Iceland: Công nghệ biến khí thải CO2 thành đá
Iceland: Công nghệ biến khí thải CO2 thành đá
Các nhà khoa học từ Iceland đã phát triển một công nghệ mới giúp đẩy nhanh quá trình biến CO2 thành đá trong 2 năm thay vì phải chờ hàng ngàn năm.
Một ý tưởng rất thiết thực trong bối cảnh thế giới đã ghi nhận lượng khí thải CO2 tăng kỷ lục ở mức 37 tấn trong năm ngoái và trở thành mối đe dọa lớn gây ra hiện tượng nóng lên toàn cầu.
Công ty khởi nghiệp Carbfix của Iceland chính là nhà điều hành kho lưu trữ CO2 đầu tiên trên thế giới. Kể từ năm 2012, Carbfix đã khoáng hóa hơn 90 nghìn tấn CO2 ở Iceland, hay nói cách khác là biến CO2 thành đá, bằng công nghệ độc quyền.
Bà Edda Aradottir – Giám đốc điều hành Carbfix chia sẻ: “Chúng tôi đã phát triển một công nghệ giúp giảm thiểu biến đổi khí hậu. Những gì chúng tôi làm là lấy CO2 thu được từ nguồn phát thải điểm như nhà máy điện, hoặc sản xuất công nghiệp, hoặc trực tiếp từ khí quyển. Chúng tôi lấy CO2 hòa tan trong nước, tạo ra nước có gas mà bạn có thể uống. Rồi chúng tôi bơm chất này xuống dưới lòng đất và ở đó, theo quá trình tự nhiên, CO2 biến thành đá và trở thành một phần của nền đá mãi mãi”.
Các kỹ sư đã trộn CO2 trữ trong nhà máy điện với nước, sau đó bơm hỗn hợp chất lỏng xuống lớp đá bazan bên dưới mặt đất. Nước hoạt động như chất vận chuyển cùng lúc triệt tiêu sức nổi của khí CO2 và tăng tốc quá trình khoáng hóa của đá bazan – thành phần cần thiết để hình thành đá thông thường.
Kết quả là trong 9 năm kể từ khi công ty Carbfix bắt đầu bơm hỗn hợp nói trên xuống lòng đất, 95% lượng hỗn hợp này đã biến thành đá. Điều đáng nói là chúng chỉ mất chưa đến 2 năm để “đá hóa”.
Vị giám đốc cho biết quy trình sản xuất không cần người giám sát, thậm chí nó còn giải quyết tình trạng lưu trữ khí carbon của ngành dầu khí vốn gây ra nhiều tranh cãi. Đây cũng là lý do Công ty Carbfix phát triển công nghệ này.
Trước đây, nhiều tập đoàn dầu khí đã cho xây dựng những khu “nghĩa trang” lưu trữ khí CO2. Tuy nhiên các chuyên gia khí hậu không đánh giá cao cách làm này.
Dự án lớn nhất mà Carbfix hiện đang tham gia là xây dựng nhà ga Coda, một cơ sở lưu trữ và vận chuyển CO2 xuyên biên giới mà theo kế hoạch, sẽ tiếp nhận các chuyến tàu chở CO2 được vận chuyển từ các khu công nghiệp ở châu Âu. CO2 sẽ được dỡ vào các bể chứa trên bờ, sau đó được bơm vào mạng lưới các giếng phun gần đó và lưu giữ trong nền đá bazan. Ở mức công suất tối đa, Coda sẽ khoáng hóa được 3 triệu tấn CO2.
“Iceland là nơi có điều kiện thuận lợi để phát triển công nghệ này vì Iceland ít nhiều được tạo thành từ đá bazan. Đá bazan ở đây xốp hơn và dễ thấm hơn, nghĩa là có nhiều không gian hơn để chúng ta có thể lấp đầy khoáng chất và quá tình khoáng hóa dưới lòng đất có thể diễn ra nhanh hơn”, bà Edda Aradottir nói.
Giai đoạn đầu tiên nhập khẩu CO2 từ EU vào Iceland dự kiến là năm 2027. Tại Hội nghị lần thứ 28 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP28) đang diễn ra tại Dubai, Các Tiểu vương Arab thống nhất, vấn đề lưu trữ CO2 cũng sẽ được đưa ra bàn thảo.
An Đông (T/h)
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị