Sông Hồng – Nơi đầy ắp tình yêu Đất Nước

Sông Hồng – Nơi đầy ắp tình yêu Đất Nước

Góp ý “Điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050” – Bài 7: Sông Hồng – Nơi đầy ắp tình yêu Đất Nước

Quy hoạch Thủ đô và Điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô đã công bố lấy ý kiến cộng động. Nội dung hai bản quy hoạch trên liên quan đến sông Hồng còn nhiều hạn chế. Bài viết không chỉ đóng góp ý kiến cho hai bản quy hoạch mà còn chia sẻ thông tin liên quan tới quy hoạch sông Hồng trong 100 năm qua và nhiều năm sau nữa.

Hồng Hà, Hà Nội: từ thành phố sông tới thành phố cầu

Góp ý “Điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050” - Bài 7: Sông Hồng - Nơi đầy ắp tình yêu Đất Nước - Tạp chí Kiến trúc Việt Nam
Quy hoạch Hà Nội năm 1924 và khung cảnh Hà Nội bên bờ sông Hồng

Sông Hồng là tên mới, tên cổ là sông Cái – có nghĩa là sông Mẹ, cái tên tỏ lòng kính trọng, ngưỡng vọng bởi sự vĩ đại, thậm chí sợ hãi bởi sức mạnh siêu nhiên của dòng sông hung dữ. Cầu Long Biên hoàn thành năm 1902, đồng thời một thị trấn nhỏ bên kia sông ra đời kèm theo một nhà máy hỏa xa, dân cư nội thành Hà Nội tăng đều gấp đôi sau mỗi năm, kinh tế cả xứ Bắc Kỳ thay đổi từ tự cung tự cấp sang sản xuất hàng hóa xuất khẩu: Đông ra cảng Hải Phòng đi quốc tế, Bắc lên tới Côn Minh sang Nam Trung Hoa. Tuy vậy vùng quê bờ Bắc sông Hồng vẫn êm đềm, mặc cho bên kia sông, Hà Nội đổi thay từng ngày. Trong các bản Quy hoạch Hà Nội được thực hiện các năm 1924, 1941, 1951: Hà Nội vẫn chỉ ở bờ Nam sông Hồng.

Góp ý “Điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050” - Bài 7: Sông Hồng - Nơi đầy ắp tình yêu Đất Nước - Tạp chí Kiến trúc Việt Nam
Quy hoạch Hà Nội năm 1993 và làng xóm bên bờ sông Hồng vào mùa lũ

Năm 1986, Hà Nội có thêm 2 cầu Thăng Long, Chương Dương, nhưng bờ Bắc sông Hồng vẫn mờ nhạt trong quy hoạch Hà Nội. Thập kỷ 90, Hà Nội chập chững mở cửa, văn phòng, khách sạn liên doanh đầu tư nước ngoài mới xây vẫn quanh phố cũ và Hồ Tây. Hà Nội vẫn nhỏ bé trước sông Hồng trong trận lũ lớn hàng năm.

Năm 1997, Daewoo bỏ ra khoảng 3 triệu USD để lập Dự án Thành phố Mới (Hanoi New Town) tại Bắc sông Hồng, họ thuê các công ty tư vấn hàng đầu thế giới như Bechtel, SOM, Rem Koolhaas (OMA) thực hiện. Quy mô 8.000ha, tổng đầu tư 40 tỷ USD. Dự án vẽ mặt nước sông Hồng đi sâu vào các làng xóm huyện Đông Anh, mặt nước mở rộng nâng cao giá trị của không gian đô thị hiện đại. Khủng hoảng Tài chính châu Á 1998 làm các nhà đầu tư bất động sản nước ngoài suy sụp, dự án Hanoi New Town phá sản, nhưng nhiều nội dung dự án được đưa vào Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2020, phê duyệt năm 1998 (gọi tắt là QHC 108). Trong bản Quy hoạch này: lần đầu tiên Hà Nội mở rộng sang bờ Bắc sông Hồng, ngoài 3 cầu cũ Thăng Long, Long Biên, Chương Dương, vẽ thêm 5 cầu mới. Sơ đồ mô tả diện tích mặt nước cây xanh lớn bao quanh các làng xóm cũ.

Góp ý “Điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050” - Bài 7: Sông Hồng - Nơi đầy ắp tình yêu Đất Nước - Tạp chí Kiến trúc Việt Nam
Năm 2003 Văn phòng Kiến trúc sư trưởng chuyển thành Sở Quy hoạch – Kiến trúc Hà Nội, ông Đào Ngọc Nghiêm là Giám đốc. Căn cứ vào QHC 108, năm 2004, Sở cập nhật phần lớn nội dung dự án Hanoi New Town đưa vào Quy hoạch Sử dụng đất (phía Nam) huyện Đông Anh. Trong giai đoạn 2003-2008, Sở chia nhỏ Dự án Hanoi New Town giao các dự án mới tại Bắc sông Hồng. Đáng chú ý là các dự án đô thị – bất động sản đã vẽ lan ra bãi ngoài đê Tằm Xá, Xuân Canh.

Từ một thành phố sông, Hà Nội đã từng bước trở thành thành phố cầu. Đi cùng với tiến trình ấy, nỗi quan ngại về sức mạnh tự nhiên của sông Hồng vơi đi phần nào thì những kế hoạch khai thác đất ven sông tăng lên từng đó.

Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng cần tuân thủ quy hoạch đê điều

Năm 2007-2009, nhà đầu tư Hàn Quốc quay lại Hà Nội, vẽ dự án “Thành phố sông Hồng”, đoạn đi qua nội thành dài 40km: hàng ngàn ha đất bờ bãi, nằm trong 2 con đê sông Hồng, trên nền đất bãi bờ sông được vẽ thành đô thị, vườn cây quanh đô thị. Dự án dự kiến di dời 42 nghìn hộ dân (170 nghìn người) để xây thành phố bên sông trị giá hơn 7 tỷ USD. Dự án chưa kịp thực hiện thì Hà Nội mở rộng địa giới hành chính (tháng 8/2008) và bắt tay lập Quy hoạch mới… Một phần dự án được đưa vào quy hoạch chung thành phố.

Góp ý “Điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050” - Bài 7: Sông Hồng - Nơi đầy ắp tình yêu Đất Nước - Tạp chí Kiến trúc Việt Nam
Quảng cáo bất động sản, sân golf xây dựng trên ruộng lúa, bờ sông và phối cảnh thành phố bên sông Hồng giai đoạn 1998-2008 .Viễn cảnh thành phố Sáng tạo, Thông minh Bắc sông Hồng năm 2023 trình bày tinh xảo, hấp dẫn hơn nhưng không có thông tin bảo vệ nguồn nước sạch dùng trong sinh hoạt, sản xuất cho Hà Nội, bắt đầu từ huyện đầu nguồn sông Hồng đổ vào Hà Nội như thế nào.

Sau 15 năm mở rộng Hà Nội (2008-2023), hàng trăm ngàn ha đất ruộng trũng, bán ngập bị san lấp để làm đô thị: nhiều đô thị mới ra đời ở phía Tây, bờ Nam sông Hồng, nhưng nhiều nơi chiếm đất bỏ hoang, hàng chục triệu m2 nhà ở xây lên không có người ở mà chỉ để mua đi bán lại kiếm chênh lệch… Khi hết đất ruộng phía Tây, bờ Nam sông Hồng, các bản vẽ quy hoạch lại hướng bút về phía Đông, bờ Bắc sông Hồng để đổi màu xanh vùng đất cấm xây dựng ngoài đê thành màu vàng cam dân cư, đô thị, bất động sản.

Góp ý “Điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050” - Bài 7: Sông Hồng - Nơi đầy ắp tình yêu Đất Nước - Tạp chí Kiến trúc Việt Nam
Năm 2020, thị trường bất động sản đang tăng mạnh thì Đại dịch COVID lan rộng tới Hà Nội .Giữa đại dịch, ngày 4/4/2020 tác giả đăng bài “Nguy cơ trên trời rơi xuống, thử thách khối óc sáng tạo, đôi tay mạnh mẽ” trên VNN, kỳ vọng Hà Nội có kế hoạch đảm bảo nguồn nước sạch, an toàn của sông Hồng – tạo ra sức mạnh mới cho và sông và phố. [1]

Đầu năm 2020, đại dịch COVID lan ra toàn cầu, Hà Nội đóng cửa chống dịch. Trong thời khắc đặc biệt ấy, mọi người bình tâm suy nghĩ về cái mạnh yếu của Hà Nội, của đất nước và mơ tới một ngày mai bình yên để lập trình cho tương lai. Đại dịch qua đi, Hà Nội tái khởi động Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng với định hướng “theo nguyên tắc thuận thiên, lấy phòng chống lũ và chỉnh trị sông Hồng làm mục tiêu hàng đầu, không chất tải công trình hai bên sông.” [2]

Góp ý “Điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050” - Bài 7: Sông Hồng - Nơi đầy ắp tình yêu Đất Nước - Tạp chí Kiến trúc Việt Nam
So sánh bản đồ Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng công bố 2023 với Quy hoạch sử dụng đất 2004

Mặc dù đã được chỉ đạo sâu sát, nhưng kết quả Quy hoạch lại cho ra kết quả khác, đặc biệt là cơ quan quản lý đê điều yêu cầu “thành phố (Hà Nội) xây dựng phương án phòng chống lũ trong quy hoạch phát triển Thủ đô” [3], nhưng trong thuyết minh Điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô (công bố tháng 11/2023) vẫn không có nội dung này và thừa nhận “Khu vực hành lang hai bên sông Hồng được xác định theo Quy hoạch phòng chống lũ hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2007 đang chưa phù hợp với Quy hoạch phòng chống lũ và quy hoạch đê điều hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2016.”[trg 93 Thuyết minh]. Tại hội thảo đề án xây dựng công viên văn hóa Bãi Giữa ngày 24/11, KTS Nguyễn Bá Nguyên, Phó giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội, cho biết “ Cản trở lớn nhất trong việc hiện thực hóa Quy hoạch phân khu đô thị là các quy định đảm bảo an toàn phòng chống lũ, đê điều… Quy hoạch phòng chống lũ và quy hoạch đê điều hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình đề cập khu vực bãi giữa, bãi bồi không thuộc danh mục được phép xây dựng.” [4]. Có lẽ đây là nút thắt trọng yếu nên cho dù Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng đã duyệt nhưng không thể tiến hành các bước tiếp theo.

Góp ý “Điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050” - Bài 7: Sông Hồng - Nơi đầy ắp tình yêu Đất Nước - Tạp chí Kiến trúc Việt Nam
Mặc cho Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng vẫn chưa phù hợp Quy hoạch phòng chống lũ, quy hoạch đê điều, nhưng các đề xuất xây cầu mới đổi đất bờ bãi sông, thành phố thông minh vẽ tràn từ trong đồng ra ngoài sông vẫn rầm rộ công bố

Chiều 1/12/2023, UBND TP Hà Nội đã có cuộc làm việc với đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn về phát triển nông nghiệp Thủ đô. Liên quan đến khai thác khu vực bãi sông, ông Phạm Đức Luận – Cục trưởng Cục Đê điều và phòng, chống thiên tai (Bộ NN&PTNT) cho biết, về quy hoạch bãi sông, trước đây khu vực bãi sông bị cấm hoàn toàn việc xây dựng nhưng nay đã có nhiều tỉnh như Hà Nam khai thác tương đối hiệu quả. Trong Quyết định số 257/QĐ-TTg đã nêu rất rõ những khu vực Hà Nội được phép xây dựng. Hiện, Hà Nội đang làm quy hoạch Thủ đô, nên kiến nghị trong đó cần quy định rõ các khu vực phát triển, để làm cơ sở trình cấp có thẩm quyền xem xét.

Góp ý “Điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050” - Bài 7: Sông Hồng - Nơi đầy ắp tình yêu Đất Nước - Tạp chí Kiến trúc Việt Nam
Bản vẽ “Định hướng không gian” trong hồ sơ “Điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Thủ đô” (công bố tháng 11/2023) thể hiện nhiều nội dung mới vẽ thêm vào hành lang thoát lũ sông Hồng, bao gồm đất cây xanh, đất du lịch, đất trung tâm công cộng.

Tại các vùng nông nghiệp ven sông, Bản vẽ “Định hướng không gian” vẽ thêm các khu đô thị, sân golf, khu công nghiệp mới… tiếp tục san lấp ruộng vườn, chia cắt phá hủy hệ thống tưới tiêu nước liên quan tới sông Hồng, trong khi chính khu vực này đang để đất đô thị bỏ hoang, thành phố đã công bố thu hồi hàng ngàn ha đất giao đô thị từ hành chục năm trước mà không triển khai. Soi chiếu với nhiệm vụ Điều chỉnh quy hoạch chung và yêu cầu Quy hoạch phòng chống lũ hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình cho thấy hồ sơ thuyết minh và bản vẽ “Điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Thủ đô” đã công bố chưa đạt yêu cầu.

Hà Nội phải đủ nước sạch cho sinh hoạt, sản xuất mới có thể trở thành thành phố sáng tạo, thông minh

Nhiều năm nước sông Hồng cạn, nhưng những cơn lũ lớn tạị các tỉnh Nam Trung Quốc năm 2020, gây thiệt hại 14 tỷ USD, đã đặt sông Hồng – con sông bắt nguồn từ phương Bắc – vào tình thế không thể chủ quan. Tuy vậy hạn hán, ô nhiễm nước và nhiễm mặn là những mối đe dọa thường trực.

Tháng 6/2023, sông Hồng, sông Đà cạn nước. Mực nước xuống thấp tới mức Nhà máy nước sông Đà phải dùng trạm bơm dã chiến để khai thác. Tháng 11/2023, khu đô thị Thanh Hà có gần 2 vạn dân không có nước sạch, Thành phố phải dùng xe chở nước tới giải cứu. Cư dân các khu đô thị khác nhiều năm đã trả tiền nước sạch nhưng dùng nước bẩn. Các vùng sản xuất nông nghiệp quanh Hà Nội nhiều năm nay khai thác nước ngầm để trồng hoa tưới rau vì các trạm bơm nước từ sông Hồng xuống thấp, thủy lợi nội đồng xuống cấp là điều dễ thấy, nhưng nội dung này không có trong thuyết minh Quy hoạch Thủ đô và Điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô. Hai bản quy hoạch không sử dụng công nghệ GIS để phân tích bản đồ vệ tinh chất lượng cao để thấy sự biến đổi thủy văn, thảm thực vật, địa hình, địa mạo sông Hồng và phụ cận trong lịch sử cũng như dự báo tương lai, chỉ vẽ hình sơ sài trên nền bản đồ số hóa đơn giản, lại không tham khảo những nghiên cứu khoa học rất có giá trị của các nhà khoa học trong nước và quốc tế đã nghiên cứu sông Hồng nhiều năm qua, nên rất chủ quan, cảm tính. Không nhận diện những thách thức khó khăn, cả hai bản quy hoạch này không có giải pháp phù hợp hiện tại lại càng không đáp ứng được những thách thức do biến đổi khí hậu trước mắt cũng như lâu dài.

Tham khảo vài kết quả nghiên cứu đô thị bên sông Hồng của các nhà khoa học trong nước và quốc tế:

Góp ý “Điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050” - Bài 7: Sông Hồng - Nơi đầy ắp tình yêu Đất Nước - Tạp chí Kiến trúc Việt Nam
Bản đồ lưu vực các sông Bắc Bộ trong Quy hoạch Tài nguyên nước 2022; Quy hoạch Hành lang Xanh trong QHC1259 so sánh với thực trạng phát triển đô thị tự phát theo “vết dầu loang”. Trong 12 năm (2011-2023), Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô không có giải pháp khắc phục, lại còn tiếp tục mở rộng đất đô thị ra các vùng đất tự nhiên gây chia cắt, tổn hại Hành Lang Xanh, làm trầm trọng thêm sự thiếu hụt bề mặt trữ nước và tái sinh nguồn nước.
Góp ý “Điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050” - Bài 7: Sông Hồng - Nơi đầy ắp tình yêu Đất Nước - Tạp chí Kiến trúc Việt Nam
Nghiên cứu của TS Nguyễn Văn Tuyên (Đại học Xây dựng) về chất lượng nước và các lưu vực sông Hà Nội
Góp ý “Điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050” - Bài 7: Sông Hồng - Nơi đầy ắp tình yêu Đất Nước - Tạp chí Kiến trúc Việt Nam
Nghiên cứu không gian làng xóm Bắc sông Hồng của Công ty Tư vấn Haskoning (Hà Lan) năm 2023; Quy hoạch sử dụng đất Bắc sông Hồng do Sở Quy hoạch Kiến trúc công bố năm 2004 cập nhật nhiều nội dung Hanoi New Town (1998)
Góp ý “Điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050” - Bài 7: Sông Hồng - Nơi đầy ắp tình yêu Đất Nước - Tạp chí Kiến trúc Việt Nam
Nghiên cứu của Haskoning (Hà Lan) năm 2023: Không gian làng xóm cũ và đô thị mới đan dệt hữu cơ với mạng lưới đường xá và sông nước. Kết nối mặt nước sông Hồng vào sâu vùng đất Bắc sông Hồng.
Góp ý “Điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050” - Bài 7: Sông Hồng - Nơi đầy ắp tình yêu Đất Nước - Tạp chí Kiến trúc Việt Nam
Tháng 6/2023 Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thăm thành phố mới Hùng An (Hà Bắc, Trung Quốc). Ông đánh giá mô hình này giải quyết được các vấn đề về quá tải hạ tầng, ô nhiễm môi trường và thiếu điều kiện sống đủ tiêu chuẩn cho người dân mà các đô thị lớn thường gặp phải. Thủ tướng cho rằng: “Đây là mô hình mà Việt Nam cần tham khảo trong quá trình xây dựng, phát triển đất nước”. Tại Hà Nội cũng có mô hình tương tự.
Góp ý “Điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050” - Bài 7: Sông Hồng - Nơi đầy ắp tình yêu Đất Nước - Tạp chí Kiến trúc Việt Nam
Các không gian công cộng từ trong phố lan ra Bờ Vở sông Hồng được quận Hoàn Kiếm thực hiện bền bỉ qua các năm: năm 2019 quận đã tháo dỡ nhà, vườn tự phát lấn chiếm đất công, năm 2020 lại tái phát. Quận Hoàn Kiếm đã triển khai các dự án công đồng chung tay bảo vệ môi trường, chủ động phòng ngừa lấn chiếm đất công trong hành lang thoát lũ, bằng biện pháp “phi công trình”: không xây dựng, chỉ dọn phế thải, cắt tỉa cây cỏ tự nhiên kết hợp phát triển không gian xanh sạch tại khu dân cư ven sông phường Phúc Tân.
Góp ý “Điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050” - Bài 7: Sông Hồng - Nơi đầy ắp tình yêu Đất Nước - Tạp chí Kiến trúc Việt Nam
Từ bãi rác ô nhiễm bờ vở (phường Chương Dương), UBND quận Hoàn Kiếm đã tạo điều kiện để cộng đồng dân cư, các tổ chức tình nguyện dọn vệ sinh, phát triển công viên cây xanh. Tại khu dân cư ven sông, chân cầu Long Biên, phường Phúc Tân: Dự án nghệ thuật cộng đồng đã hoạt động từ năm 2020. Đến tháng 12/2023, cộng đồng dân cư và các tổ chức tình nguyện tiếp tục dọn rác để mở rộng không gian công cộng.

Hồng Hà – Hà Nội vẫn đang là trung tâm của những thảo luận xã hội về tương lai mới của Hà Nội và Sông Hồng. Tình yêu đất và nước thể hiện bằng những cách khác nhau bởi những tổ chức các nhân có lợi ích khác nhau khi tiếp cận nguồn lợi tài nguyên đất và nước tại đây. Khác với tình yêu quê hương đất nước lúc nào cũng tràn đầy trong các áng văn thơ nhạc họa, cảm xúc liên quan tới đất và nước sông Hồng hôm nay có đầy ắp thì nước sông Hồng nay chưa bằng một nửa ngày xưa. Dẫu cho nước sông cạn nhiều, thì trong tâm thức của những người con Hà Nội luôn đầy ắp yêu thương sông Mẹ – sông Hồng, tình yêu ấy không bao giờ vơi cạn.

Trần Huy Ánh
Ủy viên thường vụ Hội KTS Hà Nội, 
Thành viên Hội đồng khoa học Tạp chí Kiến trúc Việt Nam –
Viện Kiến trúc Quốc gia – Bộ Xây dựng

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích