Yên Bái: Khánh thành Di tích Lịch sử – Văn hóa đền, chùa Văn Phú

(Xây dựng) – Sáng 3/12, Ban Quản lý di tích xã Văn Phú, thành phố Yên Bái đã tổ chức khánh thành ngôi Tổ đường Di tích Lịch sử – Văn hóa cấp tỉnh đền, chùa Văn Phú trong không khí trang nghiêm, thấm tình đạo vị.

Yên Bái: Khánh thành Di tích Lịch sử - Văn hóa đền, chùa Văn Phú
Các đại biểu cắt băng khánh thành ngôi Tổ đường.

Tương truyền, vào đầu thế kỷ XIX, Văn Phú là vùng đất hoang sơ, chưa có người sinh sống. Khi đó có một số người ở Ao Lộc, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ đi buôn và rủ anh em lên sinh sống. Từ đây, vùng đất Văn Phú trở lên trù phú, dân làng ngày một đông, kinh tế, văn hóa, xã hội ngày càng phát triển, cùng với phong tục Tín ngưỡng thờ Mẫu, ước mong mang lại cho con người sức mạnh và niềm tin vào cuộc sống. Hàng năm, gia đình ông Nguyễn Kim Lạng, Nguyễn Đình Ích, Trần Văn Viễn về quê Phú Thọ xin chân nhang lên lập đền thờ Văn Phú thờ Mẫu Thượng Ngàn, Mẫu Thượng Thiên, Mẫu Thoải, Đức Thánh Trần – ngôi đền thờ Tứ phủ linh thiêng.

Nằm trong quần thể di tích cổ xưa còn có chùa Cây Thông tọa lạc tại thôn Văn Liên, xã Văn Phú. Năm 1971 – 1973, chùa Cây Thông chuyển lên thôn Tuy Lộc để lấy đất xây dựng trường Trung học cơ sở xã Văn Phú. Đến năm 2012, chùa Văn Phú (chùa Cây Thông trước đây) được xây dựng tại thôn Tuy Lộc, xã Văn Phú nằm bên cạnh đền Văn Phú và được công nhận là Di tích Lịch sử – Văn hóa cấp tỉnh theo Quyết định số 238/QĐ-UBND, ngày 17/12/2016 của UBND tỉnh Yên Bái.

Ngày 01/8/2017, Sư cô Thích Tâm Khánh, trú quán tại xóm Một, xã Thụy Sơn, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình phát nguyện về chùa Văn Phú hướng đạo cho bà con nhân dân tu học Phật Pháp và được đã bổ nhiệm là trụ trì.

Yên Bái: Khánh thành Di tích Lịch sử - Văn hóa đền, chùa Văn Phú
Bà con nhân dân và phật tử tham dự buổi lễ khánh thành.

Sau 5 năm thi công (từ ngày 9/10/2018), ngôi Tổ đường chùa Văn Phú được hoàn thiện, công trình gồm 2 tầng, có tổng diện tích là 600m2 được thiết kế theo phong cách hiện đại, kiến trúc hồi văn, tiền tầu, hậu bảy kẻ truyền; mái ngói theo truyền thống các chùa, hai bên là hai ông Nghê, ở giữa là chữ Trấn Thiên Phong, với ước mong bà con nhân dân giác ngộ đạo lý, soi sáng tinh anh, tài đức, trung chính, nhờ học đạo mà tạo nên những con người hiền đức, trung trí, lợi đạo ích đời, mang lại niềm an vui, hạnh phúc cho muôn thế hệ sau. Tổng chi phí xây dựng ngôi Tổ đường là 7.350.000.000 đồng. Nổi bật là các mạnh thường quân: Ông Lê Đức Hòa (phường Nguyễn Phúc, thành phố Yên Bái) công đức tiền nhân công và kết nối mạnh thường quân công đức số tiền 1.100.000.000 đồng; bà Bùi Thị Sửu (phường Yên Ninh, thành phố Yên Bái); ông Nguyễn Văn Quang (Thành phố Hà Nội); phật tử Nguyễn Tiến Quân (xã Văn Phú) cùng nhiều phật tử, mạnh thường quân, các thiện nam, tín nữ xa gần, bà con nhân dân trong xã, ngoài làng thành tâm công đức tinh thần, tinh tài và tịnh vật.

Với vị thế là Di tích Lịch sử – Văn hóa cấp tỉnh, chắc chắn rằng, cùng với các di tích đền Rối, chùa Am, đền Tuần Quán, đền Đông Cuông, Di tích đền, chùa Văn Phú sẽ là tụ điểm du lịch tâm linh, thu hút đông đảo bà con nhân dân và du khách gần xa, trong nước và ngoài nước đến tham quan, chiêm bái, cầu tài, lộc, sức khỏe, bình an và cầu cho quốc thái, dân an, mùa màng tốt tươi, con người khỏe mạnh.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích