Đừng để ma túy “mai phục” trước cổng trường!

Diễn biến phức tạp, khó lường

Theo cơ quan Công an, thời gian qua đã phát hiện trong một số sản phẩm thuốc lá điện tử, tinh dầu bị lực lượng chức năng thu giữ, có nghi chứa chất ma túy mới. Đáng chú ý, một loại ma túy thế hệ mới mang tên “nước vui” đang thâm nhập vào giới trẻ. Nhìn bề ngoài, không ai nghĩ bên trong chứa ma túy.

Đừng để ma túy
“Bánh lười” có vị socola và nho khô tẩm cần sa có khả năng làm nạn nhân chỉ thích ngủ hoặc nằm một chỗ và cười. Ảnh: CAHN

Mới đây, một trong những ổ nhóm tội phạm nguy hiểm sản xuất và điều chế thứ ma túy này tại thành phố Hồ Chí Minh, đã bị Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma tuý – Bộ Công an triệt phá sau gần 3 tháng theo dõi và xác minh. Thủ đoạn của các đối tượng là mua ma túy qua mạng xã hội, chuyển tiền qua ngân hàng, thuê các Công ty vận chuyển ma túy, phụ gia và bao bì đóng gói về tập kết tại các kho.

Để tránh bị phát hiện, các đối tượng thường xuyên thay đổi nơi cất giấu, pha chế và đóng gói ma túy. Sau nhiều tháng xác minh, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy đã lập ban chuyên án, triệt phá đường dây này.

Kết quả, ban chuyên án thu giữ hơn 217kg ma túy tổng hợp, hơn 200kg bao bì cùng nhiều phương tiện, dụng cụ pha trộn đóng gói. Ước tính, với số bao bì này, đối tượng có thể đóng gói 1 tấn ma túy “nước vui”. Tính đến thời điểm hiện tại, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy đã khởi tố vụ án, khởi tố 10 bị can. Bước đầu, cơ quan điều tra làm rõ, trong nửa năm, các đối tượng đã pha chế, đóng gói và xuất ra thị trường khoảng 750kg ma túy “nước vui”.

Điều đáng nói, đối tượng cầm đầu đường dây này lại là một phụ nữ còn khá trẻ, từng làm DJ ở nước ngoài, học được công thức pha chế ma túy “nước vui” để đem về nước, tuyển mộ thêm người, rồi sản xuất hàng loạt.

Thiếu tá Nguyễn Thế Hùng – Phó Trưởng Công an phường Phương Mai cho biết, hiện nay các loại ma túy này rất dễ trà trộn vào các loại thực phẩm, nước uống của các em học sinh nên rất nguy hiểm. Để tiếp cận các em học sinh thì các đối tượng này thường xuyên lên các nhóm kín của telegram và facebook tuyên truyền ảo giác, dùng sự phê pha, khoái cảm trong sử dụng loại ma túy này để tạo ra sức hút để các em muốn thể hiện mình phải sử dụng các chất trên.

Nói về tác hại chất kích thích, Đại úy Nguyễn Tùng Anh, Bí đoàn thanh niên, Công an huyện Đông Anh đã thông tin, thời gian qua, trên địa bàn huyện Đông Anh xuất hiện một số trường hợp học sinh tại các trường PTTH bị lôi kéo, dụ dỗ sử dụng trái phép chất ma túy và gia tăng tình trạng học sinh sử dụng thuốc lá điện tử. Cơ quan chức năng đã phát hiện chất ma túy “tẩm” trong thuốc lá điếu, dung dịch tinh dầu của thuốc lá điện tử (ADB-BUTINACA). Đây là nguy cơ rất lớn khi các loại ma túy này xâm nhập cộng đồng, đặc biệt là môi trường học đường các cấp.

Biện pháp nào ngăn chặn?

Trong phiên trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về hàng loạt vụ việc thanh, thiếu niên sử dụng ma túy được phát hiện khiến người dân lo lắng, nhất là nguy cơ ma túy xâm nhập vào môi trường học đường, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết: Tình trạng sử dụng ma túy có xu hướng gia tăng và ngày càng trẻ hóa. Theo thống kê, đến tháng 9/2023 toàn quốc có 213.000 người nghiện và sử dụng trái phép ma túy; trong đó có 81.000 người từ 16-30 tuổi, chiếm 38% tổng số người nghiện. Trong khi đó, ma túy ngày càng đa dạng về chủng loại, giá rẻ, dễ cất giấu, dễ sử dụng. Ma túy có thể len lỏi vào trường học, núp bóng dưới tên tem giấy, khô gà… khiến cử tri và phụ huynh lo lắng.

Vì vậy, Bộ Công an tập trung ngăn chặn nguồn cung từ bên ngoài và coi trọng giảm nguồn cầu là giới trẻ, học sinh. Bộ Công an cũng phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo tăng cường giáo dục học sinh, sinh viên, ngăn chặn ma túy xâm nhập học đường. Bộ cũng cùng các bộ ngành, đoàn thể tuyên truyền về phòng chống ma túy và các loại ma túy mới, triệt phá tụ điểm sử dụng ma túy. Song song đó, Bộ Công an cũng kiến nghị Bộ Y tế, cơ quan Quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, không để ma túy núp bóng thực phẩm, hay ma túy núp bóng thuốc lá điện tử.

Tại Hà Nội, thời gian qua, Công an Thành phố đã tích cực phối hợp với lực lượng chức năng, Công an các địa phương và nhà trường trên địa bàn đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho học sinh, thanh – thiếu niên về tác hại của ma túy. Qua đó, vận động học sinh tích cực tham gia phòng, chống ma túy, tố giác tội phạm, đồng thời tổ chức cho học sinh, cam kết “nói không với ma túy”.

Nhằm phòng ngừa tội phạm và tệ nạn ma túy phức tạp “len lỏi” vào học đường,mỗi năm học, trường THCS Nguyễn Du (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) lại có một sáng kiến để đổi mới công tác tuyên truyền và khéo léo lồng ghép vào các tiểu phẩm dễ hiểu, phù hợp với lứa tuổi học sinh. Các tiểu phẩm không chỉ giúp các em nhận biết một số chất ma túy thường gặp như heroin, ketamin, methamphetamin, thuốc lắc… hiểu được tác hại của ma túy và thuốc lá điện tử, mà các báo cáo viên (là những chiến sĩ Công an) còn hướng dẫn học sinh cách phòng tránh khi bị đối tượng dụ dỗ, lôi kéo tham gia hoạt động phạm tội về ma túy…

Những năm qua, trường THCS Nguyễn Du luôn xác định công tác giáo dục pháp luật là một trong những nhiệm vụ trọng tâm để hình thành nhân cách học sinh. Cô Nguyễn Thị Lý – Hiệu trưởng trường THCS Nguyễn Du cho biết, Ban Giám hiệu nhà trường đã tổ chức nhiều hoạt động khác nhau để nâng cao nhận thức của học sinh, thanh, thiếu niên về tác hại của ma túy. Qua đó, nhà trường vận động học sinh tích cực tham gia phòng, chống ma túy, tố giác tội phạm đồng thời tổ chức cho học sinh, cam kết “nói không với ma túy”.

Minh Phương

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích