Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 1/12/2023

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 1/12/2023

Tin tức môi trường mới nhất, nóng nhất hôm nay 1/12/2023. Cập nhật tin nhanh môi trường mới nhất hôm nay 1/12/2023 do Môi trường và Đô thị tổng hợp.

Lễ Tổng kết Chương trình truyền thông “Bảo vệ môi trường trên địa bàn TP Hà Nội năm 2023”

tm-img-alt
BTC phát động Chương trình truyền thông về Bảo vệ môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2024

Đến dự có Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Trọng Đông.

Đây là sự kiện truyền thông ghi dấu ấn quan trọng trong việc lan tỏa hành động về bảo vệ môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Qua tổng hợp của Ban Tổ chức, số lượng bài dự thi năm nay là 2.360 bài, gấp gần 5 lần so với năm 2022. Các bài dự thi tập trung vào 4 chủ đề chính: phản ánh và đề xuất các giải pháp phân loại, xử lý rác thải theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020; phản ánh cách làm hay, sáng kiến cải thiện môi trường và hành động đẹp của tổ chức, cá nhân trên địa bàn TP Hà Nội trong công tác bảo vệ môi trường; thực trạng và giải pháp đối với sông hồ, làng nghề, hệ thống thoát nước của Thủ đô; xây dựng phát triển đô thị xanh.

Phát biểu chỉ đạo tại buổi lễ, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Trọng Đông biểu dương và đánh giá cao sự cố gắng, nỗ lực của báo Kinh tế và Đô thị, các Sở, ngành, quận, huyện và đặc biệt là các chuyên gia, nhà báo, doanh nghiệp thời gian qua đã đồng hành cùng với báo Kinh tế và Đô thị thực hiện có hiệu quả chương trình truyền thông bảo vệ môi trường trên địa bàn Hà Nội.

Để chương trình ngày càng lan tỏa rộng rãi, tạo chuyển biến trong nhận thức của mỗi tổ chức, cá nhân và từ đó thêm nhiều hành động chung tay bảo vệ môi trường của Thủ đô, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đề nghị báo Kinh tế và Đô thị tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình truyền thông về bảo vệ môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2024 và các năm tiếp theo, nhằm góp phần vào công cuộc xây dựng Thủ đô sáng – xanh – sạch đẹp.

Diễn biến mưa rét Hà Nội những ngày tới

Chiều nay (1/12), không khí lạnh đã ảnh hưởng đến hầu hết phía Tây Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Ở Vịnh Bắc Bộ đã có gió Đông Bắc mạnh cấp 6, giật cấp 7.

Trong chiều tối và đêm 1/12, không khí lạnh tiếp tục ảnh hưởng đến các nơi khác ở phía Tây Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, sau đó ảnh hưởng đến Trung Trung Bộ. Gió Đông Bắc trong đất liền mạnh cấp 2-3, vùng ven biển cấp 3-4, giật cấp 6.

Do ảnh hưởng của không khí lạnh, Hà Nội hôm nay chuyển rét, nền nhiệt giảm sâu, trời có mưa nhỏ rải rác. Dự báo ngày mai (2/12), Hà Nội hết mưa, trời nhiều mây, âm u, nhiệt độ trong ngày dao động chỉ từ 18-21 độ.

Dự báo từ 3-7/12, Hà Nội duy trì thời tiết nhiều mây, không mưa, trời rét với nhiệt độ thấp nhất 19-20 độ, nhiệt độ cao nhất 24-25 độ.

Tại các khu vực khác của miền Bắc và Thanh Hóa trong đêm nay và ngày 2/12, nhiệt độ thấp nhất giảm xuống còn 15-18 độ, vùng núi từ 12-15 độ, vùng núi cao có nơi dưới 11 độ.

Trong đêm 2 và ngày 3/12, miền Bắc và Bắc Trung Bộ tiếp tục rét với nhiệt độ thấp nhất từ 17-19 độ, vùng núi từ 13-16 độ, vùng núi cao có nơi dưới 13 độ. Những ngày sau đó, miền Bắc và Bắc Trung Bộ trời rét nhưng nền nhiệt tăng dần.

Cũng do ảnh hưởng của không khí, hôm nay khu vực từ Nam Nghệ An đến Quảng Ngãi có mưa vừa, mưa to, cục bộ có mưa rất to.

tm-img-alt
Ngày mai (2/12), Hà Nội giảm mưa nhưng trời còn rét sâu.

Lượng mưa tính từ 19h ngày 30/11 đến 15h ngày 1/12 có nơi trên 140mm như Chợ Tràng (Nghệ An) 142.0mm, Đò Điệm (Hà Tĩnh) 292.8mm, Lệ Thủy (Quảng Bình) 163.4mm, Tà Long (Quảng Trị) 157.2mm, Đập Thủy điện Rào Trăng 4 (Thừa Thiên Huế) 149.2mm.

Dự báo từ chiều ngày 1/12 đến chiều tối ngày 3/12, ở Quảng Trị và khu vực từ Bình Định đến Khánh Hòa tiếp tục có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông với lượng mưa phổ biến 70-150mm, có nơi trên 200mm.

Khu vực từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Ngãi có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến 100-300mm, có nơi trên 350mm. Từ đêm 3/12, mưa lớn ở các khu vực trên giảm dần.

Ngoài ra, từ chiều ngày 1/12 đến 2/12, khu vực Hà Tĩnh, Quảng Bình có mưa vừa, cục bộ có mưa to với lượng mưa phổ biến 20-40mm, có nơi trên 70mm, phía Đông Tây Nguyên có mưa rào và dông, cục bộ có mưa to với lượng mưa từ 10-30mm, có nơi trên 50mm. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc sét, mưa đá và gió giật mạnh.

Hà Nội: Cấp phép môi trường cho Nhà máy điện rác lớn nhất Việt Nam

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Võ Tuấn Nhân vừa ký quyết định cấp phép cho Công ty cổ phần Năng lượng Môi trường Thiên Ý Hà Nội được thực hiện các hoạt động bảo vệ môi trường của Nhà máy điện rác Sóc Sơn địa chỉ tại Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn (xã Nam Sơn, huyện Sóc Sơn, Hà Nội).

Theo đó, công suất xử lý rác thải sinh hoạt là 4.000 tấn/ngày – đêm (gồm 5 lò đốt, công suất 800 tấn/ngày – đêm/lò đốt; lượng rác tiếp nhận 5.000 tấn rác/ngày – đêm; lượng rác đưa vào lò đốt 4.000 tấn rác/ngày – đêm). Công suất phát điện 90 MW (gồm 3 tổ máy).

Quy trình sản xuất được thực hiện như sau: Rác thải sinh hoạt Bể chứa rác Đảo trộn Lò đốt Lò hơi Tuabin hơi Máy phát điện Điện Hệ thống phân phối điện.

tm-img-alt

Nhà máy điện rác Sóc Sơn (Hà Nội)được xem là nhà máy điện rác lớn nhất Việt Nam và thứ hai thế giới, sau Nhà máy điện rác Thâm Quyến, Trung Quốc.

Công ty cổ phần Năng lượng Môi trường Thiên Ý Hà Nội có trách nhiệm vận hành thường xuyên, đúng quy trình các công trình xử lý chất thải bảo đảm chất thải sau xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường; có biện pháp giảm thiểu tiếng ồn, độ rung đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường; quản lý chất thải theo quy định và chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật khi có bất kỳ thông số nào trong nước thải sau xử lý không đạt yêu cầu trước khi thải ra môi trường và phải dừng ngay việc xả nước thải để khắc phục.

Bộ TN&MT giao Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội tổ chức kiểm tra việc thực hiện nội dung cấp phép, yêu cầu bảo vệ môi trường đối với Nhà máy điện rác Sóc Sơn.

Hội nghị khoa học quốc tế: Giảm lượng khí thải carbon góp phần bảo vệ môi trường bền vững

Ngày 30/11/2023, tại TP.Hồ Chí Minh, Hội nghị “VN business exchange” do Hiệp hội Doanh nghiệp Việt Nam-Singapore, kết hợp với các đối tác, gồm: Trung tâm Nghiên cứu, Đổi mới và Tư vấn (RICH), Hiệp hội Truyền thông Kỹ thuật số Việt Nam (VDCA) và Hiệp hội Công nghiệp Viễn thông Singapore (ATIS) tổ chức.

Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Nguyễn Văn Phước, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật TP.Hồ Chí Minh (LHH) cho biết: LHH được thành lập từ năm 1986, có nhiệm vụ tập hợp đội ngũ trí thức của thành phố để thực hiện nhiệm vụ tư vấn, phản biện các vấn đề trọng điểm của thành phố về mặt khoa học và phổ biến kiến thức khoa học đến các tầng lớp nhân dân.

Hiện nay, LHH đã có 46 hội thành viên với hơn 60.000 hội viên có trình độ chuyên môn cao, đa ngành, đa lãnh vực và 8 đơn vị trực thuộc, trong đó có RICH, là một đơn vị năng động và đã hoạt động rất hiệu quả trong các năm qua.

Theo Nghị quyết số 31-NQ/TW của Bộ Chính trị, mục tiêu đến năm 2030: TP.HCM trở thành thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình, năng động sáng tạo, có nguồn nhân lực chất lượng cao; là thành phố dịch vụ – công nghiệp hiện đại, đầu tàu về kinh tế số, xã hội số, trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, văn hoá, giáo dục, khoa học – công nghệ của cả nước, hội nhập quốc tế sâu rộng.

Do vậy, cùng với việc phát huy nội lực, tự lực tự cường, TP.Hồ Chí Minh cần thu hút đầu tư nước ngoài theo hướng ưu tiên các dự án công nghệ cao, quản trị hiện đại và có tác động lan tỏa, kết nối chặt chẽ với kinh tế trong nước; phát triển công nghiệp hỗ trợ kết nối doanh nghiệp Việt Nam với doanh nghiệp nước ngoài. Phát huy vai trò động lực, dẫn dắt của đầu tư công, kết hợp nguồn vốn từ khu vực tư nhân, đầu tư nước ngoài, các nhà tài trợ và tổ chức tài chính quốc tế.

Như vậy, những chủ đề về hệ sinh thái dịch vụ kinh doanh VN-Singapore; chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh và phát triển bền vững là các vấn đề rất thời sự và phù hợp với mục tiêu phát triển của TP. Hồ Chí Minh. Ông Nguyễn Văn Phước, Chủ tịch LHH, khẳng định “Với vai trò của LHH thông qua Trung tâm RICH có chức năng kết nối Khoa học công nghệ – Doanh nghiệp – chính quyền chúng tôi luôn sẵn sàng tạo điều kiện để sự hợp tác kinh doanh VN-Singapore thành công”. 

tm-img-alt

Các đại biểu dự Hội thảo

Phát biểu tại hội thảo, bà Betty Pallard- CEO LinkPower, đề cập tầm quan trọng của hoạt động kinh doanh có trách nhiệm và bền vững. Hiện nay, nhiều Công ty đang tích cực giảm lượng khí thải carbon bằng cách triển khai các công nghệ tiết kiệm năng lượng; sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo và tối ưu hoá chuỗi cung ứng. Do đó, việc theo dõi và giảm thiểu lượng khí thải  từ các hoạt động vận hành, vận chuyển và sản xuất.

Vì vậy, các Công ty ngày càng xem xét kỹ lưỡng chuỗi cung ứng, để đảm bảo việc sản xuất và tìm nguồn cung ứng nguyên liệu có trách nhiệm với môi trường. Việc giảm lượng khí thải carbon không chỉ góp phần vào sự bền vững môi trường mà còn trở thành một hoạt động kinh doanh sinh lợi. Trong khi đó, Việt Nam có tiềm năng trong việc tạo ra tín chỉ carbon, đặc biệt là trong lĩnh vực lâm nghiệp và nông nghiệp…

Văn Chấn (Yên Bái): Chủ động giữ rừng trong mùa khô hanh

tm-img-alt
Diện tích rừng phòng hộ của xã Suối Quyền được quản lý, bảo vệ tốt nên không có tình trạng chặt phá, đốt rừng làm nương rẫy.

Xã Suối Quyền có trên 1.144 ha rừng phòng hộ và trên 2.013 ha rừng tự nhiên sản xuất, rừng trồng sản xuất; trong đó, có khoảng trên 511 ha rừng có nguy cơ xảy ra cháy cao. Các thôn có nhiều diện tích rừng dễ cháy gồm các thôn: Suối Quyền, Suối Bắc, Thẳm Có; bởi vậy, công tác quản lý bảo vệ rừng (BVR) PCCCR, nhất là trong mùa khô hanh luôn được cấp ủy, chính quyền xã đặc biệt quan tâm.

Ông Đặng Kim Lý – Chủ tịch UBND xã Suối Quyền cho biết: “Ngay từ đầu tháng 10/2023, UBND xã kiện toàn Ban Chỉ đạo Chương trình Phát triển lâm nghiệp bền vững của xã với 24 thành viên; kiện toàn 5 ban BVR, PCCCR; đồng thời, tổ chức tuyên truyền, học tập, ký cam kết về BVR, PCCCR tại 5 thôn cho tất cả người dân, chủ rừng. Cùng đó, Ban Chỉ đạo của xã thường xuyên kiểm tra khu vực trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng nhằm phát hiện kịp thời các vi phạm về PCCCR để kịp thời xử lý, ngăn chặn”.

Cùng đó, xã tổ chức phân trực chỉ huy tại trụ sở UBND xã nhằm nắm bắt thông tin diễn biến thời tiết và chỉ đạo các tổ tuần tra kiểm tra rừng; phối hợp cùng các ban, ngành, đoàn thể xã tổ chức tuyên truyền các văn bản pháp quy trong quản lý, BVR, PCCCR; phối hợp cùng các xã giáp ranh tuần tra, kiểm tra chặt chẽ các khu vực rừng giáp ranh; thực hiện nghiêm phương châm chỉ đạo “Phòng là chính, chữa cháy phải kịp thời” và phương châm “4 tại chỗ”; phân lịch trực 24/24 giờ trong những ngày cao điểm có nguy cơ cháy rừng cao.

Huyện Văn Chấn có trên 66.400 ha rừng; trong đó, diện tích rừng tự nhiên trên 42.000 ha; diện tích rừng trồng trên 24.300 ha phân bố trên địa bàn 24 xã, thị trấn.

Là huyện nằm trong vùng trọng điểm cháy rừng của tỉnh, hiện trên địa bàn huyện có 22,35 nghìn héc – ta rừng có nguy cơ xảy ra cháy cao. Các xã có nhiều diện tích rừng dễ cháy ở 14 xã: Bình Thuận, Cát Thịnh, Chấn Thịnh, Thượng Bằng La, Nghĩa Tâm, Sơn Lương, Nậm Búng, Sùng Đô, Nậm Mười, Nậm Lành, Suối Bu, Suối Giàng, Suối Quyền, Nghĩa Sơn.

Để bảo vệ tốt diện tích rừng, bước vào mùa khô hanh năm 2023, Hạt Kiểm lâm huyện Văn Chấn tham mưu giúp UBND huyện ban hành Chỉ thị số 09/CT-UBND ngày 15/9/2023 về việc tăng cường các biện pháp BVR, PCCCR mùa khô; kiện toàn lại 28 ban chỉ đạo Chương trình Phát triển lâm nghiệp bền vững; điều chỉnh, bổ sung phương án, kế hoạch PCCCR cấp xã và của các chủ rừng là tổ chức, hộ gia đình cá nhân, cộng đồng dân cư.

Trong đó, đã chú trọng rà soát, xác định vị trí các vùng trọng điểm cháy rừng tại 14 xã với diện tích 22,35 nghìn héc – ta rừng tập trung; củng cố lực lượng và duy trì hoạt động của 213 tổ đội xung kích chữa cháy rừng gồm 2.408 người ở các thôn, tổ dân phố; 14 tổ đội với 104 người tham gia thuộc các đơn vị chủ rừng; thực hiện ký cam kết BVR, PCCCR tới 27.457 hộ; cấp phát 3.500 bản cam kết, 2.000 tờ tuyên truyền BVR, PCCCR.

Tổ chức thực hiện diễn tập ứng phó cháy rừng tại thôn Ngã Ba, xã Sùng Đô vào ngày 11/10/2023 để nâng cao nhận thức cho người dân về công tác PCCCR; sửa chữa 4 tường tin tuyên truyền, 2 biển cấp dự báo cháy rừng; sơn sửa 25 biển báo khu rừng cấm lửa; tiếp nhận, cấp phát các trang thiết bị phục vụ công tác BVR, PCCCR.

Phối hợp với Trung tâm Truyền thông và Văn hóa huyện xây dựng chương trình tuyên truyền trên hệ thống phát thanh, truyền hình và cảnh báo nguy cơ cháy rừng trong thời gian cao điểm; theo dõi chặt chẽ các yếu tố thời tiết để dự báo, phát các bản tin cảnh báo nguy cơ xảy ra cháy rừng trong những ngày nắng hanh để mọi người nâng cao cảnh giác PCCCR; phối hợp với Ban Tuyên giáo Huyện ủy đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các văn bản, chính sách, pháp luật của Nhà nước về BVR, PCCCR. Cùng đó, công tác thanh tra, xử lý các hành vi vi phạm lâm luật cũng được đơn vị chú trọng.

Theo đó, từ đầu năm 2023 đến nay, Hạt Kiểm lâm huyện xử lý 29 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp về các hành vi xâm lấn rừng, chặt phá, đốt nương, vận chuyển lâm sản trái phép; qua đó, xử phạt hành chính nộp ngân sách Nhà nước gần 140 triệu đồng.

Ông Vũ Đình Trường – Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Văn Chấn cho biết: “Cùng với việc chỉ đạo các tổ BVR ở các thôn thực hiện nghiêm túc giờ trực, ca trực theo từng cấp dự báo cháy. Đơn vị cũng tăng cường lực lượng kiểm tra, tuần tra các khu vực có nguy cơ xảy ra cháy cao để cảnh báo người dân; phân công lực lượng trực PCCCR liên tục 24/24 giờ trong ngày để nắm vững diễn biến tình hình cháy rừng ở từng địa phương; tổ chức huấn luyện nghiệp vụ, kỹ năng PCCCR cho các chủ rừng và lực lượng tham gia chữa cháy rừng ở địa bàn các xã trọng điểm; kiểm tra, xử lý nghiêm những trường hợp phát nương, làm rẫy vào diện tích rừng tự nhiên; qua đó, góp phần giữ vững tỷ lệ độ che phủ rừng toàn huyện đạt gần 59%”.

Các nước Tiểu vùng sông Mê Kông hợp tác kiểm soát khói mù xuyên biên giới

Ngày 30/11, tại thành phố Nha Trang, Ủy ban Nhân dân tỉnh Khánh Hòa phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cùng các bên liên quan tổ chức Hội nghị cấp Bộ trưởng Các nước Tiểu vùng Sông Mê Kông thực hiện Hiệp định ASEAN về Ô nhiễm Khói mù Xuyên Biên giới lần thứ 12.

Hội nghị có sự tham dự của lãnh đạo cấp Bộ năm nước Tiểu vùng Sông Mê Kông gồm: Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam. Hội nghị còn có sự tham dự của Phó Tổng Thư ký ASEAN về Văn hóa, Xã hội Ekkaphab Phanthavong và ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Khánh Hòa.

Đây là dịp để các đại biểu chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm, thảo luận những giải pháp, đưa ra những quyết định quan trọng có liên quan đến các vấn đề về quản lý cháy rừng, cháy đất than bùn, quản lý và kiểm soát ô nhiễm khói bụi của các nước Tiểu vùng Sông Mê Kông nói riêng và cộng đồng ASEAN nói chung, hướng tới một ASEAN không khói mù.

Khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Quốc Trị khẳng định Việt Nam cam kết dành mọi nguồn lực cần thiết để thực hiện tốt những hoạt động về quản lý rừng bền vững, bảo vệ và phát triển tài nguyên rừng, trong đó công tác phòng cháy, chữa cháy rừng luôn được quan tâm hàng đầu.

tm-img-alt
Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh: Thái Thịnh

Việt Nam kêu gọi sự hợp tác toàn diện của các nước Tiểu vùng Sông Mê Kông, sự chung tay của các nhà tài trợ và các tổ chức quốc tế để cùng nhau hành động vì một cộng đồng ASEAN luôn có môi trường trong sạch, phát triển bền vững.

Ông Bùi Chính Nghĩa, Cục trưởng Cục Kiểm lâm-Trưởng nhóm Kỹ thuật đã trình bày các báo cáo kế hoạch Hành động Quốc gia về Kiểm soát Ô nhiễm Khói mù trong Mùa Khô; cập nhật về tình hình thực hiện Kế hoạch ChiangRai 2017; Mục tiêu, các chỉ số về kiểm soát cháy và khói mù các nước Tiểu vùng Sông Mê Kông; Hợp tác về quản lý kiểm soát cháy và khói mù giữa các nước và báo cáo tiến độ về hợp tác với các cơ quan đối tác quốc tế.

Hội nghị đã ghi nhận các đánh giá, dự báo của Trung tâm Khí tượng ASEAN (ASMC) về tình hình thời tiết và tình trạng khói mù năm 2023 với các nước Tiểu vùng Sông Mê Kông.

Theo dự báo của ASMC, tình trạng nắng nóng có thể sẽ kéo dài trong thời gian tới, nhiệt độ có thể cao hơn mức bình thường. Do vậy, các quốc gia cần tiếp tục giám sát thận trọng và có các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn tức thời để giảm thiểu cháy rừng, cháy đất cũng như tình trạng khói mù xuyên biên giới trong suốt mùa khô.

Hội nghị đã thảo luận và chia sẻ các sáng kiến trong giảm thiểu cháy rừng, cháy đất và kiểm soát ô nhiễm khói mù trong mùa khô; đánh giá cao các nỗ lực không ngừng nghỉ của các nước Tiểu vùng Sông Mê Kông trong việc thực hiện, cập nhật các kế hoạch hành động quốc gia về phòng chống, kiểm soát, cảnh báo sớm cháy rừng.

Hội nghị ghi nhận tích cực sự hợp tác song phương giữa các quốc gia Tiểu vùng Sông Mê Kông và hướng đến sự hợp tác hơn nữa trong tương lai.

Hội nghị nhấn mạnh tầm quan trọng của chương trình định hướng hành động và tại hiện trường, cũng như vai trò của cộng đồng địa phương trong việc phòng chống, kiểm soát, giảm thiểu và xử lý ô nhiễm khói mù xuyên biên giới.

Hội nghị đưa ra lộ trình thứ hai về hợp tác ASEAN hướng tới kiểm soát ô nhiễm khói mù xuyên biên giới và các biện pháp thực hiện và Chiến lược Quản lý Đất Than Bùn ASEAN lần thứ hai, Khung Đầu tư ASEAN để Quản lý Đất Bền vững Không Khói mù.

Các đại biểu tham dự Hội nghị đã thỏa thuận thành lập Trung tâm Điều phối ASEAN về Kiểm soát Ô nhiễm Khói mù Xuyên Biên giới và kỳ vọng Trung tâm sẽ vận hành có hiệu quả.

Các đại biểu mong muốn có đánh giá giữa kỳ thực hiện lộ trình để kiểm tra tiến độ và duy trì động lực đảm bảo đạt được mục tiêu ASEAN không khói mù vào năm 2030.

Hội nghị đánh giá tích cực tiến độ thực hiện Chiến lược ASEAN về Quản lý Đất bùn và hỗ trợ đánh giá lần thứ hai Chiến lược Quản lý Đất Than Bùn nhằm đảm bảo các sáng kiến vẫn phù hợp với mục tiêu tổng thể và mục tiêu chung của Chiến lược, đáp ứng các ưu tiên và vấn đề nổi cộm.

Tại Hội nghị, các Bộ trưởng nhấn mạnh ASEAN cần thực hiện những nghiên cứu toàn diện hơn để nâng cao hiểu biết sâu về ô nhiễm khói mù xuyên biên giới.

Về bối cảnh tổ chức Hội nghị cấp Bộ trưởng các nước Tiểu vùng Sông Mê Kông và nội dung của Hội nghị lần thứ 12 lần này, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Quốc Trị cho biết: Biến đổi khí hậu dẫn đến lượng mưa ít hơn ở Đông Nam Á, nắng nóng khốc liệt, kéo dài hơn trong những năm gần đây, đồng thời làm tăng sự lan rộng của các đám cháy tự nhiên hoặc do nông dân đốt cỏ để dọn đất trồng dầu cọ, cao su ở các nước. Đông Nam Á đã từng trải qua tình trạng khói mù nghiêm trọng xuyên biên giới vào năm 2015.

Ngoài ra, phát triển kinh tế-xã hội cùng với việc người dân khu vực gần rừng còn khó khăn dẫn đến tình trạng đốt rừng, đồng cỏ để trồng cây cọ ở một số nước ở Đông Nam Á.

Những năm gần đây, hàng loạt đám cháy rừng tại Indonesia đã khiến lượng lớn khói bụi phủ khắp Malaysia, Singapore, thậm chí ảnh hưởng đến cả chất lượng không khí ở Việt Nam.

Hội nghị cấp Bộ trưởng các nước Tiểu vùng Sông Mê Kông thực hiện Hiệp định về Ô nhiễm Khói mù Xuyên Biên giới là hoạt động định kỳ tổ chức hàng năm trong khuôn khổ thực hiện Hiệp định ASEAN về Kiểm soát Ô nhiễm Khói mù Xuyên Biên giới được tổ chức luân phiên tại các quốc gia thành viên thuộc Tiểu vùng Sông Mê Kông.

Hội nghị tập trung vào các mục tiêu chính gồm: Đánh giá tình hình thực hiện các thỏa thuận hợp tác về kiểm soát ô nhiễm khói mù xuyên biên giới trong khu vực; thảo luận về các nội dung hợp tác mới; đồng thời kiến nghị và đề xuất các giải pháp nhằm thúc đẩy các hoạt động hợp tác trong khu vực Sông Mê Kông trong thời gian tiếp theo.

Hội nghị lần thứ 13 cấp Bộ trưởng Các nước Tiểu vùng Sông Mê Kông tham gia Hiệp định ASEAN về Ô nhiễm Khói mù Xuyên Biên giới sẽ được tổ chức tại Campuchia vào năm 2024.

Hội nghị COP28 đạt được bước tiến quan trọng về tài chính khí hậu

Ngày 30/11, Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 28 Các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc (LHQ) về biến đổi khí hậu (COP28) đã khai mạc tại Dubai (Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất – UAE). 

Với chủ đề “Gắn kết-hành động-hiệu quả,” hội nghị COP28 đã khai mạc ngày 30/11 và dự kiến kéo dài đến ngày 12/12. Đây là cơ hội quan trọng để các chính phủ thúc đẩy hành động về biến đổi khí hậu.

Dự kiến, khoảng 70.000 người, trong đó có hơn 160 nguyên thủ quốc gia và người đứng đầu chính phủ, cùng lãnh đạo các doanh nghiệp, tổ chức xã hội, môi trường, giới khoa học cũng như thanh niên từ khắp nơi trên thế giới tham gia sự kiện này. Đây là con số kỷ lục so với mọi kỳ COP trước đây.

tm-img-alt
Chủ tịch Hội nghị lần thứ 28 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP28) Sultan al-Jaber phát biểu tại lễ khai mạc hội nghị COP28 ở Dubai, UAE, ngày 30/11/2023. (Ảnh: AFP)

Ngay trong ngày đầu hội nghị, COP 28 đã chứng kiến một bước tiến quan trong việc huy động tài chính cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Đây vốn được xem là nội dung phức tạp nhất nhưng cũng quan trọng nhất trong tất cả các cuộc đàm phán về biến đổi khí hậu.

Hội nghị COP28 đã đạt được bước đột phá ngay trong ngày đầu tiên, sau khi các quốc gia nhất trí đưa vào vận hành Quỹ Tổn thất và Thiệt hại.

Quỹ Tổn thất và Thiệt hại được thống nhất thành lập vào năm 2022 để các nước phát triển tài trợ cho những nước kém phát triển hơn nhằm giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, chỉ tới COP28 với quyết định mới nhất được thông qua, Quỹ Tổn thất và Thiệt hại mới có thể chính thức đi vào hoạt động. Hiện nước chủ nhà Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất đã cam kết tài trợ 100 triệu USD cho quỹ. Đức cũng cam kết tài trợ 100 triệu USD, Anh hơn 75 triệu USD. Trong khi đó, Mỹ và Nhật Bản lần lượt cam kết tài trợ gần 20 triệu USD và 10 triệu USD. Theo thỏa thuận, quỹ sẽ tạm thời được đặt tại Ngân hàng Thế giới (WB).

Chủ tịch COP28, Giám đốc điều hành (CEO) Tập đoàn dầu khí quốc gia ADNOC của UAE, ông Sultan al-Jaber tuyên bố: “Hôm nay là ngày lịch sử…Sự kiện hôm nay gửi đi dấu hiệu tích cực cho thế giới.” Bước tiến trong vấn đề phức tạp như tài chính khí hậu càng được kỳ vọng sẽ tạo đà cho cuộc đàm phán về biến đổi khí hậu trong những ngày tới đây.

Ông Jaber cho biết đây là lần đầu tiên một quyết định được thông qua ngay trong ngày họp đầu tiên của hội nghị COP và với tốc độ nhanh chưa từng thấy, mang tính lịch sử. Ông nhấn mạnh: “Đây là bằng chứng cho thấy chúng ta có thể thực hiện cam kết. COP28 có thể và sẽ thực hiện cam kết.”

Hai tuần đàm phán sẽ khởi động bằng Hội nghị thượng đỉnh Hành động khí hậu thế giới, diễn ra trong các ngày 1-2/12. Sự kiện này được xem là nền tảng đưa ra các tuyên bố quan trọng và tạo động lực cho các hội nghị còn lại của COP28.

T.Anh (T/h)

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích