Tập trung nghiên cứu để đưa ra các tiêu chuẩn, quy chuẩn về an toàn thực phẩm trong chăn nuôi
Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Bộ NN&PTNT cho biết), trong tháng 9/2021, các địa phương đã tổ chức lấy 1.652 mẫu nông, lâm, thủy sản sau thu hoạch, phát hiện 50 mẫu vi phạm an toàn thực phẩm, chiếm 3,03%, giảm so với tháng 8/2021 (5,4%). Lũy kế 9 tháng, các địa phương lấy 25.149 mẫu, phát hiện 3.333 mẫu vi phạm an toàn thực phẩm, chiếm 13,25%.
Bên cạnh đó, trong tháng 9 toàn ngành đã thực hiện thẩm định trực tiếp hoặc trực tuyến 499 cơ sở; trong đó 483 cơ sở đáp ứng quy định an toàn thực phẩm, chiếm 96,79%. Như vậy trong 9 tháng, các đơn vị chức năng đã thẩm định 8.619 cơ sở sản xuất kinh doanh nông lâm thủy sản; trong đó 7.869 cơ sở đáp ứng quy định an toàn thực phẩm, chiếm 91,3%.
Trong 9 tháng, cơ quan chức năng đã thanh tra, kiểm tra 16.318 cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản, vật tư nông nghiệp. Qua đó, phát hiện và xử phạt vi phạm hành chính 1.389 cơ sở với tổng số tiền phạt trên 18 tỷ đồng.
Theo nhận định của Bộ NN&PTNT, vào dịp lễ cuối năm, nhu cầu về thực phẩm tăng cao trong khi chuỗi sản xuất, cung ứng đang bị đứt gãy sẽ tạo nên hiện tượng khan hiếm cục bộ. Bên cạnh đó, việc duy trì cũng như khôi phục sản xuất của doanh nghiệp hiện nay còn nhiều khó khăn liên quan đến lưu thông vật tư nông nghiệp, vấn đề sản xuất “3 tại chỗ” khi các địa phương áp dụng các biện pháp phòng dịch. Chính vì vậy, cần tập trung hướng dẫn các địa phương, doanh nghiệp khôi phục sản xuất kinh doanh đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm trong bối cảnh chung sống với dịch COVID-19.
Ảnh minh họa
Một số ý kiến chuyên gia cho rằng, để đáp ứng sản xuất trong tình hình mới cần tiếp tục duy trì các chương trình giám sát vệ sinh an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản theo phương thức trực tuyến. Căn cứ kết quả giám sát, kịp thời cảnh báo, xử lý hoặc tổ chức thanh tra đột xuất, xử lý vi phạm theo quy định.
Theo ông Dương Tất Thắng, Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), cần có hướng dẫn cụ thể đối với các doanh nghiệp để có thể vừa đáp ứng yêu cầu đảm bảo an toàn thực phẩm trong sản xuất vừa đảm bảo phòng, chống COVID-19.
“Từ nay đến cuối năm, chúng tôi sẽ tăng cường kiểm tra vật tư đầu vào của ngành chăn nuôi, tập trung vào thức ăn chăn nuôi đảm bảo các quy chuẩn về an toàn thực phẩm, không tồn dư kháng sinh và chất cấm. Như vậy sẽ đảm bảo các bước tiếp theo trong chuỗi thực phẩm an toàn. Chúng tôi cũng sẽ tập trung nghiên cứu theo hướng xuất phát từ thực tiễn để đưa ra các tiêu chuẩn, quy chuẩn phù hợp. Bằng cách này, người sản xuất sẽ dễ dàng thực hiện được các yêu cầu về quy trình kỹ thuật an toàn thực phẩm”, ông Thắng cho biết.
Cùng với đó, ngành nông nghiệp cũng đang chủ động đàm phán xử lý các rào cản kỹ thuật, mở rộng thị trường xuất khẩu sản phẩm nông, lâm, thủy sản của Việt Nam. Đồng thời tiến hành kiểm tra, xác minh, cung cấp thông tin chính xác cho người tiêu dùng, tránh để người dân thiếu thông tin dẫn đến hiểu lầm, hoang mang.
Cùng chia sẻ về vấn đề trên, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam nêu rõ, đảm bảo an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản phải theo chuỗi. “An toàn thực phẩm không thể cắt khúc mà phải theo chuỗi giá trị từ sản xuất cho đến sơ chế, chế biến, đóng gói đến người tiêu dùng. Vì vậy cần xây dựng các mô hình gắn với thực tiễn triển khai, sau đó sẽ tổng kết, vướng đến đâu tháo gõ khó khăn đến đó. Như vậy mới tạo điều kiện cho chuỗi giá trị phát triển. Nếu không xây dựng mô hình, không đổi mới, thay đổi nhận thức hành vi của người sản xuất thì cũng chỉ mang tính chất hình thức”, Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhấn mạnh.
Bảo Lâm