Chuyển biến nhận thức doanh nghiệp thông qua chương trình thúc đẩy năng suất địa phương

Chia sẻ về “Năng suất lao động cấp địa phương – thực trạng và một số vấn đề đặt ra” tại hội thảo Triển khai chương trình quốc gia về tăng năng suất lao động dến năm 2030 do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức, bà Nguyễn Thị Lê Hoa – Chuyên gia Viện Năng suất Việt Nam cho biết, chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 2021-2030 là tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) bình quân khoảng 7%/năm; GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đến năm 2030 đạt khoảng 7.500 USD. Đóng góp của năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng đạt 50%. Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân đạt trên 6,5%/năm.

Các thông tin, dữ liệu đánh giá yếu tố tác động tới năng suất địa phương bao gồm: thứ nhất, hiệu quả hệ thống quản lý, cải thiện môi trường kinh doanh: Chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh (PCI); Chỉ số hài lòng của người dân về sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước (SIPAS); Chỉ số cải cách hành chính năm (PAR INDEX);

Thứ hai, cơ sở hạ tầng để thu hút đầu tư, mở rộng sản xuất kinh doanh: Đầu tư cơ sở hạ tầng; Vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn; Đầu tư trực tiếp nước ngoài; Phát triển các khu công nghiệp, cụm công nghiệp;

Thứ ba, năng lực hệ thống quản trị, phương thức sản xuất của các doanh nghiệp: Chính sách phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa; Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp; Kết quả thực thi các chương trình hỗ trợ DN; Ứng dụng các tiêu chuẩn, hệ thống quản trị tại DN;

Thứ tư, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo: Năng lực công nghệ trong các khu vực công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ; Các chương trình đổi mới công nghệ và các kết quả;

Thứ năm, chất lượng nguồn nhân lực: Tỷ lệ lao động qua đào tạo; Đánh giá đào tạo nhân lực theo nhu cầu sử dụng lao động.

Bà Nguyễn Lê Hoa – Chuyên gia Viện Năng suất Việt Nam chia sẻ về “Năng suất lao động cấp địa phương – thực trạng và một số vấn đề đặt ra” tại hội thảo.

Cũng theo bà Hoa, các vấn đề đánh giá năng suất địa phương gồm: Đo năng suất: Cục Thống kê báo cáo mức năng suất lao (trong Niên giám thống kê); Báo cáo tốc độ tăng NSLĐ khi có yêu cầu; Sở KH&CN báo cáo TFP, nhưng do chưa chủ động được phương pháp tính toán; Xây dựng mục tiêu nâng cao năng suất: Một số địa phương đưa mục tiêu năng suất vào kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội; 

Chính sách thúc đẩy năng suất địa phương: Chương trình KH&CN, Chương trình chuyển đổi số, Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Chương trình nông thôn mới…; Chương trình nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm, hàng hóa (triển khai QĐ số 1322/QĐ-TTg); Kế hoạch nâng cao năng suất dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (triển khai QĐ số 36/QĐ-TTg).

“Việc triển khai các chương trình/kế hoạch thúc đẩy năng suất địa phương từ 2010 đến nay đã tạo sự thay đổi, chuyển biến về nhận thức của các cấp quản lý, doanh nghiệp và cộng động, đạt được sự quan tâm của lãnh đạo. Cùng với đó, phong trào năng suất được hình thành, cộng đồng doanh nghiệp đã có kiến thức về cải tiến năng suất; Các doanh nghiệp được hỗ trợ trực tiếp đã thành công trong tăng cơ hội thị trường, cải tiến năng suất, tiết kiệm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh. Nhiều doanh nghiệp đã có kết quả nổi bật về cải tiến với mức tăng năng suất 15-30%; Tiềm lực về cải tiến năng suất được nâng cao như đầu tư cho các phòng thử nghiệm, nguồn nhân lực được đào tạo, phát triển chuyên gia năng suất trong nhiều lĩnh vực, các cán bộ quản lý đã tích lũy được kinh nghiệm”, bà Hoa nhấn mạnh.

Ảnh minh họa. 

Hiện nay, các tỉnh điển hình triển khai thành công chương trình bao gồm: Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Định, Bình Dương, Cần Thơ, Đồng Nai, Đồng Tháp, TP.Hà Nội, Hải Phòng, Lâm Đồng, Ninh Thuận, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quảng Ninh, Sóc Trăng, TP.Hồ Chí Minh, Vĩnh Long, Vĩnh Phúc.

Có thể thấy, đặc điểm chung của các địa phương triển khai chương trình năng suất thành công đó là DN trên địa bàn khá phát triển, quy mô lớn, số lượng DN công nghiệp nhiều. Cùng với đó, chương trình phù hợp với nhu cầu DN trong điều kiện hội nhập, nội lực của DN đáp ứng các yêu cầu đổi mới, áp dụng được hệ thống quản lý tiên tiến; GDP cao dẫn đến có tiềm lực đầu tư cho các hoạt động KHCN; Có nguồn nhân lực để triển khai (các tổ chức tư vấn, đào tạo đặt trụ sở tại các thành phố lớn: Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Hải Phòng, Quảng Ninh;

Một số địa phương mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng triển khai chương trình khá thành công như Ninh Thuận, Phú Thọ, Sóc Trăng là do nắm bắt được thực trạng DN và lồng ghép được chương trình với các chính sách phát triển kinh tế (chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn).

Ngược lại, vẫn còn có địa phương khó khăn khi triển khai chương trình thúc đẩy năng suất do DN chủ yếu quy mô nhỏ, hình thức sản xuất hộ gia đình, hợp tác xã, công nghiệp chưa phát triển, thiếu năng lực ứng dụng các mô hình, hệ thống quản lý tiên tiến; Các tỉnh nông nghiệp, đời sống còn khó khăn, kinh phí Nhà nước dành cho các chương trình xóa đói, giảm nghèo, chương trình nông thôn, miền núi, phát triển hạ tầng được ưu tiên hơn;

Cơ quan chủ trì thiếu nguồn lực, thiếu mạng lưới tư vấn, đào tạo trong nội bộ tỉnh để hỗ trợ công tác triển khai; Việc nhân rộng các mô hình có hiệu quả vào sản xuất và đời sống vẫn còn chậm. Các DN chỉ thực hiện khi có sự hỗ trợ của NN, sự chủ động đầu tư cho hoạt động đổi mới không cao.

Bà Hoa cũng đưa ra một số đề xuất, kiến nghị với cơ quan năng suất quốc gia, theo đó, công bố, xếp hạng chỉ tiêu năng suất địa phương; Đánh giá năng suất định kỳ; Chia sẻ các kết quả và hoạt động thúc đẩy năng suất; Hỗ trợ các địa phương về giải pháp cải tiến năng suất; Hỗ trợ đào tạo, phát triển nhân lực và thực thi các chương trình cải tiến năng suất.

Hà My

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích