Cần có chính sách về bảo hiểm xã hội cho lao động ngành Y
Hôm đến thăm bệnh nhân đang nằm điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai. Cũng gần đến giờ nghỉ trưa, anh bạn “ghé tai” nói, làm việc áp lực như thế mà ngày nào cũng “xài” cơm hộp tôi thấy thương họ quá. “Tháng trước tôi trông mẹ ốm ở bệnh viện, chỉ ăn cơm hộp mấy hôm về đã sút cả ki-lô gam”, ông bạn kể. Nghe bạn nói, tôi cũng an ủi, mỗi người một nghề mà, nhưng phải công nhận ngành Y là một trong những nghề vất vả nhất. Vất vả là thế nhưng tiền lương và đặc biệt cách thức tính phụ cấp, bảo hiểm xã hội vẫn chưa hợp lý, dẫn đến tình trạng người làm trong ngành Y khá thiệt thòi. Vẫn biết thời gian qua, cụ thể hóa chủ trương, chính sách của Đảng, Bộ Y tế đã tham mưu Chính phủ ban hành nghị định về điều chỉnh mức phụ cấp ưu đãi đối với công chức, viên chức tại các cơ sở y tế công lập (y tế dự phòng, y tế cơ sở). Đây là tin vui đối với người lao động trong ngành Y.
Để trở thành bác sĩ chuyên khoa và bậc cao hơn thời gian học tập, nghiên cứu mất gần chục năm trời, song việc tính thời gian đóng bảo hiểm xã hội để nghỉ hưu vẫn như các ngành, nghề khác (Một ca phẫu thuật liên quan đến tim mạch) |
Cách đây vài năm, Lao động Thủ đô cũng đã có một số bài phản ánh về bất cập trong chính sách tiền lương và bảo hiểm xã hội. Và tại Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam vừa diễn ra, PGS.TS Phạm Thanh Bình, Chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam cho biết: Sau đại dịch Covid-19, ngành Y tế đã gặp rất nhiều những khó khăn do hệ lụy từ dịch bệnh, đặc biệt là những khó khăn về cơ chế chính sách trong đãi ngộ, thu hút cán bộ nhân viên y tế; khó khăn trong tự chủ, đấu thầu thuốc, trang thiết bị y tế… Hiện cả nước có 500.000 đoàn viên ngành Y tế, phụ trách chăm sóc sức khỏe, tính mạng cho khoảng gần 100 triệu dân. Do đó, việc thay đổi chính sách đãi ngộ với đội ngũ cán bộ, người lao động ngành Y tế là vô cùng cấp thiết.
Bà Phạm Thanh Bình nêu dẫn chứng: “Ngành Y là ngành đặc thù, với trình độ và chất lượng lao động cao. Để có chứng chỉ hành nghề và được đi làm tại các cơ sở y tế, một bác sĩ phải mất 7,5 năm; trong đó 6 năm học đại học và 18 tháng thực hành sau khi tốt nghiệp, so với cử nhân các ngành khác chỉ học trong 4 năm là sự chênh lệch rất lớn (đấy là chưa kể với các bệnh viện tuyến Trung ương, muốn vào làm việc phải có bằng bác sĩ nội trú theo học trong 3 năm trời, tính tổng cộng khoảng hơn 9 năm. Thời gian này, một viên chức làm việc tại cơ quan Nhà nước đã được tăng lương 3 lần-PV). Tuy nhiên, khi ra trường, tiền lương ngạch, bậc, các chế độ phụ cấp của bác sĩ và cử nhân các ngành khác lại đang được hưởng như nhau”.
Được biết, Bộ Y tế đã và đang tập trung tham mưu Đảng, Chính phủ “gỡ vướng” vấn đề lương và phụ cấp. Còn vấn đề bảo hiểm xã hội, nên chăng ngành Lao động – Thương binh và Xã hội, ngành Bảo hiểm, Nội vụ… cần ngồi lại để tham mưu Chính phủ trình Quốc hội nghiên cứu, cho phép cách tính thời gian đóng bảo hiểm xã hội đặc thù với nhân viên Y tế theo hướng đối với bác sĩ cần xác định tính thời gian đóng bảo hiểm xã hội khi còn là sinh viên. Như thế mới đảm sự công bằng và đảm bảo quyền lợi lao động ngành Y, ngành mang trọng trách “cứu người”!
Nguồn: Báo lao động thủ đô