Nâng cao chất lượng sản phẩm thảo dược nhờ áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc

Tham dự hội thảo có đại diện Sở Khoa học và Công nghệ – ông Trịnh Đình Thể, Phó Chi cục trưởng Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng cùng gần 100 đại biểu đến từ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hợp tác xã, đại diện các đơn vị thụ hưởng nhiệm vụ do Sở Khoa học và Công nghệ triển khai.

Thực hiện Kế hoạch số 08/KH-UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình và Quyết định số 100/QĐ-TTg của Thủ tướng chính phủ về việc phê duyệt “Đề án Triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc”, Nghị quyết số 123/2021/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XV về hỗ trợ đăng ký bảo hộ, phát triển tài sản trí tuệ, triển khai hệ thống TXNG sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cho các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đến năm 2025, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Ninh Bình đã giao Trung tâm Mã số, mã vạch Quốc gia là cơ quan thực hiện chức năng phục vụ quản lý nhà nước về mã số, mã vạch và truy xuất nguồn gốc xây dựng Mô hình áp dụng Hệ thống truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm dược liệu nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp trên địa bàn Ninh Bình triển khai hệ thống truy xuất nguồn gốc theo tiêu chuẩn quốc gia, phù hợp tiêu chuẩn quốc tế.

Theo đại diện Trung tâm Mã số mã vạch Quốc gia, việc hỗ trợ thực hiện TXNG cho sản phẩm tiêu biểu của tỉnh với mục tiêu đảm bảo công khai, minh bạch thông tin quá trình sản xuất nhằm nâng cao giá trị, sức cạnh tranh của sản phẩm, đồng thời nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước, đảm bảo chất lượng và tính an toàn của sản phẩm, hàng hóa.

Chuyên gia Trung tâm MSMV Quốc gia chia sẻ thông tin về hệ thống TXNG NBC-TRACE

“Trong quá trình thực hiện triển khai, các HTX tham gia áp dụng TXNG đều được đào tạo, hướng dẫn sử dụng, theo dõi cập nhật dữ liệu, vận hành, kiểm tra, giám sát hệ thống TXNG NBC-TRACE. Nhân sự tham gia trực tiếp vào hoạt động TXNG của các HTX được đào tạo sử dụng hệ thống, cập nhật, theo dõi dữ liệu và sử dụng hệ thống TXNG NBC-TRACE tại từng HTX để có thể có năng lực trực tiếp thực hiện công việc liên quan.  

Theo đánh giá của các HTX thụ hưởng đều thấy rằng phần mềm được thiết kế phù hợp quy trình sản xuất từ khâu gieo trồng, thu hoạch, chế biến, đóng gói sản phẩm, phần mềm dễ tiếp cận và khai báo, cập nhật thông tin”, đại diện Trung tâm Mã số mã vạch Quốc gia cho biết.

   Ông Trịnh Đình Thể – Phó Chi cục trưởng Chi cục TCĐLCL (Sở KH&CN Ninh Bình).

Chia sẻ tại hội thảo, chị Đinh Thị Loan (HTX sản xuất Dược liệu Đông Sơn) cho biết, khi tham gia TXNG cho sản phẩm tinh dầu, các cán bộ HTX được đào tạo và thường xuyên được hỗ trợ trong quá trình triển khai. Đến thời điểm này có thể nói HTX đã tự sử dụng và áp dụng thực tế đối với sản phẩm để nâng cao tính minh bạch của sản phẩm, nâng cao tính cạnh tranh. Việc áp dụng tem TXNG và phần mềm NBC – TRACE có thể theo dõi toàn bộ quá trình sản xuất, giúp triệu hồi sản phẩm lỗi khi cần thiết.

Cùng với việc triển khai xây dựng hệ thống TXNG theo tiêu chuẩn cho các sản phẩm thảo dược của 3 HTX: HTX nông sản và dược liệu Yên Quang; HTX sản xuất Dược liệu Đông Sơn; HTX sản xuất và tiêu thụ dược liệu Yên Sơn thì việc quảng bá về mô hình cần được đẩy mạnh để nhân rộng các mô hình TXNG theo tiêu chuẩn trên địa bàn tỉnh nói riêng, cả nước nói chung.

Hội thảo cũng là dịp để trao đổi, chia sẻ và là cơ hội để các mô hình điểm đều có khả năng nhân rộng cho các đơn vị khác và được triển khai đạt hiệu quả như: Chuỗi cung ứng đáp ứng đầy đủ quy định pháp luật về hoạt động sản xuất, kinh doanh và các sản phẩm được sản xuất trên địa bàn tỉnh, thành phố; Sản phẩm được lựa chọn ưu tiên nằm trong nhóm sản phẩm chủ lực của địa phương; Việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm có sức ảnh hưởng lớn đến phong trào sản xuất nông nghiệp tại địa phương; Đơn vị sản xuất cũng đã đạt được chứng nhận theo các tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt, tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ và các chứng nhận hợp chuẩn hợp quy khác.

         Sản phẩm tinh dầu được dán tem TXNGz

Hiện, Trung tâm Mã số Mã vạch quốc gia cũng đang tham gia xây dựng hoàn thiện hành lang pháp lý cho hoạt động truy xuất nguồn gốc và chủ động phối hợp với đầu mối Sở Khoa học và Công nghệ các tỉnh, thành theo kế hoạch của Đề án 100 hướng đến mục tiêu đáp ứng quyền được sử dụng sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng, môi trường minh bạch cho doanh nghiệp và công cụ quản lý hiệu quả cho các cấp quản lý.

Cụ thể như: xây dựng sổ tay, tài liệu hướng dẫn truy xuất nguồn gốc; đào tạo, tập huấn, hướng dẫn áp dụng, quảng bá giới thiệu hoạt động truy xuất nguồn gốc cho các địa phương và doanh nghiệp; phối hợp xây dựng hệ thống quản lý thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa của tỉnh; hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trong việc xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm; xây dựng các mô hình điểm về truy xuất nguồn gốc cho các doanh nghiệp và sản phẩm chủ lực tại địa phương.

Hệ thống TXNG NBC-TRACE được áp dụng tại các doanh nghiệp bảo đảm nguyên tắc theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN 12850:2019:

Bảo đảm khả năng giám sát, nhận diện được công đoạn sản xuất, kinh doanh trước và công đoạn sản xuất, kinh doanh tiếp theo trong quá trình sản xuất, kinh doanh đối với một sản phẩm;

Các phần tử dữ liệu chính được thu thập, lưu trữ và cập nhật kịp thời trong các báo cáo thông tin chi tiết về các sự kiện quan trọng trong quá trình sản xuất và chuỗi cung ứng;

Đạt yêu cầu về tính minh bạch tối thiểu bằng cách sử dụng dữ liệu tĩnh về khách hàng, bên cung ứng, sản phẩm và các điều kiện sản xuất;

Có sự tham gia của đầy đủ các bên TXNG của tổ chức. Theo đó, đối tượng tham gia trong chuỗi cung ứng sản phẩm trước khi tới tay người tiêu dùng đều được ghi nhật ký để phục vụ đảm bảo dữ liệu liền mạch trong quá trình thực hiện TXNG.

 Hà Thủy

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích