Uống thuốc dài ngày gây hại đến gan

Uống thuốc dài ngày gây hại đến gan

MTĐT –  Thứ tư, 29/09/2021 18:18 (GMT+7)

Gan là cơ quan chịu trách nhiệm chính cho hoạt động chuyển hóa thuốc. Tuy nhiên, nếu sử dụng một lượng thuốc lớn, trong thời gian dài sẽ gây hại cho gan.

Gan là cơ quan chịu trách nhiệm chính cho hoạt động chuyển hóa thuốc. Tuy nhiên, nếu sử dụng một lượng thuốc lớn, trong thời gian dài sẽ gây ra hiện tượng tích lũy thuốc hoặc chất chuyển hóa của thuốc và gây hại cho gan.

Do vậy, khi đưa ra đơn thuốc cho người bệnh sử dụng, các bác sĩ đã phải cân nhắc rất cẩn thận về liều dùng, cách dùng và thời gian sử dụng sao cho vừa đem lại hiệu quả điều trị cao mà ảnh hưởng đến gan là thấp nhất. Đảm bảo sau liệu trình điều trị, gan có thể phục hồi dần trở lại.

Tuy nhiên, do tâm lý ngại đi tái khám trở lại nên khi đã hết một liệu trình điều trị bác sĩ kê, có những người bệnh tự ý cầm đơn thuốc ra ngoài mua về tiếp tục sử dụng. Điều này vô hình khiến cho áp lực tại gan gia tăng, phải hoạt động nhiều hơn và lâu dần xuất hiện viêm gan, gan nhiễm mỡ, xơ gan,… kèm theo hàng loạt các tác dụng phụ khác của thuốc. Không chỉ vậy, nhiều người khi bị bệnh không đi khám mà tự ý mua thuốc về sử dụng. Kết quả là bệnh có thể không đỡ mà chức năng gan lại suy yếu với các triệu chứng mệt mỏi, khó chịu, ăn uống khó tiêu, vàng da, vàng mắt,…

tm-img-alt

Tổn thương gan do dùng thuốc dài ngày

Thuốc có thể gây tổn thương gan theo 2 cơ chế chính:

– Do cơ địa bị dị ứng với thuốc: thường gặp ở đối tượng có cơ địa dị ứng hoặc có người thân bị dị ứng. Chỉ cần dùng thuốc với liều lượng rất ít có thể gây tổn thương gan vì cơ thể phản ứng quá mức với thuốc.

– Do dùng thuốc quá liều, sử dụng trong thời gian dài: thuốc ứ đọng ở gan gây ngộ độc gan, từ đó có thể làm tổn thương hệ thống khử độc, giảm khả nǎng thải độc ở gan và phá hủy tế bào gan.

Một số người không điều trị bệnh mãn tính nhưng có thói quen tự ý mua thuốc về dùng mà không có sự chỉ định của bác sĩ, dùng sai liều, sai toa hoặc tự ý kết hợp các loại thuốc thì về lâu dài có thể làm ảnh hưởng đến chức năng gan.

Một số loại thuốc thường bị lạm dụng có thể gây hại đến gan

Một ví dụ điển hình là ngộ độc gan do lạm dụng paracetamol. Với hiệu quả giảm đau, hạ sốt, nhiều người có thói quen sử dụng paracetamol ngay khi xuất hiện một cơn đau nào đó như đau đầu, đau bụng,… mà không cần biết nguyên nhân gây bệnh là gì. Trong mùa dịch COVID, F0 điều trị tại nhà có thể bị ngộ độc gan do sử dụng Paracetamol liều cao để hạ sốt trong thời gian dài mà không lắng nghe tư vấn của bác sĩ. Đến khi gan tổn thương nặng, xuất hiện các triệu chứng: Mệt mỏi, chán ăn, buồn nôn, nổi mẩn, vàng da, vàng mắt,… mới liên hệ với chuyên gia y tế.

Một ví dụ khác là lạm dụng thuốc giải độc gan methionin. Đây là loại thuốc được sử dụng để kích thích gan sản sinh glutathione – hoạt chất tham gia vào quá trình giải độc của gan (như giải độc paracetamol). Đồng thời, methionin cũng giúp chuyển hóa mỡ, đẩy lùi sự tích tụ mỡ ở gan,… Với những tác dụng như vậy nên người dân thường tự ý mua thuốc về dùng khi đột nhiên thấy mệt mỏi, tự nhận mình gan yếu. Hoặc trường hợp viêm gan do rượu, thuốc được bác sĩ kê đơn methionin về sử dụng thấy hiệu quả nên tự ý mua dùng tiếp mà không biết rằng methionin khi sử dụng liều cao hoặc trong thời gian dài cũng gây nhiều tác dụng phụ như: Tổn thương gan nặng thêm ở người bị suy gan, giảm chức năng chuyển hóa của gan, gây thiếu máu hồng cầu nguyên phát, nặng thêm xơ vữa động mạch, tắc mạch huyết khối,…

Ngoài hai ví dụ trên, một số thuốc cũng thường bị người dân lạm dụng như: corticoid trong điều trị viêm khớp, vitamin liều cao, thuốc giảm đau chống viêm không steroid,… Do vậy, hiện tượng gan bị “đầu độc” do lạm dụng thuốc cũng không hề hiếm gặp.

tm-img-alt

Biểu hiện cho thấy gan bị ảnh hưởng do dùng thuốc dài ngày

Tùy vào cơ chế tác động là do dị ứng hay dùng quá liều, dùng dài ngày mà các biểu hiện của tổn thương sẽ xuất hiện sau vài giờ, vài ngày hoặc vài tháng sau khi dùng thuốc. Nhiều trường hợp có thể tổn thương gan do thuốc không có triệu chứng điển hình nên khó nhận biết hoặc do xét nghiệm máu thấy có tăng men gan.

Với nhiều người đang điều trị các bệnh mãn tính phải sử dụng thuốc trong thời gian dài như điều trị lao, tiểu đường, trầm cảm… sẽ xuất hiện các triệu chứng mệt mỏi, chán ăn, buồn nôn, nổi mẩn…Sau đó, những triệu chứng rõ ràng của tổn thương gan có thể xuất hiện như là vàng da, nước tiểu sậm, khó thở, đau bụng, nôn mửa, tiêu chảy…

Do đó, trong quá trình sử dụng thuốc lâu ngày, nếu có biểu hiện tổn thương gan người bệnh nên đến khám tại các cơ sở y tế, cần khai báo đầy đủ tiền sử bệnh, cơ địa dị ứng và quá trình sử dụng thuốc để bác sĩ kiểm tra và đánh giá mức độ tổn hại của gan để chỉ định điều trị phù hợp, an toàn./.

PV(T/h)

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích