Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 4/12/2023

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 4/12/2023

Tin tức môi trường mới nhất, nóng nhất hôm nay 4/12/2023. Cập nhật tin nhanh môi trường mới nhất hôm nay 4/12/2023 do Môi trường và Đô thị tổng hợp.

Miền Bắc sắp đón không khí lạnh tăng cường

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, một bộ phận không khí lạnh tăng cường từ phương Bắc đang di chuyển xuống phía Nam.

Dự báo khoảng ngày 6/12, bộ phận không khí lạnh này sẽ ảnh hưởng đến khu vực Đông Bắc Bắc Bộ, sau đó ảnh hưởng đến các nơi khác ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Gió Đông Bắc trong đất liền lại mạnh lên cấp 3, vùng ven biển cấp 3-4.

Do ảnh hưởng của không khí lạnh, đêm 5 và sáng 6/12, miền Bắc có mưa nhỏ rải rác, trời tiếp tục rét, vùng núi có rét đậm, rét hại.

tm-img-alt
Miền Bắc sắp chuyển mưa rét.

Trong đợt không khí lạnh này, nhiệt độ thấp nhất ở Bắc Bộ và Thanh Hóa, Nghệ An phổ biến từ 15-18 độ, riêng khu vực vùng núi Bắc Bộ phổ biến 13-15 độ, vùng núi cao có nơi dưới 11 độ.

Thủ đô Hà Nội ngày 5/12 trời nhiều mây, âm u, nhiệt độ trong ngày dao động từ 17-25 độ. Ngày 6/12, nền nhiệt giảm, nhiệt độ trong ngày khoảng 17-22 độ, trời có mưa nhỏ rải rác.

Ngoài ra, do ảnh hưởng của không khí lạnh kết hợp với nhiễu động gió Đông nên ngày 6-7/12, khu vực từ Nghệ An đến Khánh Hòa có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to và dông. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh

Cũng do ảnh hưởng của không khí lạnh, từ trưa và chiều ngày 6/12, vịnh Bắc Bộ gió Đông Bắc mạnh dần lên cấp 6, giật cấp 8, sóng biển cao 2-3m, biển động, khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có gió Đông Bắc mạnh cấp 6, giật cấp 8-9, sóng biển cao 2-4m, biển động.

Từ chiều và đêm 6/12, vùng biển từ Quảng Ngãi đến Cà Mau, khu vực Giữa Biển Đông và phía Tây của Nam Biển Đông (bao gồm phía Tây quần đảo Trường Sa) có gió Đông Bắc mạnh dần lên cấp 6, giật cấp 7-8, sóng biển cao 2-3m, biển động.

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, trong tháng 12, không khí lạnh sẽ gia tăng về tần suất và cường độ hoạt động. Tuy nhiên, tháng 12 năm nay được nhận định khá ấm, nền nhiệt trung bình ở miền Bắc cao hơn trung bình nhiều năm từ 1,5-2 độ.

Ô nhiễm không khí ở Hà Nội xếp thứ 3 thế giới do khói thải ô tô, xe máy

Từ tháng 11/2023 đến nay, rất nhiều ngày, tình trạng ô nhiễm không khí Hà Nội và các tỉnh miền Bắc ở mức xấu, ảnh hưởng lớn tới chất lượng sức khoẻ người dân. Một lớp sương mù trắng đục và bụi mịn liên tục bao phủ Thủ đô.

Sáng 3/12, ứng dụng IQ Air liên tục xếp Hà Nội trong top 10 thành phố ô nhiễm nhất thế giới. Có thời điểm ứng dụng này xếp Hà Nội là thành phố ô nhiễm không khí thứ 3 thế giới.

Lúc 8h30 ngày 3/12, ứng dụng IQAir ghi nhận chỉ số chất lượng không khí (AQI) ở Hà Nội cao thứ 3 thế giới với chỉ số ở mức 182, không tốt cho người nhạy cảm.
Lúc 8h30 ngày 3/12, ứng dụng IQAir ghi nhận chỉ số chất lượng không khí (AQI) ở Hà Nội cao thứ 3 thế giới với chỉ số ở mức 182, không tốt cho người nhạy cảm.

Lúc 11h cùng ngày, điểm đo 556 Nguyễn Văn Cừ (quận Long Biên) thuộc Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) hiển thị chỉ số chất lượng không khí AQI là 160, mức không khí xấu. Từ 7h đến 12h, chỉ số này liên tục dao động ở mức xấu, cụ thể lúc 7h là 151, 8h hiển thị 162, 9h là 167, 10h là 165.

Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường cảnh báo, những người bình thường bắt đầu có các ảnh hưởng tới sức khỏe, nhóm người nhạy cảm có thể gặp những vấn đề về sức khỏe nghiêm trọng.

Theo ứng dụng PAM Air, lúc 12h30, AQI tại Trường Đại học Lâm nghiệp Việt Nam (huyện Chương Mỹ, Hà Nội) đo được là 186, tại Thư viện xã Cổ Am (huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng) là 198, có hại cho sức khoẻ. Đây là những điểm có chỉ số AQI ở ngưỡng cao.

Những địa điểm có chỉ số ô nhiễm không khí ở mức cao lúc trưa nay 3/12, theo ứng dụng PAM Air.
Những địa điểm có chỉ số ô nhiễm không khí ở mức cao lúc trưa nay 3/12, theo ứng dụng PAM Air.

Trả lời PV VTC News, TS Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam cho biết, nguyên nhân chính gây ô nhiễm môi trường là từ chính các hoạt động của con người và thời tiết, khí hậu có tính chất tác động.

Theo phân tích của TS Hoàng Dương Tùng, trong và ngoài TP Hà Nội, nhiều cơ sở tái chế như tái chế nhôm, chì… không có hệ thống xử lý khí thải theo quy định bảo vệ môi trường. Họ sản xuất nhưng không tuân thủ quy định dẫn tới tình trạng ô nhiễm.

Bên cạnh đó, các phương tiện cá nhân như ô tô, xe máy dùng xăng, dầu cũng là nguyên nhân gây ra ô nhiễm không khí. Theo thống kê, Hà Nội hiện có gần 7 triệu xe máy lưu thông, trong đó nhiều xe máy đã cũ, không được bảo trì thường xuyên, khói đen thải ra môi trường… là nguồn phát thải bụi mịn PM2.5. Đây cũng là một trong những nguyên nhân chính gây ô nhiễm không khí.

“Rất nhiều thời gian, một loạt các công trình tại Hà Nội được xây dựng và sửa chữa như đường, cầu, cống rồi các công trình xây dựng nhà ở nhưng lại bị lơ là chuyện che bụi bẩn.

Tình trạng đốt rác cũng xảy ra rất nhiều, đặc biệt các huyện ngoại thành do chúng ta quản lý không tốt nên rác cứ đốt. Thêm nữa là một năm hai lần thu hoạch lúa, người dân lại đốt rơm rạ”, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam nói.

Lúc 7h ngày 3/12, khu vực quận Tây Hồ (Hà Nội) chìm trong lớp sương mù dày, không khí đặc quánh. (Ảnh: Ngô Nhung)
Lúc 7h ngày 3/12, khu vực quận Tây Hồ (Hà Nội) chìm trong lớp sương mù dày, không khí đặc quánh. (Ảnh: Ngô Nhung)

Cũng theo TS Hoàng Dương Tùng, một nguyên nhân nữa là do khí hậu, thời tiết. Cũng nguồn phát thải như thế nhưng những tháng mùa hè, nhiều ngày không khí rất sạch. Mặc dù bụi mịn PM2.5 thải vào không khí nhiều nhưng bị rửa trôi nhờ các cơn mưa, bão hoặc phát tán lên cao, đi các vùng khác nhờ các cơn gió mạnh.

Mùa đông, trời ẩm thấp, gió rất lặng nên bụi mịn luẩn quẩn dưới tầng thấp. Đó là đặc điểm của các tỉnh miền Bắc, trong đó có Hà Nội nên trong thời tiết mùa đông, rất nhiều ngày không khí bị ô nhiễm nặng.

Thực tế được TS Hoàng Dương Tùng chỉ ra, nhiều nước trên thế giới đã hạn chế giao thông cá nhân và xây dựng hệ thống giao thông công cộng như xe bus, tàu điện trên cao… Vì coi là nguồn phát thải ô nhiễm nên nhiều thành phố trên thế giới hạn chế xe máy, ô tô dùng xăng, dùng dầu và khuyến khích dùng xe điện.

Trên thế giới từng có thành phố trước đây chỉ số AQI thường xuyên ở mức cao nhưng nhờ cố gắng của chính quyền, nhân dân, doanh nghiệp, chỉ số cũng cải thiện rất nhiều, đó là điều đáng ghi nhận. Tuy nhiên, ở Hà Nội, mức độ ô nhiễm không khí nhiều ngày qua quan trắc ở mức cao, đó là điều rất đáng lo ngại.

Ông Tùng cho biết thêm, trước những ngày ô nhiễm như thế, nhiều người cảm thấy rất khó chịu, đặc biệt qua các khảo sát tại các bệnh viện, tỉ lệ bệnh nhân tới khám liên quan tới bệnh hô hấp rất nhiều.

“Người dân trước hết phải tự bảo vệ mình, phải theo dõi thường xuyên các trang web hoặc các app có chỉ số AQI để biết khu vực mình ở, mức độ ô nhiễm không khí.

Không khí ô nhiễm, ảnh hưởng đến sức khoẻ, người dân cần hạn chế đi ra ngoài đường. Khi ra đường phải bịt khẩu trang loại chống được bụi mịn PM 2.5, trong nhà đóng cửa, ra ngoài đường về cũng phải rửa mắt rửa, rửa mũi theo khuyến cáo của Bộ Y tế”, TS Hoàng Dương Tùng khuyến cáo.

Hội LHPN tỉnh Thanh Hoá lan tỏa “Ngày thứ bảy, chủ nhật xanh”

“Ngày thứ bảy, chủ nhật xanh” từ lâu đã trở thành nét đẹp trong lao động của cán bộ, hội viên, phụ nữ tỉnh Thanh Hóa. Phong trào đã và đang hướng đến cuộc sống xanh, thân thiện với môi trường, góp phần nâng cao chất lượng tiêu chí môi trường trong XDNTM, đô thị văn minh.

Tại huyện Như Xuân “Ngày thứ bảy, chủ nhật xanh” của hội viên, phụ nữ đã trở thành nếp sống thường xuyên không chỉ của phụ nữ mà được đông đảo Nhân dân hưởng ứng, tham gia. Chủ tịch Hội LHPN huyện Vi Thanh Hương cho biết: Như thường lệ, cứ vào thứ bảy, chủ nhật hàng tuần, cán bộ, hội viên, phụ nữ các đơn vị đều tập trung dọn vệ sinh môi trường các tuyến đường và tổ chức trồng, chăm sóc đường hoa, đường cây xanh làm đẹp cảnh quan môi trường hoặc giúp nhau ngày công lao động thu hoạch nông vụ, cải tạo vườn tạp… Phong trào còn thu hút nhiều người là nam giới tham gia hỗ trợ, góp phần tích cực vào XDNTM trên địa bàn huyện.

tm-img-alt
Hội viên phụ nữ huyện Như Xuân tham gia ươm giống cây hưởng ứng “Ngày thứ bảy, chủ nhật xanh”

“Ngày thứ bảy, chủ nhật xanh” của các cấp hội LHPN huyện Nông Cống đó là huy động hội viên, phụ nữ ra quân trồng cây, dọn vệ sinh môi trường, thu gom rác thải nhựa, tập huấn kiến thức xây dựng mô hình “nhà sạch, vườn đẹp” và gắn biển hoàn thành công trình cho hội viên, phụ nữ các xã, thị trấn. Sáng ngày thứ bảy, chủ nhật hàng tuần, hội viên, phụ nữ và Nhân dân đều ra quân tổng dọn vệ sinh môi trường, phát quang bụi rậm, trồng hoa, cây xanh, dọn rác bên bờ sông, kênh mương để xây dựng tuyến đường kiểu mẫu, tuyến đường phụ nữ tự quản. Công việc này đã thành nếp, không cần phải thông báo mà đã trở thành thói quen, với mục tiêu lan tỏa hành động đẹp vì môi trường xanh, sạch, đẹp.

“Ngày thứ bảy, chủ nhật xanh” đã được các cấp hội duy trì nhiều năm nay. Tuy nhiên, từ đầu năm 2022 phong trào được Hội LHPN tỉnh phát động, thực hiện thường xuyên, bài bản và đi vào chiều sâu, góp phần thực hiện mục tiêu trồng 1 tỷ cây xanh theo sáng kiến của Thủ tướng Chính phủ. Phong trào được thực hiện gắn với xây dựng mô hình, công trình, phần việc cụ thể, đó là dọn vệ sinh môi trường, xây dựng mô hình nhà sạch vườn đẹp, hàng rào xanh; nói không với rác thải nhựa; giúp nhau ngày công; trồng hoa, cây xanh tại các tuyến đường, điểm văn hóa, lịch sử… nhằm thay đổi về nhận thức, ứng xử với môi trường để có hành động tích cực hướng đến cuộc sống xanh vì sức khỏe cộng đồng.

Hội LHPN tỉnh đã đồng loạt phát động phong trào “Mỗi phụ nữ trồng một cây xanh”; ra mắt và duy trì hoạt động các mô hình “Nhà sạch vườn đẹp”, “Nhà sạch vườn mẫu”, “Hàng rào xanh”, “Đổi rác lấy cây xanh”, “Xây dựng gia đình 5 có, 3 sạch”… Qua đó, các cấp hội đã thực hiện được 427 công trình cây xanh, trồng mới hơn 68.635 cây xanh, cây bóng mát và 255 km đường hoa, hàng rào xanh tạo cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp. Các địa phương làm tốt đó là các huyện: Như Thanh, Quảng Xương, Bá Thước, Đông Sơn, Cẩm Thủy, Hà Trung, Lang Chánh, Nghi Sơn, Thọ Xuân…

Từ phong trào này ý thức bảo vệ môi trường của người dân không ngừng được nâng lên, lan tỏa nhiều việc làm, mô hình đẹp, thiết thực, góp phần xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh, giữ gìn cảnh quan trên địa bàn. Nhiều đơn vị có cách làm hay, sáng tạo như: Hội LHPN huyện Vĩnh Lộc gắn “Ngày thứ bảy, chủ nhật xanh” với mô hình “Phân loại xử lý rác thải tại hộ gia đình” và trao tặng thùng rác cho các hộ, hướng dẫn cách phân loại rác thải để tận dụng làm phân bón vi sinh; Hội LHPN TP Thanh Hóa duy trì ra quân tổng vệ sinh môi trường cuối tuần, góp phần xây dựng đô thị văn minh, công dân thân thiện; Hội LHPN thị xã Nghi Sơn, thị xã Bỉm Sơn, huyện Triệu Sơn, Thiệu Hóa, Quảng Xương, Hậu Lộc, Hà Trung, Nga Sơn… tổ chức tổng dọn vệ sinh các điểm công cộng, ươm giống cây hoa, cắt tỉa cây xanh về trồng tại các tuyến đường do phụ nữ tự quản, gắn biển công trình nhà sạch, vườn đẹp, hàng rào xanh…

Sự vào cuộc mạnh mẽ của các cấp hội phụ nữ trong tỉnh đã tạo nên “Ngày thứ bảy, chủ nhật xanh” không đơn thuần là ngày bảo vệ môi trường, mà đã trở thành hoạt động văn hóa, gắn kết tình cảm, tinh thần đoàn kết của cộng đồng dân cư, nhân lên hành động đẹp trong xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh trên địa bàn tỉnh. Từ các hoạt động thiết thực của các cấp hội phụ nữ, đến nay toàn tỉnh có 610.814 hộ đạt 8 tiêu chí “5 không, 3 sạch”, góp phần vun đắp giá trị gia đình Việt Nam, XDNTM, đô thị văn minh.

Nông dân Quảng Bình ra sức cứu hoa màu bị ngập úng do mưa lớn

Những ngày qua, trên địa bàn tỉnh Quảng Bình xuất hiện đợt mưa kéo dài, mực nước tại các sông Kiến Giang, Long Đại dâng cao.

Ở các khu vực thấp trũng, nước lũ tràn vào gây ngập úng hàng chục héc-ta rau màu, hoa phục Tết của bà con nông dân. Chịu thiệt hại nặng nề nhất là xã Hồng Thủy, huyện Lệ Thủy với gần 50 héc-ta hoa màu bị nước lũ nhấn chìm.

“Những ngày qua, trên địa bàn xảy ra mưa lớn, nước lũ dâng cao khiến gần 50 ha hoa màu ngập nước, nhiều diện tích hoa, hành, cải… chìm hẳn dưới nước.

Chính quyền địa phương đã khẩn trương thông báo, hỗ trợ người dân bơm nước ra khỏi những ruộng ngập nước để cứu lại số hoa màu”, ông Phạm Minh Huấn, Chủ tịch UBND xã Hồng Thủy, huyện Lệ Thủy cho biết.

tm-img-alt
Gia đình ông Minh có khoảng ba sào hoa màu bị ngập úng do mưa lớn.

Nhìn cảnh ba sào rau màu và hoa cúc phục vụ Tết Nguyên đán bị nước lũ nhấn chìm, ông Nguyễn Văn Minh (trú tại xã Hồng Thủy, huyện Lệ Thủy) lắc đầu ngán ngẩm bởi công sức chăm sóc gần hai tháng qua xem như “đổ sông đổ biển”.

“Người nông dân thì cũng nhờ ngày Tết để bán được hoa màu mà giờ năm nay thiên tai cướp hết rồi đó, không còn cái chi hết nữa. Nói chung giờ nước rút, nắng lên là cây chết hết, không còn cây nào sống được nữa”, ông Minh buồn bã.

Tương tự, bà Nguyễn Thị Lạt (trú tại xã Hồng Thủy, huyện Lệ Thủy) cũng cho biết, “số hoa cúc này tôi bắt đầu ươm và trồng cách đây gần 50 ngày, vừa lên được cây non thì lũ tràn về giờ rất khó để khắc phục. Ước tính khoảng 7.500 cây giống cùng tiền phân bón tôi đã mất gần 15 triệu đồng”.

Theo ghi nhận của PV, để cứu vãn số hoa bị ngập do nước lũ tràn vào, nhiều hộ dân tại xã Hồng Thủy đã dùng máy bơm để hút nước ra khỏi các sào ruộng.

Một số hộ dân khác cũng kịp thời nhổ các cây giống trong thời điểm chưa bị ngập úng vào trồng tạm tại các thùng xốp hay sân nhà. Tuy nhiên, theo nhiều bà con nông dân, số cây này nếu trồng lại cũng phát triển chậm, cho ra hoa với chất lượng không cao.

Mưa lớn nhiều ngày qua cũng khiến phần lớn diện tích khoai lang tím của nông dân ở xã Bảo Ninh (TP Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình) ngập trong nước, gây thiệt hại nặng.

Theo ông Nguyễn Ngọc Lần, Tổ trưởng Tổ sản xuất rau an toàn xã Bảo Ninh, cho biết một năm nông dân nơi đây chỉ trồng một vụ khoai lang tím, loài cây này được trồng trên đất cát của địa phương cho củ to, rất bùi.

Vụ này, toàn xã Bảo Ninh trồng khoảng 17 héc ta khoai lang tím, nếu thời tiết thuận lợi thì dịp Tết này là thu hoạch nhưng giờ ngâm trong nước lũ coi như mất trắng.

Phú Quốc ra mắt hệ thống camera giám sát hành vi vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường

tm-img-alt
Ngư dân ký cam kết giảm thiểu rác thải nhựa tại sự kiện

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch UBND TP. Phú Quốc Đoàn Văn Tiến cho biết, nhiều năm qua UBND TP. Phú Quốc đã phát động phong trào ngày vì môi trường, đã đạt được những kết quả rất đáng khích lệ. Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận người dân, du khách xả rác nơi công cộng, vứt rác xuống sông, xuống biển làm mất mỹ quan đô thị, đe dọa sự sống của các hệ sinh thái biển.

Để khắc phục những tình trạng trên, UBND TP. Phú Quốc đã phối hợp với WWF-Việt Nam cho ra mắt mô hình camera giám sát hành vi vi phạm trong lĩnh vực môi trường và mô hình sân nổi thu gom rác từ tàu thuyền trên địa bàn phường Dương Đông. Nhằm khắc phục triệt để tình trạng bỏ rác không đúng nơi quy định và giảm thiểu các hành vi bỏ rác xuống biển của tàu thuyền đánh bắt thủy hải sản và tàu du lịch trên địa bàn phường Dương Đông. 

Phó Chủ tịch UBND TP. Phú Quốc Đoàn Văn Tiến kêu gọi mọi tổ chức, cá nhân, cộng đồng doanh nghiệp đang kinh doanh, sinh sống, làm việc và du lịch tại Phú Quốc hãy đồng hành cùng địa phương chung tay bảo vệ môi trường xanh – sạch, hướng đến nói không với sản phẩm nhựa dùng một lần…

Sau buổi lễ, các lực lượng chức năng TP. Phú Quốc thực hiện vệ sinh môi trường xung quanh khu vực Dinh Cậu, phường Dương Đông.

T.Anh (T/h)

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích