TP.HCM: Có thêm sản phẩm du lịch đường thủy phục vụ người dân và du khách
Trong 17 sản phẩm du lịch đường thủy, nhóm các sản phẩm du lịch đường thủy thường kỳ gồm 7 tuyến, nhóm sản phẩm mới gồm 10 tuyến. Đáng chú ý có 4 tuyến du lịch đường thủy tầm trung xuất phát từ TP.HCM đến Bình Dương, Đồng Nai, có lộ trình qua sân golf.
Du lịch đường thủy mang đến trải nghiệm mới cho du khách. |
Ngoài ra, đại diện Sở Du lịch TP.HCM cũng cho biết, kế hoạch đến năm 2025 Thành phố sẽ khai thác trên tất cả các tuyến sông Sài Gòn, liên kết với các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Tiền Giang, Long An, Bến Tre và các tuyến nội đô nhằm tăng số lượng khách năm 2023 và 2024 đạt 500.000 lượt/năm, doanh thu 300 tỉ đồng/năm và tăng khoảng 10% trong những năm tiếp theo.
Bà Bùi Thị Ngọc Hiếu, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM cho biết: Du lịch đường thủy là một phần không thể thiếu của bức tranh du lịch đa dạng và hấp dẫn. Trong đó sông Sài Gòn mang đến một cái nhìn độc đáo về sự pha trộn giữa cảnh quan đô thị hiện đại và những ký ức lịch sử.
Thông tin thêm, bà Hiếu cho biết, TP.HCM đang kêu gọi đầu tư mạnh mẽ về cơ sở hạ tầng, kỹ thuật, bến, bãi neo đậu tàu và sắp xếp, quy hoạch các bến tàu trong đồ án quy hoạch chung của TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
“Thành phố phấn đấu đến năm 2030 du lịch đường thủy trở thành sản phẩm du lịch tạo sự khác biệt, tổng số phương tiện vận chuyển đường thủy phục vụ khách du lịch đến năm 2025 đạt 200 ca nô, 100 tàu, thuyền và du thuyền các loại”, bà Bùi Thị Ngọc Hiếu kỳ vọng.
Ông Nguyễn Trần Hữu Thắng, Tổng Thư ký Câu lạc bộ Du thuyền thành phố Thủ Đức (Tổng Giám đốc Công ty Hàng hải Thủ Đức) cho rằng, việc bảo tồn và phát triển sông Sài Gòn bền vững là vấn đề cấp thiết, đang được ngành du lịch, giao thông vận tải quan tâm. Kỳ vọng trong thời gian không xa, sông Sài Gòn sẽ sung túc với những hoạt động giao thương truyền thống đan xen cùng dịch vụ du lịch hấp dẫn.
TP.HCM đặt ra mục tiêu, đến năm 2030 du lịch đường thủy trở thành sản phẩm du lịch tạo sự khác biệt. |
Theo ông Thắng, sử dụng phương tiện chạy bằng điện và năng lượng mặt trời là cần thiết, sẽ giúp giảm ô nhiễm và tạo ra phương tiện đi lại mới mẻ cho người dân và du khách. Ngoài ra, TP.HCM cần triển khai đề án Green Water Taxi đến các thành phố có sông, tạo ra một mạng lưới các “taxi đường thủy”; phát triển ứng dụng di động để tự động gọi Green Water Taxi.
Cùng với đó, TP.HCM cần ổn định hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp trên khu mặt nước phù hợp với quy hoạch của sông Sài Gòn; phát triển kinh doanh tại khu vực giáp sông, tạo điểm nhấn về dịch vụ du lịch sông nước vui chơi giải trí…
Được biết, TP.HCM sở hữu gần 1.000 km đường sông với hệ thống kênh rạch kết nối với các tỉnh lân cận như Bình Dương, Tây Ninh, Đồng Nai, Long An, Tiền Giang, Bà Rịa – Vũng Tàu và kết nối với Đồng bằng sông Cửu Long. Trong khu vực nội đô, TP.HCM có trên 100 tuyến giao thông thủy và khoảng 135 tài nguyên đường thủy.
Du khách tham quan trải nghiệm trên dòng kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè. |
Mới đây, Công ty TNHH Thuyền Nhiêu Lộc đón hơn 200 khách tàu biển đến tham quan và trải nghiệm sản phẩm “Một thoáng Sài Gòn” trên dòng kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè có lộ trình dài 4,5km xuất phát từ bến tàu du lịch quận 1 và kết thúc ở bến tàu du lịch quận 3. Với hành trình kéo dài 60 phút, tour được thiết kế để du khách chiêm ngưỡng 9 cây cầu bắc qua dòng kênh như cầu Hoàng Hoa Thám, cầu Trần Khánh Dư, cầu Kiệu, cầu Công Lý,…
Điểm nhấn đặc biệt của tour này là du khách sẽ được trải nghiệm thả cá trên sông nhằm cải tạo nguồn nước, góp phần tăng cường hệ sinh thái phong phú cho dòng kênh. Hơn nữa, ở dưới những cây cầu đã được lặp đặt những loại đèn thắp sáng nhiều màu khác nhau, là điểm check in mới lạ, đầy thú vị.
TP.HCM giới thiệu 7 tour, tuyến khởi hành định kỳ hằng ngày – Tuyến du lịch đường thủy tầm trung 1 ngày, từ bến Bạch Đằng đến Củ Chi và ngược lại, khởi hành thường kỳ vào 7h15 và 11h hằng ngày. – Tuyến du lịch đường thủy tầm trung 1 ngày, từ bến Bạch Đằng đến Cần Giờ và ngược lại, khởi hành thường kỳ vào 8h15 hằng ngày. – Tuyến du lịch đường thủy tầm xa 1 ngày, từ bến Bạch Đằng đến Long An và ngược lại, khởi hành thường kỳ vào 8h15 hằng ngày. – Tuyến du lịch nội đô Nhiêu Lộc – Thị Nghè “Hoàng hôn trên dòng kênh huyền thoại” giới thiệu không gian ánh sáng độc đáo, đẹp mắt được trang hoàng công phu tại các dạ cầu trên tuyến. Tour khởi hành thường kỳ vào lúc 17h hằng ngày. Thời gian tour kéo dài từ 2 – 4 giờ. – Tuyến du lịch đường thủy tầm ngắn “Khám phá vẻ đẹp trên sông Sài Gòn”. Hành trình bến ga tàu thủy Bạch Đằng – Mũi Đèn Đỏ – bán đảo Thanh Đa – bến ga tàu thủy Bạch Đằng. Khởi hành khung giờ 16h30 và 17h. Thời gian tour 60 phút. – Tuyến du lịch đường thủy tầm ngắn “Khám phá vẻ đẹp trên Sông Sài Gòn”. Hành trình: bến ga tàu thủy Bạch Đằng – bán đảo Thanh Đa – bến ga tàu thủy Bạch Đằng. Khởi hành khung giờ 16h30 và 17h. Thời gian tour 30 phút. – Tuyến du lịch đường thủy tầm ngắn “Hoàng hôn trên sông Sài Gòn”. Hành trình: Ga tàu thủy Bạch Đằng – cầu Phú Mỹ – bán đảo Thanh Đa – ga tàu thủy Bạch Đằng. Khởi hành khung giờ 16h30 và 17h. Thời gian tour 60 phút. |
Nguồn: Báo lao động thủ đô