Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 29/11/2023
Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 29/11/2023
Tin tức môi trường mới nhất, nóng nhất hôm nay 29/11/2023. Cập nhật tin nhanh môi trường mới nhất hôm nay 29/11/2023 do Môi trường và Đô thị tổng hợp.
UBND huyện Mai Sơn thông tin sau vụ cá chết hàng loạt ở Sơn La
Theo báo cáo của UBND huyện Mai Sơn (Sơn La) cho biết, vào ngày 28/11, Đoàn liên ngành của huyện đã phối hợp với UBND xã Mường Bon, Trung tâm Quan trắc – Sở Tài nguyên và Môi trường đã tiến hành xác minh tình trạng cá chết tại ao của hộ ông Nguyễn Bá Mạnh tại bản Mứn Đoàn Kết, xã Mường Bon từ ngày 24/11.
Qua công tác kiểm tra, xác định được nguồn nước dẫn vào ao cá nhà ông Mạnh lấy từ nguồn suối chảy từ xã Chiềng Ban, Chiềng Mung chảy qua bản Lẳm Cút và bản Mứn Đoàn Kết. Đoàn công tác sau đó cũng đã tiến hành lấy 2 mẫu nước mặt tại suối và ao cá của ông Nguyễn Bá Mạnh; 1 mẫu nước dưới đất của hộ ông Lò Văn Cới, bản Mứn Đoàn Kết (cách ao cá khoảng 200m).
Sau cùng, UBND huyện Mai Sơn đã xác nhận thông tin vụ việc cá chết trên địa bàn, đồng thời cũng thừa nhận ô nhiễm môi trường do ảnh hưởng từ hoạt động sơ chế, chế biến cà phê quả tươi của các hộ gia đình, cá nhân là vấn đề không mới và thường xuyên tái diễn khi vào vụ. Đến nay, việc giải quyết dứt điểm tình trạng này còn gặp rất nhiều khó khăn.
Đến thời điểm hiện tại, UBND xã Mường Bon vận động người dân thu gom lượng cá chết mang tiêu hủy, không để người dân tiêu thụ sản phẩm ra thị trường.
Trước đó, nhiều trang mạng xã hội đăng tải hình ảnh và thông tin phản ánh tình trạng cá chết hàng loạt tại ao cá của các hộ gia đình thuộc xã Mường Bon, huyện Mai Sơn, Sơn La.
Theo thông tin người dân cung cấp, tại khu vực suối nước chảy từ xã Chiềng Mung qua bản Mứn Đoàn Kết nước có màu nâu đen, bốc mùi. Hiện tượng trên xuất hiện từ nhiều ngày trước đó.
Các hộ gia đình tại xã Mường Bon sử dụng nguồn nước từ con suối trên để dẫn vào ao nuôi cá của gia đình, nhiều ao cá có diện tích hàng nghìn m2. Theo người dân, số cá chết nhiều, nổi trắng mặt ao, thiệt hại ước tính hàng trăm triệu đồng.
Nhiều người nghi ngờ việc nguồn nước ô nhiễm là do hoạt động xả nước thải chế biến quả cà phê.
TP.HCM đối mặt với áp lực cung ứng nước sạch sinh hoạt
Theo Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn (Sawaco), TP.HCM là địa phương đầu tiên trên cả nước đảm bảo nước sạch đến với 100% hộ dân.
Tuy nhiên, việc cung ứng nước sạch ở TP.HCM đang đối mặt với không ít thách thức; trong đó có tình trạng nhiễm mặn ở các dòng sông do biến đổi khí hậu, đặc biệt là vào mùa khô.
Hiện tại, 7 nhà máy nước của Sawaco sử dụng nước mặt (chiếm 95% tổng sản lượng), chỉ 1 nhà máy dùng nước ngầm.
Ô nhiễm môi trường đô thị quanh các dòng sông cũng ngày càng tăng, áp lực nước cũng không đồng đều giữa các khu vực cũng là những vấn đề cần giải quyết.
Ngành nước thành phố đã và đang triển khai nhiều giải pháp để đảm bảo cung cấp nước sạch, an toàn, ổn định.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Minh Hòa, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển Đô thị TP.HCM, cho rằng trong những năm tới, việc cung ứng nước sạch trong bối cảnh biến đổi khí hậu sẽ gặp phải những thách thức rất lớn mà ngành cấp nước thành phố phải vượt qua để đảm bảo cung ứng nước sạch cho một thành phố năng động nhất cả nước.
Theo ông Nguyễn Minh Hòa, điều đầu tiên là dân số và biến động dân số. Hàng năm, TP.HCM tăng 250.000 người, chủ yếu là tăng cơ học.
Ngoài ra, TP.HCM kỳ vọng đón 8 – 10 triệu khách du lịch quốc tế và 15 – 20 triệu khách nội địa/năm. Số người tăng lên đồng nghĩa với lượng nước cung ứng sẽ tăng lên để đảm bảo mỗi người sử dụng 200 – 300 lít nước/ngày.
Tiếp đó là sự thay đổi trong mô hình quy hoạch không gian khi TP.HCM tích cực chuyển từ mô hình một trung tâm (Quận 1, Quận 3) thành thành phố đa trung tâm, hình thành các đô thị, các khu dân cư mới ở các vành đai, điển hình sẽ xuất hiện các khu đô thị mới như khu đô thị lấn biển 3.000 ha ở huyện Cần Giờ với 250.000 dân và 15 triệu khách du lịch/năm…
Việc quy hoạch trên diện rộng như thế đòi hỏi một hệ thống truyền tải nước rộng lớn hơn và mạnh hơn.
Hiện tượng biến đổi khí hậu sẽ là một trong những nhân tố tác động mạnh nhất và khó đoán định nhất. Theo kịch bản, khi trái đất nóng lên làm tan băng 2 cực, nước biển sẽ dâng.
Nếu nước biển dâng lên 0,7 – 1m thì toàn bộ vùng ĐBSCL bị ngập sâu và 72% diện tích TP.HCM bị ngập. Hiện tượng biến đổi khí hậu đang dần rõ nét, bằng chứng là đỉnh triều tăng cao từng năm.
Hệ quả của nước triều dâng là nước mặn xâm nhập vào sông Sài Gòn. Khi độ mặn từ 250 mg trở lên/lít (cấp độ 5) thì nước sông Sài Gòn không dùng cho tiêu dùng được nữa. Hệ quả của hạn hán là sông Sài Gòn và các hồ chứa như Trị An, Dầu Tiếng cũng cạn nước.
Ông Nguyễn Minh Hòa cho biết một thách thức lớn nữa là từ công tác quản lý. Hiện nay, 94% nguồn nước thô mà TP.HCM đang khai thác là từ hệ thống sông Sài Gòn và Đồng Nai. Tuy nhiên, thành phố nằm cuối lưu vực nên không thể kiểm soát được toàn tuyến.
Thượng nguồn sông Sài Gòn, Đồng Nai có 47 nhà máy, cơ sở sản xuất, khu công nghiệp xả thẳng nước thải ra sông làm cho nguồn nước đang ô nhiễm nặng. Đã đến lúc cần phải có một hội đồng quản lý sông Sài Gòn gồm lãnh đạo các tỉnh Bình Phước, Tây Ninh, Đồng Nai và TP.HCM.
Ngoài ra, còn có những thách thức khác liên quan đến xây dựng và giao thông. Hàng ngày, có cả triệu xe tải, xe máy di chuyển trên các tuyến ống cấp, thoát nước dẫn đến nguy cơ bể vỡ. TP.HCM đang bị lún, độ lún bình quân hàng năm là 2cm, có nơi 6 – 8cm.
Ở góc độ quản lý nhà nước, ông Nguyễn Viết Vũ, Trưởng phòng Tài nguyên nước, Khoáng sản và Biển đảo, Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, cho biết Sở cùng Sawaco đã có sự phối hợp nhịp nhàng, đảm bảo đủ nước sạch để cung cấp cho người dân.
Hiện nay, công suất khai thác nước mặt khoảng 2,1 – 2,3 triệu m3/ngày từ 2 nguồn chính là hồ Trị An và hồ Dầu Tiếng, lượng nước ngầm được khai thác dưới 5%.
Theo ông Trần Quang Minh, Tổng giám đốc Sawaco, Sawaco có tổng công suất thiết kế 2,4 triệu m3 nước/ngày và công suất phát nước hiện nay khoảng 1,89 triệu m3/ngày, phục vụ cho 13 triệu người đang sinh sống và làm việc ở thành phố với tổng chiều dài đường ống khoảng 11.000km.
Hiện Sawaco quản lý 1,6 triệu đồng hồ nước và doanh nghiệp đặt mục tiêu đến năm 2025, mỗi hộ dân ở Thành phố Hồ Chí Minh có 1 đồng hồ nước và chất lượng nước sinh hoạt hiện nay đạt tiêu chuẩn của Bộ Y tế.
Để ứng phó với các nguy cơ gây ảnh hưởng đến cung cấp nước sinh hoạt an toàn, theo ông Trần Quang Minh, Sawaco đang trong quá trình của việc điều chỉnh quy hoạch cấp thoát nước toàn thành phố, xây dựng các hồ chứa để tăng trữ lượng nước, phối hợp chặt chẽ với ban quản lý hồ Trị An và hồ Dầu Tiếng để xả mặn trong mùa khô. Bên cạnh việc xây dựng các kịch bản ứng phó kịp thời khi xảy ra sự cố, Sawaco cũng đang xây dựng trung tâm quản lý, vận hành hệ thống cấp thoát nước.
Đề xuất các giải pháp cụ thể, Tiến sỹ Lê Thanh Hòa, Trưởng khoa Đô thị học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia TP.HCM cho rằng, cần có giải pháp tăng cường thu gom, xử lý rác, nước thải ở các đô thị nhằm cải thiện môi trường nước sông Đồng Nai, sông Sài Gòn.
Hiện nay mới chỉ có 20% nước thải đô thị được xử lý. Do đó, cần tăng cường hệ thống quan trắc môi trường để thu thập kịp thời các thông số và xây dựng hệ thống thông minh để xử lý, cảnh báo chất lượng nước.
Các chuyên gia môi trường cũng đề xuất đẩy mạnh hợp tác công tư, tăng cường liên kết vùng trong quy hoạch cung ứng nước, tăng cường nghiên cứu khoa học trong ngành nước để nâng cao chất lượng nước sạch cũng như cần có sự chia sẻ trách nhiệm của các doanh nghiệp trong và ngoài nước trong sử dụng nước sạch tiết kiệm, hiệu quả.
Dưới góc độ đơn vị cung ứng nước sạch, Sawaco phối hợp với các nhà khoa học, chuyên gia môi trường để đưa ra kế hoạch toàn diện cho các chiến lược quản lý nguồn nước dài hạn; tổ chức tuyên truyền về thực hành sử dụng nước bền vững, tiết kiệm và giảm lãng phí nguồn nước; đầu tư công nghệ, thiết bị hiện đại để khắc phục tình trạng rò rỉ nước trên mạng lưới cấp nước nhằm giảm thất thoát nước; triển khai thí điểm chương trình lắp đặt đồng hồ nước thông minh cho các gia đình, doanh nghiệp.
Sawaco cũng đẩy mạnh truyền thông, khuyến khích khách hàng sử dụng nguồn nước có trách nhiệm, hiệu quả hơn thông qua định mức và biểu giá lũy tiến theo hướng tiêu thụ nhiều nước thì trả phí cao hơn; áp dụng nhiều biện pháp nhằm hợp lý hóa hoạt động sản xuất, tiết kiệm chi phí, đảm bảo nguồn lực tài chính; tăng cường nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, công nghệ thông tin, chuyển đổi số vào việc quản lý kỹ thuật, quản lý kế hoạch, quản trị doanh nghiệp, hướng đến xây dựng hệ thống cấp nước thông minh, nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng.
Miền Trung sắp đón mưa rất lớn
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, do ảnh hưởng của không khí lạnh kết hợp với nhiễu động gió Đông nên hôm nay (29/11), khu vực từ Thừa Thiên Huế đến Phú Yên có mưa, mưa rào rải rác.
Dự báo từ chiều tối ngày 30/11 đến 1/12, khu vực từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế có mưa to, có nơi mưa rất to và dông với lượng mưa phổ biến 70-150mm, có nơi trên 200mm.
Khu vực Nam Nghệ An và khu vực Đà Nẵng đến Bình Định từ chiều tối ngày 30/11 đến 1/12 cũng có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông với lượng mưa phổ biến 40-80mm, có nơi trên 100mm.
Cơ quan khí tượng cảnh báo, từ đêm 1/12 đến 3/12, khu vực Hà Tĩnh đến Khánh Hòa tiếp tục có mưa vừa, mưa to, cục bộ có mưa rất to với lượng mưa phổ biến từ 100-200mm, có nơi trên 250mm.
Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh, nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi và ngập úng tại nơi trũng thấp, khu đô thị.
Ngoài ra, khu vực phía Đông Tây Nguyên từ đêm 1-4/12 cũng có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có mưa vừa, mưa to. Khu vực Nam Bộ từ đêm 1-5/12 có mưa rào và dông rải rác vào chiều tối và tối, cục bộ có mưa vừa đến mưa to.
Do ảnh hưởng của không khí lạnh, từ đêm 30/11, miền Bắc và Bắc Trung Bộ chuyển rét, vùng núi Bắc Bộ có nơi rét đậm, rét hại.
Trong đợt không khí lạnh này nhiệt độ thấp nhất ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ phổ biến từ 15-18 độ, riêng khu vực vùng núi Bắc Bộ phổ biến 12-15 độ, vùng núi cao có nơi dưới 11 độ.
Cũng do ảnh hưởng của không khí lạnh, từ chiều tối 30/11, vịnh Bắc Bộ gió Đông Bắc mạnh cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8, sóng biển cao 2-4m, biển động mạnh, khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có gió Đông Bắc mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9, sóng biển cao 4-6m, biển động mạnh.
COP28 sắp diễn ra và các vấn đề đáng lưu ý
Kể từ khi Thỏa thuận Paris ra đời vào năm 2015, đây là lần đầu tiên các quốc gia được yêu cầu chứng minh sự tiến bộ của mình trong việc thực hiện các mục tiêu về khí hậu. Kiểm kê toàn cầu là một quá trình bắt buộc theo Thỏa thuận Paris, nhằm kiểm tra 5 năm một lần về tiến độ của các quốc gia trong việc đáp ứng các mục tiêu cắt giảm khí thải.
Theo đó, các quốc gia đặt ra các mục tiêu giảm phát thải ban đầu và phải cập nhật chúng với những thành tích tốt hơn sau mỗi 5 năm. Các cam kết tiếp theo sẽ diễn ra vào năm 2025.
Liên hợp quốc mô tả việc kiểm kê là “nhằm có cái nhìn sâu rộng và lâu dài về tình trạng của hành tinh, đồng thời vạch ra lộ trình tốt hơn cho tương lai”. Trong hai năm qua, Liên hợp quốc đã thu thập các dữ liệu cần thiết để đưa ra số liệu kiểm kê toàn cầu.
Về cơ bản, hội nghị COP28 nhằm mục đích đưa thế giới đi đúng hướng để hoàn thành các mục tiêu đã thống nhất vào năm 2015 là hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C. Để làm được điều đó, cần cắt giảm gần một nửa lượng khí thải trên thế giới.
Sau 12 tháng kể từ cuộc đàm phán COP27 ở Ai Cập, Trái đất có vẻ tiếp tục nổi con thịnh nộ và đang nóng lên nhanh chóng. Khoa học chỉ ra rằng hoạt động của con người là nguyên nhân chính gây biến đổi khí hậu, làm gia tăng các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt.
Trái đất vừa ghi nhận khoảng thời gian 3 tháng hè nóng nhất từ trước đến nay ở Bắc bán cầu (từ tháng 6 đến tháng 8). Năm 2023 cũng đang trên đà trở thành năm nóng thứ hai trong lịch sử được biết đến. Những đợt nắng nóng kỷ lục có thể cảm nhận trên khắp châu Âu. Hiện tượng này dẫn đến cháy rừng, kéo theo đó là mưa bão.
Sự nóng lên của Trái đất chủ yếu đến từ việc sử dụng nguyên liệu hóa thạch. Một trong những cuộc đàm phán gây tranh cãi nhất tại COP28 là vai trò tương lai của nhiên liệu hóa thạch, và liệu các quốc gia có nên cam kết bắt đầu loại bỏ dần việc sử dụng than, dầu và khí đốt phát thải CO2 hay không.
Trước đó tại COP26, các quốc gia đã đồng ý giảm dần việc sử dụng than, nhưng chưa bao giờ đồng ý loại bỏ tất cả nhiên liệu hóa thạch – nguồn phát thải chính khiến hành tinh nóng lên.
Mỹ, Liên minh châu Âu và nhiều quốc gia khác đang kiên quyết đạt được thỏa thuận COP28 cuối cùng là cam kết các nước loại bỏ dần nhiên liệu hóa thạch. Tuy nhiên, thỏa thuận này trước đó đã không được thống nhất tại một hội nghị khí hậu hồi tháng 7.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) báo cáo vào tháng 10 rằng nhiên liệu hóa thạch vẫn chiếm khoảng 80% tổng năng lượng sử dụng, nhưng đầu tư vào năng lượng sạch đã tăng 40% kể từ năm 2020.
COP28 hoàn thiện khung mục tiêu thích ứng toàn cầu; giải quyết các thiếu hụt và thách thức trong quá trình xây dựng và triển khai Kế hoạch quốc gia thích ứng với biến đổi khí hậu; lồng ghép thích ứng trong các lĩnh vực ưu tiên quốc gia hướng tới cách tiếp cận mang tính chuyển đổi, tạo điều kiện thuận lợi cho việc giám sát, đánh giá và tham gia nhiều bên trong hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu; tăng cường thực hiện các hành động thích ứng với biến đổi khí hậu ở các nước đang phát triển dễ bị tổn thương.
COP28 tập trung đặc biệt vào các giải pháp dựa vào tự nhiên, dựa vào hệ sinh thái. Hội nghĩ cũng tiếp tục thảo luận về các giải pháp để giải quyết vấn đề tổn thất và thiệt hại trên quy mô toàn cầu, cơ chế vận hành, đóng góp nguồn lực cho Quỹ Tổn thất và thiệt hại đã được thiết lập tại COP27.
Trà Vinh công bố tình huống khẩn cấp sạt lở, sụp lún bờ biển
Tin trên VOV, do chịu tác động của triều cường dâng cao, sóng lớn, trong đợt triều cường ngày 17-18-19 vừa qua, đoạn kè bảo vệ bờ biển ở xã Hiệp Thạnh (xây dựng từ năm 2008) đã xuất hiện nhiều vị trí sụp lún nghiêm trọng, tạo nhiều hố sâu hình lòng chảo và có khả năng phát sinh thêm trong thời gian tới.
Ngoài ra, nhiều khe liên kết các cấu kiện hình lục giác kè bờ đã bị hở, nguy cơ phần cát dưới lớp cấu kiện này sẽ bị cuốn trôi và sụp, lún vào các đợt triều cường sắp tới. Nếu không kịp khắc phục, nguy cơ gây vỡ kết cấu công trình, ảnh hưởng đến trực tiếp đời sống của 30 hộ dân trong khu vực.
Trong khi đó, bờ biển thuộc xã Trường Long Hòa cũng đang tiếp tục bị sạt lở, làm ảnh hưởng hàng trăm ha đất canh tác, đe dọa trực tiếp đến tính mạng, tài sản của 478 hộ và nhiều ha rừng ven biển. Tình trạng sạt lở còn gây mất an toàn, đe dọa đến khu thực nghiệm nuôi thủy sản của Trường Đại học Trà Vinh; trại giống thủy sản công nghệ cao Thông Thuận.
Để hạn chế thiệt hại gây ra, lãnh đạo UBND tỉnh Trà Vinh chỉ đạo cắm biển báo, cảnh báo các khu vực sạt lở và sụp, lún; thông báo rộng rãi trên phương tiện thông tin đại chúng về tình hình sạt lở, sụp lún tại khu vực này để người dân chủ động phòng, tránh.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với địa phương theo dõi chặt chẽ và sẵn sàng phương án ứng phó sự cố; thường xuyên cập nhật, báo cáo diễn biến sạt lở, đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo xử lý kịp thời.
Ông Trần Trường Giang, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Trà Vinh cho biết: “Sở NN&PTNT đã tuyên truyền, vận động người dân nâng cao nhận thức của mình. Ngoài ra, chúng tôi cũng triển khai nhiều giải pháp, về lâu dài, UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học, đánh giá toàn diện, tổng thể về hiện trạng, nguyên nhân gây ra sạt lở và đề xuất những giải pháp mang tính chất toàn diện hơn. Khi đề tài hoàn thiện, chúng tôi sẽ áp dụng những giải pháp đồng bộ hơn”.
Ngành y tế là một trong những nguyên nhân đáng kể gây ra biến đổi khí hậu
Unitaid đã xem xét chuỗi sản xuất 10 sản phẩm chăm sóc sức khỏe quan trọng, trong đó có thuốc điều trị bệnh sốt rét và HIV/AIDS. Cụ thể, các chuyên gia xem xét tác tác động đối với khí hậu của hoạt động thu mua nguyên liệu thô, xử lý chất thải, lượng khí thải carbon và ô nhiễm nhựa. Báo cáo cho thấy 10 chuỗi cung ứng này tạo ra hơn 3,5 triệu tấn carbon mỗi năm.
Theo cơ quan này, ngành y tế có thể cắt giảm lượng khí thải thông qua việc tái chế dung môi, nâng cao hiệu quả quy trình sản xuất, thiết kế lại sản phẩm và chuyển sang sử dụng năng lượng tái tạo.
Quan chức cấp cao của Unitaid, ông Vincent Bretin, cho biết Unitad đã xác định được 20 giải pháp có thể thực hiện để giảm 70% lượng khí thải của ngành đến năm 2030, trong đó 40% mức giảm không làm tăng chi phí sản xuất.
Ông Bretin nhận định biến đổi khí hậu đang ngày càng tạo sức ép lên hệ thống y tế, nhưng bản thân ngành y tế cũng là một trong những ngành phát thải nhiều khí nhà kính.
Báo cáo của Unitad cho biết: “Là nguồn tạo ra 4,6% lượng khí thải toàn cầu, ngành y tế là một trong những nguyên nhân đáng kể gây ra biến đổi khí hậu,” Đáng chú ý, chuỗi cung ứng sản phẩm y tế tạo ra hơn 70% lượng khí thải của ngành.
Báo cáo trên được công bố trước thềm Hội nghị lần thứ 28 Các bên Tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi Khí hậu (COP28) dự kiến khai mạc ở Dubai (Các Tiểu Vương quốc Arab Thống nhất – UAE) trong tuần này.
Đặc biệt, COP28 đánh dấu lần đầu tiên sự kiện dành riêng một ngày tập trung thảo luận mối quan hệ giữa khí hậu và y tế (ngày 3/12).
Unitaid cho biết sẽ trình bày báo cáo này tại COP28 và dựa trên báo cáo để định hình các khoản đầu tư của mình.
Cơ quan này muốn phát triển các sản phẩm y tế ít gây hại cho môi trường, có khả năng chống chịu và thích ứng tốt hơn với các rủi ro về khí hậu và môi trường.
Cảnh báo nguy cơ lũ lụt ven biển tăng gấp 5 lần vào cuối thế kỷ 21
Ngày 28/11, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) công bố dữ liệu đáng báo động cho thấy nguy cơ lũ lụt ven biển đang gia tăng đáng kể.
Cụ thể, trong hai thập kỷ qua, mực nước biển dâng làm tăng nguy cơ lũ lụt cho 14 triệu người ở các vùng ven biển, và nguy cơ này dự kiến sẽ tăng gần gấp 5 lần vào năm 2.100, ảnh hưởng đến gần 73 triệu người.
UNDP, phối hợp với Phòng thí nghiệm tác động khí hậu (CIL), công bố dữ liệu trên thông qua nền tảng Human Climate Horizons. Công cụ này cung cấp bản đồ chi tiết về khả năng xảy ra lũ lụt, làm nổi bật các khu vực nơi nhà cửa và cơ sở hạ tầng gặp rủi ro cao nhất do mực nước biển dâng.
Đáng chú ý, các khu vực ở Mỹ Latinh, châu Phi và Đông Nam Á đang phải đối mặt với mối đe dọa nghiêm trọng về tình trạng ngập lụt thường xuyên. Điều này có thể có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của con người, đặc biệt là các khu vực trũng thấp ở các quốc đảo nhỏ đang phát triển có nguy cơ đặc biệt.
Theo kịch bản nóng lên toàn cầu nghiêm trọng nhất, khoảng 160.000 km2 đất ven biển có thể chìm dưới nước vào năm 2100. Kịch bản này sẽ ảnh hưởng đến các thành phố lớn ven biển ở các quốc gia như Ecuador, Ấn Độ và Việt Nam. Tuy nhiên, theo báo cáo, việc giảm phát thải đáng kể có thể cứu được khoảng một nửa diện tích đất có nguy cơ bị ngập lụt.
Giám đốc Văn phòng Báo cáo phát triển con người của UNDP, ông Pedro Conceicao nhấn mạnh cần hành động khẩn cấp để giảm thiểu những rủi ro này. Ông cho biết: “Nghiên cứu mới của chúng tôi là lời nhắc nhở nữa cho những người ra quyết định tham dự Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 28 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP28) rằng đã đến lúc phải hành động”.
UNDP cảnh báo nếu không có hệ thống đê bao bờ biển hiệu quả, một số thành phố lớn trên toàn thế giới có thể chứng kiến hơn 5% diện tích của họ bị ngập trong nước lũ vào cuối thế kỷ này.
Human Climate Horizons không chỉ đưa thông số về mực nước biển dâng mà còn đưa ra số liệu dự báo về những tác động rộng lớn hơn của biến đổi khí hậu đối với nhiệt độ, tỷ lệ tử vong, sử dụng năng lượng và động lực lực lượng lao động trên 24.000 khu vực trên toàn cầu.
BTV
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị