh Thái Bình, cầu Quang Thanh, cầu Dinh nối thành phố Hải Phòng với tỉnh Hải Dương, dự án tuyến đường bộ ven biển qua Hải Phòng và 9km tỉnh Thái Bình, chuẩn bị triển khai xây dựng cầu Bến Rừng, cầu Lại Xuân nối thành phố Hải Phòng với tỉnh Quảng Ninh, cầu Nghìn 2 nối Quốc lộ 10 từ huyện Vĩnh Bảo với tỉnh Thái Bình.
Theo Sở Giao thông vận tải Hải Phòng, việc đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ đã từng bước hoàn chỉnh quy hoạch giao thông thành phố Hải Phòng, tạo mạng lưới giao thông góp phần tích cực việc phát triển kinh tế – xã hội thành phố. Đồng thời, góp phần giảm thiểu nguy cơ mất an toàn giao thông cho nhân dân khi tham gia giao thông, tạo thuận lợi trong việc giao thương hàng hóa, giao lưu trao đổi văn hóa, giáo dục, y tế, tăng cường quốc phòng an ninh, giảm dần khoảng cách giữa thành thị và nông thôn.
Ngoài việc đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, Sở Giao thông vận tải Hải Phòng cũng rất quan tâm đến việc phân luồng giao thông một cách hợp lý, khoa học nhất để tránh gây ùn tắc trong nội đô như: Bố trí thời gian làn xanh, đỏ hợp lý, các ngã 4 cho phương tiện môtô, xe thô sơ rẽ trái liên tục, hệ thống biển báo được hoàn chỉnh. Đơn vị còn tăng cường tuyên truyền an toàn giao thông, các quy định tham gia gia thông trên các phương tiện thông tin đại chúng… Do đó, thời gian qua hiện tượng ùn tắc giao thông trong nội đô giảm nhiều, còn tồn tại ít điểm ùn tắc giao thông trong giờ cao điểm.
Thành phố Hải Phòng là cảng cửa ngõ quốc tế nên việc rút hàng đặc biệt quan trọng. Các tuyến đường kết nối với cảng được nâng cấp mở rộng, xây dựng các cầu vượt khác mức tại các vị trí xung yếu như: Ngã 3 Đình Vũ, nút giao Nguyễn Bỉnh Khiêm với Lê Hồng Phong, nút giao Nguyễn Văn Linh với đường Hồ Sen – cầu Rào 2, mặt đường Quốc lộ 5 được nâng cấp, cải tạo, Quốc lộ 10 đang được tiếp tục đầu tư đoạn cầu Đá Bạc đến cầu Kiền bằng nguồn vốn ngân sách địa phương, cầu Bạch Đằng và tuyến đường nối cao tốc Hà Nội – Hải Phòng với cao tốc Hải Phòng – Hạ Long tỉnh Quảng Ninh đã hoàn thành. Do đó, hàng hóa thông qua khu vực cảng biển Hải Phòng ngày càng tăng cao, hạ tầng giao thông kết nối cảng biển cơ bản đáp ứng sự kỳ vọng và xứng đáng là cửa ngõ của các tỉnh thành phố phía Bắc.
Đơn vị thi công cầu Rào 1. |
Đến nay, thành phố Hải Phòng đã lập và trình Chính phủ Quy hoạch điều chỉnh chung xây dựng thành phố Hải Phòng đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, bổ sung các tuyến đường kết nối các tỉnh lân cận, xác định tuyến đường kết nối vùng, các tuyến đường ưu tiên đầu tư đặc biệt là đường sắt kết nối đến khu vực cảng biển Hải Phòng. Thời gian tới, thành phố Hải Phòng tiếp tục đầu tư các tuyến đường vành đai, đường sắt kết nối khu vực cảng biển Hải Phòng và các tuyến đường trong quy hoạch để xây dựng Hải Phòng xứng đáng kỳ vọng của Bộ Chính trị đến năm 2030 là thành phố hàng đầu Đông Nam Á và đến năm 2045 thành phố hàng đầu châu Á.
Nguồn: Báo xây dựng