Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản: Vinh quang một chặng đường phát triển

(Xây dựng) – Trải qua 30 năm xây dựng và phát triển, Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS từng bước trưởng thành, cùng với sự phát triển chung của đất nước và của ngành Xây dựng, từ đó tạo thành một khối thống nhất với tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, luôn quyết tâm, nỗ lực cống hiến trong công cuộc xây dựng và kiến tạo đất nước, bảo vệ Tổ quốc.

Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản: Vinh quang một chặng đường phát triển
Ông Hoàng Hải – Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS

Phát triển nhà ở là nội dung quan trọng của chính sách phát triển kinh tế – xã hội

Cách đây 30 năm về trước, với tinh thần đổi mới Đại hội lần thứ VI của Đảng, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 51/CP ngày 10/8/1993 thành lập lại Cục Quản lý nhà trực thuộc Bộ Xây dựng. Ngày 04/02/2008, trước yêu cầu phải có một cơ quan chuyên trách để thực hiện chức năng quản lý nhà nước về thị trường BĐS, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 17/2008/NĐ-CP đổi tên Cục Quản lý nhà thành Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS (tên gọi được giữ đến nay). Hiện nay, Cục Quản lý nhà ở và thị trường BĐS thực hiện chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Xây dựng quản lý nhà nước và tổ chức thực thi pháp luật đối với các lĩnh vực về: Nhà ở, công sở, thị trường BĐS, tổ chức thực hiện các chương trình trọng điểm quốc gia về nhà ở do Thủ tướng Chính phủ giao.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn Đảng ta và Chính phủ phải chăm lo đời sống cho Nhân dân. Do vậy, ngay từ những ngày đầu đất nước mới giành được độc lập, Bác nhấn mạnh, chúng ta phải thực hiện ngay 4 điều: “Làm cho dân có ăn; làm cho dân có mặc; làm cho dân có chỗ ở; làm cho dân có học hành”.

Thấm nhuần tư tưởng của Bác, trong những năm qua, Bộ Xây dựng nói chung và Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS nói riêng luôn xác định rõ việc phát triển nhà ở là một trong những nội dung quan trọng của chính sách phát triển kinh tế – xã hội, đồng thời hỗ trợ về nhà ở cho các đối tượng chính sách xã hội, người có thu nhập thấp và người nghèo gặp khó khăn về nhà ở nhằm góp phần ổn định chính trị, bảo đảm an sinh xã hội và phát triển đô thị, nông thôn theo hướng văn minh, hiện đại.

Giai đoạn từ năm 2004 – 2021, Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS đã nghiên cứu, tham mưu và đề xuất để Bộ Xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Định hướng nhà ở quốc gia đến năm 2020; phê duyệt Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Từ năm 1993 đến nay, Cục đã tham mưu, nghiên cứu, soạn thảo nhiều chính sách để Bộ Xây dựng ban hành theo thẩm quyền, hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành, trong đó có hơn 130 văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực quản lý về nhà ở, công sở và thị trường BĐS. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật được ban hành mang tính thực tiễn cao, thể chế hóa được quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước và phù hợp thực tế. Đồng thời, tạo hành lang pháp lý quan trọng giúp Chính phủ, Bộ Xây dựng quản lý nhà nước, quản lý xã hội bằng pháp luật.

Đó là các đạo luật quan trọng với các chính sách tác động lớn đến phát triển kinh tế, xã hội, tiêu biểu như: Luật Nhà ở năm 2005 và năm 2014; Luật Kinh doanh BĐS năm 2006 và năm 2014… Mới đây là 2 dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) và Luật Kinh doanh BĐS (sửa đổi), với nhiều đổi mới trong tư duy lập pháp mà Bộ Xây dựng với vai trò là cơ quan chủ trì soạn thảo, đã được Quốc hội khóa XV chính thức thông qua tại Kỳ họp thứ 6, với tỷ lệ tán thành cao.

Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản: Vinh quang một chặng đường phát triển
Tập thể lãnh đạo và cán bộ công chức, viên chức, người lao động Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS.

Hướng dẫn, triển khai nhiều chương trình hỗ trợ nhà ở

Đơn vị đôn đốc, hướng dẫn và tổ chức triển khai thực hiện các Chương trình hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng, cho các hộ nghèo khu vực nông thôn; Chương trình xây dựng cụm, tuyến dân cư và nhà ở vùng thường xuyên ngập lũ Đồng bằng sông Cửu Long; Chương trình hỗ trợ hộ nghèo xây nhà ở phòng, tránh bão, lụt khu vực Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung; Chương trình đầu tư xây dựng nhà ở cho sinh viên, học sinh các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và dạy nghề; Phát triển NƠXH cho người thu nhập thấp tại khu vực đô thị và cho công nhân khu công nghiệp.

Nhận thức được tầm quan trọng của việc quản lý và phát triển thị trường BĐS bởi lĩnh vực BĐS là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp ngân sách lớn, chiếm tỷ trọng đáng kể trong tổng sản phẩm quốc nội; Cục đã xây dựng, báo cáo Bộ trưởng Bộ Xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án: “Đánh giá tình hình, dự báo xu hướng, đề xuất các giải pháp thị trường, cơ chế chính sách quản lý để thúc đẩy thị trường BĐS phát triển lành mạnh”; kiên trì thực hiện các giải pháp kiểm soát sự phát triển của thị trường BĐS theo quy hoạch và kế hoạch.

Ngoài ra, Cục tham mưu nhiều giải pháp thực hiện tái cơ cấu thị trường BĐS, gắn với thực hiện Chiến lược nhà ở quốc gia, đặc biệt là NƠXH; khắc phục tình trạng lệch pha cung – cầu, phát triển đa dạng các loại hàng hóa BĐS nhà ở; đẩy mạnh phát triển phân khúc nhà ở cho thuê, NƠXH khu vực đô thị, nhà ở công nhân.

Bên cạnh đó, để hiện thực hóa chủ trương của Chính phủ về Đề án đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn NƠXH cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân xây khu công nghiệp giai đoạn 2021 – 2023, Bộ Xây dựng đang phối hợp với các Bộ, ngành địa phương từng bước triển khai mục tiêu này.

Đặc biệt, đầu tháng 3/2023, Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS đã nghiên cứu, tham mưu Bộ Xây dựng trình Chính phủ ban hành Nghị quyết số 33/NQ-CP về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường BĐS phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững. Đây được coi là quyết sách thúc đẩy thị trường BĐS phát triển trong giai đoạn mới.

Luôn sát cánh cùng ngành Xây dựng phát triển

Những kết quả tích cực của Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS đạt được trong thời gian qua, trước hết là sự quan tâm chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, trực tiếp là Ban Cán sự, lãnh đạo Bộ Xây dựng, sự quan tâm giúp đỡ của ban, Bộ ngành, đoàn thể Trung ương cùng các đơn vị trong và ngoài Bộ. Đặc biệt là sự lãnh đạo sâu sát, quyết liệt, quyết tâm cao độ của các thế hệ lãnh đạo Cục các thời kỳ, cùng sự đồng lòng, đoàn kết của các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của Cục trong suốt những năm qua.

Trong suốt chặng đường xây dựng và trưởng thành, trải qua các giai đoạn phát triển với những tên gọi khác nhau gắn với những nhiệm vụ cụ thể của từng thời kỳ lịch sử, Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS đã sát cánh cùng ngành Xây dựng vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, luôn giữ vững và khẳng định vị trí, vai trò là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn, có những đóng góp quan trọng vào nhiều thành tựu phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.

Cùng truyền thống lịch sử và thành tựu vẻ vang, Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS luôn đoàn kết, chủ động, tiếp tục phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, kế hoạch được giao, góp phần tích cực trong công cuộc xây dựng bảo vệ Tổ quốc, cùng ngành Xây dựng không ngừng lớn mạnh.

Xin được mượn lời bài hát trong ca khúc “Bài ca xây dựng” của nhạc sĩ Hoàng Vân để nói về những con người của ngành Xây dựng đã và đang làm đẹp cho đời với những công trình xây dựng vươn cao hơn, vươn xa hơn.

“Bạn đời ơi! Hãy tin, hãy yêu và hát cùng chúng tôi/ Những người thợ xây tin yêu cuộc đời mới/ Tôi vẫn xây tiếng hát vui cho chúng tôi, tiếng hát vui cho các bạn…/ Cho ngày nay, cho ngày mai, cho muôn đời sau…”

Hoàng Hải
Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích