Hoa kiểng đồng bằng sông Cửu Long nhộn nhịp vào vụ Tết
Thành phố Sa Đéc (tỉnh Đồng Tháp) vốn được mệnh danh là “thủ phủ hoa” ở ĐBSCL, niên tuổi nghề hơn 100 năm, nơi có diện tích hoa kiểng tại Làng hoa Sa Đéc khoảng 950 ha.
Hoa, kiểng ở Sa Đéc có hơn 2.000 chủng loại hoa kiểng khác nhau, đặc biệt hoa cúc mâm xôi, tập trung nhiều nhất là phường Tân Quy Đông và xã Tân Khánh Đông.
Hiện, Làng hoa Sa Đéc đã trồng hơn 100 ha hoa kiểng phục vụ tết Nguyên đán 2024 và Festival Hoa – Kiểng Sa Đéc lần thứ 1 năm 2023.
Nắm bắt nhu cầu thị trường, nông dân đã chọn những giống hoa phù hợp, được ưa chuộng, nhất là những loại hoa mới, hoa độc lạ để cung ứng cho thị trường Tết năm nay.
Chỉ tay về cánh đồng hoa, bà Hồ Thị Lớn, ngụ ấp Khánh Nghĩa, xã Tân Khánh Đông, thành phố Sa Đéc cho biết, gia đình bà có truyền thống trồng hoa kiểng hơn 20 năm nên rất nhiều kinh nghiệm từ kỹ thuật trồng cho đến thị trường tiêu thụ.
Theo bà Lớn, do khan hiếm về giống, so với năm trước thì năm nay gia đình xuống giống giảm khoảng 10%, chỉ trồng 1.500 chậu cúc mâm xôi hoa vàng phục vụ thị trường Tết.
Hiện, cây được khoảng 4 tháng tuổi và đang chờ thương lái đến đặt hàng. Với thời tiết thuận lợi như hiện nay thì cây sẽ ra hoa đúng vào dịp Tết.
Là thành viên của Hội quán Tôi yêu màu tím, anh Lê Thành Hiếu, ngụ xã Tân Khánh Đông, thành phố Sa Đéc cho biết thêm, thị trường Tết năm nay, gia đình anh sản xuất gần 20.000 chậu cúc mâm xôi.
Vật tư nông nghiệp năm nay tăng nhẹ về giá, để thích ứng, anh Hiếu đã chủ động lấy công làm lời, cắt giảm thuê nhân công nhằm giảm chi phí sản xuất.
Ông Trần Văn Tiếp, Chủ nhiệm Hội quán Tôi yêu màu tím (xã Tân Khánh Đông, thành phố Sa Đéc) chia sẻ, để phục vụ thị trường Tết và Festival Hoa – Kiểng Sa Đéc, 30 thành viên của hội quán đang khẩn trương tập trung chăm sóc tỉ mỉ, chu đáo, chọn thời điểm bón phân, ngắt cành, tưới nước… để hoa ra đều và đẹp.
Hội quán Tôi yêu màu tím, chủ yếu phục vụ hoa tết, chủ lực vẫn là cúc mâm xôi. Năm nay, hội quán chỉ cung ứng khoảng 150.000 chậu cúc mâm xôi, giảm gần một nửa so với năm 2023.
Lý giải về việc sản xuất hoa tết giảm, ông Tiếp cho rằng do ế ẩm hàng hoá sau 1 năm, hàng hoá chất chồng đã chiếm phần lớn diện tích đất để trữ hàng hóa bị tồn đọng, từ đó diện tích trồng bị giảm.
Mặt khác, thị trường lớn tiêu thụ các loại hoa ở Sa Đéc là Thành phố Hồ Chí Minh, tuy nhiên, thời gian gần đây do tình hình chung về kinh tế bị ảnh hưởng, các chung cư không bán được, nhiều công ty cắt giảm lao động, hoặc tạm ngừng hoạt động… đã kéo theo việc tiêu thụ hoa công trình bị chậm.
“Để phục vụ thị trường cuối năm và Festival Hoa – Kiểng Sa Đéc, Hội quán Tôi yêu màu tím dự kiến cung ứng 100.000 chậu các loại, như: sao nháy, thược dược, cẩm nhung, thạch thảo…
Ngoài ra, hội quán còn sản xuất 2 dòng lúa kiểng vào chậu, gồm: lúa kiểng lá tím bông xanh và lúa kiểng lá xanh bông tím. Do ý thức cao và nắm bắt cơ hội quảng bá thương hiệu cho hoa địa phương, khi tỉnh nhà tổ chức Festival Hoa – Kiểng, nông dân làng hoa Sa Đéc rất nhiệt tình hưởng ứng với kỳ vọng sản xuất hoa được mùa, trúng giá”, ông Tiếp chia sẻ.
Ông Trần Văn Tiếp đang chăm sóc lúa kiểng lá tím bông xanh và lúa kiểng lá xanh bông tím. (Ảnh: Trọng Nghĩa).
Tương tự, tại “vương quốc” hoa kiểng Chợ Lách (huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre), làng mai vàng Phước Định (huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long) vào thời điểm này nông dân trồng hoa kiểng đang tất bật chăm sóc cây, chuẩn bị cung ứng thị trường tết cho các tỉnh ĐBSCL, Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương,… với kỳ vọng được mùa giá cao.
Theo Người đưa tin
Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu