Khu vực Châu Á Thái Bình Dương phải hứng chịu thiên tai cao nhất
Khu vực Châu Á Thái Bình Dương phải hứng chịu thiên tai cao nhất
Khu vực Châu Á Thái Bình Dương phải hứng chịu số lượng thiên tai cao nhất so với bất kỳ khu vực nào trên thế giới trong giai đoạn 2020-2021.
Chỉ tính riêng năm 2022, hơn 22 triệu người ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương đã phải thay đổi chỗ ở trong khu vực do thảm họa biến đổi khí hậu gây ra.
Châu Á – Thái Bình Dương là một khu vực rộng lớn, dân số chiếm 59% dân số thế giới, tốc độ tăng trưởng nhanh tuy nhiên lại là khu vực bị ảnh hưởng nặng nề bởi thiên tai, thảm họa và dịch bệnh. Những cơn bão và lũ lụt quy mô lớn, hạn hán, động đất, sóng thần và núi lửa phun trào liên tục khiến hàng triệu người phải di tản mỗi năm trên khắp khu vực rộng lớn là nơi sinh sống của hàng tỷ người này.
Bên cạnh đó, khu vực này cũng phải đối diện với tình trạng ô nhiễm môi trường, số lượng rác thải gia tăng chóng mặt. Thói quen sử dụng túi ni lông, đồ dùng nhựa cùng với những hạn chế trong khâu tái chế, xử lý rác thải nhựa tạo ra “gánh nặng” ngày càng lớn đến kinh tế, môi trường cũng như sức khỏe của con người. Theo Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (WWF) công bố báo cáo về thực trạng rác thải nhựa đại dương được tổng hợp từ hơn 2.000 công trình nghiên cứu, rác thải nhựa đã xuất hiện ở những vùng xa xôi nhất và những vùng nguyên sinh của trái đất như vùng băng Bắc Cực. Cũng theo báo cáo này, mỗi năm có khoảng từ 19 đến 23 triệu tấn rác thải nhựa đổ ra biển, trong đó phần lớn là sản phẩm nhựa dùng 1 lần. Rác này chiếm tới 60% nguyên nhân gây ô nhiễm đại dương.
Chính vì vậy, Hội nghị Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế khu vực Châu Á – Thái Bình Dương lần thứ 11 (AP-11) được tổ chức với chủ đề “Châu Á – Thái Bình Dương: Sẵn sàng trước thảm hoạ” thực sự là cơ hội vô cùng cần thiết và quan trọng để các quốc gia cùng ngồi lại, đưa ra những giải pháp, những cách thức nhằm giảm thiểu sự ảnh hưởng của thiên tai, thảm hoạ, tác động của rác thải nhựa nhằm truyền cảm hứng, học hỏi lẫn nhau vào thời điểm thế giới đang phải đối mặt với tình trạng ngày một gia tăng những thiên tai và nghịch cảnh.
Ông Francesco Rocca – Chủ tịch Hiệp Hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế cho biết, trung bình mỗi ngày có 1,5 thảm hoạ, mức độ thảm khốc của thảm hoạ ngày càng tăng lên, đặc biệt là ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Chúng ta có nhiều trường hợp khẩn cấp phải ứng phó ngay lập tức. Đặc biệt hiện nay mặc dù có nhiều nỗ lực đang được tiến hành nhưng thực sự còn đó rất nhiều vấn đề ảnh hưởng, khiến những nỗ lực ấy bị chậm lại. Vậy chúng ta phải cần phải tăng tốc hành động nhiều hơn nữa, cần đầu tư cho đối phó thảm hoạ. Cần có tầm nhìn rộng để dự đoán các vấn đề trong dài hạn, cũng như dự đoán về những thảm hoạ có thể xảy ra đối với các quốc gia.
Chỉ tính riêng năm 2022, hơn 22 triệu người ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương đã phải thay đổi chỗ ở trong khu vực do thảm họa biến đổi khí hậu gây ra.
Bà Bùi Thị Hoà – Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã có những chia sẻ về việc lựa chọn chủ đề cho Hội nghị AP-11: “Khi Hội Chữ thập đỏ Việt Nam chọn chủ đề “Châu Á -Thái Bình Dương: Sẵn sàng trước thảm hoạ” đã nhận được sự đồng tình rất cao. Bởi vấn đề môi trường đang là vấn đề nhận được sự quan tâm của tất cả các Hội quốc gia. Chúng tôi không chỉ hướng tới việc ứng phó, phục hồi, tái thiết sau thiên tai, thảm hoạ mà chúng tôi mong muốn thực hiện phương châm của Việt Nam là đi trước, chuẩn bị trước.
Sự chuẩn bị này được thể hiện ở chỗ chúng ta thấu hiểu được thiên nhiên, để thích ứng với sự thay đổi, bằng sự chủ động của các tổ chức, chủ động về nhận thức, nhất là khi có vấn đề xảy ra chúng ta đã có thể dự báo, có kế hoạch sẵn sàng. Đồng thời mọi lực lượng từ các cấp độ đều có thể vào cuộc trong phòng chống, ứng phó và tái thiết sau thiên tai thảm hoạ. Phải có cơ chế để khi cần thiết không chỉ Hội Chữ thập đỏ mà hệ thống các lực lượng trong xã hội cùng tham gia, không chỉ ở trung ương mà còn ở địa phương và cả ở những địa bàn khi xảy ra thiên tai, thảm hoạ đều phải có lực lương ứng phó kịp thời”.
“Sẵn sàng ở đây còn thể hiện một tâm thế luôn luôn chủ động, không phải chỉ ở một quốc gia mà còn thể hiện ở trong khu vực. Bởi thiên tai thảm hoạ không trừ bất cứ địa bàn địa lý nào mà phải liên kết cả hệ thống để thích ứng. Chúng tôi kêu gọi sự liên kết của cộng đồng trong khu vực, của Hiệp Hội và đó là ý nghĩa của chủ đề Hội nghị lần này”, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam cho biết.
Đồng thời, Hội nghị lần này còn là dịp để các Hội quốc gia khu vực Châu Á – Thái Bình Dương cũng nhìn lại 4 năm thực hiện Tuyên bố Manila năm 2018, tổng kết những kết quả đã đạt được và còn những cam kết nào chưa thực hiện được để từ đó sẵn sàng và chuẩn bị cho Tuyên bố Hà Nội sắp tới. Hội nghị được triển khai với tinh thần trung thực, cam kết mạnh mẽ hơn, cần đi xa hơn nhằm hoàn thiện 100% cam kết đã đưa ra tại Hội nghị Manila cũng như Hội nghị lần này.
Trong phiên thảo luận tại Hội nghị, đại diện của Hội Chữ thập đỏ Philippines đã tiến hành báo cáo về việc thực hiện 2 đánh giá năm 2021 (giữa kỳ) và tháng 4/2023 (đánh giá cuối kỳ) nhằm đánh giá tiến độ của các cam kết trong Tuyên bố Manila thông qua các phương pháp: thu thập thông qua khảo sát trực tuyến; thông qua hệ thống báo cáo FDRS để tổng hợp số liệu đã nhận được từ các Hội Chữ thập đỏ các quốc gia; phỏng vấn các bên liên quan; thực hiện nghiên cứu 5 trường hợp điển hình.
Đại diện Hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ của hơn 60 quốc gia cũng đã cùng chia sẻ kinh nghiệm ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa; nhận diện những thách thức, cơ hội và tìm giải pháp nâng cao hiệu quả bảo vệ cho nhóm dân cư dễ bị tổn thương.
Nêu ý kiến tại Hội nghị AP-11, ông Lê Công Thành – Thứ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường khẳng định để nâng cao khả năng chống chịu và thích ứng với biến đổi khí hậu một cách chủ động và hiệu quả, cần sự chung tay các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị – xã hội và các tổ chức Quốc tế, trong đó có các Hội chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế, Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế.
Thứ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường nhấn mạnh các Hội quốc gia cần tích cực tham gia xây dựng, phản biện các chính sách, pháp luật về ứng phó với biến đổi khí hậy và phòng chống thiên tai. Thứ hai, cần đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến kiến thức, hướng dẫn kỹ năng cho người dân về ứng phó biến đổi khí hậu, phòng ngừa, ứng phó thiên tai. Thứ ba, chủ động phòng chống thiên tai và ứng phó biến đổi khí hậu, đồng thời hỗ trợ nhân đạo, khắc phục hậu quả của các thảm họa tự nhiên một cách kịp thời và hiệu quả.
Tham gia vào phiên thảo luận, đánh giá những tác động của biến đổi khí hậu, những hậu quả mà thảm hoạ gây ra cho con người, ông Jagan Chapagain – Tổng thư ký Hiệp hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ chia sẻ: “Báo cáo Thảm họa Thế giới của chúng tôi cho thấy khu vực Châu Á Thái Bình Dương phải hứng chịu số lượng thiên tai cao nhất so với bất kỳ khu vực nào trên thế giới trong giai đoạn 2020-2021, trong khi khu vực Trung Đông và Bắc Phi lại ngày càng dễ bị tổn thương hơn trước các hiểm họa thiên nhiên như lũ lụt, sóng nhiệt và hạn hán. Chỉ tính riêng năm 2022, hơn 22 triệu người ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương đã phải thay đổi chỗ ở trong khu vực do thảm họa biến đổi khí hậu gây ra.
Các quốc gia như Trung Quốc, Ấn Độ, Philippines, Afghanistan, Bangladesh và Iraq cũng bị ảnh hưởng nặng nề, với hơn 100 triệu người chịu tác động bởi thảm họa. Trong số các quốc gia có tỷ lệ dân số bị ảnh hưởng trên đầu người cao nhất, thì khu vực nổi bật là các Quốc đảo Thái Bình Dương”.
Ông Jagan Chapagain nhấn mạnh cuộc khủng hoảng khí hậu không chỉ đe dọa tính mạng và sinh kế mà còn gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe cộng đồng. Đây là ưu tiên chiến lược hàng đầu trong các chương trình nghị sự toàn cầu, đặc biệt là với Hội nghị lần thứ 28 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP28) sắp tới.
Kết thúc bài trình bày của mình tại Hội nghị, Tổng thư ký Hiệp Hội đã trích câu tục ngữ “Lá lành đùm lá rách của Việt Nam” để biểu thị cho sự đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau. Hãy lấy cảm hứng từ tinh thần này khi chúng ta cùng nhau làm việc để xoa dịu nỗi đau của những người đang cần giúp đỡ.
Nhiệm vụ của chúng ta với tư cách là những nhà nhân đạo là phải có cái nhìn vượt xa cả những con số, đồng thời tập trung vào các cá nhân và cộng đồng kiến tạo nên phần năng động và đầy màu sắc này của thế giới. Bất kể xuất thân, giới tính, tuổi tác, dân tộc hay khuynh hướng tính dục, con người và cộng đồng đều có những nhu cầu nhân đạo riêng và chúng ta phải cố gắng giải quyết những nhu cầu đó bất kể nó phức tạp đến đâu.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị