Bài 3: Để luân chuyển đạt hiệu quả cao
Trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ nhiệm kỳ 2021 – 2026 vào ngày 11/8/2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu làm tốt hơn nữa công tác cán bộ, nhất là việc quản lý, nhận xét, đánh giá cán bộ để lựa chọn, bố trí đúng những người thật sự có đức, có tài; thật sự “cần, kiệm, liêm, chính”, “chí công vô tư”; thật sự tâm huyết vì nước, vì dân vào các vị trí lãnh đạo của bộ máy chính phủ và chính quyền các cấp.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Phiên họp đầu tiên của Chính phủ nhiệm kỳ 2021 – 2026. |
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lưu ý: “Đừng “nhìn gà hóa cuốc”, “đừng thấy đỏ tưởng là chín”, đừng bị cám dỗ bởi những lợi ích xấu xa, những việc làm vô liêm sỉ. Kiên quyết đấu tranh loại bỏ những phần tử hư hỏng, suy thoái về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống; chống mọi biểu hiện chạy chức, chạy quyền, cục bộ, ưu ái tuyển dụng người nhà, người thân không đủ tiêu chuẩn”. Những chỉ đạo và cũng là nhắc nhở của Tổng Bí thư đã được các bộ, ngành, địa phương triển khai quyết liệt, mang lại hiệu quả bước đầu. Hà Nội là ví dụ điển hình về hiệu quả công tác luân chuyển.
Hà Nội cũng là Đảng bộ lớn nhất cả nước với 50 Đảng bộ trực thuộc và trên 475.000 đảng viên. Do đó, những thuận lợi và khó khăn của đất nước trong quá trình đổi mới nói chung, trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng về hệ thống chính trị nói riêng cũng chính là thuận lợi và khó khăn đặt ra với Thủ đô.
Thực tiễn phong phú, sinh động về hệ thống chính trị, kinh tế-xã hội của Thủ đô không chỉ là chất liệu hình thành từ đường lối đổi mới của Đảng mà còn là nơi kiểm nghiệm rõ nét tính đúng đắn, hiệu quả của đường lối đổi mới, trong đó có đổi mới công tác cán bộ.
Theo tìm hiểu, trong vòng hai năm qua, Thành phố Hà Nội đã thực hiện luân chuyển nhiều cán bộ tại sở, ngành, quận, huyện thuộc diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý. Những cán bộ thuộc các ban của Đảng, sở, ngành luân chuyển xuống địa phương làm Bí thư, Phó Bí thư; Chủ tịch Ủy ban nhân dân… là để cán bộ được “cọ xát”, “trui rèn” từ thực tiễn sinh động ở địa phương nhằm mục đích tạo nguồn cán bộ cấp chiến lược cho tương lai. Còn người đứng đầu quận, huyện này sang làm lãnh đạo quận, huyện kia để nhằm tạo “làn gió mới” trong công tác lãnh đạo, điều hành đạt hiệu quả cao hơn. Đồng thời, xét góc độ nào đó cũng tránh được cái gọi là “ở lâu rễ mọc”!
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng và Đoàn công tác của Thường trực Thành ủy Hà Nội trong một buổi làm việc tại Sơn Tây. |
Với những gì đang diễn ra, cần phải khẳng định công tác luân chuyển cán bộ mà Thành ủy Hà Nội đang tiến hành là một chủ trương đúng, phát huy hiệu quả tích cực.
Ở góc nhìn rộng và toàn diện hơn về chủ trương này, để tránh tình trạng cán bộ luân chuyển sợ va chạm, nên chỉ làm “tròn vai”; cán bộ luân chuyển không phát huy được sở trường chuyên môn, trên một bài viết ở Tạp chí Xây dựng Đảng, đồng chí Nguyễn Thanh Bình – nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương cho rằng, việc luân chuyển cán bộ cần tính đến những đặc điểm về công việc, vị trí chức danh mà cán bộ được quy hoạch có thể được bổ nhiệm trong tương lai, tạo điều kiện cho cán bộ thích ứng với thực tiễn, phát huy được năng lực sở trường và bổ khuyết những kiến thức, kỹ năng mới. Nếu việc lựa chọn địa bàn, chức danh luân chuyển không hợp lý, không đáp ứng được yêu cầu đào tạo sẽ ảnh hưởng đến niềm tin của cán bộ được luân chuyển và nơi tiếp nhận cán bộ luân chuyển về.
Góp ý về vấn đề này, đặc biệt là khi xem xét trên góc độ thời gian, một số ý kiến cũng cho rằng luân chuyển cán bộ là chủ trương đúng của Đảng và Đảng bộ Thành phố Hà Nội là một điển hình làm tốt nhiệm vụ công tác này.
Tuy nhiên, nên chăng qua thực hiện công tác luân chuyển cán bộ, thời gian tới về phía Thành ủy Hà Nội cũng cần tiến hành đúc kết để rút ra những bài học, những “khâu” còn khuyết để hoàn thiện chính sách. Chẳng hạn, nên xét đến tiêu chí về mặt thời gian. Một cán bộ A luân chuyên đến địa phương, cơ quan B cần thời gian bao lâu thì tiến hành luân chuyển, điều chuyển công tác lần 2 (trừ những trường hợp đặc biệt) để phát huy hơn nữa hiệu quả luân chuyển.
Rõ ràng, “Công tác cán bộ là then chốt của then chốt”, công tác này đóng vai trò rất lớn trong việc xây dựng Đảng vững mạnh. Bởi vậy, việc chuẩn hóa công tác luân chuyển cũng là điều kiện cần để tạo nguồn cán bộ vừa hồng vừa chuyên, góp phần xây dựng Đảng và hệ thống chính trị thực sự trong sạch, vững mạnh; xây dựng Thành phố Hà Nội ngày càng giàu đẹp.
Nguồn: Báo lao động thủ đô