Hà Nội: Công nhân sống tạm trong biệt thự bỏ không mừng vì thôi ăn mỳ gói
“Mấy tháng không có thu nhập, 15 công nhân sống trong căn biệt thự đang xây dở với giá thuê 8 triệu đồng/tháng ở Bắc Từ Liêm, Hà Nội. Để tiết kiệm chi tiêu, chúng tôi ăn mỳ gói sống qua ngày…”.
Chị Bùi Thị Liên cùng chồng xuống Hà Nội làm công nhân xây dựng tại các công trình tại quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) chia sẻ.
Sống tạm trong biệt thự xây dở
Sau khi Hà Nội ban hành Chỉ thị 22/CT-UBND về điều chỉnh các biện pháp chống phòng, chống dịch trên địa bàn thành phố trong tình hình mới, hàng nghìn dự án xây dựng tại Hà Nội đang được khởi động lại. Phấn khởi và khẩn trương là tâm trạng chung của nhiều người lao động đang làm việc tại các công trình này.
Chị Bùi Thị Liên cùng chồng xuống Hà Nội làm công nhân xây dựng tại Hà Nội hơn 3 năm. Một ngày, người phụ nữ 43 tuổi này kiếm được 220.000 đồng. Tích cóp được bao nhiêu, chị gửi về cho 2 con nhỏ đang đi học nơi quê nhà Đà Bắc (Hòa Bình).
Chị Bùi Thị Liên tất bật nấu cơm trưa cho những công nhân. |
“2 tháng thu nhập không có, tôi cùng 14 công nhân sống trong căn biệt thự đang xây dở với giá thuê 8 triệu đồng/tháng ở phường Phú Diễn, quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội). Để tiết kiệm chi tiêu, chúng tôi ăn mỳ gói sống qua ngày. Từ hôm đi làm lại chủ thầu hỗ trợ tiền ăn, chúng tôi mới có bữa thịt để ăn” chị Bùi Thị Liên tâm sự.
Đồng cảnh ngộ, chị Nguyễn Thị Hằng rời quê nhà Thanh Ba (Phú Thọ) xuống Hà Nội đi làm công nhân xây dựng được 5 năm. Chị chia sẻ: “Bình thường đi làm chủ thầu hỗ trợ 50.000 đồng/ngày. Dịch bùng phát, chủ thầu chỉ cho công nhân ở nhờ và không có bất kỳ trợ cấp nào”.
Những ngày giãn cách, chị Nguyễn Thị Hằng mong đến ngày có việc làm trở lại. Chị cũng chưa về quê lần nào trong mấy tháng qua, tiền lo cho con cái cũng không có. Ăn uống chi tiêu chị phải nợ chủ thầu, đi làm lại sẽ trừ vào tiền lương.
Chị Nguyễn Thị Hằng vừa đi làm về. |
Sống cùng trong căn biệt thự đang xây dở, chị Đặng Thị Tâm (44 tuổi) quê ở Thanh Ba – Phú Thọ, vợ của chủ một đội công nhân xây dựng cho biết, từ ngày giãn cách xã hội công nhân về quê hết, hiện tại còn 4 người ở lại. Hằng ngày chị phụ trách nấu ăn, dọn dẹp cho các công nhân đi làm về. Gần 2 tháng nay công nhân không có việc làm, ăn uống cũng phải tiết kiệm.
“Mấy tháng nay công nhân chỉ biết quanh quẩn trong căn biệt thự thuê đang xây dở, vợ chồng tôi phải tiết kiệm chi tiêu, lo cho anh em bữa ăn qua ngày. Từ ngày đi làm trở lại tuy vất vả một chút nhưng công nhân ai cũng vui”, chị Đặng Thị Tâm nói.
Sau dịch, thiếu công nhân
Sau thời gian dài nghỉ phòng chống dịch Covid-19, nhiều công nhân xây dựng vui mừng vì được đi làm trở lại. Cũng là lúc các chủ thầu lo lắng vì thiếu công nhân.
Theo chị Đặng Thị Tâm, công trình nhà ở đang trong giai đoạn gấp rút. Trước đây, đội công nhân của vợ chồng cô là 22 người làm, nhưng hiện một số công nhân về quê ở chưa thể đi làm được.
Chị Đặng Thị Tâm tranh thủ thời gian buổi trưa nghỉ ngơi làm rau để chiều đi làm về chuẩn bị bữa tối. |
Công việc gấp rút công nhân không có, vợ chồng chị Đặng Thị Tâm đang mong ngóng từng ngày công nhân đi làm trở lại.
Chị Đặng Thị Tâm cho biết, tùy thuộc vào tay nghề có công nhân làm 7-8 triệu đồng/tháng. Có những thợ tay nghề cao thu nhập 10-11 triệu đồng/tháng. Ngoài ra công nhân đi làm được hỗ trợ ăn uống, nhà ở miễn phí.
Công nhân thiếu nên việc của chị Bùi Thị Liên cũng nhàn hơn. “Trước đây công nhân đi làm đầy đủ, tôi thức dậy từ 4h sáng chuẩn bị nấu ăn, đi chợ. Bây giờ công nhân chỉ có 14 người, công việc nấu ăn sẽ nhàn hơn”, chị Bùi Thị Liên nói.
Căn biệt thự đang xây dở cho các công nhân thuê với giá thuê 8 triệu đồng/tháng. |
Công việc tồn đọng nhiều do dịch bệnh, công nhân đi làm lại ít, một người phải làm nhiều công việc. Có những hôm mọi người phải tăng ca làm việc để kịp tiến độ công trình. Mặc dù vất vả nhưng những công nhân ở đây ai cũng vui mừng khi có việc làm vào thời gian này.
Theo anh Đinh Văn Thắng chủ thầu xây dựng công trình ở phường Cổ Nhuế quận Bắc Từ Liêm Hà Nội chia sẻ: “Việc tuyển công nhân trong thời gian này rất khó khăn vì hầu hết họ về quê. Một số công nhân ở lại chưa được tiêm vắc xin nên không thể đi làm được. Những công nhân đi làm trong thời gian này sẽ phải tăng ca để kịp tiến độ công trình”.
Ngoài ra, để đảm bảo an toàn cho các công nhân trong công trình, theo anh Đinh Văn Thắng, công nhân phải được tiêm ít nhất 1 mũi vắc xin mới được vào làm. Trong thời gian này, công nhân luôn chấp hành thực hiện giãn cách, thực hiện 5K, bảo đảm tốt công tác phòng chống dịch bệnh trong suốt quá trình làm việc.
Nguồn: Báo xây dựng