Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 5/12/2023
Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 5/12/2023
Tin tức môi trường mới nhất, nóng nhất hôm nay 5/12/2023. Cập nhật tin nhanh môi trường mới nhất hôm nay 5/12/2023 do Môi trường và Đô thị tổng hợp.
Giữa tuần, Miền Bắc đón thêm không khí lạnh, có nơi dưới 11 độ C
Dự báo diễn biến không khí lạnh trên đất liền khoảng sáng ngày 6/12, bộ phận không khí lạnh này sẽ ảnh hưởng đến khu vực phía Đông Bắc Bộ; sau đó ảnh hưởng đến các nơi khác ở Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ và một số nơi ở Trung Trung Bộ. Gió Đông Bắc trong đất liền lại mạnh lên cấp 3; vùng ven biển cấp 3-4.
Ở Bắc Bộ trời tiếp tục rét. Trong đợt không khí lạnh này nhiệt độ thấp nhất ở Bắc Bộ và Thanh Hóa, Nghệ An phổ biến từ 15-18 độ, riêng khu vực vùng núi Bắc Bộ phổ biến 13-15 độ, vùng núi cao có nơi dưới 11 độ.
Trên biển: từ trưa và chiều ngày 6/12, ở vịnh Bắc Bộ và khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có gió Đông Bắc mạnh cấp 6, giật cấp 7-8, sóng biển cao 2,0-4,0m, biển động.
Từ chiều và đêm 6/12, vùng biển từ Quảng Ngãi đến Cà Mau, khu vực giữa Biển Đông và phía Tây của Nam Biển Đông (bao gồm phía Tây quần đảo Trường Sa) có gió Đông Bắc mạnh dần lên cấp 6, giật cấp 7-8, sóng biển cao 2,0-3,0m, biển động.
Từ ngày 6-7/12, khu vực từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên-Huế có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to và dông.
Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.
KIWACO đã khắc phục sự cố vỡ ống nước, người dân có nước để sử dụng
Chiều ngày 4/12, một lãnh đạo Công ty KIWACO cho biết khu vực vỡ ống nước tại đường Võ Trường Toản và Nguyễn Thái Bình đã được khắc phục sau 10 ngày bị gián đoạn. Phóng viên báo Kinh tế và Đô thị đã “mục sở thị” một số nhà dân, hầu hết bà con rất vui mừng vì đã có đủ nước sử dụng cho sinh hoạt và tưới tiêu. “Chúng tôi xin cảm ơn cơ quan báo chí đã lên tiếng kịp thời, chính quyền TP Rạch Giá đã có sự chỉ đạo quyết liệt, cảm ơn Công ty KIWACO đã lắng nghe và tiến hành khắc phục đường ống”…
Tuy nhiên lực nước đã giảm mạnh so với trước khi xảy ra sự cố. “Chúng tôi sẽ kiểm tra lại và hứa với người dân sẽ đảm bảo rằng nước sẽ đầy đủ và chảy bình thường, thậm chí có thể mạnh hơn trước đó”, một người trong nhóm nhân viên sửa ống nước cho biết tại hiện trường xảy ra sự cố.
Về nguyên nhân, theo nhận định của ngành chức năng sự cố vỡ ông nước là do đơn vị thi công công trình đường giao thông. Một số đơn vị trước khi thực hiện đã không báo cáo, phối hợp với KIWACO để biết được sơ đồ vị trí ống nước nhằm tránh sự cố, gây thiệt hại tài sản…
Cũng trong chiều qua, trao đổi với phóng viên, ông Lê Quốc Anh – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang cho biết: Đợt này trên địa bàn TP Rạch Giá thi công nhiều hạng mục công trình đường, vỉa hè… nên một số đơn vị thi công liên tục làm bể ống nước, việc này đã làm gián đoạn cấp nước, ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân. Tôi đã chỉ đạo ngành chức năng khi thi công công trình phải đúng quy trình, kỹ thuật. Nếu gặp sự cố liên quan đến điện, nước, điện thoại… thì phải khẩn trương phối hợp khắc phục ngay. Nếu không đảm bảo các yêu cầu này thì bắt buộc ngưng thi công…
Trước đó, vào chiều tối ngày 1/12 phóng viên báo Kinh tế và Đô thị nhân được điện thoại của nhiều người dân ở Khu phố Võ Trường Toản (phường Vĩnh Quang, TP Rạch Giá) phản ánh: Đường ống dẫn nước sinh hoạt đoạn đường Võ Trường Toản và Nguyễn Thái Bình bị vỡ gần 10 ngày nay nhưng không ai sửa chữa. Việc này dẫn đến nhiều hộ dân trong khu vực thiếu nước sinh hoạt và tưới tiêu trầm trọng.
Do không có nước kéo dài, thời tiết lại đang vào mùa khô nên nhiều cây mai, tùng… đã úa vàng, thậm chí cây bồ đề đã khô héo có hiện tượng chết. Do không có nước để thay, lọc, nên hồ cá cảnh trị giá hàng tỷ đồng cũng đang bị đe dọa vì nước bị ô nhiễm.
Người dân vô cùng lo lắng và bức xúc. Bức xúc vì ngày họ cũng điện vào đường dây nóng của KIWACO hỏi xem khi nào thì khắc phục được đường ống, khi nào thì dân có nước dùng… nhưng đều nhận được những câu trả lời đại loại: Anh là ai, ở đâu, để chúng tôi báo cáo lãnh đạo, chúng tôi làm sao biết được lúc nào sửa chữa xong… Tôi xin số điện thoại lãnh đạo công ty họ không cho, thậm chí đang nói chuyện thì bị cúp máy ngang.
“Bây giờ đã có nước chúng tôi rất mừng, nhưng trong lòng vẫn thấy buồn vì cách ứng xử thiếu chuyên nghiệp của nhân viên Công ty KIWACO. Lẽ ra khi người dân yêu cầu hỗ trợ thì họ cho triển khai ngay thì có phải “tốt đời đẹp đạo” không? Người dân cần nước hàng ngày, hàng giờ như cần hít thở không khí vậy. Ấy thế mà ngày nào cũng điện thoại vào đường dây nóng nhưng ở đầu dây kia ứng xử quá thiếu văn minh, chuyên nghiệp. Tôi nghĩ rằng, qua vụ việc này, lãnh đạo KIWACO cần nghiêm túc kiểm điểm rút kinh nghiệm để tránh sự việc tương tương tự tái diễn. Đồng thời nhắc nhở đội ngũ nhân viên trực đường dây nóng và đội sửa chữa đường ống để không còn làm việc quan liêu theo kiểu thời bao cấp, cũng như độc quyền kinh doanh ngành nước”, ông Nguyễn Văn Lanh – một người dân trên đường Võ Trường Toản chia sẻ với phóng viên báo Kinh tế và Đô thị.
Quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên nước
Theo thống kê của ngành chức năng, trên địa bàn tỉnh có hơn 160 hồ thủy lợi, với tổng dung tích trên 680 triệu m3 nước. Ngoài ra, toàn tỉnh còn có 278 đập dâng trên sông, 286 trạm bơm phục vụ cấp nước cho gần 90% diện tích đất canh tác, sản xuất. 148 công trình cấp nước tập trung với tổng công suất trên 128.050 m3/ngày đêm, phục vụ nhu cầu nước sinh hoạt cho người dân đô thị và nông thôn.
Thời gian qua, các cơ quan, đơn vị chức năng liên quan và chính quyền các địa phương trong tỉnh tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật về tài nguyên nước (TNN). Đồng thời, quản lý, khai thác, sử dụng nguồn TNN hiệu quả, đúng quy định pháp luật.
Ông Nguyễn Văn Tánh, Giám đốc Công ty Khai thác công trình thủy lợi Bình Định, cho biết: Được giao quản lý, khai thác 63 hồ chứa nước trên địa bàn tỉnh, đơn vị quản lý, vận hành các hồ chứa nước theo đúng quy định của Luật Thủy lợi năm 2017 và các quy định pháp luật khác có liên quan. Qua đó, góp phần đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản và nhu cầu nước sinh hoạt của người dân.
Còn ông Võ Minh Đức, Trưởng Phòng TNN và Khí tượng thủy văn (Sở TN&MT), nhìn nhận: Công tác thực thi pháp luật TNN của các cơ quan chức năng và chính quyền các địa phương trên địa bàn tỉnh từng bước được nâng cao. Nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật TNN của các tổ chức, cá nhân hoạt động liên quan đến thăm dò, khai thác, sử dụng TNN có nhiều chuyển biến tích cực. Nhờ đó, nguồn TNN được khai thác hiệu quả, tiết kiệm; đảm bảo khả năng cấp nước phục vụ dân sinh và các hoạt động phát triển KT-XH theo hướng bền vững.
Để quản lý, bảo vệ TNN hiệu quả hơn nữa, UBND tỉnh đã ban hành quyết định phê duyệt quy hoạch TNN trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 – nội dung phân bổ và bảo vệ TNN mặt. Ban hành quyết định phê duyệt Danh mục 261 ao, hồ, đầm không được san lấp trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng đã phê duyệt Danh mục, Bản đồ phân vùng hạn chế khai thác nước dưới đất gồm 74/104 xã, phường, thị trấn và khu vực phải đăng ký khai thác nước dưới đất gồm 103/104 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Phê duyệt Danh mục nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ trên địa bàn tỉnh, gồm 47 đoạn sông, suối; 5 hồ chứa thủy điện; hơn 160 hồ chứa thủy lợi; 3 đầm; 12 hồ trong đô thị, khu dân cư tập trung.
Cùng với đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước, UBND tỉnh, các sở, ngành chức năng liên quan và chính quyền các địa phương còn tập trung tuyên truyền, phổ biến pháp luật về TNN.
Ông Huỳnh Quang Vinh, Phó Giám đốc Sở TN&MT, cho hay: Hằng năm, Sở TN&MT phối hợp với các địa phương, đơn vị tổ chức nhiều hoạt động hưởng ứng Ngày Nước thế giới (22.3) và Ngày Khí tượng thế giới (23.3). Tổ chức Cuộc thi viết “Tìm hiểu lịch sử và giá trị sử dụng của các dòng sông trên địa bàn tỉnh”; Hội thi vẽ tranh “Nước ngầm – Dòng sông và thực vật” cho học sinh bậc tiểu học trên địa bàn tỉnh. Vận động cộng đồng tham gia bảo vệ TNN; trồng rừng bảo vệ nguồn nước; không lấn chiếm sông, hồ…
Mặt khác, đơn vị chú trọng thanh tra, kiểm tra, giải quyết tranh chấp và xử lý vi phạm về TNN. Hằng năm, Sở TN&MT phối hợp với ngành chức năng liên quan và chính quyền các địa phương kiểm tra việc chấp hành các quy định về thăm dò, khai thác, sử dụng TNN; xả nước thải vào nguồn nước của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, thường xuyên yêu cầu các tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh và khai thác, sử dụng TNN trên địa bàn tỉnh chấp hành nghiêm các quy định pháp luật về TNN.
Sơn La: Hướng dẫn nghiệp vụ xử lý vi phạm hành chính tài nguyên và môi trường
Đại biểu tham dự được thông tin các chuyên đề về Một số vấn đề lưu ý khi áp dụng quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính ngày 20/6/2012; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật xử lý vi phạm hành chính 2020; Nghị định số 118/2021/NĐ-CP ngày 23/12/2021 của Chính phủ, quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật xử lý vi phạm hành chính; Nghị định 19/2020/NĐ-CP ngày 12/2/2020 của Chính phủ về kiểm tra, xử lý kỷ luật trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.
Đồng thời, hướng dẫn cách nhận diện vi phạm hành chính và vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường; phân biệt vi phạm hành chính và tội phạm trong lĩnh vực tài nguyên môi trường; trình tự, thủ tục xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên môi trường…
Những nội dung giúp đội ngũ lãnh đạo, cán bộ, công chức, người cấp huyện, xã nắm vững các kiến thức về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường, góp phần nâng cao vai trò, hiệu quả quản lý nhà nước tài nguyên và môi trường trên địa bàn huyện.
Đà Nẵng đầu tư hơn 420 tỷ đồng xử lý nước thải từ khu dân cư
Theo đó, dự án này nhằm thu gom nước thải về Trạm Xử lý nước thải Hòa Xuân (quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng), hạn chế nước thải xả trực tiếp ra sông Cái và sông Cẩm Lệ gây ô nhiễm môi trường. Đồng thời, góp phần cải thiện sức khỏe, đời sống người dân và phát triển kinh tế – xã hội trong khu vực.
Quy mô đầu tư gồm 25 tuyến cống tự chảy, tổng chiều dài hơn 12km trên địa bàn quận Cẩm Lệ và huyện Hòa Vang.
Trong đó, dự án xây dựng 78 giếng tách nước thải tại các vị trí cửa xả thải của các tuyến thoát nước chung.
Ngoài ra, công trình còn xây dựng 6 tuyến cống áp lực với tổng chiều dài hơn 4,6km và 6 trạm bơm chìm.
Địa điểm xây dựng dự án là quận Cẩm Lệ và huyện Hòa Vang, diện tích đất sử dụng gần 10 ha. Đây là dự án nhóm B, công trình hạ tầng kỹ thuật cấp II. Không phải di dời, bố trí tái định cư.
Ngoài dự án này, Đà Nẵng cũng sẽ sớm đầu tư cầu qua đường Nguyễn Nhàn để đảm bảo thoát nước, kèm với cải tạo cống thoát nước đường Cống Quỳnh (quận Cẩm Lệ).
Được biết, thời gian tới Đà Nẵng sẽ dự kiến sẽ bố trí khoảng 2.000 tỷ đồng để giải quyết bài toán ngập lụt đô thị.
Quảng Ngãi: Sạt lở nghiêm trọng trên đèo Eo Chim, giao thông bị chia cắt
Hàng nghìn khối đất đá trên sườn núi bất ngờ đổ sập xuống tỉnh lộ 624 đoạn qua đèo Eo Chim (Quảng Ngãi) khiến giao thông bị chia cắt.
Chính quyền xã Thanh An (huyện Minh Long, Quảng Ngãi) đang huy động lực lượng túc trực, cắm biển cảnh báo nguy hiểm nhằm ngăn không cho người dân qua lại khu vực xảy ra sạt lở trên đèo Eo Chim.
Thông tin ban đầu, sau mưa lớn kéo dài những ngày qua, khoảng 7h hôm nay, 5/12, tại Km36+600 Tỉnh lộ 624, đoạn qua đèo Eo Chim thuộc địa phận xã Thanh An, hơn 7.700m3 đất đá từ trên núi bất ngờ trút xuống, chất thành đống trên mặt đường khiến giao thông bị chia cắt. Rất may, vào thời điểm sạt lở, đoạn đường này không có người lưu thông.
Đây đoạn đường thường xuyên bị sạt lở khi đến mùa mưa bão, gây nhiều nguy hiểm cho người dân và phương tiện qua lại.
Do lượng đất, đá khá lớn nên dự kiến đến sáng 6/12, địa phương phối hợp cùng ngành chức năng mới khắc phục, xử lý xong sạt lở để đảm bảo giao thông thông suốt và an toàn cho người dân.
Theo Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Quảng Ngãi, từ ngày 6 – 7/12, khu vực tỉnh Quảng Ngãi khả năng có mưa, mưa rào và có nơi có giông. Trong mưa giông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh có thể gây ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, làm gãy đổ cây cối, hư hại nhà cửa, các công trình giao thông và cơ sở hạ tầng. Gió mạnh và sóng lớn trên biển có khả năng ảnh hưởng đến hoạt động của tàu thuyền, lồng bè nuôi thủy hải sản và gây nguy cơ sạt lở ven biển.
Cần Thơ phê duyệt vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt
Quyết định UBND thành phố Cần Thơ phê duyệt danh mục vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt cho 117 công trình khai thác nước dưới đất của Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn thành phố Cần Thơ.
Theo đó, UBND thành phố Cần Thơ yêu cầu Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn thành phố Cần Thơ phối hợp với UBND cấp huyện, UBND cấp xã và các đơn vị có liên quan xác định ranh giới phạm vi của vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt của công trình trên thực địa sau khi được phê duyệt và công bố.
Cùng với đó, thực hiện kế hoạch cấp nước an toàn theo theo quy định: Bảo vệ nguồn nước do mình trực tiếp khai thác, sử dụng; theo dõi, giám sát các hoạt động trong vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt của công trình nhằm bảo đảm an ninh nguồn nước phục vụ người dân.
Trường hợp phát hiện hành vi gây ô nhiễm hoặc có nguy cơ gây ô nhiễm, không đảm bảo an toàn cho việc khai thác nước của công trình và các hành vi vi phạm pháp luật về tài nguyên nước khác trong phạm vi vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt của công trình khai thác thì phải kịp thời ngăn chặn, đồng thời báo cáo ngay đến chính quyền địa phương nơi gần nhất để xử lý.
Trong phạm vi vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt phải tuân thủ các quy định về hành lang bảo vệ nguồn nước và tuân thủ các yêu cầu khác về bảo vệ tài nguyên nước theo pháp luật về tài nguyên nước.
Giao Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND các quận, huyện: Ô Môn, Bình Thủy, Cái Răng, Thốt Nốt, Phong Điền, Vĩnh Thạnh, Cờ Đỏ, Thới Lai và UBND cấp xã có liên quan chịu trách nhiệm: Phối hợp với Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn thành phố Cần Thơ và các cơ quan có liên quan trên địa bàn xác định ranh giới, phạm vi vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt trên thực địa sau khi được phê duyệt, công bố.
Thực hiện các biện pháp bảo vệ chất lượng nguồn nước sinh hoạt trên địa bàn. Tiếp nhận thông tin, giải quyết các vấn đề phát sinh liên quan đến vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt của các công trình khai thác nước trên địa bàn theo thẩm quyền.
Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND các quận, huyện: Ô Môn, Bình Thủy, Cái Răng, Thốt Nốt, Phong Điền, Vĩnh Thạnh, Cờ Đỏ, Thới Lai và UBND cấp xã và các đơn vị có liên quan thông báo trên trang thông tin điện tử của đơn vị, niêm yết trên bảng tin của xã, phường, thị trấn trong vòng 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được quyết định phê duyệt vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt.
Tổ chức, cá nhân, hộ gia đình sinh sống, hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong phạm vi vùng bảo hộ vệ sinh lấy nước sinh hoạt phải tuân thủ các quy định về bảo vệ nguồn nước và tuân thủ các yêu cầu khác về bảo vệ tài nguyên nước theo quy định của pháp luật về tài nguyên nước.
SAWACO: Chuyển đổi đơn vị cấp nước tại Hóc Môn, nâng cao chất lượng phục vụ
Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn (SAWACO) vừa thông báo quyết định thay đổi đơn vị quản lý cấp nước trên địa bàn huyện Hóc Môn, nhằm mục tiêu nâng cao chất lượng phục vụ và đảm bảo cung cấp nước sạch, ổn định và liên tục cho khách hàng.
Theo thông báo, từ ngày 1-1-2024, nhiệm vụ quản lý cấp nước tại huyện Hóc Môn sẽ được chuyển giao từ Công ty CP Cấp nước Trung An sang Công ty TNHH MTV Nước ngầm Sài Gòn. Quyết định này được SAWACO đưa ra nhằm mục đích tối ưu hóa dịch vụ cấp nước và giảm thiểu tác động tiêu cực đối với cộng đồng.
Theo đó, Công ty TNHH MTV Nước ngầm Sài Gòn sẽ tiếp quản quản lý cấp nước trong huyện Hóc Môn. Trong quá trình chuyển giao, SAWACO cam kết đảm bảo quyền lợi và trách nhiệm của khách hàng theo đúng quy định. Công ty CP Cấp nước Trung An cũng đã thông báo đến khách hàng để cung cấp thông tin chi tiết về quá trình này.
Công ty TNHH MTV Nước ngầm Sài Gòn sẽ liên hệ với khách hàng để ký kết lại hợp đồng dịch vụ cấp nước. Trong thời gian chuyển giao, mọi quyền lợi và trách nhiệm trong hợp đồng dịch vụ cấp nước đã được ký kết sẽ được đảm bảo và tiếp nhận bởi đơn vị mới.
Để hỗ trợ khách hàng, Công ty Trung An và Công ty TNHH MTV Nước ngầm Sài Gòn đều khẳng định sẵn sàng hỗ trợ và giải đáp mọi thắc mắc. Đồng thời, SAWACO hy vọng sự ủng hộ của cộng đồng và chính quyền địa phương để đảm bảo thành công trong việc nâng cao dịch vụ cung cấp nước cho cư dân tại Hóc Môn.
Malaysia: Sơ tán hơn 4.000 người do lũ lụt tại bang Kelantan
Theo Bộ Phúc lợi xã hội Malaysia, những người sơ tán đang tạm trú ở 12 trung tâm cứu trợ lũ lụt.
Lũ lụt cũng khiến người dân phải sơ tán tại một số bang trong vài tuần qua khi khu vực duyên hải phía Đông của nước này có thời tiết xấu.
Cơ quan khí tượng đưa ra cảnh báo về mưa lớn do mưa mùa ở Đông Bắc thường kéo dài từ tháng 10 đến tháng 3 với gió mạnh và biển động dự kiến tại các bang phía Bắc và vùng duyên hải phía Đông.
Malaysia, giống như nhiều nước láng giềng Đông Nam Á khác, thường hứng chịu lũ lụt theo mùa. Mùa gió mùa hàng năm tại Malaysia bắt đầu vào tháng 11 và người dân sơ tán khỏi nhà ít nhất là từ tháng 12.
Trận lũ lụt tồi tệ nhất của Malaysia trong nhiều thập kỷ xảy ra vào năm 2021, khi có 54 người tử vong và quân đội đã được huy động. Trận lũ lụt trên diện rộng vào năm 2021 đã tấn công 8 bang nước này và gây căng thẳng cho các dịch vụ khẩn cấp trên toàn quốc, làm dấy lên những lời chỉ trích về phản ứng của chính phủ đối với thảm họa.
T.Anh (T/h)
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị